Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói về giải pháp xuất khẩu gạo hiệu quả
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh lúc này người nông dân và doanh nghiệp cần phải chia sẻ với nhau, phải chuyển từ tư duy mua bán sang tư duy liên kết hợp tác thì mới bền vững.
Chiều 15-8, tiếp tục phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã trả lời chất vấn. Theo đó, nhiều vấn đề liên quan đến xuất khẩu nông sản, những vướng mắc khi tranh thủ thời cơ xuất khẩu gạo, gỡ thẻ vàng IUU… đã được các đại biểu đưa ra chất vấn.
80% diện tích lúa ở ĐBSCL chưa được liên kết chuỗi
Tại phiên họp, đại biểu Lê Thị Song An (Long An) chất vấn về hiện tượng mua gom lúa gạo ồ ạt gây mất cân đối cung - cầu cục bộ trong bối cảnh giá lúa gạo tăng liên tục. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp cụ thể, hữu hiệu để vừa bảo đảm an ninh lương thực quốc gia vừa thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết bộ đã sớm có báo cáo vấn đề này với Thủ tướng. Thủ tướng cũng đã có công điện chỉ đạo gỡ vướng khi nảy sinh vấn đề mất an ninh lương thực. Bộ trưởng đề nghị các bên liên quan cần có thái độ bình tĩnh vì mọi vấn đề đều có thể phát sinh mặt trái nếu không quản lý tốt.
Theo Bộ trưởng, hiện nay ở ĐBSCL ngày nào cũng xuống giống lúa vì ở đây xuống giống theo con nước. Nếu không có biến động về thiên tai thì Việt Nam (VN) sẽ không gặp vấn đề gì trong việc xuất khẩu 7-8 triệu tấn gạo.
Về tình trạng mua gom lúa gạo ồ ạt, cố tình đẩy giá lên cao, Bộ trưởng cho biết giá nông sản quyết định bởi cung - cầu. Cầu tăng, cung không tăng thì giá lên, đây là quy luật thị trường nên chúng ta không quyết định được. Tuy nhiên, ngoài bài toán cung - cầu cũng có tình trạng đặt cọc cố tình đẩy giá, gây tác động tiêu cực.
Gạo Việt Nam được bày bán tại siêu thị nước ngoài. Ảnh: Q.HUY
|
“Tôi mong bà con nông dân, doanh nghiệp lúc này cần tôn trọng nhau, chia sẻ với nhau. Tôi có nói với bà con nông dân là mua bán không chỉ là vấn đề được lợi mà nghĩ xem mùa sau có mua bán được với họ nữa hay không… Chúng ta phải chuyển từ tư duy mua bán sang tư duy liên kết hợp tác thì mới bền vững” - Bộ trưởng chia sẻ.
Theo ông Hoan, hiện ở ĐBSCL chỉ có khoảng 20% diện tích lúa đã được liên kết chuỗi. Phần diện tích lúa còn lại (80%) không có liên kết nên không kiểm soát được thương lái.
Có tình trạng đốn điều trồng sầu riêng
Tại phiên họp, khó khăn của ngành điều VN khi vị trí dẫn đầu thế giới đang bị lung lay do việc nhập khẩu điều nhân từ nước ngoài tăng mạnh đã được đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) đưa ra chất vấn.
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết ông đã có dịp đến thăm một hộ trồng điều ở Bình Phước và rất bất ngờ khi biết thu nhập của bà con trồng điều chỉ khoảng 40 triệu đồng/năm. Do đó, tình trạng đốn điều để trồng sầu riêng đã xảy ra.
Bộ trưởng chia sẻ có thời điểm chúng ta mong muốn và hào hứng Bình Phước sẽ trở thành thủ phủ của cây điều và VN đứng đầu thế giới về điều nhưng bối cảnh hiện nay đã thay đổi.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan tại phiên chất vấn. Ảnh: PHẠM THẮNG
|
“Trước kia VN nhập điều thô từ các quốc gia Tây Phi nhưng hiện các quốc gia này bắt đầu tăng cường chế biến và xuất khẩu điều thô. Điều sản xuất trong nước để chế biến xuất khẩu chỉ chiếm 20%-30%, điều này đặt ra yêu cầu tái cấu trúc ngành điều VN” - Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng tiếp tục cho biết hiện nay Bộ NN&PTNT đang thí điểm trồng nấm linh chi đỏ dưới tán điều ở Bình Phước. Nghĩa là một mảnh đất tích hợp đa giá trị, chỉ khi ấy người nông dân bằng thu nhập khác mới có thể giữ cây điều.
