Ngân hàng Nhà nước đã trình chủ trương cơ cấu lại SCB
Ngân hàng Nhà nước đã trình Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương cơ cấu lại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB).
Ngày 18-9, tiếp tục phiên họp thứ 26, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét các báo cáo về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết kỳ họp thứ 4.
Trước đó, Chính phủ đã có báo cáo gửi Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện một số nghị quyết giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ.
Ở lĩnh vực ngân hàng, Chính phủ cho biết đến nay Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã trình và được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc bốn ngân hàng được kiểm soát đặc biệt. Bốn ngân hàng được “điểm tên”, gồm: Ngân hàng Xây dựng (CBBank), Ngân hàng Đại Dương (OceanBank), Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GP Bank)) và Ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank).
Trước đó, vào năm 2015, trong quá trình cơ cấu hệ thống ngân hàng, ba ngân hàng (CBBank, OceanBank, GPBank) bị mua lại với giá 0 đồng. Cũng trong năm này, DongABank bị kiểm soát đặc biệt.
Hiện các bên liên quan đang thực hiện các nội dung tiếp theo sau khi chủ trương được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Sau đó, NHNN sẽ trình Chính phủ phê duyệt phương án cơ cấu lại các ngân hàng này.
Riêng trường hợp Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) được đưa vào diện kiểm soát đặc biệt từ tháng 10-2022, báo cáo cho hay chủ trương cơ cấu lại ngân hàng này đã được NHNN trình Chính phủ xem xét, quyết định. Chủ trương này được đưa ra trên cơ sở báo cáo đánh giá tổng thể thực trạng, đề xuất chủ trương cơ cấu lại của chính ngân hàng và Ban kiểm soát đặc biệt SCB.
Trước đó, tại Nghị quyết 144 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8, Chính phủ yêu cầu NHNN Việt Nam tập trung xử lý các ngân hàng yếu kém, trong đó phải báo cáo cấp có thẩm quyền về phương án xử lý Ngân hàng SCB trong tháng 9, không để chậm trễ hơn nữa.
Vẫn theo báo cáo của Chính phủ, các tổ chức tín dụng phi ngân hàng cũng đang tích cực thực hiện phương án cơ cấu lại đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Theo đó, một số tổ chức tín dụng phi ngân hàng yếu kém đang được NHNN nghiên cứu chủ trương, định hướng cơ cấu lại, để xây dựng phương án, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Thẩm tra nội dung này, các cơ quan của Quốc hội cho rằng việc tìm kiếm, đàm phán ngân hàng đủ điều kiện nhận chuyển giao bắt buộc (năng lực tài chính, quản trị, kinh nghiệm cơ cấu tổ chức tín dụng yếu kém) kéo dài, khó khăn do phụ thuộc lớn vào việc tự nguyện tham gia của các ngân hàng. Mặt khác, các ngân hàng cũng cần thời gian để thuyết phục cổ đông, nhất là cổ đông chiến lược, nước ngoài đồng thuận tham gia nhận chuyển giao bắt buộc.
“Cơ chế, nguồn lực tài chính để xử lý tổ chức tín dụng yếu kém còn nhiều bất cập, vướng mắc, thủ tục kéo dài” - báo cáo thẩm tra nêu.
ĐỨC MINH
Pháp luật TPHCM
|