Mua nợ lẫn nhau sẽ ảnh hưởng đến các ngân hàng nhỏ
Ngay sau khi Thông tư 06/2023/TT-NHNN có hiệu lực kể từ ngày 01/09/2023 cho phép, một số ngân hàng lớn triển khai chính sách cho khách hàng cá nhân vay để trả nợ trước hạn khoản vay tại ngân hàng khác.
Quy định cho vay để đảo nợ tại Thông tư 06
Trước đây, tại khoản 6 Điều 8 Thông tư 39/2016/TT-NHNN được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành, khách hàng chỉ được vay để trả nợ khoản vay tại tổ chức tín dụng khác đối với khoản vay phục vụ sản xuất kinh doanh, không áp dụng đối với khoản vay phục vụ nhu cầu đời sống.
Khoản 2 Điều 1 Thông tư 06/2023/TT-NHNN quy định như sau:
Những nhu cầu vốn không được cho vay
...
6. Để trả nợ khoản vay nước ngoài (không bao gồm khoản vay nước ngoài dưới hình thức mua bán hàng hóa trả chậm), khoản cấp tín dụng tại tổ chức tín dụng khác, trừ trường hợp cho vay để trả nợ trước hạn khoản vay đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:
a) Thời hạn cho vay không vượt quá thời hạn cho vay còn lại của khoản vay cũ;
b) Là khoản vay chưa thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ.
|
Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Thông tư 06/2023/TT-NHNN đã sửa đổi, mở rộng quy định tổ chức tín dụng được xem xét, quyết định cho khách hàng vay để trả nợ cho khoản vay tại tổ chức tín dụng khác với mục đích vay phục vụ nhu cầu đời sống thay vì chỉ được vay phục vụ sản xất kinh doanh như trước đây.
Việc mở rộng quy định cho khách hàng trả nợ tại tổ chức tín dụng khác nhằm tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận thêm các vốn tín dụng ngân hàng khác, đồng thời giảm phần nào áp lực vay nợ đối với khách hàng đang vay tiền phục vụ nhu cầu đời sống tại các tổ chức tín dụng.
Từ ngày 01/09/2023 ngay khi Thông tư 06 có hiệu lực, nhiều ngân hàng bắt đầu triển khai chính sách vay với lãi suất ưu đãi.
Là ngân hàng đầu tiên thông báo chính sách vay ngay khi Thông tư 06 có hiệu lực, Vietcombank cho khách hàng cá nhân vay vốn để trả nợ trước hạn khoản vay tại ngân hàng khác với lãi suất cho vay chỉ từ 6.9%/năm.
Khách hàng được vay vốn lên đến 30 năm (nhưng không vượt quá thời hạn vay còn lại của khoản vay tại ngân hàng đang vay) với số tiền vay tối đa 100% số tiền dư nợ gốc của khoản vay tại ngân hàng đang vay. Khách hàng được ân hạn trả nợ gốc tối đa lên đến 24 tháng và phù hợp với quy định của Vietcombank.
Ở thời điểm hiện tại, Vietcombank áp dụng mức lãi suất cho vay ưu đãi chỉ từ 6.9%/năm trong 6 tháng đầu, hoặc 7.5%/năm trong 12 tháng đầu, hoặc 8%/năm trong 24 tháng đầu. Vietcombank sẽ điều chỉnh lãi suất cho vay theo tình hình thực tế. Chính sách cho vay để trả nợ khoản vay tại ngân hàng khác áp dụng đối với các khoản vay phục vụ nhu cầu đời sống của khách hàng cá nhân.
BIDV triển khai chính sách cho khách hàng cá nhân vay vốn để trả nợ trước hạn khoản vay tại ngân hàng khác. Khách hàng đang vay vốn sản xuất kinh doanh hoặc phục vụ nhu cầu đời sống có tài sản đảm bảo tại các ngân hàng khác có nhu cầu trả nợ trước hạn và tiếp tục thanh toán các chi phí còn lại theo phương án vay tại BIDV. Với khoản vay ngắn hạn, lãi suất vay chỉ từ 6%/năm.
Lãi suất vay chỉ từ 6.8%/năm đối với khoản vay trung dài hạn. Mức cho vay lên tới 100% dư nợ gốc còn lại và phù hợp chi phí thanh toán tiếp theo phương án vay tại ngân hàng khác. Thời gian ân hạn gốc lên đến 24 tháng và không vượt quá thời gian ân hạn trả nợ gốc còn lại của khoản vay. Thời hạn cho vay đến 30 năm và không vượt quá thời hạn còn lại của khoản vay tại tổ chức tín dụng khác. Khách hàng có thể dùng chính tài sản đảm bảo đang thế chấp tại tổ chức tín dụng khác hoặc tiền gửi, bất động sản của khách hàng hoặc người thân, đồng thời sử dụng nguồn trả nợ linh hoạt qua tài sản khách hàng sở hữu.
Trong khi đó, tại VietinBank, các khách hàng có nhu cầu vay vốn trả nợ trước hạn tại các ngân hàng khác với các khoản vay phục vụ sản xuất kinh doanh và khoản vay phục vụ tiêu dùng có tài sản bảo đảm (vay mua nhà, mua xe…) sẽ được hỗ trợ vay vốn.
Lãi suất cho vay khách hàng cá nhân chỉ từ 5.6%/năm (vay sản xuất kinh doanh) và chỉ từ 7.5% (vay tiêu dùng). Mức cho vay lên tới 100% dư nợ gốc còn lại tại ngân hàng khác. Ân hạn nợ gốc lên tới 24 tháng. Thời gian vay tối đa 35 năm và không quá thời gian còn lại của khoản vay tại ngân hàng khác.
Với chính sách mới tại VietinBank, khách hàng có thể sử dụng chính tài sản đang thế chấp tại ngân hàng khác như: Bất động sản/tiền mặt/số dư trên tài khoản tiền gửi/sổ/thẻ tiết kiệm/giấy tờ có giá… của khách hàng hoặc người thân để bảo đảm cho khoản vay tại VietinBank.
Techcombank triển khai chính sách cho phép khách hàng có thể chuyển khoản vay bất động sản từ ngân hàng khác sang Techcombank với lãi suất vay từ 7.3%/năm. Chính sách được áp dụng cho khoản vay mua nhận chuyển nhượng bất động sản dự án đã có giấy chứng nhận, khoản vay mua bất động sản chưa có giấy chứng nhận nhưng mua tại dự án có liên kết với Techcombank; dư nợ vay mua bất động sản tại ngân hàng khác từ 1 tỷ đồng trở lên và khoản vay không được hỗ trợ lãi suất và ân hạn gốc trong 12 tháng gần đây. Chính sách mới triển khai ân hạn gốc lên đến 24 tháng. Số tiền cho vay và thời gian cho vay tương đương với khoản vay của khách hàng tại ngân hàng cũ…
MB cũng đang triển khai chương trình chuyển khoản vay bất động sản từ ngân hàng khác với lãi suất 8%/năm cố định trong 12 tháng. Thời gian vay lên đến 300 tháng và chứng minh nguồn tài trợ một cách linh hoạt, thông qua tài sản tích lũy. Khách hàng có thể sử dụng chính tài sản thế chấp tại ngân hàng cũ để đảm bảo cho khoản vay mới.
Rủi ro do chính ngân hàng quyết định
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh – Chuyên gia kinh tế cho biết, việc cho phép một doanh nghiệp vay từ ngân hàng này để trả nợ cho ngân hàng khác trước đây NHNN đã cho phép rồi. Thông tư 06 cho phép mở rộng thêm đối tượng được vay ngân hàng này trả ngân hàng khác sang các hộ gia đình và cá nhân vay ở các ngân hàng mua nhà hay vay tiêu dùng.
Như vậy, có nghĩa là việc thực hiện vấn đề này buộc các ngân hàng sẽ phải có cạnh tranh hơn trong việc hạ lãi suất thấp hơn. Từ đó, chi phí vay nợ cũng như chi phí ngân hàng sẽ phải cạnh tranh nhau để hạ thấp hơn, các điều kiện về lãi suất cũng như điều kiện khác được hạ thấp để thu hút được khách hàng.
Đặc biệt, các ngân hàng cũng phải xem xét, đơn giản hóa thủ tục, giấy tờ phù hợp với tình hình cụ thể thực tế, nhưng phải đảm bảo chặt chẽ.
Chính vì thế, Thông tư 06 sẽ giúp thúc đẩy việc vay mượn của người dân nói riêng và thị trường nói chung tăng lên trong thời gian tới.
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh đánh giá nợ xấu có thể tăng nếu như các ngân hàng ồ ạt cạnh tranh nhau để cho vay. Từ đầu năm 2023, NHNN đã cho phép các ngân hàng thương mại được tự quyền quyết định cho vay hay không và xem xét giữa rủi ro và lợi ích đem lại. Từ đó, ngân hàng quyết định cho vay với chủ thể này hay với chủ thể khác. Có nghĩa là ngân hàng được toàn quyền quyết định cho vay hay không.
Chính vì lẽ đó, việc quyết định cho vay hay không, rủi ro như thế nào, hoàn toàn tùy thuộc vào bản thân các ngân hàng. Nếu như lãi suất cao và rủi ro thấp, ngân hàng phải xem xét cách thức cho vay, còn nếu lãi suất cao đi kèm với rủi ro cao thì sẽ dễ đáp ứng điều kiện để cho vay hơn nhưng đồng thời nợ xấu chắc chắn sẽ tăng.
Thêm vào đó, Thông tư 06 cho phép vay nhưng nếu khách hàng không đủ điều kiện, ngân hàng đánh giá rủi ro cao cũng có quyền không cho vay.
Mặc dù Thông tư 06 ngưng thi hành một số điều khoản 8, 9, 10 nhưng ngân hàng vẫn đang rất cẩn trọng, bởi nếu cho vay không cẩn trọng thì sẽ mất vốn. Do vậy, rủi ro hay không phụ thuộc vào chính các ngân hàng thương mại.
Rủi ro cao đối với các ngân hàng nhỏ
TS. Nguyễn Hữu Huân – Giảng viên Trường Đai học Kinh tế TPHCM cho rằng việc cho vay đảo nợ sẽ giúp tăng tính cạnh tranh trong hệ thống ngân hàng. Trước đây, khi khách hàng vay dài hạn tại một ngân hàng thì thì thường lãi suất sẽ cố định trong vòng 1 năm và sau đó thả nổi và mức lãi suất thả nổi sẽ rất cao, việc này sẽ gây rủi ro cho người đi vay về dài hạn.
Khi Thông tư 06 cho phép đảo nợ, ngân hàng không thể duy trì lãi suất cao về dài hạn được, mà phải đảm bảo lãi suất mang tính cạnh tranh, nếu không khách hàng sẽ tất toán khoản vay đó và chuyển sang vay ngân hàng khác có mức lãi suất thấp hơn.
TS. Nguyễn Hữu Huân đánh giá rủi ro đối với ngân hàng nhận cho vay lại không lớn, vì ngân hàng cho vay trước đã thẩm định rồi, và sau đó ngân hàng cho vay đảo nợ cũng sẽ thẩm định lại, nếu như hội đủ điều kiện thì mới chấp thuận cho vay. Nếu khách hàng không đủ điều kiện thì ngân hàng cũng sẽ không cho vay, do đó rủi ro hay không sẽ do ngân hàng quyết định. Và ngân hàng đủ nghiệp vụ để đánh giá khoản vay có rủi ro hay không, quy trình cũng giống như xem xét một khoản vay mới.
