Thứ Năm, 31/08/2023 13:26

Xe điện: Lãnh địa của các tay to

Sự bùng nổ của thị trường xe điện (EV) trong những năm gần đây và tham vọng của Trung Quốc đã khiến cho cạnh tranh trong ngành này ngày càng khốc liệt hơn. Các nền kinh tế lớn như Mỹ, EU đã xem EV là một vấn đề chiến lược trong mối quan hệ với Trung Quốc. Liệu đây sẽ là sân chơi của riêng các tên tuổi lớn?

Tham vọng của Trung Quốc là tận dụng những lợi thế chi phí thấp của mình để trở thành trung tâm xuất khẩu EV của cả thế giới. Ảnh: Getty Images

Thị trường nhiều tiềm năng nhờ chính sách

Với hơn 10 triệu xe được bán ra trong năm 2022 và dự báo cho năm 2023 là 14 triệu xe thì EV ngày càng chiếm một thị phần đáng kể trong thị trường ô tô, ước tính là 18% theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA). Nhu cầu EV tăng thời gian qua không chỉ do giá xăng dầu tăng, mà quan trọng hơn là chính sách thân thiện với môi trường, ủng hộ EV của nhiều nền kinh tế nhằm ứng phó với vấn đề biến đổi khí hậu.

Nhiều chính phủ đã có những hỗ trợ đáng kể bằng tài chính trong việc khuyến khích người dân, doanh nghiệp chuyển từ xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang EV. Các chính sách này có thể là hỗ trợ trực tiếp cho người mua thông qua việc tặng tiền mặt, miễn giảm thuế/phí khi mua xe mới, hỗ trợ sạc pin, hoặc giảm giá gián tiếp qua việc trợ giá cho các công ty sản xuất. Đi đầu trong việc hỗ trợ là một số nước EU như Na Uy, Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha và hai thị trường lớn còn lại là Trung Quốc và Mỹ.

Cùng với các chính sách hỗ trợ, chi tiêu cho EV tăng thì cạnh tranh trên thị trường cũng mạnh mẽ hơn. Điều này khiến cho nhiều mẫu xe có mức giá hợp lý hơn ra đời, khả năng tiếp cận với số đông người dân cũng dễ dàng hơn. Hiện nay, ngay cả với những hỗ trợ của chính phủ thì giá EV trung bình ở châu Âu cũng còn khá cao, mức giá trung bình xoay quanh 40.000-50.000 euro/xe nên vẫn là một rào cản đáng kể đối với người tiêu dùng.

Hy vọng lớn nhất ở việc giảm giá thành EV là ở giá pin, công nghệ pin mới như lithium-iron-phosphate (LFP), và thêm nhiều lựa chọn mẫu mã xe. Tính đến cuối năm 2022, đã có hơn 500 mẫu xe EV, con số này gấp đôi so với năm 2018. Việc khuyến khích các nhà sản xuất phụ tùng gốc (OEMs) tham gia thị trường EV cũng là cách giảm giá thành và tăng sản lượng xe tiêu thụ.

Cạnh tranh khốc liệt và trở thành quân cờ chiến lược

Với sức hấp dẫn của một thị trường có tốc độ tăng trưởng cao thì nhiều nhà sản xuất đều không muốn bỏ lỡ cơ hội. Là người đi sau trong ngành công nghiệp sản xuất ô tô nên Trung Quốc rất quyết tâm tận dụng cơ hội này để xoay chuyển cục diện, vươn lên giữ vị trí dẫn đầu.

Hơn 15 năm qua, các chính sách ủng hộ phát triển EV của Trung Quốc đã có những thành tựu đáng kể, được xem là một trong những chính sách công nghiệp thành công nhất trong lịch sử cận đại. Ngày nay, Trung Quốc là thị trường EV lớn nhất thế giới, chiếm 60% số lượng EV đăng ký mới và 40% sản lượng toàn cầu.

Có lẽ một trạng thái cân bằng sẽ là Trung Quốc cung cấp pin và chiếm lợi thế ở các thị trường mới nổi, và các hãng xe truyền thống ở Mỹ, EU hay Tesla vẫn giữ được thị phần của mình.

Tham vọng của Trung Quốc là chinh phục thị trường thế giới nên nước này đã tận dụng những lợi thế chi phí thấp của mình để trở thành trung tâm xuất khẩu EV của cả thế giới: năm 2022, 35% số lượng EV xuất khẩu trên thế giới là từ Trung Quốc. Ngay cả các hãng sản xuất EV lớn cũng đặt nhà máy ở Trung Quốc như Tesla và tăng sự hiện diện của mình như BMW, Renault, và Volkswagen. Một số chuyên gia trong ngành cho biết sản xuất ở Trung Quốc có thể giảm giá thành lên đến 10.000 đô la Mỹ/sản phẩm, phần lớn đến từ chi phí pin.

Không chỉ phát triển hệ thống nhà máy trong nước, Trung Quốc còn quốc tế hóa, đặt nhà máy ở châu Âu, Thái Lan, và Brazil. Các nhà sản xuất pin EV của Trung Quốc cũng đẩy mạnh đặt nhà máy ở nước ngoài, đáp ứng nhu cầu tăng vọt của thế giới và duy trì sự ảnh hưởng của mình, nổi bật nhất là trường hợp của CATL.

