Đưa yêu cầu mảng xanh vào tiêu chí dự án để phát triển đô thị xanh TPHCM cần giải quyết sớm tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nặng hiện nay để phát triển theo hướng đô thị xanh và năng lượng sạch. Khi có một công trình mới thì ưu tiên thực hiện mảng xanh, không thu hẹp hay bỏ qua điều kiện mảng xanh và công viên đối với các dự án bất động sản, nhà ở, khu dân cư.
Ảnh minh họa là một dự án đô thị sinh thái tại quận Tân Phú, TPHCM, nơi có tỷ lệ cây xanh trên đầu người cao gấp 5 lần trung bình thành phố. Ảnh: TL |
Các dự án mới phải đáp ứng tiêu chí phát triển mảng xanh
TPHCM cần tích hợp thành quy định chung như yêu cầu phát triển mảng xanh vào tiêu chí dự án, trang trí, kiến trúc.
Bảo vệ môi trường, chăm sóc mảng xanh phải lan tỏa đến từng gia đình. Trồng cây ở bất kỳ nơi nào khi có thể từ khu trọ đến trường học, bệnh viện, trụ sở làm việc, khoảnh đất trống, góc sân, mái hiên, ban công, thậm chí trên bức tường hoặc cầu thang trong căn hộ chung cư.
Mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tùy thuộc điều kiện thực tế đều có giải pháp trồng cây, dây leo, rau quả, hoa kiểng vừa góp phần bảo vệ môi trường, phủ rộng sắc xanh tươi thắm cho thành phố.
Trong khu dân cư hiện hữu, nơi đô thị hóa cao, những khu đất trống còn sót lại hãy ưu tiên làm công viên tạo cảnh quan và phục vụ cộng đồng. Khuyến khích chủ sở hữu phủ sắc xanh cho công trình, sáng kiến mái nhà hay bức tường xanh trồng cây hoặc tạo vườn rau trên sân thượng.
Chính quyền tăng cường trồng cây trên các tuyến đường đang thiếu mảng xanh, khu đô thị mới, vùng ven nơi có quỹ đất công dồi dào.
Lồng ghép quy hoạch theo hướng phát triển đô thị xanh các dự án bất động sản, khu dân cư với môi trường cảnh quan luôn xanh – sạch – đẹp, hạn chế vũ trường ồn ào, quán nhậu ngập tràn rượu bia… Cơ cấu đô thị phù hợp khả năng sử dụng đất, kiến trúc theo hướng “sống xanh”.
Bán đảo Bình Quới Thanh Đa rộng khoảng 427 ha có lợi thế sông nước bao bọc, cảnh quan xanh đẹp trở thành đô thị sinh thái và du lịch, lúc ấy sẽ tăng cường đáng kể không gian cùng với mảng xanh có sẵn kết hợp trồng nhiều loại cây và hoa làm đẹp tạo thông thoáng cho nội thành.
Vùng đất Tây Bắc nếu được khai thác đúng mức không chỉ tăng mảng xanh mà còn giúp phát triển kinh tế, gia tăng thu ngân sách. Hai huyện Hóc Môn, Củ Chi có quy hoạch khu đô thị được duyệt với diện tích hơn 9.000 ha là trung tâm thương mại, công nghiệp, y tế, giáo dục, thể thao…
Có thể điều chỉnh kêu gọi đầu tư trước các dự án dân cư được thiết kế bài bản như khu đô thị Phú Mỹ Hưng, chuyển đổi một phần diện tích đất xây dựng phục vụ nhà ở xã hội, phát triển mảng xanh và công viên kết hợp nâng cấp hạ tầng giao thông để đánh thức vùng đất rộng lớn và có tiềm năng này.
Ngoài ra, phát triển cảng phục vụ nông nghiệp, du lịch sinh thái đô thị, khu nghỉ dưỡng ven sông Sài Gòn. Hướng tới điều chỉnh diện tích mảng xanh trong quy hoạch có sự phân bố đều, khi xây cất công trình hay làm dự án phải có mảng xanh.
Đất trống còn lại trong nội thành nên ưu tiên trồng cây làm công viên, vườn hoa. Thành phố sẽ rất thuận lợi trong việc phát triển mảng xanh với làm công trình công cộng sau khi trại giam Chí Hòa (quận 10) di dời để lại khu đất rộng hơn 7 ha, nghĩa trang Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân) được giải toả để lại khoảng 44 ha có thể dành phần lớn trồng cây làm công viên vừa rửa đất và thanh lọc không khí.
Đất công, trụ sở, nhà xưởng, công trình dịch vụ công ích sau khi di dời hay sắp xếp lại nên được ưu tiên dành không gian cho mảng xanh, trồng cây, công viên. Bến xe miền Đông (quận Bình Thạnh) sau khi dời ra gần Suối Tiên (quận 9) còn lại khoảng đất trống, ngoài tổ chức đấu giá làm dự án thương mại, hãy dành một phần tạo mảng xanh phục vụ cộng đồng.
Dải đất rộng lớn hiện nay dọc hai bên bờ sông Sài Gòn qua nhiều quận, huyện khá lý tưởng để phát triển trục cảnh quan xanh cho thành phố.
Xã hội hóa, thu hút đầu tư với những dự án phát triển mảng xanh. Như công viên bị “treo” đã lâu chưa thực hiện có thể điều chỉnh lồng ghép với các dịch vụ kinh doanh khai thác thu hồi vốn. Đó có thể là mô hình làm công viên, mảng xanh lồng ghép thêm các trung tâm thể dục thể thao, khu tổ chức sự kiện, nhà ở với bất động sản với mức độ phù hợp.
Tích hợp thành quy định chung gắn với các hoạt động lĩnh vực quy hoạch, giao thông, xây dựng, đa dạng sinh học… Đưa yêu cầu phát triển mảng xanh vào tiêu chí dự án, trang trí, kiến trúc. Khi có một công trình mới thì ưu tiên thực hiện mảng xanh, không thu hẹp hay bỏ qua điều kiện mảng xanh và công viên đối với các dự án bất động sản, nhà ở, khu dân cư.
Tận dụng năng lượng sạch tự nhiên
Đây là cách để giảm thiểu xả khí thải, hạn chế tác động xấu đến môi trường. Ưu tiên có thể tái tạo như gió, ánh sáng mặt trời vẫn đáp ứng tốt nhất chỗ ở, làm việc, nơi phục vụ cộng đồng.
Thiết kế xây dựng công trình, nhà ở tận dụng tự nhiên nhiều hơn bằng các giếng trời, cửa sổ thông thoáng an toàn thay vì phần lớn sử dụng quạt và máy lạnh với các thiết bị điện, đèn chiếu sáng ban ngày.
Quy hoạch và phát triển giao thông xanh một cách đồng bộ theo hướng bền vững, xanh – sạch – đẹp. Đi bộ sao cho thuận lợi, an toàn với lối riêng bằng phẳng, ban đêm có ánh sáng dẫn đường. Xe đạp công cộng kết nối xe buýt và sau này có metro sẽ càng được ưa chuộng cần nhân rộng ở các điểm đến du lịch, công viên, trường học, bến xe, nhà ga, trung tâm thương mại.
Nâng cao chất lượng phương tiện công cộng bằng xe điện, xe buýt điện, xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch. Các phương tiện này cũng cần có làn đường riêng, phủ rộng càng thuận lợi và phát triển thì xe cá nhân giảm rồi dần thay bớt loại phương tiện có động cơ giúp giảm khí thải.
Thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo với cơ chế hỗ trợ giá mua điện sinh khối, mặt trời, gió bằng hành lang pháp lý quy hoạch các dự án điện gió, điện mặt trời để xã hội hóa, kêu gọi đầu tư, tổ chức đấu thầu.
Nếu mỗi tổ chức, cá nhân lắp đặt hệ thống năng lượng điện mặt trời được hỗ trợ từ 20-30% chi phí sẽ tạo sự bức phá cho lĩnh vực này và Nhà nước mua lại sẽ tăng đáng kể lượng điện đang thiếu hụt hiện nay.
Trần Văn Trãi TBKTSG
|