Tuy nhiên, rủi ro đối với ngân hàng cũ đang cho vay sẽ cao hơn, vì các ngân hàng này đã lên kế hoạch kinh doanh cho khoản vay trong trung dài hạn. Nếu như khách hàng tất toán khoản vay trước hạn, bản thân khách hàng chỉ chịu lãi phạt, còn nguồn vốn ngân hàng đã lên kế hoạch sẵn sẽ bị mất đi và phải tìm kiếm khách hàng mới. Như vậy, cho vay đảo nợ sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh và hoạt động của ngân hàng cũ.
Thêm nữa, nếu khách hàng tất toán khoản vay trước hạn, sẽ có nguy cơ làm giảm lợi nhuận của ngân hàng cũ. Do đó, để giữ chân được khách hàng, các ngân hàng này phải giảm lãi suất và sẽ phần nào ảnh hưởng đến lợi nhuận ngân hàng. Lãi suất của những ngân hàng nhỏ khó có thể cạnh tranh với các ngân hàng lớn. Khi các ngân hàng lớn triển khai những gói hỗ trợ lãi suất để thu hút khách hàng, chắc chắn ngân hàng nhỏ sẽ bị thiệt hại, bởi vì chi phí đầu vào của ngân hàng nhỏ cao hơn.
Hiện nay, "Big 4 ngân hàng" đang thừa vốn, để giải quyết được câu chuyện này, họ phải thu hút khách hàng vay. Như vậy, Thông tư 06 và lãi suất cạnh tranh đang hỗ trợ cho ngân hàng lớn giải quyết bài toán thừa vốn. Mặc dù cho vay đảo nợ gây ảnh hưởng đến ngân hàng nhỏ nhưng lại tăng tính cạnh tranh cho hệ thống ngân hàng hơn trước đây và sẽ tốt cho người đi vay.
Thông tư 06 không quá tác động lên NIM
Việc tăng cường cho vay đảo nợ làm dấy lên một số lo ngại về áp lực cạnh tranh về lãi suất cho vay trong thời gian tới sẽ gia tăng và biên thu nhập lãi thuần (NIM) của các ngân hàng sẽ bị giảm xuống. Trong báo cáo mới công bố, ACBS đánh giá chính sách mới sẽ không có tác động quá đáng kể lên NIM của các ngân hàng.
ACBS cho rằng phần lớn các khoản cấp tín dụng có giá trị lớn cho khách hàng cá nhân đều yêu cầu tài sản đảm bảo, do đó, khách hàng vẫn cần phải tốt toàn trước hạn khoản vay cũ để có thể rút tài sản đảm bảo từ ngân hàng cũ và sử dụng làm tài sản đảm bảo để đi vay tại ngân hàng mới.
Thông thường các ngân hàng sẽ áp dụng phí phạt từ 1%-3% đối với các khách hàng tất toàn khoản vay trước hạn trong 1-5 năm đầu. Điều này sẽ làm tăng chi phí chuyển đổi đối với các khách hàng muốn vay ở ngân hàng mới để trả nợ trước hạn tại ngân hàng cũ. Bên cạnh đó, khoản vay mới thông thường sẽ phải kèm theo hợp đồng bảo hiểm mới và góp phần làm tăng thêm chi phí đối với khách hàng
Khẩu vị rủi ro của mỗi ngân hàng là rất khác nhau. Yêu cầu chứng minh thu nhập, năng lực tài chính, định giá tài sản đảm bảo và hạn mức tín dụng trên giá trị tài sản đảm bảo và do đó, khách hàng vẫn cần phải thỏa mãn các yêu cầu trên khi vay vốn tại ngân hàng mới.
Trên thực tế việc cạnh tranh và lãi suất cho vay giữa các ngân hàng từ trước đến này luôn luôn diễn ra Tuy nhiên, đối với khách hàng, quyết định lựa chọn ngân hàng để vay vốn còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác ngoài lãi suất như khả năng được chấp nhận hồ sơ pháp lý của tài sản đảm bảo, định giá tài sản dân thì cũng như hạn mức tín dụng được cấp của mỗi ngân hàng.
Cát Lam
FILI
|