Thứ Sáu, 15/09/2023 16:00

Đẩy mạnh tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp lĩnh vực thủy sản, lúa gạo vùng ĐBSCL

Ngày 15/09/2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với UBND thành phố Cần Thơ và các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) tổ chức Hội nghị đẩy mạnh tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp lĩnh vực lúa gạo, thủy sản của Vùng. 

Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú phát biểu tại Hội nghị.

Hội nghị được tổ chức với mục tiêu trao đổi, chia sẻ kết quả đạt được, nhận diện và tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc để cùng nhau bàn và tìm giải pháp tháo gỡ, nhằm tiếp tục đẩy mạnh tín dụng hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, giúp người dân, doanh nghiệp vùng ĐBSCL tiếp cận và sử dụng vốn vay hiệu quả hơn.

Về phía ngành Ngân hàng, NHNN đã và đang triển khai quyết liệt nhiều giải pháp, cơ chế chính sách đồng hành, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội khu vực ĐBSCL, đặc biệt là các ngành hàng kinh tế chủ lực của vùng. Thời gian qua, hoạt động ngân hàng trong khu vực ĐBSCL không ngừng được cải thiện, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn, nhất là các ngành hàng nông sản chủ lực của vùng như lúa gạo, thủy sản. Ngành Ngân hàng luôn sẵn sàng và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn vay với lãi suất hợp lý, các dịch vụ tài chính, ngân hàng an toàn, hiện đại và thuận lợi nhất cho khách hàng.

Ngành lúa gạo, thủy sản thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn là một trong những lĩnh vực luôn được ngành Ngân hàng ưu tiên đầu tư vốn tín dụng.

Về cơ chế, chính sách tín dụng: Đã không ngừng được hoàn thiện để đáp ứng nhu cầu vốn đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nói chung, ngành lúa gạo, thủy sản nói riêng thông qua chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP, Nghị định 116/2018/NĐ-CP; triển khai hiệu quả các chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch; cho vay để tăng cường cơ giới hóa và giảm tổn thất trong nông nghiệp… theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, NHNN cũng đã có chính sách trần lãi suất ngắn hạn VNĐ đối với lĩnh vực ưu tiên (hiện nay tối đa là 4%/năm); chính sách cho vay bằng ngoại tệ để để đáp ứng các nhu cầu vốn ở trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu khi khách hàng có nguồn thu ngoại tệ.

Về chỉ đạo, điều hành: NHNN luôn coi nông nghiệp, nông thôn là lĩnh vực ưu tiên để điều hành tập trung tín dụng, khuyến khích TCTD cho vay để đáp ứng vốn từ khâu sản xuất - chế biến - đến thu mua, tiêu thụ; chỉ đạo TCTD thường xuyên rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay, đa dạng hóa sản phẩm tín dụng, chủ động làm việc trực tiếp với khách hàng để có các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn.

Căn cứ vào diễn biến, tình hình thực tế thị trường, ngay đầu năm 2023, NHNN đã có nhiều văn bản chỉ đạo các TCTD tập trung nguồn vốn đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh của thương nhân, doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực lúa gạo, thuỷ sản; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân trong các ngành này tiếp cận vốn tín dụng để phục vụ sản xuất kinh doanh[1].

Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã có Văn bản số 5631/NHNN-TD ngày 14/7/2023, hướng dẫn NHTM triển khai Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản với quy mô khoảng 15,000 tỷ đồng thực hiện bằng nguồn vốn tự huy động của các ngân hàng; lãi suất cho vay bằng đồng Việt Nam thấp hơn tối thiểu từ 1-2%/năm so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn (ngắn hạn; trung, dài hạn) của chính ngân hàng cho vay; thời gian triển khai đến hết 30/06/2024. Ngoài ra, các ngân hàng  thực hiện miễn, giảm các loại phí dịch vụ đối với khách hàng, phù hợp với quy định pháp luật và quy mô hoạt động của ngân hàng. Đến nay, đã có 13 NHTM đăng ký tham gia Chương trình và thực hiện cho vay với doanh số giải ngân đạt gần 5,500 tỷ đồng cho gần 2,000 lượt khách hàng vay vốn.

Để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng thuộc các ngành nghề, lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực lúa gạo, thủy sản, NHNN đã ban hành chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ (Thông tư 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023) để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho khách hàng được kéo dài thời gian trả nợ mà không bị chuyển nhóm nợ xấu và được tiếp cận các khoản vay mới phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ngoài ra, trong khuôn khổ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, NHNN đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất từ nguồn ngân sách nhà nước đối với các khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong một số ngành, lĩnh vực, trong đó có ngành lúa, gạo, thủy sản. NHNN đã ban hành Thông tư 03/2022/TT-NHNN và nhiều văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các NHTM thực hiện, cùng nhiều Hội nghị ở Trung ương cũng như 63 tỉnh, thành phố, tuyên truyền, phổ biến thực hiện chính sách với nhiều hình thức đa dạng; toàn ngành triển khai với tinh thần quyết tâm cao nhất.

