Dệt may Việt trước thách thức mới khi vào EU
Trong bối cảnh hoạt động của ngành dệt may còn khó khăn, một số quy định từ thị trường châu Âu càng tạo áp lực lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
Theo Bộ Công Thương, Liên minh châu Âu (EU) đã phát động chiến dịch Thiết lập lại xu hướng nhằm chống lại chất thải dệt ngày càng tăng. Theo đó, đến năm 2030, tất cả sản phẩm dệt may trên thị trường EU phải bền, có thể tái chế. Đáng chú ý, trong năm 2023 EU sẽ xem xét lại luật cơ bản về chất thải, trong đó tập trung vào trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất dệt may sau khi bán hàng tại thị trường EU, đảm bảo vòng đời của sản phẩm (ERP).
Doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn
Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Công ty TNHH May mặc Dony, cho biết quy định ERP hiểu nôm na là doanh nghiệp (DN) dệt may khi xuất bán quần áo sang thị trường EU, sau khi người tiêu dùng sử dụng xong, DN có trách nhiệm thu hồi, xử lý, tái chế. Hiện nay, DN chưa rõ cách thức triển khai thế nào nhưng nếu phải áp dụng sẽ rất khó khăn.
“Vì vậy, vấn đề này có thể sẽ được giải quyết thông qua một công ty tại nước ngoài, họ sẽ thu hồi, chịu trách nhiệm xử lý và DN Việt sẽ phải trả tiền. Tất cả đều tính vào chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm sẽ tăng cao” - ông Quang Anh nói.
EU sẽ áp dụng quy định mới đối với các doanh nghiệp may mặc xuất khẩu vào thị trường này. Ảnh: T.UYÊN
|
Cùng quan điểm, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP.HCM, cho biết chính sách ERP rất khó khăn khi thực hiện. “Hiện nay, khách hàng châu Âu chưa có động thái nào nên DN Việt vẫn tiếp tục theo dõi thị trường” - ông Hồng nói.
Ông Huỳnh Thanh Trung, Chủ tịch HĐQT Công ty LeanWares, nhận định xu hướng xanh trong ngành dệt may là DN xây dựng một hệ sinh thái gồm các yếu tố chuyển đổi số, nhà máy thông minh, khí nhà kính, hệ thống tái chế toàn cầu… ERP châu Âu vừa giới thiệu nằm trong hệ sinh thái xanh này.
Theo ông Trung, để thực thi được những chính sách mới từ EU đòi hỏi DN Việt có nguồn tài chính cũng như nguồn nhân lực chất lượng cao để vận hành. Trong khi nguồn nhân lực 4.0 của Việt Nam cũng như trong ngành dệt may đang mỏng. “Chúng tôi đang phối hợp với một số tổ chức nước ngoài để đào tạo nâng cao năng lực, nhận thức của đội ngũ thực thi nhằm hỗ trợ DN” - ông Trung nói.
Luật chơi chung
Ông Phạm Văn Việt, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng, cho biết nhiều năm qua công ty xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ, châu Âu… nên đã đầu tư máy móc, áp dụng công nghệ 4.0, chuẩn bị nguồn nguyên liệu xanh. Do đó, với quy định ERP, công ty không lo lắng.
Tuy nhiên, theo ông Việt, hiện nay đơn hàng xuất khẩu chưa thể lạc quan. Đáng lo là khi ngành hàng thời trang có sức mua giảm mạnh 60%-70%, đơn hàng thời trang cơ bản giảm 30%-40%.
“Trước đây, các DN nhỏ gặp khó khăn và đến thời điểm này, các DN lớn cũng dần thấm đòn. Cùng với việc DN phải ứng phó với giá cả nguyên liệu đầu tăng cao, vừa lo tìm kiếm đầu ra, chưa kể DN phải duy trì lực lượng lao động đông nên vô cùng bấp bênh” - ông Việt nói.
Chuyên gia kinh tế - TS Huỳnh Thanh Điền, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cho biết: Đối với ngành thời trang, muốn sản xuất bền vững phải bắt đầu từ nguyên liệu, như sử dụng nguyên liệu thân thiện với môi trường.
“DN muốn làm xanh phải chủ động chuyển đổi nhưng hiện nay rất ít DN Việt Nam đạt được chứng nhận này. Nguyên nhân là DN vẫn còn bán được hàng. Bên cạnh đó, hiện nay cũng không có nhiều đơn vị tư vấn DN triển khai thực hiện xanh” - TS Điền nói.
Ngoài ra, khi DN buộc phải triển khai ERP chắc chắn chi phí sẽ tăng, dẫn đến giá thành sản phẩm tăng là đương nhiên. Đồng thời, đây là luật chơi chung, ai cũng phải xanh nên vấn đề cạnh tranh về giá cũng không quá lớn.
“Chúng ta chỉ e ngại kỷ cương thị trường lỏng lẻo, khi DN không áp dụng xanh mà vẫn bán được hàng vào châu Âu thì DN xanh không thể cạnh tranh về giá” - TS Điền nói.
Bên cạnh đó, châu Âu tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do với nhiều quốc gia, khi họ tiên phong đưa ra một tiêu chuẩn tiến bộ nào thì các nước như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… phải theo.
“Nếu DN cho rằng hiện tại chưa đặt mục tiêu thâm nhập thị trường châu Âu nên không triển khai mà đặt trọng tâm là những thị trường khác thì cần lưu ý” - TS Điền nhận định.
Đang yêu cầu có hướng dẫn, hợp tác cụ thể
Theo ông Trần Ngọc Quân, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Bỉ, EU, hiện nay EU đánh giá thời trang nhanh là một trong bốn ngành tạo ra rác thải lớn nhất đối với họ. Châu Âu hướng đến đầu ra cuối cùng của các sản phẩm dệt may không phải là chôn lấp mà phải được tái chế.
Ông Quân cho biết thông qua ERP, hàng dệt may dưới thương hiệu của DN Việt Nam rất khó xuất khẩu vào châu Âu do họ yêu cầu các DN phải xây dựng chuỗi cửa hàng, chuỗi thu mua, xử lý, sửa chữa sản phẩm. Đây mới là điều cản trở của ngành dệt may Việt Nam và là điều đáng lo ngại hiện nay.
Theo ông Quân, hiện nay EU khuyến nghị ERP chứ chưa trở thành quy định, mong DN Việt có kế hoạch chuyển đổi thích hợp, cần có sự chuẩn bị nhất định vì khi đã trở thành quy định bắt buộc sẽ ảnh hưởng nhiều đến DN.
“Chúng tôi đang có kế hoạch làm việc với hiệp hội dệt may, da giày của châu Âu để yêu cầu có hướng dẫn, hợp tác cụ thể đối với các đối tác tại Việt Nam. Các hiệp hội cho biết đang dần chia sẻ thông tin với đối tác Việt Nam nhưng giai đoạn này họ đang tập trung vào thiết kế vật liệu đảm bảo theo quy định thiết kế sinh học của EU” - ông Quân thông tin.
Nhiều doanh nghiệp may mặc đang khó khăn
Ông Trương Văn Cẩn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho biết bảy tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu may mặc đạt 22,8 tỉ USD, giảm 14,7 tỉ USD so với cùng kỳ năm 2022.
Hiện nay, ngoài tình trạng DN nhận đơn hàng nhỏ giọt thì giá cả đơn hàng xuống rất thấp. Nhiều DN nhận cả những đơn hàng không phải là thế mạnh của mình nên năng suất thấp, hiệu quả không cao.
“Nhiều DN sản xuất chủ yếu để cầm cự, thậm chí chấp nhận lỗ để giữ chân người lao động” - ông Cẩn nói.
Nhiều mặt hàng may mặc xuất khẩu đang giảm giá mạnh khi bán ở thị trường nội địa. Ảnh: T.UYÊN
|
|
TÚ UYÊN
Pháp luật TPHCM
|