Chuẩn bị nhân lực đón các đại gia ngành bán dẫn đến Việt Nam Chất lượng nguồn nhân lực là một trong những yếu tố chính ảnh hưởng đến quyết định đặt nhà máy của các tập đoàn công nghệ đa quốc gia tại Việt Nam. Hơn 10 năm qua Việt Nam đã có sự chuẩn bị cho việc phát triển công nghiệp bán dẫn và Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM cũng trong xu thế đó. Trò chuyện với báo Pháp Luật TP.HCM về vấn đề này, TS Quách Thanh Hải, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, khẳng định: “Theo thống kê hiện có khoảng 5.000 kỹ sư làm việc trong lĩnh vực thiết kế vi mạch, trong đó kỹ sư từ Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM chiếm khoảng 12%”. TS Quách Thanh Hải | 10 năm chuẩn bị công nghiệp bán dẫn . Phóng viên: Để đón đầu làn sóng đầu tư công nghệ cao từ nước ngoài, Bộ GD&ĐT vừa tổ chức diễn đàn phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp bán dẫn. Vậy ông nhận định thế nào về tiềm năng cũng như sự sẵn sàng đáp ứng nguồn nhân lực để đón nhà đầu tư công nghệ cao vào Việt Nam? + TS Quách Thanh Hải: Tôi cho rằng với xu hướng phát triển khoa học công nghệ sắp tới thì ngành công nghiệp bán dẫn là chìa khóa để Việt Nam tăng tốc phát triển kinh tế. Chúng ta đang có lợi thế là được sự quan tâm của nhiều tập đoàn công nghệ lớn từ Mỹ, Hàn Quốc, Đài Loan… Chúng ta cũng có tiềm năng lớn trong việc phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, trong số đó có nguồn nhân lực cho ngành này. Bởi thực tế hơn 10 năm qua Việt Nam đã có sự chuẩn bị cho việc phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM cũng trong xu thế đó. Chúng tôi đã và đang tích cực đầu tư đào tạo nguồn nhân lực cho công nghệ bán dẫn ở cả ba công đoạn thiết kế, sản xuất và đóng gói chip. Bên cạnh việc đầu tư trang thiết bị, phòng thí nghiệm với hàng tỉ đồng mỗi năm, chúng tôi còn tập trung phát triển đội ngũ nhà giáo cho ngành trên thông qua việc tuyển dụng và cử giảng viên đi học tập, nghiên cứu tại các trung tâm phát triển công nghệ chip như Đài Loan, Hàn Quốc và Mỹ. Đặc biệt các chương trình đào tạo của chúng tôi có sự tham gia góp ý từ các nhà khoa học, từ các tập đoàn lớn về lĩnh vực chế tạo chip như Intel, Renesas, Samsung, FPT… Vì thế sinh viên tốt nghiệp ngành này đã tham gia vào chuỗi sản xuất chip bán dẫn tại Việt Nam hiện nay. Ngành bán dẫn thu hút sinh viên theo học tại Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM. Ảnh: HCMUTE | . Nhiều ý kiến cho rằng thời gian tới nhu cầu nhân lực cho lĩnh vực bán dẫn là rất lớn, bởi hiện Việt Nam cần 10.000 kỹ sư mỗi năm trong khi đào tạo chỉ đáp ứng chưa đến 20%. Ông nghĩ gì về nhận xét này? + Như tôi đã đề cập, với những dự báo khả quan về quy mô ngành sản xuất chip bán dẫn thế giới cũng như ở Việt Nam… thì chắc chắn trong thời gian sắp tới mức độ hấp dẫn của các ngành đào tạo phục vụ lĩnh vực bán dẫn càng gia tăng hơn nữa. Các số liệu đều cho thấy nhu cầu tuyển dụng cho ngành này là rất lớn, vì vậy rất có thể sẽ có sự bùng nổ tuyển dụng và đào tạo ngành này trong năm 2024. Tăng quy mô, chất lượng đào tạo . Nhiều ý kiến đánh giá sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là các lĩnh vực công nghệ cao như bán dẫn đang là một điểm nghẽn lớn trong thu hút các tập đoàn công nghệ lớn chuyển dịch địa điểm đầu tư, nghiên cứu, phát triển và sản xuất đến Việt Nam. Theo ông, làm cách nào để chúng ta khắc phục được điểm yếu trên? + Theo thông tin từ Bộ GD&ĐT, tổng nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực chip trong năm năm tới khoảng 20.000 và 10 năm tới khoảng 50.000 từ trình độ ĐH trở lên. Hiện tại, số nhân lực thiết kế vi mạch có khoảng 5.000 người, nhu cầu đào tạo vài năm tới khoảng 3.000 người/năm, trong đó số tốt nghiệp sau ĐH chiếm ít nhất 30%. Đặt những con số này bên cạnh chỉ tiêu tuyển sinh mà các trường đăng ký những năm vừa qua có thể thấy rằng về cơ bản đáp ứng được nhu cầu về số lượng nguồn nhân lực hiện tại. Nhưng trong tương lai thì cần tăng thêm về quy mô đào tạo. Về chất lượng nguồn nhân lực sau đào tạo có thể thấy rằng các trường đã có nhiều quyết tâm, giải pháp để đáp ứng cơ bản nhu cầu của thị trường. Tuy nhiên, các số liệu thống kê chỉ ra nhân lực cho ngành bán dẫn chỉ tập trung một số trường, vì vậy Chính phủ nên có đầu tư trọng điểm theo thế mạnh của từng trường để tránh lãng phí nguồn lực. . Vậy theo ông, tới đây các trường ĐH kỹ thuật, công nghệ hàng đầu của Việt Nam cần làm gì để đáp ứng yêu cầu về nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn vi mạch? + Các trường ĐH kỹ thuật, công nghệ hàng đầu của Việt Nam, trong đó có Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM đã có sự chuẩn bị và sẵn sàng về năng lực đào tạo đáp ứng yêu cầu về nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn vi mạch; nhân lực về nghiên cứu, phát triển, sản xuất vật liệu bán dẫn... Tuy nhiên, cái thiếu hiện nay là định hướng chiến lược: Chúng ta sẽ tham gia công đoạn nào, mảng nào trong lĩnh vực sản xuất chip. Tất nhiên không thể bắt chước Đài Loan được. Ngành bán dẫn và vi mạch có nhiều phân khúc, chúng ta cần chọn đầu tư đào tạo theo phân khúc nào để vừa khả thi mà sinh viên ra trường tìm được việc làm. Chứ trường nào cũng đầu tư theo một kiểu thì dẫn đến cạnh tranh lẫn nhau mà không hiệu quả. . Xin cảm ơn ông. Sản xuất chip bán dẫn tại Việt Nam được đánh giá là có nhiều tiềm năng. Ảnh: MINH HOÀNG | PHONG ĐIỀN thực hiện Pháp luật TPHCM
|