Thứ Bảy, 30/09/2023 09:03

Thông tin mới về số phận các ngân hàng yếu kém

Ngân hàng Nhà nước cho biết, việc xử lý các ngân hàng yếu kém thời gian qua kéo dài do đàm phán với ngân hàng thương mại khó khăn và phụ thuộc lớn vào việc tự nguyện tham gia của các ngân hàng. Cùng đó, các ngân hàng thương mại cần thời gian để thuyết phục cổ đông, nhất là cổ đông lớn, cổ đông chiến lược nước ngoài đồng thuận tham gia nhận chuyển giao bắt buộc...

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng vừa có báo cáo gửi Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết kỳ họp thứ 4 đối với lĩnh vực ngân hàng.

Trong năm 2022, Ngân hàng Nhà nước triển khai các giải pháp xử lý các ngân hàng được kiểm soát đặc biệt (trong đó có 3 ngân hàng mua bắt buộc) theo chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã báo cáo các cấp có thẩm quyền phương án cơ cấu lại các ngân hàng được kiểm soát đặc biệt và phương án xử lý cụ thể đối với từng ngân hàng.

Đến nay, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết quyết định chủ trương chuyển giao bắt buộc 2 ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước cũng đang chỉ đạo các bên liên quan thực hiện trình tự, thủ tục theo quy định tại Luật các Tổ chức tín dụng (đã sửa đổi, bổ sung) để trình Chính phủ phê duyệt phương án chuyển giao bắt buộc đối với 2 ngân hàng này và hoàn thiện phương án, trình Chính phủ quyết định chủ trương chuyển giao bắt buộc đối với một ngân hàng mua bắt buộc còn lại.

4 ngân hàng thương mại yếu kém thuộc diện phải tái cơ cấu, gồm: DongABank, CBBank, OceanBank, GPBank.

Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo các ngân hàng mua bắt buộc thuê tổ chức tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp, đảm bảo tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật. Các tổ chức tư vấn định giá đã phát hành chứng thư thẩm định giá và Ngân hàng Nhà nước đã gửi Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán kết quả.

Theo Ngân hàng Nhà nước, công tác cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, đặc biệt là với các ngân hàng được kiểm soát đặc biệt, ngân hàng yếu kém gặp nhiều khó khăn. Việc tìm kiếm, đàm phán ngân hàng thương mại đủ điều kiện nhận chuyển giao bắt buộc (năng lực tài chính, quản trị, kinh nghiệm cơ cấu tổ chức tín dụng yếu kém) kéo dài, gặp khó khăn do phụ thuộc lớn vào việc tự nguyện tham gia của các ngân hàng thương mại và cần thời gian để thuyết phục cổ đông, nhất là cổ đông lớn, cổ đông chiến lược nước ngoài.

Cơ chế chính sách, nguồn lực tài chính để xử lý tổ chức tín dụng yếu kém nói chung và để xây dựng phương án chuyển giao bắt buộc các ngân hàng mua bắt buộc và Ngân hàng thương mại Cổ phần Đông Á (DongABank) nói riêng còn nhiều bất cập, vướng mắc, thủ tục kéo dài.

Bên cạnh đó, việc phối hợp, tham gia ý kiến của các bộ, ngành liên quan còn kéo dài do việc xử lý các ngân hàng yếu kém phức tạp, chưa có tiền lệ. Năng lực cán bộ, công chức làm công tác thanh tra, giám sát còn hạn chế trong điều kiện áp lực xử lý khối lượng công việc lớn, phức tạp, yêu cầu khẩn trương về tiến độ (vừa thực hiện công tác thanh tra, giám sát vừa thực hiện công tác cơ cấu lại ngân hàng yếu kém).

Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện các giải pháp để xử lý cơ bản các ngân hàng yếu kém. Trong đó, sẽ tiếp tục hoàn thiện dự án Luật các Tổ chức tín dụng (sửa đổi), tập trung khắc phục các bất cập, hoàn thiện cơ chế xử lý các ngân hàng yếu kém, nâng cao năng lực quản trị, điều hành, đặc biệt là quản trị rủi ro của nhà băng, hạn chế, ngăn ngừa việc lạm dụng quyền quản trị, điều hành, quyền cổ đông để thao túng hoạt động ngân hàng vì mục đích vụ lợi.

Hiện tại có 4 ngân hàng thương mại yếu kém thuộc diện phải tái cơ cấu, gồm: DongABank, CBBank, OceanBank, GPBank. Từ giữa tháng 10/2022, Ngân hàng Nhà nước đưa Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) vào diện kiểm soát đặc biệt.

Dự kiến, CBBank cũng sẽ được chuyển giao về Vietcombank trong năm nay. Trước đó, ngày 5/3/2015, CBBank chính thức trở thành ngân hàng 100% vốn thuộc sở hữu Nhà nước với sự hỗ trợ toàn diện từ Vietcombank. Các ngân hàng sẽ nhận chuyển giao các ngân hàng yếu kém còn lại là MB, VPbank, HDbank.

Ngọc Mai

Tiền phong

Các tin tức khác

>   SHB tham gia Chương trình tài trợ thương mại toàn cầu của IFC với hạn mức 75 triệu USD (30/09/2023)

>   Tăng trưởng tín dụng vẫn ở mức thấp, hoạt động bảo hiểm gặp khó trong 9 tháng đầu năm 2023 (29/09/2023)

>   Phó Thống đốc NHNN: Sẽ tăng cường các giải pháp để doanh nghiệp dễ tiếp cận được tín dụng hơn (29/09/2023)

>   Tỉ giá sẽ ổn định tại mức nào? (28/09/2023)

>   Thấy gì từ động thái NHNN hút về 70,000 tỷ đồng qua kênh tín phiếu? (27/09/2023)

>   Ngân hàng nào thu nợ doanh nghiệp thu luôn 270 tỷ Quỹ bình ổn xăng dầu của dân? (27/09/2023)

>   Cho vay đảo nợ: Cẩn thận “của hời”? (02/10/2023)

>   Ba trụ cột trong chuyển đổi số tại VIB và những con số ấn tượng (27/09/2023)

>   Tìm cách hạ nhiệt tỉ giá (27/09/2023)

>   Thanh toán không tiền mặt phải đảm bảo an toàn, tiện lợi (26/09/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật