Thứ Tư, 13/09/2023 09:00

Có thể hy sinh một phần tỷ giá để hỗ trợ kinh tế tăng trưởng

Trước việc tỷ giá VND/USD thời gian gần đây tăng so với trước, các chuyên gia đánh giá chưa quá nghiêm trọng và khuyến nghị các doanh nghiệp không nên tích trữ USD, nhằm giảm thiểu rủi ro cho chính doanh nghiệp và càng đẩy giá tỷ giá tăng cao.

Từ trung tuần tháng 8, những lo ngại về tăng trưởng toàn cầu khiến nhà đầu tư đổ dồn vào kênh trú ẩn an toàn như đồng bạc xanh.

Những lo ngại về lạm phát của Mỹ chưa hạ nhiệt nhanh, trong khi các số liệu kinh tế trong tháng 8 vẫn không cho thấy dấu hiệu suy thoái khiến mặt bằng lãi suất tại Mỹ gia tăng, đẩy chỉ số USD-Index tăng lên.

Chỉ số USD-Index chạm mốc 105.06 điểm vào phiên 08/09 – đây cũng là mức cao nhất trong vòng 6 tháng trở lại đây. Đến phiên 12/09, chỉ số USD-Index giảm nhẹ về mức 104.8 điểm, tăng 5% so với đáy gần nhất (ngày 13/07).

Tỷ giá trung tâm USD/VND ngày 11/09 cũng lên mức 24,005 đồng, lần đầu tiên vượt mốc 24,000 đồng.

* Tỷ giá trung tâm USD/VND lập đỉnh lịch sử

Giá mua bán USD tại ngân hàng cũng tăng lên, ghi nhận tại Vietcombank giá mua USD chuyển khoản là 23,885 đồng, mua tiền mặt là 23,855 đồng và bán là 24,225 đồng. Mức giá này nếu so với đầu năm 23,380 - 23,350 - 23,700 đồng, lại chỉ chênh xấp xỉ 2%.

Chỉ số USD-Index từ đầu năm đến nay
Nguồn: Investing.com

VND có thể mất giá 2-3% so với USD

Nhìn vào tỷ giá tăng đột ngột trong thời gian qua, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh – Chuyên gia kinh tế cho rằng, vấn đề quan trọng là trong thời gian vừa qua Mỹ nâng lãi suất điều hành lên 5-5.25% - là mức cao nhất trong 22 năm. Vì thế cho nên chỉ số USD-Index cũng cao lên, giá trị đồng USD mạnh lên, vì thế sẽ có tác động làm cho các đồng tiền đối ứng với nó giảm đi một cách tương đối.

Tuy nhiên, việc giảm giá đồng tiền thế nào còn phụ thuộc vào nhiều nhân tố. Trong đó, Chính phủ các nước can thiệp thế nào là điều quan trọng nhất, giữ nguyên hay thả nổi tỷ giá.

“Đối với Việt Nam, điều hành tỷ giá cũng là một trong những điều quan trọng. Đặc biệt là khi đồng USD tăng lên như thời gian qua, các nước tăng lãi suất lên để giữ giá trị đồng tiền của mình, trong khi đó Việt Nam lại giảm lãi suất. Mà giảm lãi suất đồng nghĩa với Việt Nam đang mở rộng tiền tệ, và như vậy về nguyên tắc nhà đầu tư sẽ cho rằng VND đang mất giá hơn so với USD.

Thế nhưng trong thực tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn có quyết tâm giữ vững giá trị VND so với USD, do đó, có thể thấy nhiều năm nay khi đồng USD mạnh lên, đồng tiền các nước trên thế giới mất giá nhiều, ví dụ như Yên Nhật mất giá đến 23%, trong khi đó VND chỉ mất giá khoảng 2-3% thôi. Như vậy, mặc dù có sức ép về việc giảm giá VND, đúng ra VND sẽ phải mất giá đi so với USD, nhưng nhờ sự can thiệp của Nhà nước, có thể tin tưởng từ nay đến cuối năm VND cũng sẽ ổn định so với USD, và nếu có thay đổi thì sẽ thay đổi từ 2-3% so với USD”, ông Thịnh đánh giá.

Ông Thịnh dự báo sẽ có thời điểm USD mạnh lên và VND giảm giá đi, nhưng trạng thái này chỉ mang tính thời điểm và một phần do tâm lý cũng như nhu cầu của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

NHNN vẫn giữ nguyên quan điểm giữ ổn định tỷ giá và cho đến nay NHNN chưa phải can thiệp. Từ đầu năm đến nay, NHNN mới mua vào USD và chưa bán ra, cho thấy rằng VND đang rất ổn định.

Vì thế, đối với các doanh nghiệp, để đảm bảo hỗ trợ cho tỷ giá VND/USD và để cho NHNN đỡ can thiệp, khi có xuất khẩu USD, doanh nghiệp nên bán cho NHNN.

Thêm nữa, thời điểm này doanh nghiệp nhập khẩu cần nhập hàng hóa vào trong nền kinh tế nhằm chuẩn bị sản xuất cuối năm, nên cầu về USD từ phía các doanh nghiệp sẽ tăng.

