Doanh nghiệp chế biến sản phẩm từ gạo gặp khó vì giá gạo tăng nhanh
Giá gạo tăng kéo theo giá thành sản xuất, chi phí đầu vào cũng tăng nhưng giá bán sản phẩm đã ký kết hợp đồng từ trước với đối tác thì không thay đổi, cơ sở vẫn phải duy trì hoạt động để giữ khách.
Sản xuất sản phẩm sau gạo tại Cơ sở thực phẩm Phú Khang 2, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp. (Ảnh: Nhựt An/TTXVN)
|
Thời gian gần đây, giá gạo tăng “nóng” khiến nhiều doanh nghiệp ở Đồng Tháp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất bột và sản phẩm từ gạo gặp khó khăn.
Tuy giá nguyên liệu đầu vào tăng nhanh, chi phí sản xuất đội lên nhưng doanh nghiệp chưa thể tăng giá bán sản phẩm. Nhiều sản phẩm từ gạo phải bán với giá bằng hoặc thấp hơn chi phí sản xuất.
Từ lâu, thành phố Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp) đã được nhiều người biết đến với hủ tiếu và biệt danh làng bột Sa Đéc. Hiện nay, nơi đây còn tập trung nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất bột và những sản phẩm từ gạo.
Thành lập từ năm 2016, Cơ sở Thực phẩm Phú Khang 2 (thành phố Sa Đéc) chuyên sản xuất những sản phẩm từ gạo như bánh hỏi, hủ tiếu, mỳ Quảng, bánh đa cua, bún… với sản lượng gần 90 tấn/tháng, phân phối cho các doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh để xuất khẩu sang Pháp, Mỹ, Nhật Bản…
Từ đầu năm 2023 đến nay, nhất là khoảng 1 tháng gần đây, tình hình sản xuất, kinh doanh của cơ sở gặp khó khăn vì giá gạo biến động theo hướng tăng liên tục.
Bà Mật Bích Khuầy, chủ Cơ sở Thực phẩm Phú Khang 2, cho biết cơ sở có nhiều đơn hàng đã ký hợp đồng từ đầu năm, sản xuất và cung cấp đều đặn cho đối tác đến tháng 12/2023.
Trong khi đó, giá gạo nguyên liệu tăng liên tục, đầu tháng 8/2023, cơ sở mua gạo IR504 giá 13.600 đồng/kg, hiện tại đã lên gần 15.000 đồng/kg.
Giá gạo tăng kéo theo giá thành sản xuất, chi phí đầu vào cũng tăng nhưng giá bán sản phẩm đã ký kết hợp đồng từ trước với đối tác thì không thay đổi, cơ sở vẫn phải duy trì hoạt động để giữ khách hàng.
Theo bà Mật Bích Khuầy, những sản phẩm của cơ sở sử dụng trên 90% nguyên liệu là gạo.
Để ứng phó với việc giá gạo tăng, trước mắt, cơ sở phải tự xoay xở nhiều giải pháp nhằm giảm tối đa chi phí đầu vào.
Đối với trường hợp khách lẻ, cơ sở thỏa thuận tăng giá bán sản phẩm lên vài phần trăm nhưng phải có độ trễ nhất định, không thể tăng đột ngột theo giá gạo.
Giá gạo tăng, cơ sở nhỏ không đủ nguồn chi phí, phải tiết kiệm tối đa các khoản; đầu thêm tư trang thiết bị, máy móc hiện đại nhằm tăng năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất.
Đóng gói sản phẩm sau gạo tại Công ty Cổ phần Thực phẩm Bích Chi, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp. (Ảnh: Nhựt An/TTXVN)
|
Đối với Công ty Cổ phần Thực phẩm Bích Chi (thành phố Sa Đéc) - một công ty chuyên sản xuất bột, các sản phẩm từ gạo có quy mô lớn và nổi tiếng ở Đồng Tháp cũng đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi “cơn sóng” tăng giá gạo.