“Còn bản thân cây điều sống độc lập sẽ bị cạnh tranh bởi cây trồng khác có thu nhập cao hơn, trước mắt là cây sầu riêng. Bộ cũng đang xây dựng trình Thủ tướng Đề án phát huy giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng, trong đó điều cũng là một dạng rừng để tạo ra sinh kế nhiều hơn, ngoài nguồn thu hoạch từ hạt điều” - ông Hoan nói.
Kiên trì xây dựng thương hiệu
Đại biểu Chu Thị Hồng Thái (Lạng Sơn) chất vấn về việc đa số sản phẩm nông sản VN xuất khẩu sang nước ngoài chưa có thương hiệu, chủ yếu là xuất khẩu thô. Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết ông vừa nhờ Tham tán nông nghiệp ở châu Âu thống kê tất cả sản phẩm nông sản có thương hiệu và chưa có thương hiệu của VN ở thị trường này. Theo ông, VN đã có nhiều sản phẩm đứng chân trong các siêu thị lớn của nước ngoài.
“Đây là kết quả quá trình doanh nghiệp kiên trì xây dựng thương hiệu, như ngành hàng cà phê đã làm được, ngành hàng gạo đang tiếp tục. Chúng tôi đang làm ngành hàng sầu riêng và các sản phẩm chủ lực khác. Thương hiệu là cái hiệu để người ta thương, chứ không phải là ngon hay dở. Không thể xây dựng thương hiệu khi người trồng cũng chen chúc để phá vỡ hợp đồng, hoặc vì sản lượng mà vô tình hay cố ý làm giảm chất lượng sản phẩm - Bộ trưởng nói.
Tiếp tục chia sẻ, Bộ trưởng cho hay chúng ta đừng nhầm lẫn thương hiệu và nhãn hiệu. Nhãn hiệu dễ xây dựng, dễ thiết kế, đăng ký là xong nhưng thương hiệu thì không phải đăng ký mà in vào tâm trí người tiêu dùng, bao gồm nhãn hiệu và cảm xúc, phải mất nhiều năm mới hình thành.
Lý do gần sáu năm Việt Nam chưa gỡ được thẻ vàng IUU
Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Ninh Bình) chất vấn tại sao sau gần sáu năm chúng ta chưa gỡ được thẻ vàng thủy sản, trong khi Philippines hoặc Thái Lan chỉ mất mấy tháng?
Trả lời, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết việc gỡ thẻ vàng không phải là mục tiêu duy nhất, mà mục tiêu cuối cùng là giữ gìn trữ lượng và tính đa dạng sinh học trên vùng biển. Nếu gỡ thẻ vàng nhưng tính bền vững không được đảm bảo thì sẽ bị áp dụng thẻ vàng khác.
Theo Bộ trưởng, nếu so sánh với Philippines hoặc Thái Lan, cấu trúc ngành hàng của các quốc gia này bền chặt hơn VN. Từ ngư dân tới doanh nghiệp đều được xây dựng hệ sinh thái ngành hàng. Các quốc gia này sử dụng các biện pháp rất mạnh, như đánh đắm tàu vi phạm giữa biển khơi chứ không xử phạt như VN.
Trong khi đó, chế tài của ta chưa đủ mạnh. Ở VN, gần 60% vi phạm ở các địa phương vẫn chưa được xử lý và bộ sẽ chuyển danh sách này tới Thủ tướng. Bộ trưởng khẳng định đã đến lúc phải xử lý nghiêm, nếu không sẽ không đủ sức răn đe, không có sự thay đổi.
|
AN HIỀN
Pháp luật TPHCM
|