Giảm rủi ro khi cho vay tín chấp nhờ ứng dụng dữ liệu quốc gia về dân cư
Một số tổ chức tín dụng đã thử nghiệm ứng dụng đánh giá khả tín khách hàng vay, như Công ty tài chính ngân hàng MB thử nghiệm 10.000 dữ liệu công dân; Ngân hàng PVcombank thử nghiệm 20.000 dữ liệu công dân; Công ty Datanest thử nghiệm 60.000 dữ liệu công dân. Kết quả giảm tỷ lệ rủi ro khi cho vay vốn và cho vay của các ngân hàng và tổ chức tín dụng từ 7-20%.
Ứng dụng đánh giá khả tín khách hàng vay tín chấp thông qua Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư giúp giảm tỷ lệ rủi ro. Ảnh minh họa: N.K
|
Trong thời gian vừa qua, tình hình hoạt động tội phạm tín dụng đen đang là vấn đề nổi cộm gây xôn xao dư luận xã hội. Trong thời gian từ năm 2015 đến 2018, toàn quốc đã xảy ra 7.624 vụ việc liên quan tới tín dụng đen, gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội như: các vụ án giết người, cố ý gây thương tích, hủy hoại tài sản, đòi nợ trái pháp luật.
Trước thực tế đáng báo động này, đầu năm 2019 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 12 về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh đối với tội phạm tín dụng đen.
Theo thống kê của Bộ Công an trong quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị số 12, từ 2019 đến 2022, Cơ quan điều tra đã tiếp nhận, phát hiện 2.740 vụ, 4.941 đối tượng liên quan đến tín dụng đen. Trong số này đã khởi tố, điều tra 1.575 vụ, với 3.399 bị can. Riêng về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”, đã tiếp nhận, phát hiện 1.592 vụ, 2.771 đối tượng; đã khởi tố 1.038 vụ, 2.025 bị can.
Hiện nay, đa số người dân chưa được tiếp cận với các dịch vụ tài chính chính thống, phải vay vốn tín dụng đen, với mức lãi suất vượt quá quy định của pháp luật, vay 7 ngày lãi suất từ 5-12%/ngày, tương đương 150-360%/tháng chẳng hạn như vay 15 triệu đồng, giải ngân 9 triệu, 7 ngày lãi 6 triệu đồng.
Thủ đoạn phổ biến của tội phạm tín dụng đen là đưa ra nhiều gói vay để nạn nhân thấy số tiền lãi nhỏ nhưng phần chi phí, phí dịch vụ tiền phạt cao. Do đó lãi suất sẽ được nâng lên tính theo năm, có thể lên đến từ 300% đến 500% thậm chí có vụ 1.000% đến 1.200%.
Để khắc phục, giải quyết tình trạng này, cuối tháng 8 vừa qua, Thủ tướng chính phủ đã có thêm công điện 766/CĐ-Ttg chỉ đạo về việc tăng cường các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý các hoạt động tín dụng đen.
Một trong những giải pháp được ứng dụng là khai thác dữ liệu dân cư để xây dựng giải pháp đánh giá khả tín trong việc cho khách hàng vay và thu hồi nợ. Cơ sở pháp lý của việc ứng dụng này là quy định tại các nghị định 137/2015/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 37/2021/NĐ-CP, nghị định 13/2023/NĐ-CP và thông tư số 48/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính. Theo thông tư 48/2022/TT-BTC, thì từ ngày 17-9-2022, thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có thể được cung cấp với hình thức thu phí nếu được cơ quan có thẩm quyền đồng ý.
Ứng dụng trong đánh giá khả tín của khách hàng vay
Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội đã phối hợp với Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông (Đại học Bách khoa Hà Nội) ứng dụng dữ liệu dân cư để xây dựng giải pháp đánh giá khả tín khách hàng vay.
Mô hình thuật toán đánh giá khả tín khách hàng vay với các trường thông tin dân cư, dữ liệu về căn cước công dân, định danh và xác thực điện tử, dữ liệu di biến động cư trú và các trường thông tin bổ sung khác trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với độ chính xác cao.
Một số tổ chức tín dụng đã thử nghiệm ứng dụng đánh giá khả tín khách hàng vay, như Công ty tài chính ngân hàng Quân đội (MB) thử nghiệm 10.000 dữ liệu công dân; Ngân hàng PVcombank thử nghiệm 20.000 dữ liệu công dân; Công ty Datanest thử nghiệm 60.000 dữ liệu công dân. Kết quả giảm tỷ lệ rủi ro khi cho vay vốn và cho vay của các ngân hàng và tổ chức tín dụng từ 7-20%.
Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được ứng dụng như một công cụ hỗ trợ cho việc kiểm tra, đối chiếu, cập nhật, xác minh thông tin, dữ liệu của khách hàng, ngăn chặn các hành vi giả mạo thông tin hoặc cố tính cung cấp sai lệch thông tin, giúp đơn giản hoá, nhanh gọn, linh hoạt, thuận tiện hơn thủ tục xác minh ban đầu và đồng thời hạn chế rủi ro khi cấp tín dụng thông qua việc đánh giá khả tín của khách hàng.
Ứng dụng trong giai đoạn thu hồi khoản vay
Đối với hoạt động cho vay tín chấp, rủi ro không chỉ hiện diện ở vấn đề khoản vay không có tài sản bảo đảm mà còn tồn tại rủi ro tại giai đoạn đánh giá khả tín của khách hàng khi khách hàng cung cấp không trung thực về địa chỉ cư trú.
