“Kỳ lân” 40 tỷ đô WeWork trước nguy cơ phá sản
4 năm trước, WeWork đang chuẩn bị cho một vụ IPO bom tấn. Bây giờ công ty lại cảnh báo về khả năng phá sản.
“Khoản lỗ và dòng tiền âm từ các hoạt động kinh doanh làm dấy lên nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của chúng tôi”, WeWork cho biết trong một hồ sơ gửi lên Uỷ ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ vào ngày 08/08.
Cú sụp đổ của công ty từng được SoftBank định giá 40 tỷ USD này đã được thế giới hình dung ra suốt nhiều năm qua, song vẫn gây ngạc nhiên với nhiều người bởi số lượng tòa nhà thương mại lớn trên khắp thế giới gắn tên WeWork.
Đại dịch COVID-19, thứ khiến nhiều doanh nghiệp chấm dứt hợp đồng thuê văn phòng để chuyển sang làm việc từ xa, cùng với nguy cơ suy thoái kinh tế kéo theo đã đẩy WeWork vào tình thế nợ nần chồng chất và gặp khó khăn trong việc tạo ra tiền mặt.
“Nếu chúng tôi không thành công trong việc cải thiện thanh khoản và khả năng sinh lời từ các hoạt động của mình, chúng tôi có thể phải xem xét tất cả giải pháp thay thế, bao gồm tái cơ cấu hoặc tái cấp vốn cho khoản nợ của mình, huy động thêm nợ hoặc vốn cổ phần, cắt giảm hoặc trì hoãn các hoạt động kinh doanh và sáng kiến chiến lược hoặc bán tài sản… Thậm chí, chúng tôi phải xem xét tới biện pháp khác, bao gồm cả việc xin bảo hộ theo Bộ luật Phá sản Mỹ”, công ty cho biết.
Các yếu tố chính quyết định liệu WeWork có thể tiếp tục hoạt động hay không sẽ bao gồm việc hạn chế chi tiêu vốn, tăng doanh thu và tìm kiếm vốn thông qua nợ hoặc phát hành cổ phiếu.
Ba thành viên HĐQT của WeWork đã từ chức vào tuần trước vì bất đồng quan điểm liên quan đến việc quản trị HĐQT và định hướng chiến lược của công ty. Hiện WeWork vẫn đang tìm kiếm một nhà lãnh đạo lâu dài.
Giá cổ phiếu của WeWork giao dịch dưới 1 USD kể từ giữa tháng 3. Nó giảm 26% xuống còn 15 Uscent trong phiên giao dịch ngoài giờ ngày 08/08, khiến vốn hóa thị trường của “kỳ lân” này chưa tới 500 triệu USD.
WeWork đã lỗ ròng 700 triệu USD trong nửa đầu năm nay, sau khi lỗ 2.3 tỷ USD trong năm 2022. Tính đến ngày 30/06, công ty có 205 triệu USD tiền mặt và các khoản tương đương tiền, với tổng thanh khoản là 680 triệu USD. Trong khi đó, công ty có 2.91 tỷ USD nợ dài hạn.
WeWork lần đầu tìm cách IPO vào năm 2019, công bố bản cáo bạch đầu tiên vào tháng 8 cùng năm. Khi đó, công ty này đã bị chỉ trích gay gắt do chi tiêu quá mức cùng với mối quan hệ phức tạp của người sáng lập Adam Neumann tại công ty.
Người sáng lập kiêm giám đốc điều hành của SoftBank Masayoshi Son gọi khoản đầu tư của mình vào WeWork là “ngu ngốc”, và tập đoàn của ông đã nắm quyền kiểm soát phần lớn hoạt động kinh doanh của công ty này sau khi cung cấp gói tài chính trị giá 5 tỷ USD. Neumann sau đó buộc phải từ chức.
Vào năm 2021, WeWork cuối cùng cũng được IPO thông qua sáp nhập với một SPAC. Nhưng sự hỗn loạn vẫn tiếp tục. WeWork khi đó cho biết doanh thu của họ chỉ tăng 3.6% trong quý 2 so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 4% ở Mỹ, thị trường chiếm 41% doanh thu của công ty.
WeWork cho biết tình hình kinh tế hiện nay khiến nhiều thành viên rời đi, làm giảm doanh thu và dòng tiền. Ngay cả SoftBank cũng đang chi tiêu ít hơn cho dịch vụ của WeWork. Trong quý 2, khoản tiền thuê văn phòng mà SoftBank trả cho WeWork chỉ là 6 triệu USD, giảm từ mức 10 triệu USD của cùng kỳ năm ngoái, theo hồ sơ.
Kim Dung (Theo CNBC)
FILI
|