Thứ Hai, 02/10/2023 10:00

Cho vay đảo nợ: Cẩn thận “của hời”?

Sau khi Thông tư 06 mở rộng đối tượng được phép vay đảo nợ sang khách hàng cá nhân và hộ gia đình, nhiều ngân hàng đã triển khai gói lãi suất ưu đãi hỗ trợ. Tuy nhiên, thực tế, để hoàn thiện thủ tục vay đảo nợ lại không hề đơn giản.

Thông tư 06 được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành, có hiệu lực từ ngày 01/09/2023, mở rộng đối tượng được vay ngân hàng này trả ngân hàng khác sang các hộ gia đình và cá nhân vay ở các ngân hàng mua nhà hay vay tiêu dùng.

Ngay sau khi Thông tư 06 có hiệu lực, nhiều ngân hàng bắt đầu triển khai chính sách cho vay đảo nợ với lãi suất ưu đãi. Tuy nhiên, thực tế số trường hợp thỏa điều kiện và được vay đảo nợ lại rất ít.

Chi phí không hề rẻ hơn

Anh H. (quận 7) cho biết anh có liên hệ ngân hàng M. để vay đảo nợ cho khoản vay hiện tại. Mức lãi suất ngân hàng này đưa ra cho anh H. thấp hơn lãi suất ngân hàng đang vay từ 2-3%, tuy nhiên cũng chỉ áp dụng được từ 6 tháng đến 1 năm, sau đó lãi suất sẽ trở về mức thả nổi. Anh H. cho biết, mức lãi suất thả nổi sau khi hết ưu đãi cũng vào khoảng 11-12%/năm. Chưa kể đến mức lãi phạt thanh toán trước hạn cho ngân hàng hiện tại đang vay, anh H. cho rằng nếu được duyệt vay thì tổng chi phí cho khoản vay mới không rẻ hơn nhiều so với khoản vay cũ.

Liên hệ với anh D.K.H - nhân viên tín dụng của ngân hàng M., anh cho biết khoản vay đảo nợ cũng sẽ phải thực hiện tất cả các thủ tục như công chứng, thẩm định giá trị tài sản… Nên nhìn chung khi muốn vay đảo nợ tại một ngân hàng khác thì sẽ phát sinh phí trả nợ trước hạn, phí công chứng, phí thế chấp… Chưa kể đến quy trình thực hiện, giấy tờ thủ tục cũng phức tạp. Anh D.K.H cũng cho biết thêm, hiện nay có nhiều khách hàng có nhu cầu vay để đảo nợ, nhưng lại không thỏa được điều kiện để duyệt vay.

Cần có quy định, hướng dẫn cụ thể

Theo TS. Nguyễn Hữu Huân - Giảng viên Trường Đại học Kinh tế TPHCM, cái khó nhất hiện nay chính là các ngân hàng không cho chuyển nợ qua ngay mà phải nộp một tài sản đảm bảo khác.

Ví dụ ngân hàng B đồng ý nhận khoản nợ từ ngân hàng A, ngân hàng B sẽ không cho chuyển nợ qua ngay mà khách hàng phải nộp 1 tài sản đảm bảo khác vào để vay 1 khoản mới. Sau đó, khách hàng sẽ dùng tiền đó trả cho ngân hàng A để lấy tài sản đảm bảo ra. Cách chuyển này thật ra là “bình cũ rượu mới”, khách hàng vẫn phải có tài sản đảm bảo để chuyển khoản vay.

Nếu khách hàng không có tài sản đảm bảo thì không chuyển khoản vay được. Đây là điều bất cập nhất.

“Thông tư 06 cho phép cho vay đảo nợ có mặt tích cực là giúp tăng tính cạnh tranh giữa các ngân hàng. Nhưng thực tế, bản chất của hệ thống ngân hàng Việt Nam là độc quyền nhóm và nhu cầu vay nợ vẫn rất cao.

Mặc dù ngân hàng hiện tại đang thừa vốn, nhưng sẽ không tận dụng thông tư này quá nhiều để lôi kéo khách hàng. Thậm chí, quy trình cho vay đảo nợ giữa các ngân hàng với nhau đang khá phức tạp. Nếu là khách hàng tốt, ngân hàng cũ sẽ không muốn ‘nhả’ khách hàng ra, trong khi đó ngân hàng mới nhận khách hàng cũng có khả năng gặp rủi ro” - TS. Huân đánh giá.

Chuyên gia nêu ra giải pháp là cần có thêm những hướng dẫn cụ thể về việc đảo nợ, giúp quy trình vay đơn giản hơn.

Chẳng hạn, ngân hàng mới sau khi thẩm định quy trình, tài sản đảm bảo với khách hàng và đồng ý đảo nợ, có thể gửi công văn cho ngân hàng cũ để thực hiện quy trình đảo nợ.

NHNN cũng cần đưa ra quy trình, hướng dẫn cụ thể như: Chuyển tài sản đảm bảo như thế nào, thay đổi tất toán tài sản đảm bảo giữa 2 ngân hàng… và buộc 2 ngân hàng phải thực hiện.

Nhưng việc này cũng khó khả thi, vì vẫn phải theo cơ chế thị trường. Việc ngân hàng có đồng ý đảo nợ hay không và lãi suất bao nhiêu thuộc quyền quyết định của ngân hàng, NHNN không thể can thiệp quá sâu. Nếu ngân hàng đánh giá khoản vay tốt, họ sẽ chấp thuận cho vay.

Ở góc nhìn khác, nếu ngân hàng đang thừa vốn và muốn cho vay theo Thông tư 06, họ buộc phải giảm lãi suất đủ để khuyến khích khách hàng chuyển nợ sang và đương nhiên khách hàng cũng phải cân nhắc mức lãi phạt để trả nợ trước hạn. Nếu tính luôn cả lãi phạt, mức lãi suất mới có hấp dẫn hơn không?

Hiện nay, nhóm Big 4 ngân hàng đang triển khai các mức lãi suất cho vay hấp dẫn từ 8-9%/năm, trong khi những ngân hàng nhỏ trong khoảng 11-12%/năm. Khách hàng vay ở những ngân hàng nhỏ thường tiêu chuẩn không cao, đồng nghĩa với việc họ không đủ điều kiện để vay ngân hàng lớn.

Thông thường, những ngân hàng lớn với lãi suất hấp dẫn, tỷ lệ cho vay trên tài sản đảm bảo cũng thấp và giá trị định giá cũng thấp hơn giá thị trường nhiều. Trong khi đó, các ngân hàng nhỏ thậm chí có thể cho vay đến 80% giá thị trường của tài sản đảm bảo, do vậy khi chuyển qua, đòi hỏi người vay phải nộp thêm tiền.

Nhìn chung, phân khúc khách hàng giữa ngân hàng lớn và ngân hàng nhỏ khác nhau. Nếu khách hàng muốn vay được tỷ lệ cao thì thường sẽ vay ngân hàng nhỏ, với điều kiện dễ dàng hơn và lãi suất cao hơn. Còn ở những ngân hàng lớn, lãi suất ưu đãi hơn, đòi hỏi điều kiện phải chặt chẽ hơn và tỷ lệ vay thấp.

Do vậy, nếu có cho vay đảo nợ, cũng sẽ có thể xảy ra giữa các ngân hàng cùng phân khúc với nhau.

Thông tư 10 không tác động nhiều trong việc làm giảm mặt bằng lãi suất cho vay

TS. Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia kinh tế cho rằng, vấn đề vay đảo nợ sẽ phụ thuộc vào ngân hàng thứ hai thẩm định rủi ro như thế nào. Nếu khoản vay có vấn đề, ngân hàng sau sẽ không gánh rủi ro cho ngân hàng trước đó. Ngân hàng mới chỉ có thể chấp nhận đảo nợ nếu nợ của ngân hàng cũ tốt hoặc ít nhất trong tình trạng bình thường.

Thứ hai, tại ngân hàng cũ, với những món vay trung và dài hạn, sẽ bị áp dụng lãi phạt trả trước hạn. Khoản lãi phạt này cộng với lãi suất mới của ngân hàng mới thì tổng chi phí chưa chắc đã thấp hơn lãi suất cũ.

Thứ ba, các ngân hàng rất cạnh tranh với nhau, trong tình trạng đồng dạng, các ngân hàng có chi phí vốn tương đương nên khi cho vay sẽ cho vay tương đương nhau. Do đó, rất ít có trường hợp vay 1 ngân hàng với lãi suất thật thấp để trả nợ cho 1 ngân hàng có lãi suất quá cao.

Trường hợp khách hàng không có nợ xấu tại ngân hàng thứ nhất và tình hình tài chính ổn định, có tài sản thế chấp có giá trị, TS. Hiếu cho rằng, sẽ có cơ hội tiếp cận với ngân hàng thứ hai và dùng ngân hàng thứ hai để đảo nợ cũ.

Thế nhưng, khách hàng phải tính toán kỹ lưỡng việc đảo nợ có thực sự lợi hay không so với khoản vay tại ngân hàng cũ, chưa kể đến các chi phí của ngân hàng mới.

TS. Hiếu dự báo, Thông tư 10 sẽ không tác động nhiều trong việc làm giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Có thể về tâm lý sẽ giúp cho doanh nghiệp cảm thấy thoải mái hơn vì không cấm cho vay đảo nợ, nhưng thực tế có đủ điều kiện vay hay không lại là chuyện khác.

Hiện nay, các ngân hàng cho vay với lãi suất dựa trên 3 yếu tố. Thứ nhất, lãi suất đầu vào tức chi phí vốn để ngân hàng thứ hai có thể cho vay với lãi suất thấp thì chi phí vốn của họ phải rất thấp. Trong khi lãi suất huy động thời gian qua có giảm nhưng không phải tất cả các ngân hàng đều giảm mạnh. Đặc biệt, lãi suất trung dài hạn không giảm nhiều.

Thứ hai, các ngân hàng muốn cho vay đảo nợ cũng phải tính toán đến mức độ rủi ro. Mức độ rủi ro không thay đổi, nền kinh tế hiện đang có độ rủi ro rất cao, nhiều doanh nghiệp không trả được nợ, không có đơn hàng, do đó tình hình doanh nghiệp chưa được cải thiện một cách đáng kể để ngân hàng có thể giảm lãi suất cho vay.

Lãi suất là hàm số của rủi ro. Nếu rủi ro đang trong xu hướng tăng lên thì lãi suất khó có thể giảm.

Thứ ba, tình hình nợ xấu của các ngân hàng cũng đang tăng. Các ngân hàng vẫn muốn giữ lãi suất cao, thậm chí còn tăng lãi suất để bù trừ cho thiệt hại do nợ xấu.

Do đó TS. Hiếu khẳng định lại, Thông tư 10 không có tác động mạnh mẽ trên thị trường tín dụng ngân hàng.

* Mua nợ lẫn nhau sẽ ảnh hưởng đến các ngân hàng nhỏ

* Vì sao Thông tư 06 vừa được ban hành đã phải thay đổi?

* Chính thức ngưng hiệu lực một số nội dung về hoạt động cho vay của ngân hàng tại Thông tư 06

Cát Lam

FILI

Các tin tức khác

>   Ba trụ cột trong chuyển đổi số tại VIB và những con số ấn tượng (27/09/2023)

>   Tìm cách hạ nhiệt tỉ giá (27/09/2023)

>   Thanh toán không tiền mặt phải đảm bảo an toàn, tiện lợi (26/09/2023)

>   Ngân hàng Nhà nước liên tục phát hành tín phiếu xử lý 'bệnh' thừa tiền? (26/09/2023)

>   Agribank đấu giá các tài sản thế chấp liên quan đến Tân Hoàng Minh, tổng dư nợ gần 308 tỷ đồng (26/09/2023)

>   Khi ngân hàng này cho vay để… trả nợ ngân hàng khác (26/09/2023)

>   Từ 1/10: Tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn sẽ giảm còn 30% (26/09/2023)

>   Khẩn trương truy bắt đối tượng dùng súng tự chế cướp ngân hàng (25/09/2023)

>   NHNN hút thêm 10,000 tỷ đồng qua kênh tín phiếu (25/09/2023)

>   Cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và ổn định hệ thống tài chính (25/09/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật