TP.HCM yêu cầu giải thể đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động không hiệu quả
TP.HCM yêu cầu sắp xếp tổ chức các đơn vị sự nghiệp công lập tinh gọn, hiệu quả, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập không hiệu quả nhằm giảm chi ngân sách.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi vừa ký văn bản chỉ đạo đẩy mạnh tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập đến năm 2025 theo Nghị quyết 19/2017 của Ban Chấp hành Trung ương.
Mục tiêu nhằm đến năm 2025, TP có tối thiểu 20% đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính.
TP.HCM yêu cầu các đơn vị sự nghiệp công lập đẩy mạnh tự chủ tài chính. Ảnh: NGUYỄN TIẾN
|
Theo đó, UBND TP đề nghị đối với các đơn vị sự nghiệp công lập đã được phân loại là đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư thì tiếp tục duy trì hoặc giảm tối thiểu đến mức tự đảm bảo chi thường xuyên trong trường hợp tình hình tài chính có biến động không thể đảm bảo được chi đầu tư.
Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập đã được phân loại là đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên thì tiếp tục duy trì và phấn đấu để đạt mức tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư.
Năm 2021, TP.HCM có 386 đơn vị sự nghiệp công lập khối TP với 28% đơn vị tự đảm bảo chi phí hoạt động và 1.486 đơn vị sự nghiệp công lập khối quận, huyện với hơn 7% đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên.
|
Đối với sở, ban, ngành có tỉ lệ đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên trên tổng số đơn vị sự nghiệp trực thuộc đến năm 2021 đạt dưới 15% thì đến năm 2025 phải đạt được tỉ lệ tối thiểu là 17%.
Đối với quận, huyện có tỉ lệ đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên trên tổng số đơn vị sự nghiệp trực thuộc đến năm 2021 đạt trên 10% thì tiếp tục đẩy mạnh tự chủ tài chính để đạt được tỉ lệ tối thiểu là 20% trong năm 2025.
TP Thủ Đức và các quận, huyện có tỉ lệ đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên trên tổng số đơn vị sự nghiệp trực thuộc đến năm 2021 đạt dưới 10% thì tiếp tục đẩy mạnh tự chủ tài chính để đạt được tỷ lệ tối thiểu là 17% trong năm 2025.
Ngoài ra, đẩy mạnh tự chủ tài chính, tự đảm bảo chi thường xuyên với cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp có khả năng xã hội hóa cao.
Đi sâu vào giải pháp, UBND TP yêu cầu sắp xếp tổ chức bộ máy các đơn vị sự nghiệp công lập tinh gọn, hiệu quả, cơ cấu lại hoặc giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động không hiệu quả, góp phần giảm chi ngân sách nhà nước (NSNN), qua đó tăng dần mức độ tự chủ tài chính của các đơn vị.
Nghiên cứu tham mưu, hoàn thiện cơ sở pháp lý của từng ngành, lĩnh vực để thực hiện và đẩy mạnh việc đấu thầu, đặt hàng thực hiện các dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN theo quy định.
Khuyến khích các đơn vị sự nghiệp nhận đặt hàng của các tổ chức, cá nhân và các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế theo nguyên tắc đảm bảo bù đắp chi phí và có tích lũy.
Ngoài ra, phát huy tối đa công suất và hiệu quả sử dụng tài sản, khai thác các nguồn lực từ tài sản theo đúng quy định của pháp luật để tăng khả năng tài chính.
UBND TP.HCM giao thủ trưởng các sở, ngành, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức, quận, huyện và thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp công lập nghiêm túc thực hiện việc đẩy mạnh tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập trực.
Đồng thời, báo cáo kết quả thực hiện hàng năm cho UBND TP (thông qua Sở Tài chính) trước ngày 10-12 và báo cáo kết quả thực hiện giai đoạn 2022-2025 trước ngày 10-12-2025.
LÊ THOA
Pháp luật TPHCM
|