Kết quả, đến cuối tháng 8/2023, dư nợ toàn vùng ĐBSCL đạt trên 1 triệu tỷ đồng, tăng 5.35% so với cuối 2022. Trong đó, tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn luôn được các TCTD quan tâm đầu tư, với dư nợ đạt gần 535 nghìn tỷ đồng, tăng 6.04% (cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung của vùng và cao hơn tăng trưởng tín dụng nông nghiệp nông thôn toàn quốc 3.75%); chiếm 51.76% tổng dư nợ của khu vực và 17.44% dư nợ nông nghiệp nông thôn toàn quốc.

Đáng chú ý, tăng trưởng tín dụng đối với các ngành lúa gạo, thủy sản - là thế mạnh của vùng, có mức tăng trưởng ấn tượng, cụ thể: (i) Dư nợ ngành thủy sản đạt gần 129 nghìn tỷ đồng, tăng 8.5% và chiếm gần 59% dư nợ thủy sản toàn quốc (trong đó, dư nợ tín dụng đối với cá tra tăng 10.5%, đối với tôm tăng 8.8%). (ii) Dư nợ ngành lúa gạo đạt gần 103 nghìn tỷ đồng, tăng 9% so với cuối năm 2022 và chiếm khoảng 53% dư nợ lúa gạo toàn quốc. Qua theo dõi số thống kê qua các năm, dự kiến từ nay đến cuối năm, tăng trưởng tín dụng đối với 02 ngành này sẽ tiếp tục tăng trưởng nhanh do yếu tố mùa vụ và nhu cầu xuất khẩu được cải thiện.

Kết quả trên cho thấy dòng vốn tín dụng ngành ngân hàng đã tập trung vào các lĩnh vực, ngành hàng là thế mạnh, chủ lực của khu vực ĐBSCL theo đúng định hướng chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính và NHNN, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các địa phương vùng ĐBSCL nói riêng và toàn quốc nói chung.

Để các giải pháp của ngành Ngân hàng được triển khai kịp thời, hiệu quả, đáp ứng đủ nhu cầu vốn cho người dân, doanh nghiệp, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn, góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế vùng và để tiếp tục triển khai nhiệm vụ được giao, các đơn vị trong Ngành tiếp tục đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ trong thời gian tới như:

Đối với các TCTD: Tiếp tục tập trung nguồn vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của người dân, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực với thời hạn và lãi suất hợp lý; Tiếp tục tiết giảm chi phí, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và các giải pháp khác để có điều kiện tiếp tục giảm lãi suất cho vay; Tích cực triển khai cho vay đối với các chương trình, chính sách tín dụng theo chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Tiếp tục triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, trong đó có chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại Thông tư 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023 của NHNN; Tiếp tục rà soát, đơn giản hóa quy trình, thủ tục nội bộ để tạo thuận lợi cho khách hàng tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn; Đẩy mạnh công tác truyền thông, phổ biến kiến thức, hiểu biết cho khách hàng về các sản phẩm, chương trình của ngân hàng...

Đối với NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố tại ĐBSCL: Nắm sát hoạt động cho vay của các TCTD trên địa bàn, đặc biệt là chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, trong đó có ngành thủy sản, lúa gạo; theo dõi sát tình hình thu mua, xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực trên địa bàn, đảm bảo hoạt động ngân hàng đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu vốn tín dụng phục vụ thu mua, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản tại địa phương, không để xảy ra tình trạng ùn ứ nông sản do thiếu vốn ngân hàng; Thường xuyên làm việc với các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn để nắm bắt, chủ động xử lý các kiến nghị đối với hoạt động ngân hàng…

Hàn Đông

FILI

Các tin tức khác

>   Hạn chế thế chấp bất động sản - đề xuất có khả thi? (15/09/2023)

>   Ông Phạm Mạnh Thắng được bổ nhiệm chức Tổng Giám đốc PG Bank (15/09/2023)

>   Không dễ vay ngân hàng này trả nợ nhà băng khác (15/09/2023)

>   Con gái Chủ tịch Techcombank đã mua xong 82.2 triệu cp (15/09/2023)

>   TPHCM cơ cấu 34,000 tỷ đồng nợ cho vay doanh nghiệp (15/09/2023)

>   Điều gì có thể giúp tín dụng tăng tốc cuối năm? (15/09/2023)

>   Thống đốc NHNN: Điều hành tỷ giá cân nhắc trên cục diện toàn nền kinh tế (14/09/2023)

>   VPBank dành 13,000 tỷ đồng triển khai gói vay lãi suất chỉ từ 5%/năm (14/09/2023)

>   Vietcombank và Agribank giảm lãi suất tiền gửi 12 tháng về mức 5.5%/năm (14/09/2023)

>   Tăng trưởng tín dụng TPHCM những tháng còn lại 2023 sẽ chuyển biến tích cực (14/09/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật