Thứ Năm, 17/08/2023 15:40

Chủ tịch Quốc hội: Sửa Luật BHXH để hướng tới đóng 10 năm là đủ điều kiện hưởng lương hưu

Đóng góp vào dự án dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), tại Phiên họp thứ 25, nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 25 xuống 15 năm và hướng tới còn 10 năm với mức hưởng được tính toán phù hợp là nhằm tạo điều kiện tốt hơn cho người lao động...

Ngày 17/8, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Tại Phiên họp, sau khi Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trình bày Tờ trình về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), thay mặt cơ quan thẩm tra dự án Luật Bảo Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh: Thường trực Ủy ban Xã hội cơ bản nhất trí với mục tiêu và các quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án Luật đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ lưu ý Luật Bảo hiểm xã hội phải phản ánh được tính lịch sử, tâm lý xã hội, dân số, sức khỏe nhân dân, dựa trên những căn cứ khoa học, tính thực tiễn, đánh giá kỹ lưỡng, tính toán cụ thể, tính dự báo cao và pháp điển hóa những quy định về chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh.

Các chính sách và tác động hướng đến các mục tiêu của Nghị quyết số 28 của Ban chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (Nghị quyết số 28) đã đặt ra, phù hợp với thực tiễn phát triển của quan hệ lao động, thị trường lao động ở nước ta, khả năng bảo đảm của ngân sách nhà nước, khả năng cân đối Quỹ bảo hiểm xã hội trong dài hạn. Cần có những đổi mới căn bản để xử lý những tồn tại, hạn chế trong thực tiễn; phân tích rõ tính ưu việt của các chính sách sửa đổi, bổ sung và tính đến những tình huống phản ứng chính sách của người lao động, người sử dụng lao động và các đối tượng chịu sự điều chỉnh của dự án Luật, các tác động đến tình hình chính trị, kinh tế - xã hội, dư luận xã hội.

Hướng tới người lao động đóng BHXH 10 năm là đủ điều kiện hưởng lương hưu

Trong khuôn khổ Phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại diện các Bộ ngành, các doanh nghiệp đã tập trung đóng góp ý kiến vào một số nội dung như: giảm số năm bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm; giải quyết việc lao động rút bảo hiểm xã hội; vấn đề nợ đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội...

Về điều kiện hưởng lương hưu, dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) quy định giảm số năm bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm, vấn đề này đang còn có hai loại ý kiến khác nhau. Loại ý kiến tán thành giảm xuống 15 năm và loại ý kiến đề nghị giữ 20 năm như Luật hiện hành. Đóng góp ý kiến vào nội dung trên, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh tán thành với dự thảo của Chính phủ trình với những lý do như sau:

Thứ nhất là việc quy định giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng lương hưu từ 25 xuống 15 năm là phù hợp với Nghị quyết 28 của Trung ương, đó là sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 25 xuống 15 năm và hướng tới là còn 10 năm với mức hưởng được tính toán phù hợp nhằm tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi có số năm tham gia bảo hiểm xã hội thấp hơn được tiếp cận và thụ hưởng với quyền lợi bảo hiểm xã hội.

Thứ hai là tạo cơ hội cho những người tham gia bảo hiểm xã hội muộn như là 45 -  47 tuổi mới tham gia lần đầu mới bắt đầu tham gia hoặc là những người tham gia liên tục, không liên tục dẫn đến nghỉ hưu vẫn không tích lũy đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội sẽ vẫn được hưởng lương hưu hàng tháng thay vì phải nhận bảo hiểm xã hội một lần.

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh dẫn chứng, theo số liệu thống kê của Bộ Lao động Thương binh Xã hội, trong 7 năm thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, nếu tiếp tục giữ quy định thời gian đóng bảo hiểm tối thiểu là 20 năm để được hưởng lương hưu như hiện hành thì sẽ có khoảng 476,000 người đã tham gia bảo hiểm xã hội khó có cơ hội nhận được lương hưu. Lý do tiếp theo nữa là mặc dù mức lương hưu tương ứng với thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu sẽ khiêm tốn hơn, nhưng mà người có thời gian đóng dài và đầy đủ nhưng với mức lương hưu hàng tháng ổn định và trong thời gian hưởng lương hưu sẽ được Quỹ bảo hiểm xã hội đóng bảo hiểm y tế. Điều này sẽ góp phần đảm bảo cuộc sống tốt hơn cho người lao động khi về già. Do đó, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đồng tình với dự án Luật do Chính phủ trình về việc giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ 25 xuống còn 15 năm.

Nêu quan điểm về nội dung trên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao nhiều điểm mới trong dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Đặc biệt là việc cân nhắc giảm thời gian người lao động đóng bảo hiểm xã hội từ 20 năm xuống 15 năm để được hưởng lương hưu. Trước đây, thời gian đóng bảo hiểm xã hội quá dài nên nhiều người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần. Những lúc khó khăn như trong dịch COVID-19, giữa việc phải đóng 20 năm sau mới được hưởng lương hưu với cái trước mắt, đôi khi người lao động bắt buộc phải chọn cái trước mắt vì thời gian đóng bảo hiểm xã hội quá dài.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu quan điểm tại Phiên họp.

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Nghị quyết 28 hướng tới lộ trình đóng bảo hiểm xã hội 10 năm sẽ được hưởng lương hưu, nhưng cũng có đoạn trung gian là 10, 15 năm. Vì thế, dự án Luật lựa chọn giảm thời gian đóng từ 20 năm xuống 15 năm là cần thiết để hướng tới mục tiêu sau này là 10 năm.

Chủ tịch Quốc hội đề xuất thêm phương án rút BHXH 1 lần

Theo Chủ tịch Quốc hội, Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã đưa ra 2 phương án về rút bảo hiểm xã hội một lần và cơ quan thẩm tra đã đưa ra 5 quan điểm. Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, mỗi phương án theo Tờ trình của Chính phủ phân tích có ưu điểm và các mặt khác nhau, trong đó, phương án 2 mềm dẻo, hài hòa hơn.

Tuy nhiên, qua nghiên cứu, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề xuất một phương án để nghiên cứu có thể tích hợp, sử dụng mặt tốt nhất của 2 phương án để ra một phương án. Theo đó, đối với những người tham gia sau khi Luật có hiệu lực không được rút bảo hiểm xã hội 1 lần khi đang trong độ tuổi lao động. Với người tham gia trước khi Luật sửa đổi có hiệu lực được rút nhưng chỉ rút phần đã đóng, còn một phần vẫn là tích lũy, lưu trong hệ thống bảo hiểm. Việc làm này vừa để giúp người lao động giải quyết khó khăn trước mắt nhưng vẫn lưu lại trong hệ thống và có thể quay trở lại đóng và đảm bảo mạng lưới an sinh xã hội.

Đặc biệt, Quỹ Bảo hiểm xã hội là quỹ tài chính ngoài ngân sách nhưng thông với ngân sách, là quỹ tập trung lớn nhất chỉ sau ngân sách. Tính chất của Quỹ do Nhà nước bảo trợ nên trước đây cứ nói khái niệm vỡ quỹ hay không. Nhưng khẳng định không có khái niệm vỡ Quỹ Bảo hiểm xã hội, vì chúng ta có các chính sách thiết kế cân đối để đảm bảo.

Về quy định nâng cấp mô hình hoạt động Quỹ, trước đây Bộ trưởng Bộ Tài chính là Chủ tịch Hội đồng Quỹ, song dự án Luật đề xuất Phó thủ tướng Chính phủ sẽ đảm nhận Chủ tịch Hội đồng Quỹ. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội đề nghị đánh giá kỹ việc sửa đổi mô hình này, lý do là Hội đồng quản lý Quỹ phải có bộ máy giúp việc, có tính chất độc lập.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nhắc lại thời điểm sơ suất khi Quỹ Bảo hiểm xã hội cho Công ty ALC II vay hàng ngàn tỷ đồng trái quy định, sau đó kỷ luật nhiều người. Điều này rất rủi ro, vì thế cơ chế kiểm soát phải nghiên cứu, tính toán. Trong khu vực cũng có những nước dùng tạm ứng quỹ cho vay đầu tư xây dựng cơ bản bị kỷ luật rất cao.

Về đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, hiện nay có nhiều đối tượng lao động mới tham gia như mô hình 4.0 về kinh tế chia sẻ, quan hệ lao động rất khác. Trước đây chỉ là giữa người lao động và người sử dụng lao động, nhưng hiện nay là 3 bên vì thêm công ty nền tảng như Grab. Ngoài ra, có các đối tượng lao động tự do, lao động từ xa, nên phải tính lương tối thiểu theo giờ.

Nhật Quang

FILI

Các tin tức khác

>   Bộ LĐTB&XH đề xuất 2 phương án liên quan đến vấn đề hưởng BHXH một lần (17/08/2023)

>   Các ngân hàng ở TP HCM không còn ép khách mua bảo hiểm khi vay vốn (16/08/2023)

>   Lãi ròng quý 2 của BVH tăng 26% nhờ hoạt động tài chính (11/08/2023)

>   PTI thoát lỗ quý 2 nhờ đâu? (11/08/2023)

>   Hoàn thiện cơ chế để minh bạch thông tin về các sản phẩm bảo hiểm (09/08/2023)

>   Cuộc 'hôn phối' nóng vội giữa ngân hàng và bảo hiểm (07/08/2023)

>   Lợi nhuận ròng AIC giảm đến 84% trong quý 2 (04/08/2023)

>   Vì sao bảo hiểm còn nhiều miễn cưỡng? (04/08/2023)

>   Thu lãi tiền gửi tăng, Bảo hiểm Bảo Minh báo lãi ròng quý 2 tăng 12% (03/08/2023)

>   BIC báo lãi ròng quý 2 gấp hơn 3 lần, chốt quyền chia cổ tức bằng tiền tỷ lệ 13% (02/08/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật