Ngại bán đặc sản trên sàn thương mại điện tử vì... phí cao
Vấn đề kho hàng, bảo quản sản phẩm, vận chuyển là những băn khoăn của các đơn vị khi hướng tới bán hàng qua sàn thương mại điện tử.
Ngày 18-8, Thông tin từ Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết: Nhằm hỗ trợ đưa sản phẩm đặc sản địa phương cả nước đến người tiêu dùng, Trung tâm Tin học và Công nghệ số đã và đang nghiên cứu triển khai, hỗ trợ các hộ sản xuất kinh doanh, hợp tác xã các địa phương tiếp cận với sàn đặc sản địa phương. Đây là mô hình phân phối đặc sản địa phương qua các sàn thương mại điện tử (TMĐT).
Theo đó, khi tham gia mô hình này mỗi địa phương sẽ được lập một gian hàng đặc sản trên các sàn TMĐT lớn, trong đó sẽ tập trung tất cả doanh nghiệp (DN) sản xuất, các sản phẩm của tỉnh thành đó để thuận tiện cho việc quản lý, điều phối, vận hành và phân phối.
Trung tâm Tin học và Công nghệ số cho biết, thời gian qua với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, việc bán hàng hoá qua các nền tảng TMĐT trở nên phổ biến. Tuy nhiên, thực tế cho thấy số lượng cơ sở sản xuất, hợp tác xã, DN ở các địa phương có thể tự mình đưa sản phẩm lên sàn TMĐT còn khiêm tốn.
Tháng 2-2023 siêu thị đồng hành người trồng cam sành Vĩnh Long khi thị trường rớt giá. Ảnh: TÚ UYÊN
|
Qua khảo sát từ một số tỉnh thành ghi nhận một số khó khăn, chủ yếu là nguồn lực hạn chế. Hầu hết các hợp tác xã sản xuất, kinh doanh nông sản thiếu nhân lực hiểu biết về công nghệ thông tin, quy trình bán hàng, marketing...
Đặc biệt, chi phí quản lý bán hàng quá cao từ 25%-45% khiến các đơn vị ngần ngại tham gia các sàn TMĐT. Bên cạnh đó, vấn đề kho hàng, bảo quản sản phẩm, vận chuyển cũng là băn khoăn của các DN, hợp tác xã khi hướng tới bán hàng qua sàn TMĐT.
Trước những khó khăn trên, Trung tâm Tin học và Công nghệ số kết nối các sở, ban, ngành địa phương với các nền tảng TMĐT, các đơn vị cung cấp dịch vụ TMĐT để triển khai giải pháp sàn đặc sản địa phương.
Đối với khó khăn về chi phí, Trung tâm Tin học và Công nghệ số sẽ trao đổi với các nền tảng TMĐT, các đơn vị dịch vụ vận hành để đưa ra phương án hỗ trợ tối ưu về chi phí và truyền thông cho các DN khi tham gia chương trình.
Để hỗ trợ kỹ năng bán hàng cho hợp tác xã, nông dân hướng tới tự quản lý kênh bán hàng TMĐT, Trung tâm Tin học và Công nghệ số dự kiến phối hợp với chuyên gia từ các sàn TMĐT tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng để các đơn vị từng bước thực hiện được quy trình đăng sản phẩm, quản lý gian hàng, chăm sóc khách hàng trên các sàn TMĐT…
Với sự chung tay giữa cơ quan nhà nước, DN sản xuất, các nền tảng TMĐT, sàn đặc sản địa phương hứa hẹn mang lại giá trị thiết thực cho bà con nông dân, DN cũng như người tiêu dùng có thể mua các đặc sản địa phương không còn giới hạn khoảng cách địa lý.
TÚ UYÊN
Pháp luật TPHCM
|