Ngoài ra còn có tình trạng tại giai đoạn thu hồi khoản vay, khi người vay đã mất khả năng thanh toán khoản nợ và tìm cách trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ, thường xuyên thay đổi nơi cư trú và tổ chức tín dụng khó có thông tin về nơi cư trú thực tế hiện tại của khách hàng.
Trong trường hợp tổ chức tín dụng không thể liên hệ, làm việc được với khách hàng qua email, điện thoại hoặc làm việc trực tiếp để yêu cầu khách hàng thực hiện nghĩa vụ thì khởi kiện khách hàng ra toà án có thẩm quyền thụ lý, giải quyết vụ việc là lựa chọn hàng đầu của các tổ chức tín dụng thay vì lựa chọn tố giác tội phạm đến cơ quan công an.
Tuy nhiên, việc khởi kiện cũng không là điều dễ dàng và phải trải qua thủ tục xác minh nơi cư trú nếu ngay từ giai đoạn ban đầu khách hàng cung cấp địa chỉ không trung thực và sẽ là nguyên nhân gây kéo dài tiến độ tố tụng khi tốn thời gian để Toà án tiến hành xác minh địa chỉ cư trú hiện tại của khách hàng để tiến hành các thủ tục tống đạt văn bản tố tụng.
Theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP hướng dẫn thì tổ chức tín dụng đã cung cấp địa chỉ “nơi cư trú, làm việc, hoặc nơi có trụ sở” của khách hàng cho Tòa án theo đúng quy định của pháp luật tại thời điểm nộp đơn khởi kiện mà được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp, xác nhận hoặc có căn cứ khác chứng minh rằng đó là địa chỉ của khách hàng thì được coi là đã ghi đúng địa chỉ của người bị kiện theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
Địa chỉ “nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở cuối cùng” của khách hàng theo quy định tại điểm đ, e khoản 4 Điều 189 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 là địa chỉ người bị kiện (khách hàng) đã từng cư trú, làm việc hoặc có trụ sở mà tổ chức tín dụng biết được gần nhất tính đến thời điểm khởi kiện và được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp, xác nhận hoặc có căn cứ khác chứng minh.
Như vậy, ngay từ giai đoạn khởi kiện, với những chứng cứ như sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, thông tin địa chỉ thể hiện tại hợp đồng tín dụng… được xem là căn cứ khác chứng minh địa chỉ của người bị kiện. Tuy nhiên, địa chỉ này chưa hẳn là địa chỉ cư trú hiện tại của khách hàng nên để triệu tập được khách hàng Toà án vẫn phải tiến hành xác minh địa chỉ cư trú hiện tại.
Hiện nay, với thông tin tại ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư – dữ liệu di biến động cư trú thì tổ chức tín dụng đã có thể dễ dàng hơn trong việc xác định nơi cư trú hiện tại/thực tế của khách hàng để có thể liên hệ, trao đổi, tư vấn, có phương án thu hồi dư nợ của khách hàng.
Ngoài ra, khoản 1 Điều 94 Bộ Luật Tố tụng dân sự 2015 quy định “dữ liệu điện tử” là một trong những nguồn của chứng cứ. Vậy thì thông tin về nơi cư trú của khách hàng (trong đó có dữ liệu biến động về nơi cư trú) được trích xuất từ ứng dụng dữ liệu quốc gia về dân cư cũng có thể được xem là chứng cứ chứng minh nơi cư trú hiện tại của khách hàng và Toà án cũng sẽ dễ dàng, thuận tiện hơn, rút ngắn thời gian hơn khi chờ đợi công văn xác minh địa chỉ của khách hàng từ cơ quan công an.
Như vậy, ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong hoạt động cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng, bao gồm ứng dụng trong giai đoạn đánh giá khả tín của khách hàng và giai đoạn thu hồi khoản vay là phù hợp trên cơ sở quy định của pháp luật, thoả thuận điều khoản về quyền đồng ý của khách hàng về việc cho phép sử dụng dữ liệu cá nhân. Việc nhân rộng ứng dụng này là một trong những phương cách để khắc phục, giải quyết tình hình “tín dụng đen” khi thủ tục xử lý hồ sơ đề nghị cấp tín dụng nhanh chóng và hạn chế rủi ro hơn từ phía tổ chức tín dụng.
Vấn đề đặt ra là các tổ chức tín dụng được quyền tiếp cận, khai thác cơ sở dữ liệu như thế nào và ở mức độ nào? Theo quy định tại Điều 8 Nghị định 137/2015/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 37/2021/NĐ-CP thì tổ chức tín dụng, tổ chức cung cấp dịch vụ viễn thông, di động, tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số định danh điện tử, tổ chức hành nghề công chứng, thừa phát lại và tổ chức khác được giao thực hiện dịch vụ công khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư qua Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an hoặc bằng văn bản yêu cầu cung cấp thông tin hoặc theo phương thức khai thác khác do Bộ Công an hướng dẫn.
Từ thực tế nêu trên cho thấy, không phải mọi tổ chức tín dụng và mọi trường hợp đều có thể được khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Thiết nghĩ, để phát huy tối đa ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong hoạt động cấp tín dụng thì cần thể chế hóa các quy định để tạo sự đồng bộ, thuận tiện trong quá trình thực thi chính sách.
Ths. Dương Thị Chiến – Ls. Nguyễn Thị Hoàn
TBKTSG
|