EC khởi xướng điều tra chống bán phá giá với thép không gỉ cán nguội xuất xứ từ Việt Nam
Theo Cục Phòng vệ Thương mại, Ủy ban châu Âu (EC) ban hành Thông báo khởi xướng 2 vụ điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp với sản phẩm thép không gỉ cán nguội của Việt Nam, Đài Loan, Thổ Nhĩ Kỳ…
Thép không gỉ cán nguội Việt Nam bị EC điều tra chống bán phá giá
|
Theo Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), hàng hóa bị điều tra là mặt hàng thép không gỉ cán phẳng, không gia công quá mức cán nguội, có xuất xứ từ Indonesia được phân thành những loại như mã HS 7219 31 00, 7219 32 10, 7219 32 90, 7219 33 10, 7219 33 90… Nguyên đơn là Hiệp hội Thép châu Âu (EUROFER).
Căn cứ khởi xướng điều tra là do sau khi hàng hóa từ Indonesia bị EC áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đã có sự thay đổi trong dòng chảy thương mại, chuyển tải hàng hóa từ Indonesia sang Việt Nam, Đài Loan và Thổ Nhĩ Kỳ, sau đó xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU).
Thông báo nêu rõ căn cứ khởi xướng điều tra cụ thể là sau khi hàng hóa từ Indonesia bị EC áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đã có sự thay đổi trong dòng chảy thương mại, chuyển tải hàng hóa từ Indonesia sang Việt Nam, Đài Loan (Trung Quốc) và Thổ Nhĩ Kỳ, sau đó xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU).
Hơn nữa, có bằng chứng cho thấy các hoạt động lắp ráp, hoàn thiện sản phẩm từ thanh/tấm thép không gỉ và/hoặc thép cán nóng sẽ cấu thành hành vi lẩn tránh do các hoạt động này chỉ xuất hiện hoặc gia tăng sau khi vụ việc điều tra với Indonesia được khởi xướng.
Đáng lưu ý trị giá nhập khẩu của cấu kiện từ Indonesia chiếm tới trên 60% tổng giá trị của hàng hóa sau khi được lắp ráp/hoàn thiện và giá trị gia tăng của hoạt động này chiếm thấp hơn 25% chi phí sản xuất.
Quá trình chuyển tải nêu trên đã làm suy yếu tác dụng bảo hộ của biện pháp gốc với Indonesia về lượng và giá. Lượng hàng hóa bị cáo buộc lẩn tránh đã gia tăng một cách đáng kể tại thị trường EU và đang bán phá giá/nhận trợ cấp, có thể gây thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước.
Bởi vậy, vụ việc sẽ được kết thúc trong vòng 9 tháng từ ngày thông báo có hiệu lực. Các bên liên quan phải trình diện trước cơ quan điều tra trong vòng 15 ngày kể từ ngày thông báo có hiệu lực.
Ngoài ra, các bên liên quan hoặc đại diện theo pháp luật phải nộp bản trả lời câu hỏi, ý kiến bằng văn bản, đề nghị xem xét miễn trừ hoặc các thông tin cần thiết khác trong vòng 37 ngày kể từ ngày đăng công báo của EU.
Mặt khác, các bên liên quan có thể đề nghị EC tham vấn trong thời hạn 37 ngày. Đối với tham vấn về việc khởi xướng, các bên liên quan cần gửi yêu cầu tới EC trong vòng 15 ngày kể từ ngày thông báo có hiệu lực. EC đã đưa ra hướng dẫn về việc nộp ý kiến bằng văn bản, gửi bản câu hỏi và câu trả lời; thu thập thông tin và tổ chức tham vấn; yêu cầu miễn trừ…
Để đảm bảo lợi ích chính đáng, Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu sản phẩm thép không gỉ cán nguội liên quan cần nghiên cứu, nắm vững quy định, trình tự thủ tục điều tra chống lẩn tránh thuế của EU cũng như thông báo liên quan, đảm bảo tuân thủ các quy định về thời hạn, thể thức và nội dung do EC hướng dẫn.
Mặt khác, thực hiện đúng và đầy đủ yêu cầu của cơ quan điều tra EC, bao gồm đăng ký tham gia, hợp tác toàn diện với EC trong suốt quá trình vụ việc; phối hợp chặt chẽ với Cục Phòng vệ thương mại để nhận được thông tin và sự hỗ trợ kịp thời.
Nhật Quang
FILI
|