Công ty sản xuất 4 nhóm sản phẩm chính, gồm bột; bánh phồng tôm; bánh tráng các loại; phở, hủ tiếu, bún, miếng, bánh hỏi. Trung bình sản lượng sản xuất mỗi ngày của công ty là 10 tấn bột và 20 tấn các sản phẩm sau gạo.
Sản phẩm của Công ty Cổ phần Thực phẩm Bích Chi đã xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới, với giá trị từ 15-20 triệu USD/năm, đạt tỷ trọng 75% tổng doanh số bán hàng.
Ông Phạm Thanh Bình, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Bích Chi, cho hay gần đây, giá gạo nguyên liệu tăng đột ngột, gây khó khăn cho công ty trong việc sản xuất, kinh doanh.
Đầu tháng 8/2023, công ty thương lượng thu mua 100 tấn gạo IR504 giá 12.000 đồng/kg, trong khi còn chưa kịp “chốt” mua thì hôm sau giá đã tăng lên 13.700 đồng/kg, đến ngày tiếp theo, công ty quyết định mua thì đã là 14.800 đồng/kg, nhưng đối tác cũng đã thông báo hết hàng; còn gạo Hàm Châu cũng tăng giá từ 13.000 đồng/kg lên 16.200 đồng/kg.
Theo ông Phạm Thanh Bình, từ đầu tháng 8/2023 đến nay, trung bình giá gạo nguyên liệu tăng từ 3.000-3.500 đồng/kg (tùy loại gạo) so với trước đây.
Không chỉ có gạo mà nhiều loại nguyên liệu khác mà công ty nhập khẩu từ nước ngoài về (bột khoai tây, bột đậu Hà Lan…) cũng tăng giá gần 100%.
Đối với những đơn hàng đã ký hợp đồng với đối tác từ trước có mức giá cố định thì công ty phải “chịu trận” bán không có lãi. Còn những đơn hàng sắp tới, công ty đã thông báo giá bán sản phẩm sẽ tăng từ 5-11%.
Tuy nhiên, việc tăng giá phải chậm, không thể tăng theo giá gạo. Cùng với đó, từ đầu năm 2023 nay, tình hình tiêu thụ hàng hóa của công ty chậm hơn từ 25-30% so với năm 2022.
Đồng Tháp là một trong những tỉnh có diện tích sản xuất và sản lượng lúa, gạo lớn ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Diện tích sản xuất lúa mỗi năm của tỉnh Đồng Tháp dao động khoảng 480.000-500.000 ha, sản lượng ước tính trên 3,3 triệu tấn.
Theo Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp, trong 6 tháng đầu năm 2023, thị trường xuất khẩu gạo có nhiều thuận lợi khi đơn hàng xuất khẩu lẫn giá bán sang nhiều thị trường tăng mạnh, lượng gạo xuất khẩu của Đồng Tháp ước đạt 262.920 tấn, kim ngạch ước đạt 152,15 triệu USD.
Năm 2023, Đồng Tháp phấn đấu xuất khẩu 338.000 tấn gạo, thu về kim ngạch 232 triệu USD.
Gần đây, với sự biến động mạnh của thị trường thế giới, giá lúa, gạo trong nước cũng như ở Đồng Tháp liên tục tăng. Trước tình hình này, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp triển khai bình ổn thị trường lúa, gạo.
Ủy ban Nhân dân tỉnh chỉ đạo Sở Công Thương đôn đốc các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường trên địa bàn có phương án về nguồn hàng lúa, gạo để bảo đảm cung ứng cho thị trường từ nay đến cuối năm 2023 và giai đoạn Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 với giá bình ổn.
Bên cạnh đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã đề nghị các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trên địa bàn tỉnh duy trì lượng lúa, gạo dự trữ bình ổn thị trường theo quy định để sẵn sàng cung ứng ra thị trường khi cần thiết; thực hiện việc thu mua, giao hàng theo tiến độ hợp lý và cân đối lượng xuất khẩu nhằm đảm bảo nguồn cung cho thị trường trong nước, tránh mua gom ồ ạt gây bất ổn thị trường, mất cân đối cung cầu cục bộ đẩy giá lúa, gạo trong nước tăng bất hợp lý./.
Nhựt An
Vietnamplus
|