Việt Nam cần làm gì để thu hút những "gã khổng lồ" công nghệ trên thế giới?
Việt Nam đang có nhiều lợi thế để thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là trong lĩnh vực chế biến, chế tạo. Tuy nhiên, để có thể thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, Việt Nam cần chú trọng phát triển giáo dục, qua đó ghi thêm điểm cộng đối với các nhà đầu tư.
Diễn đàn Bất động sản công nghiệp Việt Nam (VIPF) lần thứ 3 tổ chức sáng ngày 24/08/2023
|
Sáng ngày 24/08/2023, Diễn đàn Bất động sản công nghiệp Việt Nam (VIPF) lần thứ 3 năm 2023 đã được tổ chức với sự tham dự của đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các doanh nghiệp bất động sản công nghiệp.
Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến cuối tháng 7/2023, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đạt 13.43 tỷ USD; trong đó, lĩnh vực bất động sản thu hút được 1.53 tỷ USD, giữ vị trí thứ ba trong các ngành, lĩnh vực.
Lượng vốn FDI gia tăng, khiến nhu cầu bất động sản khu công nghiệp bật tăng. Báo cáo quý 2/2023 của Bộ Xây dựng cho biết nhu cầu thuê nhà xưởng khu công nghiệp trong quý vẫn duy trì ổn định. Tại một số tỉnh có xuất hiện nhu cầu tăng nhẹ như Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Nam Định, Hải Phòng do ký kết hợp đồng với nhiều đối tác nước ngoài trong giai đoạn đầu năm 2023.
Tỷ lệ lấp đầy tại các khu công nghiệp hiện hữu trên địa bàn cả nước đạt khoảng 80% tại khu vực phía Bắc và trên 85% tại khu vực phía Nam. Bên cạnh đó, giá cho thuê đất bình quân cho cả chu kỳ thuê tại các khu công nghiệp trong quý 2/2023 cơ bản ổn định so với quý trước và tăng khoảng 5 - 7% so với cùng kỳ năm trước.
Nhờ vào các lợi thế về nền kinh tế định hướng xuất khẩu với nhiều chính sách hỗ trợ, vị trí địa lý chiến lược cùng với chi phí vận hành ưu đãi… thị trường Việt Nam được các chuyên gia đánh giá vẫn là điểm đến được các nhà đầu tư cân nhắc và lựa chọn nơi lý tưởng để đầu tư. Tuy nhiên, vì sản xuất là động lực tăng trưởng chính của hầu hết nền kinh tế Đông Nam Á, các nước trong khu vực cũng đều đang nỗ lực để giành được nhiều nguồn vốn FDI có giá trị cao vào ngành công nghiệp sản xuất nên thị trường vẫn sẽ có những trở ngại nhất định trong thời gian tới.
Lợi thế của Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài
Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng, bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực mặc dù có những diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường và khó dự báo, với rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Việt Nam vẫn được xem là điểm sáng trên bản đồ thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài với các lợi thế sau:
Thứ nhất, Việt Nam tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đạt kết quả tăng trưởng tích cực trong bối cảnh khó khăn. Năm 2022, tăng trưởng GDP đạt 8.02%; kim ngạch xuất nhập khẩu đạt trên 732 tỷ USD, tăng 9.5%, xuất siêu trên 11 tỷ USD; quy mô nền kinh tế đạt 409 tỷ USD; thu nhập bình quân đầu người trên 4,100 USD.
Thứ hai, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Năm 2022, vốn FDI thực hiện đạt khoảng 22.4 tỷ USD, cao nhất trong 5 năm qua. Riêng 7 tháng đầu năm 2023, vốn FDI đăng ký mới và số dự án FDI cấp mới tiếp tục tăng lần lượt 38.6% và 75.5% so với cùng kỳ, thể hiện sự tin tưởng mạnh mẽ của các nhà đầu tư nước ngoài đối với môi trường đầu tư của Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương phát biểu tại Diễn đàn
|
Thứ ba, vị thế quốc tế của Việt Nam đang được nâng cao, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, tham gia và triển khai thực hiện hiệu quả 16 Hiệp định FTA đã ký, trong đó có các FTA thế hệ mới với các cam kết sâu rộng và toàn diện như CPTPP, RCEP và EVFTA... Bên cạnh đó, Việt Nam được xếp vào nhóm 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới với sự hiện diện của nhà đầu tư đến từ 143 quốc gia và vùng lãnh thổ, với gần 38,000 dự án, tổng vốn đăng ký hơn 452 tỷ USD.
Thứ tư, Việt Nam có lợi thế về nguồn nhân lực và thị trường nội địa với gần 100 triệu dân với tầng lớp trung lưu tăng nhanh, tạo nên một thị trường có sức mua khá lớn. Cùng với đó, các công trình kết cấu hạ tầng ngày càng được đầu tư đồng bộ và hoàn thiện, giảm chi phí vận tải, logistics, chi phí đầu vào của doanh nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Một đại diện khác của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Đỗ Văn Sử - Phó Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài cho biết, sắp tới nguồn vốn đầu tư vào Việt Nam sẽ chủ yếu ở lĩnh vực chế biến, chế tạo. Các nhà đầu tư nước ngoài sẽ ưu tiên các KCN có sẵn hạ tầng phục vụ sản xuất (điện, nước) và hạ tầng xã hội phục vụ công nhân. Nhưng hiện nay, việc nhà đầu tư ngoại muốn đầu tư tại Việt Nam vẫn đang còn nhiều bất cập bởi quy định khi chỉ có hai hướng, một là vào các KCN, hai là góp vốn với các doanh nghiệp đã có sẵn hạ tầng nhà xưởng.
Phó Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài Bộ Kế hoạch và Đầu tư ông Đỗ Văn Sử đưa ra ý kiến tại Diễn đàn
|
Cần chú trọng giáo dục nếu muốn thu hút đầu tư công nghệ cao
Về phía doanh nghiệp, ông Bruno Jaspaert – Tổng Giám đốc Tổ hợp KCN Deep C đánh giá, việc phát triển KCN của Việt Nam tập trung vào linh vực sản xuất là không giới hạn, tuy nhiên cần đảm bảo những điều cơ bản phải tốt như có sẵn quỹ đất, đảm bảo các tiện ích như điện, nước. Đặc biệt, nước là mỏ vàng của Việt Nam nhưng hiện nay chưa được quản lý tốt.
Ông Bruno Jaspaert – Tổng Giám đốc Tổ hợp KCN Deep C
|
Một số điểm cộng của thị trường Việt Nam có thể kể đến như có nhiều hiệp định thương mại tự do với nhiều khu vực, được hưởng lợi từ xu hướng chính sách Trung Quốc +1, giá thuê ở một số khu vực khá cạnh tranh, cơ sở hạ tầng đang dần được hoàn thiện.
Chiều ngược lại, ông Paul Wee – Giám đốc Tài chính Công ty BW Industrial cho rằng để phát triển công nghiệp, Việt Nam cần phải cải thiện ở một số điểm.
Ông Paul Wee – Giám đốc Tài chính Công ty BW Industrial
|
Đầu tiên là cần cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông, đường xá, có nhiều cao tốc hơn. Chính phủ cần cam kết các dự án đường cao tốc được xây dựng đúng hạn, từ đó sẽ tăng sự tự tin của các nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư vào Việt Nam.
Thứ hai là cần cải thiện việc quản lý, cung cấp các mong đợi từ nhà đầu tư như việc đảm bảo sự ổn định của nguồn điện và nước. Ví dụ như không thể chỉ báo trước 3 ngày rồi cúp điện, buộc nhà máy phải dừng hoạt động trong 24h.
Thứ ba là nếu Việt Nam mong muốn thu hút đầu tư công nghệ cao thì phải chú trọng giáo dục, các nhà đầu tư nước ngoài muốn tận dụng nguồn lực ở địa phương chứ không phải đem toàn bộ nguồn lực từ công ty mẹ sang.
Hà Lễ
FILI
|