Lựa chọn từ một cao tốc xây trên mặt đất những đoạn thí điểm xây trên cầu cạn Trong dự án cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng, những đoạn nào cần ưu tiên thí điểm xây dựng trên cầu cạn?
Cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng được khởi công sáng ngàu 17-6-2023. Ảnh: TTXVN |
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) ở trong tình huống trong sáu tuyến cao tốc được quy hoạch đến năm 2030, hai tuyến đầu tiên được xây dựng trên mặt đất. Tin rằng các góp ý có cơ sở khoa học và thực tiễn sẽ được lắng nghe, cân nhắc để từ đó có những điều chỉnh(1, 2), một nhiệm vụ đặt ra là trong sáu tuyến cao tốc đó những đoạn nào nhất thiết phải xây trên cầu cạn.
Toàn tuyến cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng trên mặt đất đã được phân tích trong bài viết Cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng: Vẫn là cát san lấp và môi trường, nhưng vấn đề còn lớn hơn!(3). Bài viết này, bắt tay vào nhiệm vụ, khảo sát hai dự án thành phần TP1 (đoạn An Giang) và TP3 (đoạn Hậu Giang) của cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng nhằm đề xuất những đoạn cần ưu tiên xây dựng thí điểm trên cầu cạn có ý nghĩa nhất về kinh tế – kỹ thuật, môi trường và kinh tế – xã hội, để từ đó rút kinh nghiệm nhân rộng ra cho các tuyến cao tốc khác ở ĐBSCL. Phương pháp luận căn cơ, minh bạch, tính thuyết phục và nhân rộng sẽ cao.
Tại sao phân tích chi tiết hai dự án thành phần TP1 và TP3?
Bài viết Cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng: Vẫn là cát san lấp và môi trường, nhưng vấn đề còn lớn hơn! đã cung cấp những thông tin như Bảng 1.
Tổng mức đầu tư/ki lô mét cao tốc, lượng cát san nền và tỷ lệ mét khối cát san nền/ki lô mét cao tốc trong hai dự án thành phần 1 (TP1) và 3 (TP3) là cao hơn cả. Đó là lý do hai dự án thành phần này được lựa chọn để phân tích chi tiết nhằm từ đó chọn ra những đoạn cần ưu tiên xây dựng thí điểm cao tốc trên cầu cạn có ý nghĩa nhất về kinh tế – kỹ thuật, môi trường và kinh tế – xã hội.
Tiêu chí để lựa chọn những đoạn cao tốc thí điểm trên cầu cạn
Nguồn số liệu là hai Quyết định 222 của UBND tỉnh An Giang và 2248 của UBND tỉnh Hậu Giang phê duyệt hai dự án thành phần, và hai báo cáo nghiên cứu khả thi của TP1 và TP3, có cập nhật từ UBND hai tỉnh và các huyện có liên quan.
Các số liệu được sưu tập và lập thành bảng gồm năm nhóm: (1) hạ tầng kỹ thuật của cao tốc; (2) tác động đến truyền lũ; (3) diện tích đất sử dụng và giải phóng mặt bằng; (4) lượng cát san lấp cần thiết; (5) tổng mức đầu tư để xây dựng cao tốc trên mặt đất.
Các thông tin này có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến sự lựa chọn đoạn thí điểm làm cao tốc trên cầu cạn. Bảng 2 được lập cho TP1 đoạn An Giang. Bảng 3 cho TP3 đoạn Hậu Giang.
Tổng mức đầu tư trên địa bàn huyện (và thành phố) là thông tin về hạn mức đầu tư. Tổng mức đầu tư bình quân/ki lô mét cao tốc và tổng mức đầu tư trừ chi phí giải phóng mặt bằng bình quân/ki lô mét cao tốc mới là những tiêu chí trực tiếp để lựa chọn. Các tiêu chí này càng cao càng phải nghĩ đến phương án cao tốc trên cầu cạn.
Tỷ lệ mét khối cát san lấp trên ki lô mét cao tốc trên mặt đất một mặt thể hiện trực tiếp nhu cầu cát san lấp, mặt khác phản ánh mức độ yếu của nền đất. Tỷ lệ này còn tùy thuộc vào cao độ thiết kế của cao tốc đi qua địa bàn. Tiêu chí này cao thì chi phí duy tu sửa chữa sẽ cao, phải tính đến trong suốt vòng đời của cao tốc.
Diện tích sử dụng đất là một ưu thế so sánh của cao tốc trên cầu cạn bởi lẽ số hộ dân nhận đền bù giải phóng mặt bằng và chi phí giải phóng mặt bằng hầu như không đáng kể so với cao tốc trên mặt đất. Ở cả TP1 và TP3 đất bị trưng dụng là đất đang sản xuất cho thu nhập cao. Đó là chưa nói đến cảnh quan và diện tích đất canh tác không bị chia cắt với cao tốc trên cầu cạn.
Tác động đến truyền lũ là một tiêu chí hết sức quan trọng. Nó càng phức tạp, phương án cao tốc trên cầu cạn càng phát huy ưu thế.
Một trong những tác động bất lợi đến môi trường của cao tốc trên mặt đất là cản trở truyền lũ. Hình 1 bên phải thể hiện diện tích ngập trong hai năm lũ lớn là năm 2000 (màu hồng) và năm 2011 (màu đỏ), hướng lũ vào từ sông Hậu và thoát ra biển Tây và hướng truyền lũ Tây Bắc – Đông Nam. Hình 1 bên trái là định vị tuyến cao tốc trên mặt đất trên nền môi trường vật lý Tây Nam sông Hậu. Hướng truyền lũ Tây Bắc – Đông Nam từ sông Hậu sẽ tăng sau khi cao tốc trên mặt đất Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng đi vào hoạt động.
Thủy văn ở hai vị trí khoanh tròn (màu đen), giao điểm giữa cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng và hai cao tốc 02 Lộ Tẻ – Rạch Sỏi và Cần Thơ – Cà Mau rất phức tạp vì là nơi giao thoa giữa ngăn lũ và truyền lũ tạo ra bởi ba cao tốc này.
Lựa chọn đoạn ưu tiên thí điểm xây dựng trên cầu cạn
Bảng 2 và Bảng 3 đã được tác giả gửi đến một số chuyên gia về xây dựng và cầu đường để xin ý kiến về đoạn ưu tiên thí điểm xây dựng trên cầu cạn và lý do lựa chọn.
Tiến sĩ Trần Bá Việt, Phó chủ tịch Hội Bê tông Việt Nam, và kiến trúc sư – thạc sĩ Lưu Đình Khẩn, nguyên Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Long An, chọn cả TP3 làm đoạn thí điểm. Ngoài những lý do chung (địa hình thấp, nền đất yếu, nhiều cầu, nhiều cống, khối lượng cát/1 ki lô mét cao tốc lớn nhất), kiến trúc sư – thạc sĩ Lưu Đình Khẩn nhắc lại lợi thế của cao tốc trên cầu cạn là tiết kiệm đất nông nghiệp, ít tác động xấu đến môi trường, không chia cắt cảnh quan, và vùng được lựa chọn nước ngọt, vườn cây trái nhiều, cảnh quan đẹp, cầu cạn sẽ góp phần thu hút khách du lịch.
Tiến sĩ Trần Bá Việt nhấn mạnh tổng mức đầu tư (gồm giải phóng mặt bằng) lớn, có thể xấp xỉ đường trên cao sử dụng UHPC. Cũng trong suy nghĩ này, kiến trúc sư Phạm Thanh Tú, Giám đốc Công ty cổ phần Bê tông đường thủy, chọn ưu tiên đoạn cao tốc đi qua huyện Châu Thành A (Hậu Giang) và huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang).
Tiến sĩ Phạm Văn Khánh, nguyên Cục trưởng Cục Kinh tế xây dựng, Bộ Xây dựng, Trưởng ban Kinh tế tổng hợp Tổng hội Xây dựng Việt Nam, chọn ưu tiên đoạn cao tốc đi qua huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) dựa vào tiêu chí sử dụng lượng cát phải dùng và tiêu chí chiều dài các cầu lớn.
Tiến sĩ Phan Hữu Duy Quốc, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Searefico và kỹ sư – thạc sĩ cầu đường Đỗ Ngọc Trung chọn ưu tiên đoạn cao tốc đi qua huyện Châu Thành A (Hậu Giang) và huyện Thoại Sơn (An Giang).
Nhận xét và đề xuất
(1) Các đề xuất lựa chọn đoạn ưu tiên thí điểm làm cao tốc trên cầu cạn khá tập trung vào hai đoạn cao tốc đi qua hai huyện Châu Thành A, Phụng Hiệp và cả TP3 (Hậu Giang). Có hai đề xuất đoạn cao tốc đi qua huyện Thoại Sơn (An Giang).
Hai tiêu chí được tất cả chuyên gia (tham gia cho ý kiến) sử dụng là tổng mức đầu tư/ki lô mét cao tốc và lượng cát san lấp/ki lô mét cao tốc. Tác giả cho rằng nhất thiết còn phải xét đến tác động lên truyền lũ. |
(2) Hai tiêu chí được tất cả chuyên gia (tham gia cho ý kiến) sử dụng là tổng mức đầu tư/ki lô mét cao tốc và lượng cát san lấp/ki lô mét cao tốc. Các tiêu chí diện tích đất sử dụng và chi phí giải phóng mặt bằng cũng như tác động đến truyền lũ và những ưu thế khác của cao tốc trên cầu cạn hầu như không được sử dụng.
(3) Tác giả cho rằng nhất thiết còn phải xét đến tác động lên truyền lũ. Khi đó lựa chọn ưu tiên sẽ là hai đoạn cao tốc qua huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) và qua huyện Thoại Sơn (An Giang) và xã Thạnh An (huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ) ở đầu của TP2 giáp với TP1 để tránh giao thoa truyền lũ và ngăn lũ. Nếu xét vì hai huyện Châu Thành A sát ngay cạnh huyện Phụng Hiệp và cùng môi trường vật lý, tác giả lựa chọn cả TP3 và huyện Thoại Sơn mở rộng Thạnh An.
(4) Để nhân rộng cho các cao tốc khác ở ĐBSCL bài viết cho thấy quy trình lựa chọn các đoạn cần xây dựng trên cầu cạn cần toàn diện về nội dung, rõ ràng các bước thực hiện, căn cứ trên một bảng quyết định gồm các tiêu chí quan trọng nhất (không chỉ về kinh tế – kỹ thuật mà còn về môi trường và kinh tế – xã hội), mỗi tiêu chí có một trọng số phản ánh đúng điều kiện tự nhiên và kinh tế – xã hội của địa bàn nơi cao tốc đi qua. Điểm số mà các địa bàn đạt được trong bảng quyết định là căn cứ cho sự lựa chọn.
(5) Tác giả đề xuất Bộ Giao thông Vận tải triển khai càng sớm càng tốt sự lựa chọn các đoạn cần xây dựng trên cầu cạn trên tuyến cao tốc Cần Thơ – Cà Mau, làm cơ sở cho sự điều chỉnh.
————
(*) Giáo sư Tiến sĩ Khoa học, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học kỹ thuật nhà nước, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, đại biểu Quốc hội các khóa IX, X, XI.
(1) https://thesaigontimes.vn/cao-toc-o-dong-bang-song-cuu-long-can-lang-nghe-can-nhac-va-dieu-chinh/, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn 22-6-2023.
(2) https://tapchixaydung.vn/vi-mot-he-thong-duong-cao-toc-dong-luc-de-phat-trien-ben-vung-dbscl-20201224000018817.html, Tạp chí Xây dựng 2-8-2023
(3) https://thesaigontimes.vn/cao-toc-chau-doc-can-tho-soc-trang-van-la-cat-san-lap-va-moi-truong-nhung-van-de-con-lon-hon/,
Tạp chí Kinh tế Sài Gòn 15-6-2023
Nguyễn Ngọc Trân TBKTSG
|