Cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và ổn định hệ thống tài chính
Áp lực tỷ giá sẽ làm tăng nghĩa vụ nợ nơi các doanh nghiệp, đặc biệt là với khu vực tư nhân, đồng thời làm tăng giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất và hàng tiêu dùng nhập khẩu. Thực trạng này sẽ làm gia tăng áp lực lên lạm phát trong nước, buộc các nhà điều hành phải cân bằng giữa mục tiêu ổn định vĩ mô và tăng trưởng kinh tế.
Động lực xuất khẩu suy yếu khiến nền kinh tế khó đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm. Ảnh minh hoạ: H.P
|
Khó hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm
Tại một diễn đàn kinh tế – xã hội diễn ra tuần qua, các kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2023 được nhiều chuyên gia cập nhật.
TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, ở kịch bản cơ sở, GDP dự báo tăng trưởng 5,2-5,5%. Nhưng nếu kinh tế thế giới suy thoái nặng hơn, Việt Nam tận dụng ít hơn các cơ hội từ các động lực tăng trưởng mới thì GDP dự báo chỉ tăng 4,4-4,5%.
Trường hợp kinh tế thế giới sớm phục hồi, các động lực tăng trưởng mới gồm chuyển đổi số, liên kết vùng và việc thúc đẩy hai “đầu tàu” kinh tế là Hà Nội, TPHCM được tận dụng triệt để, tăng trưởng kinh tế có thể đạt 5,5-6%.
“Nếu Việt Nam có thể củng cố tốt hơn các động lực tăng trưởng hiện hữu và khai thác tốt hơn các động lực tăng trưởng mới, mức tăng trưởng có thể cao hơn”, ông Lực kỳ vọng.
Tuy vậy, mức dự báo tăng trưởng kinh tế ở ba kịch bản đưa ra đều thấp hơn mục tiêu Quốc hội, Chính phủ đưa ra năm nay là 6,5%.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Trường chính sách công và quản lý Fulbright Việt Nam, đánh giá việc đạt tốc độ tăng trưởng 6,5% cả năm 2023 là “vô cùng khó khăn, nếu không muốn nói là khó khả thi” vì hai quí cuối năm phải tăng đến 9% so với cùng kỳ.
Nguyên nhân là cả 3 động lực tăng trưởng hiện nay của nền kinh tế Việt Nam là tiêu dùng nội địa, đầu tư và xuất khẩu đều không theo hướng chuyển đổi xanh và kinh tế tuần hoàn. Theo đó, ông Thành dự báo tăng trưởng GDP năm nay khoảng 5,5-5,9% nếu giải ngân đầu tư công đạt 95% kế hoạch Thủ tướng giao.
Vài tháng trước, các tổ chức quốc tế cũng đều điều chỉnh dự báo tăng trưởng Việt Nam năm nay. Chẳng hạn, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hạ dự báo GDP Việt Nam năm 2023 xuống 5,8% từ mức 6,5% đưa ra trước đó.
Tương tự, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng UOB cũng đều hạ tăng trưởng Việt Nam năm nay 0,8-1,1% so với dự báo hồi đầu năm, lần lượt 4,7% và 5,2% do những áp lực lớn từ tổng cầu bên ngoài giảm mạnh, tác động đến xuất khẩu.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nhìn nhận việc đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2023, giai đoạn 5 năm 2021-2025 và cả thời kỳ chiến lược 2021-2030 là “hết sức khó khăn” vì nhiều động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế trong 8 tháng đầu năm 2023 có dấu hiệu chậm lại, thậm chí suy giảm và đang chịu áp lực rất lớn từ bên ngoài.
Cụ thể, xuất khẩu hàng hóa tiếp tục đà suy giảm, 8 tháng đầu năm giảm 10% so với cùng kỳ, mạnh nhất trong cùng kỳ 12 năm trở lại đây. Thị trường trong nước chưa được thúc đẩy hiệu quả, trong đó thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản còn khó khăn và tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Thu hút vốn FDI vẫn gặp nhiều thách thức trong dự án quy mô lớn, công nghệ cao, có tính lan tỏa sâu, rộng. Giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt như kỳ vọng, chưa có sự lan tỏa với đầu tư tư nhân, chưa thể hiện vai trò nòng cốt trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Theo Chủ tịch Quốc hội, đất nước đang đứng trước rất nhiều khó khăn, nhiều diễn biến mới nặng nề hơn dự báo. Thị trường lao động gặp khó khăn khi doanh nghiệp phải giảm giờ làm, giảm ca. Khả năng chống chịu của doanh nghiệp, nền kinh tế còn hạn chế và ngày càng bộc lộ rõ nét.
“Đây đều là những vấn đề vừa cơ bản, dài hạn, vừa mang tính thời sự, cấp bách, đòi hỏi phải có giải pháp ứng phó ngay trong ngắn hạn và giải pháp căn cơ có tầm chiến lược lâu dài”, ông Huệ nói.
Những vấn đề hiện hữu
Khó hoàn hành mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm dù khơi thông các nguồn lực và giải ngân 95% kế hoạch vốn đầu tư công, nền kinh tế còn phải đối mặt với áp lực thanh khoản khi “ngân hàng thừa tiền – doanh nghiệp thiếu vốn”, áp lực tỷ giá làm hẹp dư địa dư địa giảm lãi suất điều hành để hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Về áp lực tỷ giá, TS Phạm Thế Anh, giảng viên Trường đại học Kinh tế quốc dân, cho biết Việt Nam không còn nhiều dư địa để hạ thêm lãi suất, bởi 3 yếu tố: các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới tiếp tục duy trì mặt bằng lãi suất cao; điều kiện lãi suất thực dương trong nước (lãi suất huy động ngắn hạn đã xấp xỉ bằng lạm phát lõi); cam kết ổn định tỷ giá và dòng vốn ngoại. Thực tế, từ đầu năm đến nay, các ngân hàng Trung ương trên thế giới có 129 lượt tăng lãi suất, 37 lượt giảm lãi suất, riêng Việt Nam đã có 4 lần giảm lãi suất điều hành.
Còn ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường của Công ty chứng khoán VNDirect, cho biết số Dollar Index (DXY) tăng lên 104,8 điểm vào ngày 13-9-2023 – cao hơn 2,9% so với cuối tháng 7, trước khả năng Fed tăng lãi suất thêm một lần trong năm 2023, đã gây áp lực lên đồng Việt Nam khi tỷ giá USD/VND liên ngân hàng tăng lên mức 24.147 vào ngày 13-9-2023 – cao hơn 1,9% so với cuối tháng 7 và 2,2% so với đầu năm.
Tỷ giá tăng, theo ông Hinh, sẽ làm tăng nghĩa vụ nợ, đặc biệt là với khu vực tư nhân. Đồng thời, làm tăng giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất và hàng tiêu dùng nhập khẩu, từ đó gia tăng áp lực lên lạm phát trong nước.
“Áp lực từ tỷ giá càng lớn thì càng ít dư địa cho NHNN tiếp tục giảm lãi suất điều hành”, ông Hinh nói và dự báo rằng NHNN sẽ tạm dừng hạ lãi suất điều hành ít nhất đến nửa đầu năm 2024.
Về áp lực thanh khoản, lãi suất cho vay liên tục giảm, nhưng tín dụng toàn hệ thống luỹ kế từ đầu năm tới 29-8-2023 chỉ tăng 5,33%, trong khi cùng giai đoạn năm 2022 tăng 9,87%. Ngược lại, Lãi suất tiền gửi bình quân kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại đã giảm xuống mức 5,9% vào ngày 31-8, thấp hơn 0,5% so với cuối tháng 7-23 và 2,% so với cuối năm 2022 do sự dư thừa của thanh khoản hệ thống ngân hàng trong bối cảnh nhu cầu tín dụng yếu.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó tổng giám đốc Vietcombank, cho biết tăng trưởng huy động vốn của ngân hàng này cao gấp 6 lần tăng trưởng tín dụng giai đoạn từ đầu năm 2023 tới nay. Do đó, ngân hàng phải chịu áp lực rất lớn trong giải ngân vốn.
Lý giải điều này, ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch Công ty cổ phần quốc tế Sơn Hà, kiêm Chủ tịch Hội doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực Hà Nội, cho biết việc tiếp cận vay vốn với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) khó, thủ tục rườm rà, thời gian xem xét vay dài.
“Với khoản vay vốn ngắn hạn, thời gian xét 1-3 tháng, khoản vay trung dài hạn duyệt 3 tháng, thậm chí có khoản vay 6 tháng”, ông Sơn nói và đề nghị các ngân hàng áp dụng công nghệ 4.0 vào quy trình phê duyệt, gắn KPI thời gian phê duyệt để đạt thời gian giải ngân là 1 tháng cho các khoản vay.
Bà Nguyễn Thị Huyền Thương, Tổng giám đốc Công ty cổ phần tập đoàn Nagakawa, cho biết doanh nghiệp được các ngân hàng tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn phục vụ sản xuất – kinh doanh. Thậm chí một số ngân hàng có quan hệ hợp tác với doanh nghiệp đã nhiều lần giảm lãi suất theo các chương trình hỗ trợ lãi suất cho vay theo từng thời kỳ.
Tuy nhiên, việc các ngân hàng đỏi hỏi tỷ lệ tài sản đảm bảo trên vốn vay lớn khiến hạn mức tín dụng của doanh nghiệp bị thu hẹp. Ngoài ra, mức lãi suất và phí dịch vụ liên quan hiện hành khiến doanh nghiệp khó tối ưu được chi phí tài chính trong bối cảnh thị trường có mức độ cạnh tranh cao. Điều này khiến các chỉ số tài chính của doanh nghiệp suy giảm, trong khi ngân hàng vẫn duy trì việc đánh giá xếp hạng doanh nghiệp theo cách thông thường, làm doanh nghiệp giảm khả năng tiếp cận vốn giá rẻ hơn.
Khác với hai doanh nghiệp trên, không ít doanh nghiệp bị ngân hàng từ chối do phương án kinh doanh không tốt, tài chính không minh bạch, theo ông Nguyễn Thanh Tùng – Phó tổng giám đốc Vietcombank.
“Hiện ngân hàng đang thừa tiền, cũng đang đau đầu vì tìm mọi cách đảy vốn ra nền kinh tế, thế nhưng phòng ngừa rủi ro vẫn là mục tiêu hàng đầu khi cho vay vốn. Vì vậy, ngay chính bản thân doanh nghiệp, cũng cần phải có những giải pháp để phát triển sản xuất kinh doanh, tạo uy tín và lòng tin đối với ngân hàng, để 2 bên cùng nhau hỗ trợ và phát triển”, ông Tùng nói.
Ưu tiên ôn định hệ thống tài chính
TS Trương Văn Phước, nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, dự báo Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với nhiều rủi ro, gồm: tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm xuống, đặc biệt là tại các thị trường xuất khẩu lớn sẽ tạo áp lực lên khu vực xuất khẩu và việc làm cho người lao động; sự bất ổn của chính trị, kinh tế và tài chính toàn cầu kết hợp với các chính sách dịch chuyển đầu tư về nội địa sẽ khiến cho các dòng vốn đầu tư nước ngoài không còn dồi dào như trước; áp lực tỷ giá tuy đã giảm trong nửa đầu năm 2023 nhưng luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát khi chênh lệch lãi suất trong và ngoài nước thay đổi; năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường nội địa và nước ngoài, khả năng hấp thụ vốn sụt giảm, tỷ lệ nợ quá hạn và nợ xấu tại hệ thống ngân hàng gia tăng cùng với thị trường trái phiếu ảm đạm cho thấy thị trường tài chính cần nhiều thời gian và nguồn lực để phục hồi chức năng cung ứng vốn của mình.
Do đó, chuyên gia này khuyến nghị phải bảo đảm sự phối hợp hài hòa giữa chính sách tài khoá – tiền tệ và ổn định thị trường tài chính. Để làm được việc này, cần nhận thức đúng đắn về tình hình lạm phát để xử lý tốt mối quan hệ giữa lạm phát, lãi suất và tỷ giá đặt trong bối cảnh tổng thể kinh tế vĩ mô.
“Hiện lạm phát không đáng ngại, chính sách tiền tệ nên được điều hành theo hướng hỗ trợ hoạt động sản xuất – kinh doanh và tiêu dùng, góp phần giúp nền kinh tế phục hồi”, ông Phước kiến nghị.
Với bối cảnh hiện nay, chuyên gia này cho rằng việc chỉ sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ như giảm lãi suất điều hành và nghiệp vụ thị trường mở sẽ chỉ mang lại một phần hiệu quả trong nhiệm vụ giảm mặt bằng lãi suất huy động và cho vay. Muốn đạt được mục tiêu giảm tiếp lãi suất, cơ quan quản lý nhà nước cần sử dụng các công cụ mạnh mẽ hơn như dự trữ bắt buộc và tái cấp vốn để cung ứng một lượng vốn với lãi suất thấp và có tính ổn định hơn vào hệ thống ngân hàng thương mại.
“Các giấy tờ có giá, hồ sơ tín dụng đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định sẽ được các ngân hàng thương mại sử dụng để tiếp cận với một lượng vốn với chi phí thấp hơn đáng kể so với huy động từ thị trường, từ đó làm giảm chi phí huy động vốn bình quân và kéo giảm lãi suất cho vay”, ông Phước phân tích.
Còn TS Vũ Nhữ Thăng, Phó chủ tịch phụ trách Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, cho rằng thị trường tài chiến hiện tồn tại nhiều điểm nghẽn, gồm: quy mô tín dụng/nền kinh tế ở mức cao so các nước cùng trình độ phát triển; tín dụng vẫn tập trung nhiều vào lĩnh vực bất động sản và có xu hướng tăng nhanh (nhiều tổ chức tín dụng có tỷ lệ tập trung vào bất động sản 30-40%); tín dụng vào 5 lĩnh vực ưu tiên còn thấp; nguồn cung ứng vốn tín dụng trung và dài hạn phụ thuộc nhiều vào vốn tín dụng ngân hàng, trong khi kênh chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn.
Do đó, chính sách tiền tệ thời gian tới phải kiểm soát tăng trưởng tín dụng hợp lý, nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, hướng nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ dòng vốn tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro cao. Đồng thời, đẩy nhanh và thực hiện có hiệu quả các đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém.
Với áp lực tài chính ngắn hạn của doanh nghiệp, TS Phạm Thế Anh cho rằng chính sách tiền tệ hiện nay chỉ nên tập trung vào giảm lãi suất cho vay, gỡ bỏ những rào cản chưa phù hợp trong việc tiếp cận tín dụng với các doanh nghiệp. Đồng thời, tăng cường giám sát và quản trị rủi ro hệ thống.
“Tốc độ tăng cung tiền trong hai năm gần đây khá thấp, do vậy bơm thanh khoản là cần thiết để duy trì mặt bằng lãi suất thấp. Tuy nhiên, trong dài hạn Việt Nam cần ổn định được tỷ lệ cung tiền rộng/GDP, vốn đã rất cao so với các nước cùng trình độ phát triển trong khu vực, để tránh gây bong bóng giá tài sản và lạm phát”, ông Thế Anh lưu ý.
Còn ông Lê Vĩnh Sơn đề nghị các ngân hàng điều chỉnh linh động trong đánh giá chỉ tiêu tài chính, xem xét lại việc thu lãi phạt trả nợ trước hạn với doanh nghiệp.
“Chúng tôi trả nợ trước hạn mà bị phạt trả lãi trước hạn 1-5%, tức nếu có nguồn thu từ dự án để trả nợ thì sẽ bị phạt. Tôi đề xuất miễn phí trả nợ trước hạn, hoặc nếu có chỉ 1%”, ông Sơn nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Trọng Hoa, đại diện Công ty TNHH Vật tư và Kết cấu thép, kỳ vọng ngân hàng có thể đưa ra các gói lãi suất ưu đãi cho các ngành sắt, thép, thủy điện… Với tái cấp hạn mức tín dụng, ông này cho biết việc này luôn bị kéo dài thời gian và thêm rắc rối về tài sản đảm bảo, nên mong muốn phía ngân hàng sẽ linh động hơn trong thẩm định hồ sơ vì đã có quan hệ lâu dài và hiểu biết với nhau.
“Ngoài việc cấp tín dụng thường xuyên, cần phải có sự linh hoạt trong từng thời điểm cụ thể, hỗ trợ để doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn trong từng dự án”, ông Hoa đề xuất.
Vân Phong
TBKTSG
|