Cơn ác mộng vỡ nợ trở lại với bất động sản Trung Quốc
Hơn hai năm sau sự vụ của Evergrande, thị trường bất động sản Trung Quốc vẫn chưa thể nguôi ngoai nỗi lo vỡ nợ.
Mới đây, thị trường Trung Quốc dậy sóng trước thông tin đại gia bất động sản Trung Quốc Country Garden lỡ hạn thanh toán lãi với hai lô trái phiếu niêm yết bằng USD vào ngày 06/08.
Cổ phiếu Country Garden đã giảm 16% trên sàn Hồng Kông kể từ phiên 08/08. Một số lô trái phiếu khác của Country Garden phát hành bằng Nhân dân tệ hôm đó cũng đã bị ngừng giao dịch trên sàn Thượng Hải và Thâm Quyến, do mất giá hơn 20%.
Diễn biến giá cổ phiếu Country Garden
|
Nửa đầu năm 2023, thị trường bất động sản Trung Quốc vẫn còn rất ảm đạm, với doanh số bán nhà lao dốc, giá bán giảm theo từng tháng và kinh tế chững đà hồi phục.
“Việc xảy ra thêm một vụ vỡ nợ (thậm chí ở quy mô cực lớn) là điều không ai muốn vào lúc này”, Sandra Chow, Trưởng bộ phận nghiên cứu khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại CreditSights - công ty con của Fitch Ratings, cho hay.
Sandra Chow nói thêm đại diện bộ phận quan hệ nhà đầu tư (IR) của Country Garden không phủ nhận các thông tin chưa thanh toán lãi trái phiếu và cũng không làm rõ kế hoạch trả nợ của công ty.
Vị chuyên gia này cũng cảnh báo tâm lý bi quan đang dần lây lan sang các doanh nghiệp bất động sản khác, chẳng hạn như Longfor. “Nhìn chung, người mua nhà có thể bi quan hơn vì thông tin này”, Sandra Chow cho biết.
Xói mòn niềm tin
Dù vẫn có 30 ngày ân hạn trước khi bị dán nhãn "vỡ nợ", việc niềm tin trên thị trường lao dốc cho thấy nhà đầu tư đang lo lắng về tương lai của công ty này.
Năm ngoái, Country Garden là hãng bất động sản lớn nhất Trung Quốc về doanh số. Họ cũng là một trong những hãng địa ốc hiếm hoi chưa vỡ nợ kể từ khi bất động sản Trung Quốc rơi vào khủng hoảng thanh khoản hai năm trước.
Tuy nhiên, nửa đầu năm nay, Country Garden rơi xuống vị trí thứ 5 về doanh số, theo hãng nghiên cứu bất động sản hàng đầu Trung Quốc China Index Academy. Đây là dấu hiệu cho thấy kể cả những người chơi lớn nhất cũng đang chịu tác động từ khủng hoảng.
Trong bối cảnh ảm đạm, các lãnh đạo Trung Quốc liên tục báo hiệu sẽ hỗ trợ cho lĩnh vực bất động sản. Vào cuối tháng 7/2023, các lãnh đạo Trung Quốc báo hiệu sẽ chuyển sang hỗ trợ cho lĩnh vực bất động sản, dọn đường cho các chính quyền địa phương triển khai các chính sách cụ thể.
Tuy nhiên, vẫn còn đó nhiều mối lo chưa được giải quyết.
“Chúng tôi lo rằng khi các thành phố lớn gỡ bỏ hạn chế đối với lĩnh vực bất động sản, nhu cầu mua nhà ở các thành phố cấp thấp sẽ giảm”, các chuyên viên phân tích tại Nomura cho biết trong báo cáo ngày 04/08. Các chuyên viên này cho biết hiện các thành phố cấp thấp đang chiếm 70% doanh số bán nhà trên toàn quốc và là động lực thúc đẩy chính cho nhu cầu hàng hóa và hoạt động xây dựng
“Chúng tôi cũng sợ rằng nếu chỉ đơn thuần nới lỏng hạn chế ở chiều bán mà không gỡ bỏ hạn chế ở chiều mua, điều này có thể làm gia tăng nguồn cung và giá nhà sẽ càng giảm”, trích từ báo cáo.
Bất động sản Trung Quốc rơi vào khủng hoảng từ giữa năm 2021. Nguyên nhân được cho là chính sách "ba lằn ranh đỏ" của Bắc Kinh, được tung ra nhằm giảm rủi ro hệ thống bằng cách hạn chế khả năng vay mới của các hãng địa ốc.
Nhiều vụ vỡ nợ của các đại gia bất động sản Trung Quốc từ năm 2021 đã làm giảm niềm tin của người dân. Họ lo ngại sẽ không bao giờ được nhận nhà sau khi đã trả tiền trước. Doanh số bán nhà mới của 100 hãng bất động sản lớn nhất Trung Quốc giảm 33% trong tháng 7 so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, cùng ba năm bị phong tỏa chống Covid-19, cũng khiến họ ngại mua nhà.
Nhà đầu tư coi việc hồi sinh lĩnh vực này là thiết yếu với nền kinh tế. Bất động sản hiện đóng góp 30% GDP Trung Quốc.
Nhiều tín hiệu gần đây từ giới chức cho thấy Bắc Kinh ngày càng lo lắng về tăng trưởng. Đầu tuần trước, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường cam kết "điều chỉnh và tối ưu" chính sách để đảm bảo ngành bất động sản phát triển bền vững. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) tháng trước cũng cho biết sẽ cho các hãng địa ốc thêm 12 tháng để trả nợ đáo hạn năm nay.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FILI
|