Kế hoạch IPO bom tấn của Arm có gì?
Nhà thiết kế chip Arm, thuộc sở hữu của SoftBank, đang đếm ngược đến thời khắc niêm yết vốn được cho là đợt IPO lớn nhất của Mỹ trong gần hai năm trở lại đây. Công ty tiết lộ bản cáo bạch sơ bộ về việc niêm yết trên Nasdaq sẽ diễn ra vào đầu tháng 9.
Arm đặt mục tiêu huy động 10 tỷ USD trong đợt IPO sắp tới. Nếu thành công, đây sẽ trở thành đợt niêm yết lớn nhất tại Mỹ kể từ khi nhà sản xuất xe điện Rivian Automotive Inc. huy động được 13.7 tỷ USD vào tháng 11/2021. Đây cũng sẽ là đợt IPO lớn thứ ba trong lịch sử niêm yết của giới công nghệ, đứng sau thương vụ 25 tỷ USD của Alibaba vào năm 2014 và đợt niêm yết trị giá 16 tỷ USD của Meta Platforms vào năm 2012.
SoftBank, do tỷ phú Masayoshi Son lãnh đạo, đã mua lại Arm với giá 32 tỷ USD vào năm 2016 và rút công ty này khỏi Sàn Giao dịch Chứng khoán London. Theo hồ sơ được công bố vào ngày 21/08, một giao dịch nội bộ giữa SoftBank và Vision Fund, một quỹ đầu tư do chính tập đoàn này quản lý, đã định giá Arm ở mức 64 tỷ USD.
Bản cáo bạch tiết lộ gần 1/4 doanh thu của Arm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Hoạt động kinh doanh của Arm tại Trung Quốc được điều hành thông qua một công ty địa phương mà cả Arm và SoftBank đều không kiểm soát.
Arm gần như độc quyền về chip dành cho điện thoại thông minh, với thị phần hơn 99%. “Chúng tôi ước tính rằng khoảng 70% dân số thế giới sử dụng các sản phẩm dựa trên thiết kế của Arm”, công ty tiết lộ trong hồ sơ, đồng thời cho biết thêm rằng các con chip chứa công nghệ của họ chiếm 49% thị phần tổng thị trường khả dụng (TAM) trị giá hơn 200 tỷ USD vào năm ngoái.
Ba ông lớn công nghệ của thế giới, gồm Amazon, Samsung Electronics và Apple đều đang là những khách hàng quan trọng nhất của Arm. Nói cách khác, Arm chính là công ty phụ trách công đoạn có lời nhất trong ngành bán dẫn.
Tuy nhiên, Arm quay trở lại thị trường đại chúng vào đúng thời điểm thị trường điện thoại thông minh đang chứng kiến sự sụt giảm lớn nhất trong một thập kỷ.
Bản cáo bạch cho biết công ty đã báo cáo doanh thu 2.7 tỷ USD trong 12 tháng tính đến ngày 31/03, giảm 1% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận ròng giảm 5% xuống còn 524 triệu USD. Bản thân Arm sẽ không nhận bất kỳ khoản tiền nào thu được từ đợt IPO sắp tới, điều này sẽ buộc SoftBank phải bán bớt cổ phần của mình. Tuy nhiên, SoftBank được cho là sẽ chỉ bán cổ phần thiểu số tại Arm trong đợt IPO tới.
Đà tăng trưởng chậm lại đang gây áp lực buộc Arm phải khai thác các nguồn tăng trưởng mới bằng cách mở rộng sang thị trường ô tô và điện toán đám mây, đồng thời tăng giá trị tài sản trí tuệ của mình. Ông Son cũng muốn nhấn mạnh vai trò của Arm trong thị trường trí tuệ nhân tạo đang phát triển bùng nổ.
SoftBank đã đàm phán với nhiều khách hàng và tập đoàn công nghệ khác nhau để đưa họ trở thành nhà đầu tư mỏ neo trong đợt IPO sắp tới, bao gồm Amazon, Intel và Nvidia, nhà sản xuất chip từng chào mua Arm với giá 66 tỷ USD vào năm 2022 nhưng không thành công.
Goldman Sachs, Barclays, JPMorgan Chase và Mizuho là cố vấn chính cho đợt chào bán của Arm, cùng với 24 ngân hàng khác.
Trong số các yếu tố rủi ro được nêu chi tiết trong bản cáo bạch, Arm cảnh báo rằng họ “đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố kinh tế và chính trị” liên quan tới Trung Quốc, thị trường điện thoại thông minh lớn nhất thế giới. Doanh thu tiền bản quyền từ quốc gia này đã giảm vào năm ngoái do đà tăng trưởng kinh tế chậm lại và các yếu tố liên quan đến biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ và các vấn đề an ninh quốc gia.
Mối quan hệ của công ty với Trung Quốc còn phức tạp hơn do cơ cấu sở hữu đặc trưng của Arm China, công ty được độc quyền cấp giấy phép sở hữu trí tuệ phụ cho các khách hàng Trung Quốc như Alibaba và Xiaomi.
Theo bản cáo bạch, dù phụ thuộc đáng kể vào Arm China, Arm không có quyền quản lý trực tiếp tại công ty này và chỉ nắm giữ 4.8% quyền sở hữu gián tiếp tại công ty này, phần lớn cổ phần còn lại thuộc sở hữu của một số nhà đầu tư Trung Quốc. Trong đó, một công ty con của SoftBank, nơi Arm nắm giữ 10% cổ phần, sở hữu 48% cổ phần của Arm China.
Một nhà đầu tư dài hạn tại SoftBank cho biết việc SoftBank thành công niêm yết Arm với mức định giá hơn 60 tỷ USD trong một thị trường khó khăn như hiện nay sẽ giúp khôi phục niềm tin vào quyền lực của ông Son với tư cách là nhà đầu tư công nghệ hàng đầu thế giới.
Việc có quy mô lớn và từng là một công ty đại chúng khiến Arm được coi là có ít rủi ro hơn nhiều ứng viên đang chờ thời IPO khác. Song, thương vụ này vẫn đang được nhà đầu tư theo dõi chặt chẽ như một phép thử đối với thị trường IPO của Mỹ sau 18 tháng “khô hạn”.
Arm sẽ tổ chức roadshow IPO khi thị trường Mỹ mở cửa trở lại sau kỳ nghỉ Lễ Lao động 2/9.
Kim Dung (Theo FT, Bloomberg)
FILI
|