Nhưng các nhà sản xuất EV của Mỹ và EU, trong đó phần lớn là các hãng xe có truyền thống lâu đời không muốn bị lấn lướt một cách dễ dàng. Và nỗi lo này cũng là nỗi lo chung của các chính phủ vì đằng sau đó là việc làm, tăng trưởng kinh tế. Chính vì vậy mà các chính sách liên quan đến EV trở nên quan trọng trong việc đàm phán giữa các quốc gia với nhau.

Thị trường EV thời gian qua đã chứng kiến một cuộc chiến giảm giá gay cấn, rồi đình chiến, rồi phá vỡ thỏa thuận. Các hãng xe có nhiều cách để cạnh tranh với nhau về giá, không chỉ giảm trực tiếp mà còn có thể gián tiếp qua các hình thức khuyến mãi, hỗ trợ hậu mãi khác nhau.

Mặc dù có nhiều lợi thế ở sân nhà nhưng các doanh nghiệp sản xuất EV của Trung Quốc cũng không dễ dàng thâm nhập thị trường Mỹ và EU. Những rào cản về logistics, thuế, các yêu cầu về chứng nhận là những thứ mà doanh nghiệp Trung Quốc đang và sẽ đương đầu dài dài.

Không những thế, niềm tin của người tiêu dùng ở các thị trường đã phát triển về yếu tố chất lượng cũng là một thách thức rất lớn để Trung Quốc vượt qua. Một thời gian dài các sản phẩm xuất xứ từ Trung Quốc tạo một nếp nghĩ cho người tiêu dùng là giá rẻ đánh đổi cho chất lượng và điều này rất khó thay đổi một sớm một chiều. Dù một số mẫu mã xe của Trung Quốc đã đạt được tiêu chuẩn 5 sao về an toàn theo tiêu chuẩn của EU nhưng số đông người tiêu dùng vẫn chỉ biết đến những thương hiệu nổi tiếng đến từ Mỹ, EU.

Liệu EV có là sân chơi của riêng các tên tuổi lớn?

Thị trường EV ở các nước phát triển chủ yếu đến từ các hãng xe truyền thống vì đòi hỏi vốn lớn và công nghệ, trừ trường hợp đặc biệt là Tesla. Trong khi đó ở Trung Quốc, giai đoạn phát triển đầu tiên thì rất nhiều doanh nghiệp tham gia vì được nhiều chính sách ưu đãi. Đến lúc này, cuộc chiến về giá và một số doanh nghiệp lớn của Trung Quốc đã đủ trưởng thành thì quá trình đào thải diễn ra rất nhanh chóng: các doanh nghiệp nhỏ và yếu thế phải chấp nhận số phận rời khỏi thị trường.

Điều này cũng diễn ra ở các thị trường mới nổi như Ấn Độ, Indonesia và Nam Mỹ: khi biên lợi nhuận giảm dần và yêu cầu vốn đầu tư lớn thì chỉ có số ít doanh nghiệp có lợi thế mới dám tham gia thị trường. Và khả năng cao là các doanh nghiệp này chỉ có lợi thế ở thị trường nội địa. Việc mang chuông đi đánh xứ người sẽ rất khó khăn vì phải cộng thêm nhiều chi phí vào giá bán, cũng như cần sự ủng hộ của người tiêu dùng bản địa.

Lợi thế của Trung Quốc hiện nay là ở việc sản xuất pin và kiểm soát các nguồn nguyên liệu hiếm. Vì vậy mà Mỹ và EU vẫn sẽ phải phụ thuộc vào nguồn cung cấp quan trọng này. Nhưng xe của Trung Quốc thì không dễ dàng trong việc thâm nhập các thị trường phát triển. Có lẽ một trạng thái cân bằng sẽ là Trung Quốc cung cấp pin và chiếm lợi thế ở các thị trường mới nổi, và các hãng xe truyền thống ở Mỹ, EU hay Tesla vẫn giữ được thị phần của mình.

TS. Võ Đình Trí

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Thị trường ô tô ảm đạm trong tháng "cô hồn" (28/08/2023)

>   Grab tiếp tục rút ngắn thời gian hoà vốn (25/08/2023)

>   Ông lớn điện thoại Xiaomi được “bật đèn xanh” sản xuất xe điện (25/08/2023)

>   Nghĩa địa xe điện ở Trung Quốc: Ngành công nghiệp sớm nở tối tàn? (23/08/2023)

>   Kế hoạch IPO bom tấn của Arm có gì? (23/08/2023)

>   Loạt startup ở Thung lũng Silicon hồi sinh kế hoạch IPO theo thương vụ của Arm (23/08/2023)

>   Phiên đấu giá biển số ô tô đầu tiên bị tạm dừng vì lỗi kỹ thuật (22/08/2023)

>   Nhiều biển ‘ngũ quý' tại phiên đấu giá biển số ô tô đầu tiên (20/08/2023)

>   Thị trường điện thoại thông minh sắp có năm tệ nhất trong 1 thập kỷ (17/08/2023)

>   Bloomberg: Apple bắt đầu sản xuất iPhone 15 ở Ấn Độ (17/08/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật