Nhịp đập Thị trường 03/08: Hồi xong lại giảm sâu hơn, VN-Index mất gần 10 điểm
VN-Index có vài lần kỳ vọng hồi trong phiên chiều, nhưng sau mỗi lần tưởng hồi, thì chỉ số lại giảm sâu thêm nữa. Đóng cửa, chỉ số VN-Index giảm 9.5 điểm, tức khoảng 0.8%. Chỉ số nhóm VN30 giảm 10.5 điểm, với 22 cổ phiếu giảm giá. Nhiều Large Cap trên sàn HOSE lại gây thất vọng trong phiên chiều, đã giảm giá còn kéo tụt cả các chỉ số quan trọng.
Bán lẻ trên sàn HOSE, đặc biệt là hàng công nghệ là một trong những nhóm ngành lớn nhưng còn có nhiều cổ phiếu tăng giá, như MWG, FRT, PSD… Ngoài nhóm này, chỉ có điện, thực phẩm & đồ uống là các nhóm có tương quan tăng – giảm giá khá cân bằng. Ngược lại, BĐS, xây dựng, sắt thép, chứng khoán, dầu khí và cả ngân hàng đều chìm lại vào trong sắc đỏ. Ở các nhóm ngành nhỏ hơn, may thay vẫn còn những nhóm giữ được sắc xanh có từ phiên sáng như ô tô & săm lốp, vận tải hành khách. Ngược lại không ít nhóm ngành khác có nhiều cổ phiếu giảm giá, với mức giảm bình quân nhóm từ 1% trở lên như bảo hiểm, nhựa, cao su và sợi, kho bãi và hậu cần, tư vấn BĐS…
Diễn biến chỉ số HNX-Index giống như bản phóng đại diễn biến VN-Index, cụ thể là mỗi lần VN-Index hồi phục hay suy giảm, thì HNX-Index cũng tương tự, nhưng với mức độ mạnh hơn nhiều. Có lẽ mức độ lướt sóng trên sàn HNX cao hơn so với trên sàn HOSE. Ở nhóm Large Cap sàn HNX, số cổ phiếu giảm điểm vào cuối ngày là nhiều hơn hẳn số tăng giá, trong đó mấy mã giảm hơn 2% như MBS, PVI, PVS… Chỉ có BAB hay SHS là luôn bám lấy sắc xanh, còn CEO tưởng bứt phá khi bước vào phiên chiều được hơn 30 phút, nhưng cho đến khi đóng cửa lại chỉ tăng có 200 đồng.
Cũng giảm theo VN-Index, nhưng chỉ số UPCoM-Index lại tận dụng 15 phút cuối (sau khi HOSE đóng cửa) để hồi phục, và kịp tăng nhẹ trở lại vào đúng phút cuối. Số lượng cổ phiếu tăng giá khi đóng cửa cũng nhiều hơn số giảm giá, trong đó có đến 15 mã tăng trần. Tuy vậy ở nhóm Large Cap sàn này, có vẻ như sắc đỏ chiếm quá bán, trong đó có không ít mã giảm từ 1% trở lên như KLB, MSR, MVN, SNZ, TVN, VEF hay VGI. Tất nhiên vẫn có vài mã giữ được sắc xanh trong đa số thời gian giao dịch của cả ngày, như ACV, FOX, VTP, VEA… Đại gia VNZ tăng 1.3% lên 731 ngàn đồng/cp nhờ 1 lô khớp lúc 13h32.
Nhóm ngân hàng trên sàn HOSE chỉ còn 2 cổ phiếu tăng giá là ACB và LPB, đây cũng là 2 mã tăng từ phiên sáng. Ngoài ra có SHB và SSB đóng cửa ở tham chiếu, còn lại giảm giá bình quân trên 1%, trong đó có cả những ngân hàng lớn là BID, TCB, VPB hay STB.
Nhiều cổ phiếu trong nhóm dầu khí nhà PVN thậm chí còn giảm sâu hơn trong phiên chiều, ví dụ như PVI, PVS, PVC, PVD, PVB, POW, PXS…
Nhóm BĐS nhà ở vẫn có khá nhiều sắc xanh khi đóng cửa, nhất là trong đó có những cổ phiếu vốn được nhắc đến từ phiên sáng, như NVL, DIG, DXG, IJC, NTL, QCG… nhưng vì số lượng cổ phiếu nhóm này rất đông, nên số lượng mã giảm giá còn nhiều hơn số tăng, trong đó có những mã ban sáng còn tăng, đến chiều giảm đáng tiếc như AGG, NLG, KDH… hay cả bộ ba nhà Vin là VIC, VHM và VRE.
Khối ngoại đã đẩy mạnh mua thêm rất nhiều cổ phiếu CTG và DCM, cũng như mua đáng chú ý ở PVD hay NLG, nhưng về tổng thể họ bán ròng khoảng 70 tỷ tính cho cả ngày, trong đó họ bán mạnh ở HPG, VND, MWG, SSI, VCG, EIB, KDH, VHM, HDB… Ngay cả VCB cũng bị bán ròng không ít.
Phiên sáng: Diễn biến xấu bất ngờ
VN-Index bất ngờ rơi sâu chỉ trong vài phút cuối phiên sáng nay, về gần như ngang bằng mức thấp nhất thiết lập hồi đầu phiên. Không chỉ VN-Index, diễn biến tương tự xảy ra ở cả HNX-Index, may là xảy ra với “cường độ” nhẹ hơn ở UPCoM-Index. Giá trị giao dịch trên cả 3 sàn tăng vọt trong những phút giảm sâu này.
Có không ít Large Cap sàn HOSE có diễn biến suy giảm giá trong những phút cuối phiên sáng nay, như PLX, BID, MWG, HPG, MSN, NVL, TCB, VHM, VIC, VJC, VPB… có mã giảm mạnh có mã giảm yếu, nhưng cùng thời điểm khiến tạo ra sự cộng hưởng, và tác động mạnh hơn lên chỉ số.
Sàn HOSE vì vậy đến cuối phiên sáng lại chỉ có chưa đến 40% số cổ phiếu tăng giá, dù số giảm giá cũng không tăng lên quá bán. Trong nhóm Large Cap, số mã giảm giá lại nhiều hơn số tăng giá, trong đó giảm sâu có VCG, HPG, PLX… Ngược lại trong số tăng giá vẫn có những cái tên quen thuộc như ACB, MWG, MSN… nhưng không còn PGV.
Theo nhóm ngành trên sàn HOSE, ngân hàng chuyển qua cân bằng với ba màu xanh – vàng vs đỏ, trong khi BĐS, xây dựng, thực phẩm, dầu khí, chứng khoán, sắt thép lại trở về với sắc đỏ quen thuộc. Nhóm bán lẻ, trong đó “hạt nhân” là phân phối hàng công nghệ vẫn trụ vững cho đến cuối phiên sáng, với MWG tăng trên 2%, các cổ phiếu còn lại như DGW, FRT, PSD cũng tăng từ 2-4%. Ở các nhóm ngành nhỏ hơn, vẫn có 1 số cái tên nổi bật sắc xanh như ô tô & săm lốp, máy công nghiệp, vận tải hành khách, hóa chất, quỹ đầu tư…
Khối ngoại đang bán ròng nhẹ chưa đến 100 tỷ đồng trên sàn HOSE, trong đó các mã bị xả mạnh có HPG, MWG, VND, KDH… hay chứng chỉ FUEVFVND. Ngược lại, họ mua vào đáng kể ở 2 mã CTG và DCM.
Diễn biến suy giảm cuối phiên trên nhóm Large Cap sàn HNX khó thấy hơn so với Large Cap sàn HOSE, cụ thể chỉ thấy rõ ở vài mã như NVB, PVS hay CEO. Có lẽ sự suy giảm của chỉ số có liên quan nhiều hơn đến các cổ phiếu vốn hóa nhỏ.
Tổng thể 3 sàn, sắc đỏ đang quay lại trên nhiều nhóm lớn như ngân hàng, BĐS, sắt thép, dầu khí, chứng khoán…, thực phẩm và điện là nhóm lớn nhưng may là nhiều mã đang kết phiên sáng ở tham chiếu. Tuy vậy vẫn có 1 số nhóm ngành giữ được vị thế tích cực như bán lẻ, dệt may, bia, gỗ đá nội ngoại thất, xây dựng, ô tô săm lốp, dược hay thủy sản (tính trên số có giao dịch khớp lệnh).
10h30: VN-Index quay trở lại trên tham chiếu
Sau những phút giảm đầu phiên, VN-Index đã hồi trở lại và lên trên tham chiếu, duy trì sắc xanh cho đến lúc này. Diễn biến khá tích cực như vậy được hỗ trợ bởi nhiều cổ phiếu vốn hóa tỷ đô trên sàn HOSE như PGV, MWG, MSN, ACB, VJC, VRE, DGC, SHB, FPT,… số lượng cổ phiếu tăng giá nhóm này đã nhiều hơn số giảm giá.
