Đề xuất doanh nghiệp đóng BHXH ít nhất 70% lương
BHXH Việt Nam đề xuất mức đóng vào Quỹ BHXH của doanh nghiệp ít nhất bằng 70% tiền lương, đồng thời quy định rõ bốn loại tiền không cần tính đóng BHXH.
Sau khi có ý kiến thẩm tra của Ủy ban Xã hội của Quốc hội về dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), BHXH Việt Nam vừa có văn bản gửi cơ quan thẩm tra và Bộ LĐ-TB&XH. Trong đó, đề xuất bổ sung một số quy định tăng mức đóng BHXH khu vực doanh nghiệp theo hướng tiền lương làm căn cứ đóng BHXH ít nhất bằng 70%.
Đề xuất mới về tiền lương làm căn cứ đóng BHXH
Luật BHXH hiện hành quy định lộ trình từ năm 2018, người lao động (NLĐ) đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định. “Đến nay, dù tiền lương ở khu vực doanh nghiệp đã được cải thiện, song mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc vẫn còn khoảng cách nhất định so với thu nhập thực tế của NLĐ…” - Bộ LĐ-TB&XH cho hay.
Bộ LĐ-TB&XH vừa đề xuất bổ sung một số quy định tăng mức đóng BHXH trong khu vực doanh nghiệp. Ảnh minh họa: HUỲNH DU
|
Vì vậy, dự thảo luật BHXH được cơ quan soạn thảo đề xuất quy định NLĐ đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương làm căn cứ đóng BHXH là tiền lương tháng gồm mức lương, phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác, được trả thường xuyên và ổn định trong mỗi kỳ lương.
BHXH Việt Nam đề nghị Chính phủ cần làm rõ trong trường hợp trả lương theo giờ, ngày, tuần thì xác định lương tháng làm căn cứ tính tiền lương đóng BHXH bắt buộc thế nào? Nếu tiền lương theo giờ, ngày, tuần khi tính thành lương tháng mà thấp hơn quy định về mức tiền lương đóng BHXH thấp nhất thì xử lý ra sao?
|
Trên cơ sở đó, Chính phủ quy định chi tiết nhằm xác định cụ thể các khoản phải đóng, không phải đóng BHXH bắt buộc; việc xác định tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH đối với trường hợp thỏa thuận trả lương theo giờ, ngày, tuần và theo sản phẩm, theo khoán. Thường trực Ủy ban Xã hội đồng tình và cho rằng đây là quy định tiến bộ. Đặc biệt, dự thảo luật đã bổ sung yếu tố “thường xuyên và ổn định” làm căn cứ xác định tiền lương đóng BHXH.
Tuy nhiên, báo cáo đánh giá tác động chưa có đánh giá nội dung này. Báo cáo tổng kết thi hành Luật BHXH năm 2014 cũng không có tổng kết cụ thể về thành phần tiền lương tham gia BHXH theo quy định của Luật BHXH năm 2014, chỉ tổng kết về tổng mức tiền lương đóng BHXH.
Cạnh đó, tại Điều 97 Bộ luật Lao động, NLĐ và người sử dụng lao động có thể thỏa thuận trả lương theo giờ, ngày, tuần, tháng, theo sản phẩm, theo khoán. Tuy vậy, dự thảo luật chỉ quy định về trường hợp hưởng tiền lương theo khoán, theo sản phẩm. Do vậy, đề nghị Chính phủ bổ sung các đánh giá, lập luận làm căn cứ đề xuất thành phần tiền lương tham gia BHXH để Quốc hội có cơ sở xem xét, quyết định.
Bốn khoản tiền không cần tính đóng BHXH
Tiếp thu các ý kiến thẩm tra trên, BHXH với vai trò là cơ quan quản lý quỹ đã đề nghị cơ quan soạn thảo quy định tiền lương làm căn cứ đóng BHXH đối với khu vực doanh nghiệp theo hướng NLĐ hưởng lương theo thỏa thuận với người sử dụng lao động thì tiền lương làm căn cứ đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.
Tiền lương làm căn cứ đóng BHXH không bao gồm các khoản tiền thưởng theo quy định của Bộ luật Lao động; tiền làm thêm giờ; các khoản bồi dưỡng bằng hiện vật; các khoản hỗ trợ khi NLĐ có thân nhân bị chết, có người thân kết hôn, sinh nhật của NLĐ, trợ cấp khi gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Cơ quan quản lý Quỹ BHXH cho rằng quy định như trên phù hợp với Nghị quyết 28 của trung ương về cải cách chính sách BHXH, đó là tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của khu vực doanh nghiệp tiến tới ít nhất bằng khoảng 70% tổng tiền lương và các khoản thu nhập khác có tính chất lương của NLĐ.
Cạnh đó, BHXH cũng đề xuất bổ sung nhóm đối tượng phải tham gia BHXH bắt buộc theo hướng: Là người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, xác định thời hạn từ đủ một tháng trở lên, hay hai bên không có hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện việc làm có trả công, tiền lương.
Trong thực tế phát sinh nhiều loại hợp đồng hoặc thỏa thuận, giao kết giữa cá nhân, tổ chức hoặc các cá nhân để thực hiện nhiệm vụ, công việc theo thỏa thuận (ngoài hợp đồng lao động) và có hưởng tiền lương, tiền công, thù lao hoặc thu nhập thường xuyên. Chẳng hạn, NLĐ làm việc trên nền tảng công nghệ, taxi công nghệ, hướng dẫn viên du lịch, đại lý chuyên nghiệp…
Tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật BHXH, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng về đối tượng tham gia BHXH bắt buộc hiện có nhiều đối tượng lao động mới như mô hình công nghệ 4.0, mô hình kinh tế chia sẻ, công ty công nghệ nền tảng nên quan hệ lao động rất khác. Trước đây chỉ là giữa NLĐ và người sử dụng lao động nhưng bây giờ là ba bên do thêm công ty kinh doanh dịch vụ, công ty nền tảng như Grab, Uber… Ngoài ra còn có lao động tự do, lao động từ xa… nên phải tính lương tối thiểu theo giờ.
|
PHÚ PHONG
Pháp luật TPHCM
|