Long An có nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp Long An tạo điều kiện để doanh nghiệp có cơ hội gặp gỡ, tìm kiếm các đối tác, nhà nhập khẩu, người mua hàng tiềm năng. Ngày 25-10, UBND tỉnh Long An phối hợp Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến kết nối giao thương – xúc tiến xuất khẩu – Long An 2023. Các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm thế mạnh của Long An. Ảnh: HD | Theo UBND tỉnh Long An, năm 2022, quy mô kinh tế của tỉnh đạt hơn 156 nghìn tỷ đồng, đứng đầu vùng ĐBSCL và xếp thứ 13 cả nước; GRDP bình quân đầu người đạt 90,2 triệu đồng/người; thu hút đầu tư FDI đạt hơn 10 tỷ USD, thuộc top 10 cả nước về thu hút vốn đầu tư FDI; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đứng top 10/63 tỉnh, thành trong cả nước. Thu hút đầu tư vào Long An 9 tháng đầu năm với 82 dự án FDI và vốn đầu tư là 543 triệu USD. Là tỉnh có kim ngạch xuất khẩu đứng đầu vùng ĐBSCL với hơn 900 doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Sản phẩm, hàng hóa của tỉnh Long An đã cung cấp ổn định cho hơn 110 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có nhiều thị trường có yêu cầu cao về chất lượng hàng hóa: Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, EU… Ông Nguyễn Văn Út, Chủ tịch UBND tỉnh Long An phát biểu tại hội nghị. Ảnh: HD | Ông Nguyễn Văn Út, Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết, quan điểm của tỉnh Long An là “muốn đi xa phải đi cùng nhau” nên Chính quyền Long An luôn đồng hành cùng với sự phát triển của các nhà đầu tư và doanh nghiệp. Các nhà đầu tư, doanh nghiệp sẽ được tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để thực hiện thành công dự án và phát triển bền vững tại Long An. Ông Nguyễn Văn Út kiến nghị Bộ Công Thương, các cơ quan ngoại giao tiếp tục, thường xuyên có những hoạt động hỗ trợ Long An, doanh nghiệp Long An xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp. Bà Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ Công Thương phát biểu tại hội nghị. Ảnh: HD | Phát biểu tại hội nghị, bà Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ Công thương đánh giá, Long An là một trong các tỉnh rất nỗ lực trong việc ổn định sản xuất, chủ động trong công tác tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là nông thủy hải sản, thực phẩm, dệt may…; giúp đỡ bà con nông dân, các doanh nghiệp, hợp tác xã tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm thông qua nhiều hoạt động xúc tiến thương mại thiết thực. Để góp phần tháo gỡ khó khăn cho các nhà sản xuất, xuất khẩu trong bối cảnh thị trường tiêu thụ vẫn còn khó khăn do nhu cầu thị trường nội địa và thế giới phục hồi chậm chạp, Bộ Công Thương tiếp tục đồng hành cùng các địa phương nói chung và Long An nói riêng đẩy mạnh hoạt động xúc tiến xuất khẩu, xúc tiến thương mại và kết nối giao thương nhằm tiêu thụ các sản phẩm thế mạnh của tỉnh cả ở thị trường trong nước và ra thị trường quốc tế. HUỲNH DU Pháp luật TPHCM
|