Dù VN-Index chỉ mới tăng lại chừng 1 điểm, nhưng số lượng cổ phiếu tăng giá trên sàn HOSE đã tăng đến gần mức 50%, ngược lại số giảm giá lùi về dưới 40%. Tình trạng này đang đảo ngược khá rõ so với lúc đầu phiên. Ngân hàng đang là nhóm có nhiều sắc xanh, các nhóm khác như BĐS, sắt thép, xây dựng, bán lẻ, chứng khoán cũng đã trở nên cân bằng hơn, thậm chí nếu diễn biến tiếp tục thì cũng có thể sắc xanh lan tỏa rộng hơn nữa. Nhóm phân phối hàng công nghệ đang có nhiều mã tăng ít nhất trên 2%, với sự dẫn đầu ở MWG. Ở các nhóm ngành nhỏ, nổi bật lên có ô tô, máy công nghiệp, vận tải hành khách, quỹ đầu tư, lâm sản và chế biến gỗ… không ít trong số này đầu phiên còn rất nhiều sắc đỏ.
Nhóm BĐS nhà ở đang nổi lên rất nhiều sắc xanh, nhất là ở những thương hiệu tầm trung như DXG, AGG, IJC, NLG, NTL, QCG… ở các mã hàng đầu vẫn có NVL, PDR, VRE. Ngược lại ở nhóm BĐS khu công nghiệp, diễn biến vẫn còn khá tiêu cực, với nhiều sắc đỏ hiện diện lấn át sắc xanh. Chỉ có số ít mã tăng giá như KBC, PHR, SZC hay TIP.
Chỉ số HNX-Index cũng tăng điểm trở lại, cùng pha với VN-Index, tuy nhiên điều đáng lưu ý là trong nhóm Large Cap sàn HNX, nhìn chung sắc đỏ vẫn chiếm nhiều “diện tích” hơn sắc xanh. Chỉ có 1 số ít cổ phiếu tăng giá khá nổi như BAB, NVB hay SHS, ngược lại sắc đỏ lan tràn ở nhiều mã như PVI, PVS, CEO, IDC, VNR…
Ngược lại, trên nhóm Large Cap sàn UPCoM, sắc xanh lại đang chiếm đa số, với sự quay trở lại của ACV, MML, QNS… cùng với những cổ phiếu đã tăng giá từ sớm như BSR, VEA, FOX, VGI, VTP…
Nhóm dầu khí PVN đến giữa phiên sáng nay vẫn chìm trong sắc đỏ, trong đó có GAS, PVS, PVI, PVC, PVD, OIL, POW… nhiều mã trong số này đầu phiên còn tăng giá. Duy trì được sắc xanh chỉ có ở BSR, PVT, DCM, PGD…
Mở cửa giảm nhẹ
VN-Index sáng nay mở cửa giảm nhẹ khoảng 3 điểm. Thông tin Fitch hạ bậc nhà phát hành nợ dài hạn đối với Mỹ, theo đó các chỉ số chứng khoán Mỹ đêm qua giảm mạnh, có thể là 1 yếu tố tác động tiêu cực lên tâm lý NĐT sàn chứng Việt, tuy nhiên mức giảm của VN-Index đầu phiên như vậy thực sự không lớn, và NĐT vẫn có thể kỳ vọng có những diễn biến tích cực hơn trong nhưng phút giao dịch tới.
Diễn biến 2 chỉ số HNX-Index và UPCoM-Index trái ngược với VN-Index ngay từ sớm, cụ thể là tăng nhẹ ngay trước khi sàn HOSE mở cửa. Tuy nhiên sau 9g15, HNX-Index đã quay về giảm điểm, còn UPCoM-Index vẫn tăng chừng nửa điểm. Những Large Cap tăng giá sớm trên 2 sàn này có thể nhắc đến như BAB, NVB, SHS, THD hay FOX, BSR, TVN, VEA, KLB…
Sàn HOSE có hơn 50% số lượng cổ phiếu giảm giá khi mở cửa, còn số tăng giá chỉ chiếm gần 30%. Tuy nhiên ở nhóm Large Cap, chênh lệch tăng – giảm giá không lớn, thậm chí trong số mã tăng giá có những cái tên vốn hóa rất lớn như VIC, VRE, SAB, TCB, VJC, MSN… ngược lại bên giảm giá chỉ có NVL là vốn hóa lớn.
Về nhóm ngành trên sàn HOSE, ngân hàng mở cửa trong vị thế khá cân bằng, 6 tăng và 8 giảm, nhưng BĐS và nhiều nhóm như chứng khoán, sắt thép, thực phẩm, bán lẻ, dầu khí khác đang nghiêng về sắc đỏ. Ở các nhóm ngành nhỏ hơn, gần như không có nhóm nào tăng nổi bật, ngược lại có không ít nhóm giảm đáng lưu ý như dược, phân phối ô tô, kho bãi, khai khoáng, vật liệu xây dựng…
Hoàng Nam
FILI
|