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh đồng USD sẽ ổn định, có thể sẽ có lúc tăng giá, nhưng sẽ quay trở về như mức bình thường, hiện tại không có vấn đề căng thẳng và NHNN cũng chưa phải can thiệp vào tỷ giá. Do đó, ông Thịnh khuyến cáo các doanh nghiệp không nên tích trữ USD nếu không thật sự cần thiết, vì sẽ tạo cung cầu ảo, đẩy tỷ giá USD/VND tiếp tục tăng.

Khi nào doanh nghiệp cần thanh toán đơn hàng nhập khẩu thì mua USD, NHNN sẵn sàng có nguồn cung để giúp cho các doanh nghiệp có thể nhập khẩu từ nước ngoài. Cho nên nếu vội vàng tích trữ USD trong lúc giá đang cao, thì bản thân doanh nghiệp sẽ thiệt thòi. Đây là điều doanh nghiệp cần lưu tâm để hỗ trợ cho thị trường, đồng thời giá trị VND sẽ giữ được ổn định như mong muốn của doanh nghiệp cũng như Chính phủ.

Có thể hy sinh một phần tỷ giá để hỗ trợ kinh tế tăng trưởng

TS. Nguyễn Hữu Huân – Giảng viên Trường Đại học Kinh tế TPHCM đánh giá đầu tiên chính là tỷ giá VND/USD tăng cao sẽ giúp ích cho xuất khẩu. Chuyên giá đánh giá thực ra đồng USD đang có xu hướng mạnh lên, còn tỷ giá VND/USD tăng cũng không quá cao, tính đến nay mới tăng trong khoảng 3-4% và vẫn chưa quá đáng ngại.

Thứ hai, chênh lệch lãi suất giữa Việt Nam và Mỹ không còn nhiều, dĩ nhiên sẽ tạo ra áp lực về dòng vốn đảo chiều. Thời gian qua, thị trường chứng khoán tăng điểm, nhưng khối ngoại lại có xu hướng bán ròng.

Yếu tố tỷ giá tăng cao cũng mang tính mùa vụ, thường vào giai đoạn quý 3, và sắp tới là giai đoạn Giáng sinh, tỷ giá sẽ càng tăng cao hơn các giai đoạn còn lại trong năm. Vì những thời điểm này doanh nghiệp có nhu cầu nhập hàng nhiều để sản xuất, hoặc nhập hàng để bán nhiều cho cuối năm, nên áp lực tỷ giá cao.

Việc chính sách tiền tệ nới lỏng quá nhanh và chênh lệch lãi suất quá thấp cũng dẫn đến tỷ giá tăng cao như vậy. Theo TS. Nguyễn Hữu Huân, đồng USD tăng mạnh lên so với các đồng tiền khác, nhưng nếu Việt Nam vẫn cố gắng neo VND so với USD, cũng không tốt cho xuất khẩu, trong khi xuất khẩu lại là động lực chính giúp cho tăng trưởng kinh tế. Nên có thể hy sinh một phần nào đó về tỷ giá để hỗ trợ cho tăng trưởng ở thời điểm hiện tại.

Từ nay đến cuối năm, TS. Nguyễn Hữu Huân dự báo, tỷ giá có thể lên trên 25,000 đồng/USD và sau đó có thể về lại mức 24,000 đồng/USD bởi vì cuối năm bên cạnh áp lực về tỷ giá lớn thì kiều hối về cũng nhiều, nên tỷ giá có thể ổn định.

“Chúng ta cũng không nên quá nghiêm trọng về tỷ giá, vì USD tăng so với tất cả các đồng tiền khác, nên Việt Nam cũng nên nên giảm một phần giá trị VND để hỗ trợ xuất khẩu, nếu cứ neo với USD thì sẽ không thể hỗ trợ cho xuất khẩu.

Hiện tại, không nên dùng dự trữ ngoại hối để can thiệp tỷ giá. Thêm nữa, một yếu tố hỗ trợ tỷ giá nữa là Việt Nam vẫn đang xuất siêu, cán cân thanh toán vẫn tương đối ổn so với thời gian trước.

Những tín hiệu này đều cho thấy áp lực lên tỷ giá không quá lớn, không quá nghiêm trọng như năm 2022 khi VND bị mất giá đến 9-10%”, TS. Huân nêu quan điểm.

* Biến động tỷ giá có đáng lo?

Cát Lam

FILI

Các tin tức khác

>   VPBank sắp chào bán 30.2 triệu cp quỹ theo chương trình ESOP (12/09/2023)

>   Sức hấp dẫn của thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam trong mắt nhà đầu tư ngoại (14/09/2023)

>   Chủ biệt thự dát vàng Thiện 'Soi' bị tuyên phạt 15 năm 6 tháng tù (12/09/2023)

>   Tỷ giá trung tâm USD/VND lập đỉnh lịch sử (11/09/2023)

>   Ngân hàng tiếp tục rao bán BĐS của Tân Hoàng Minh (11/09/2023)

>   Vì sao công ty tài chính thua lỗ, cơ hội nào để vực dậy vào cuối năm? (12/09/2023)

>   Bancassurance của các nhà băng đã qua thời hoàng kim? (12/09/2023)

>   Mua nợ lẫn nhau sẽ ảnh hưởng đến các ngân hàng nhỏ (11/09/2023)

>   Chiến lược bán hàng theo phân khúc thúc đẩy kinh doanh MSB (11/09/2023)

>   Giá USD nhảy vọt (10/09/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật