Thứ Hai, 07/08/2023 08:28

Nguy cơ xảy ra khủng hoảng lương thực toàn cầu: Nguyên nhân do đâu?

Đằng sau những con số thống kê về tác động của khủng hoảng lương thực là những gia đình đang vật lộn để tồn tại trước những khó khăn không thể tưởng tượng nổi.

Trẻ em nhận bữa ăn từ thiện tại Howlwadag, phía Nam Thủ đô Mogadishu, Somalia. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Hơn 780 triệu người trên khắp thế giới đang trong tình trạng thiếu lương thực, trong khi khoảng 30% lương thực trên thế giới vẫn bị lãng phí hoặc thất thoát.

Khoảng 462 triệu người trên thế giới bị suy dinh dưỡng, trong khi khoảng 2 tỷ người bị thừa cân hoặc béo phì.

Đó là nghịch lý của thế giới chúng ta đang sống.

Hậu quả tàn khốc

“Không có gì cho bọn nhỏ ăn, tôi buộc phải cho chúng uống chút nước đường để chúng ngừng khóc, nhưng điều đó chỉ giúp chúng yên lặng trong chốc lát trước khi bắt đầu khóc và đòi ăn trở lại,” Maryan Mohamed Ali, 28 tuổi, một phụ nữ người Somalia, bất lực nói.

Theo Liên hợp quốc, từ tháng 4-6/2023, khoảng 6,6 triệu người ở Somalia đã phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực. Tình hình đặc biệt nghiêm trọng ở các vùng nông thôn.

Somalia chỉ là một trong rất nhiều quốc gia đang phải chống chọi với cuộc khủng hoảng lương thực, hiện đang ngày một lan rộng trên thế giới.

An ninh lương thực quốc gia được hiểu là sự đảm bảo của mỗi quốc gia về nguồn cung cấp lương thực cho người dân để hạn chế và đẩy lùi tình trạng thiếu lương thực, nạn đói và tình trạng phụ thuộc vào nguồn cung lương thực nhập khẩu.

Bảo đảm an ninh lương thực quốc gia là mọi người có quyền tiếp cận các thực phẩm một cách an toàn, bổ dưỡng, đầy đủ mọi lúc, mọi nơi để duy trì cuộc sống khỏe mạnh và năng động.

Thực tế cho thấy mất an ninh lương thực quốc gia là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến mất ổn định đất nước.

Khủng hoảng lương thực sẽ dẫn đến giá lương thực tăng cao, nguồn cung lương thực không đủ, lập tức ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt hàng ngày của mọi người, kìm hãm phát triển kinh tế, gia tăng đói nghèo.

Điều đó sẽ làm thay đổi kết cấu xã hội, gia tăng mâu thuẫn nội bộ, tạo tâm lý bất bình, chống đối của dân chúng đối với chính quyền, gây khủng hoảng xã hội trầm trọng.

Những người đói khát có nhiều khả năng tham gia vào xung đột vũ trang hơn, có thể là do tuyệt vọng hoặc đơn giản chỉ như một cách để kiếm sống.

Khủng hoảng lương thực dẫn đến nạn đói, suy dinh dưỡng và những ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến sức khỏe và chất lượng sống.

Đồng thời, những người không thể tiếp cận đầy đủ thực phẩm lành mạnh rất dễ xuất hiện các vấn đề như bệnh tim mãn tính, tiểu đường, cao huyết áp, trầm cảm nặng và lo lắng.

Somalia chỉ là một trong rất nhiều quốc gia đang phải chống chọi với khủng hoảng lương thực đang ngày một lan rộng trên thế giới. (Nguồn: NRC)

Vòng tuần hoàn giữa mất an ninh lương thực và bệnh tật sẽ dẫn đến sự sụt giảm của năng suất lao động, năng lực học tập và năng lực phát triển thể chất, tinh thần, trí tuệ.

Bên cạnh đó, hậu quả của việc mất an ninh lương thực còn có thể kéo dài từ thời thơ ấu đến khi trưởng thành, thậm chí ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của nguồn nhân lực.

Nguyên nhân gây ra khủng hoảng lương thực

Việc lương thực không đảm bảo có thể bắt nguồn từ lý do nguồn cung không đủ, sức mua yếu, phân phối không hợp lý và việc sử dụng không thỏa đáng. Tuy nhiên, yếu tố chủ yếu là do xung đột, hiện tượng thời tiết cực đoan và các cú sốc kinh tế.

Xung đột địa chính trị là một trong những yếu tố chính dẫn đến tình trạng mất an ninh lương thực hiện nay.

Đặc biệt, khi xung đột xảy ra ở những khu vực sản xuất lương thực chủ yếu của toàn cầu sẽ tác động nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất và nguồn cung lương thực.

Sự ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga-Ukraine đối với khủng hoảng lương thực thế giới là một ví dụ điển hình.

Phần lớn ngũ cốc của các nước châu Phi là từ Ukraine và Nga, và khi cuộc xung đột xảy ra, các nước này bị thiếu trầm trọng nguồn cung cấp lương thực. Kết quả là hàng triệu người đứng bên bờ vực của nạn đói.

Nông dân thu hoạch lúa mì gần Melitopol, vùng Zaporizhzhia, Ukraine. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong khi đó, hôm 17/7, Nga đã rút khỏi Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen. Điều này khiến dư luận thế giới hết sức lo ngại.

Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen là thỏa thuận được Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian đàm phán vào tháng 7/2022, cho phép Ukraine tiếp tục xuất khẩu ngô, lúa mì và các loại nông sản từ các cảng ở Biển Đen. Đổi lại, phương Tây loại bỏ rào cản đối với xuất khẩu lương thực và phân bón của Nga.

Có thể nói, sự đóng góp của thỏa thuận này đối với an ninh lương thực toàn cầu là rất lớn khi giúp nối lại xuất khẩu nông sản sau khi Nga phong tỏa các tuyến hàng hải quan trọng kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng nổ.

Thỏa thuận đã tạo thuận lợi cho xuất khẩu lương thực và phân bón thiết yếu từ Ukraine và Nga, đồng thời góp phần làm giảm giá lương thực toàn cầu khoảng 25% kể từ tháng 3/2022.

Điều quan trọng là ngũ cốc được vận chuyển qua Biển Đen cũng đóng vai trò trung tâm trong việc hỗ trợ các hoạt động nhân đạo khẩn cấp ở các quốc gia ở châu Phi và châu Á.

Cách đây một năm, thế giới đứng trên bờ vực của một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu, nguyên nhân là từ các yếu tố cấu trúc nhưng lại trở nên trầm trọng hơn do xung đột. Khi đó, gần 10% dân số thế giới phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực trầm trọng.

Hiện giờ, khi thỏa thuận có nguy cơ sụp đổ, thế giới có thể sớm phải đối mặt với tình trạng tương tự.

Sự sụp đổ của một thỏa thuận có vai trò không thể thiếu đối với an ninh lương thực thế giới sẽ đe dọa tính mạng của hàng triệu người.

Thứ hai là nhân tố môi trường. Các hiểm họa và nguy cơ như biến đổi khí hậu, thay đổi sử dụng đất, mất tính đa dạng sinh học và dịch bệnh đang tác động nhiều mặt đến an ninh lương thực.

Giữa nhân tố môi trường và an ninh lương thực tồn tại mối quan hệ hai chiều, nếu tăng cường nông nghiệp và mở rộng đất nông nghiệp để đảm bảo an ninh lương thực có thể dẫn đến tình trạng phá rừng và thay đổi sử dụng đất khiến cho hiệu ứng nhà kính gia tăng.

Nếu thông qua tác động sản xuất và nguồn cung thì có thể làm trầm trọng thêm sự thay đổi của môi trường như khí hậu nóng lên, dẫn đến giá lương thực và nông sản gia tăng, đồng thời làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng đói nghèo toàn cầu.

Ví dụ, lúa là loại cây thân mềm đặc biệt nhạy cảm với các điều kiện khắc nghiệt, nhưng lại đang được trồng ở những vùng mà các điều kiện khí hậu khắc nghiệt này đang ngày càng trở nên phổ biến.

Năm ngoái, tình trạng hạn hán và mưa úng bất thường do gió mùa gây ra ở Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, dẫn đến sản lượng thu hoạch giảm và quốc gia này đã buộc phải ra lệnh cấm xuất khẩu gạo để đảm bảo an ninh lương thực trong nước.

Lũ lụt tàn phá ở Pakistan, nước xuất khẩu lớn thứ tư thế giới, làm giảm 15% sản lượng lúa.

Nước biển dâng gây ra hiện tượng xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long vốn là “vựa lúa” của Việt Nam.

Chính phủ Thái Lan đang khuyến khích người nông dân giảm diện tích trồng lúa và chuyển đổi sang các loại cây trồng khác cần ít nước hơn, trong bối cảnh lượng mưa thấp trong mùa mưa năm nay.

Tuy nhiên, cây lúa không chỉ là nạn nhân của biến đổi khí hậu mà còn là tác nhân góp phần trong quá trình đó. Quá trình trồng lúa thúc đẩy vi khuẩn thải khí methane. Gạo là một nguồn sinh ra khí nhà kính lớn hơn bất kỳ loại thực phẩm nào, chỉ sau thịt bò.

Dấu vết carbon (đánh giá tổng lượng phát thải khí nhà kính) của ngành sản xuất gạo tương tự như của ngành hàng không. Nếu tính đến việc chuyển đổi rừng thành ruộng lúa, giống như số phận của phần lớn rừng nhiệt đới ở Madagascar, thì dấu vết carbon thậm chí còn lớn hơn.

Đây thực sự là một vòng luẩn quẩn.

Trẻ em theo cha mẹ đi sơ tán tránh xung đột tại trại tị nạn ở Mekele, vùng Tigray, Ethiopia. (ẢnH: AFP/TTXVN)

Thứ ba là cú sốc kinh tế. Tình hình dịch bệnh kéo dài gần ba năm nay không chỉ ảnh hưởng đến nguồn cung và lưu thông lương thực của thế giới, mà còn gây ra cú sốc nặng nề đối với phát triển kinh tế toàn cầu.

Tình hình lạm phát toàn cầu ngày càng trầm trọng, nền kinh tế của một số nước đã rơi vào suy thoái kỹ thuật, các nhân tố kinh tế-xã hội đã ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận lương thực.

Tác động trực tiếp nhất của cú sốc kinh tế là ảnh hưởng đến thu nhập và sức mua của các hộ gia đình, đặc biệt là nhóm đối tượng thu nhập thấp. Giá cả leo thang sẽ làm giảm cơ hội tiếp cận lương thực, sự đa dạng và chất lượng ăn uống.

Thứ tư là vấn đề dân số và sự lãng phí. Trái Đất hiện có hơn 8 tỷ cư dân đang sinh sống. Theo ước tính mới nhất của Liên hợp quốc, dân số thế giới sẽ tăng lên 9,7 tỷ người vào năm 2050, sau đó đạt mức cao nhất là 10,4 tỷ người vào những năm 2080, trước khi bắt đầu giảm dần.

Như vậy, các vấn đề đặt ra là phải làm gì để quản lý nhu cầu lương thực trước tình trạng suy giảm chất lượng đất trồng và nguồn nước? Biến đổi khí hậu có tác động gì đến sản lượng nông nghiệp? Làm thế nào để hạn chế sự bất bình đẳng trong việc tiếp cận các nguồn lương thực?

Tuy nhiên, một sự thật là xét về mặt calo thuần túy, thế giới thậm chí gần như đã có đủ lương thực để nuôi sống 10 tỷ cư dân.

Đó là nhận định của Nicolas Bricas, chuyên gia tại Trung tâm Hợp tác quốc tế nghiên cứu nông nghiệp vì sự phát triển (CIRAD).

Thế nhưng, Trái Đất vẫn có hàng trăm triệu người rơi vào cảnh đói kinh niên. Nguyên nhân được chỉ ra ở đây là sự lãng phí rất lớn.

Theo thống kê, mỗi năm, hơn 30% sản lượng lương thực của hành tinh đã bị hết hạn hoặc bị vứt bỏ trước khi đến tay người tiêu dùng. Con số này tương ứng với 1,3 tỷ tấn lương thực, thực phẩm bị vứt bỏ.

Lãng phí thực phẩm dẫn tới lãng phí về tiền bạc. Nói đơn giản thì mỗi năm thế giới vứt đi 100 tỷ USD chỉ vì lãng phí thực phẩm. 250 tỷ m3 nước được dùng để sản xuất số thực phẩm này cũng bị lãng phí theo. 

Khoảng 462 triệu người trên thế giới bị suy dinh dưỡng, trong khi khoảng 2 tỷ người bị thừa cân hoặc béo phì. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tác động của cuộc khủng hoảng lương thực không chỉ là một thực tế được thống kê mà còn là một thảm kịch của con người.

Đằng sau những con số là những gia đình đang vật lộn để tồn tại trước những khó khăn không thể tưởng tượng nổi.

Maryan có bảy đứa con. Cô sống trong trại tị nạn Qaydar-adde ở Baidoa, một trong những điểm đến của những người phải di dời do hạn hán nghiêm trọng ở Somalia.

Cô từng sống ở Madhayta thuộc vùng Bakool trước khi nạn đói xảy ra, buộc cô phải rời đi.

Gia đình Maryan là một trong nhiều người bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng lương thực. Họ đã sống ở cùng một khu vực trong nhiều thế hệ, dựa vào sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi để kiếm sống. Nhưng khi không có mưa, cây trồng của họ khô héo và gia súc của họ chết. Họ buộc phải bán số ít còn lại để mua thức ăn và nước uống. Cuối cùng, họ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc rời khỏi nhà và tìm nơi ẩn náu.

“Chúng tôi đã trải qua nhiều đợt hạn hán trong quá khứ. Mưa thường trở lại trong những mùa tiếp theo và sau đó cuộc sống trở lại bình thường. Nhưng lần này hoàn toàn khác. Đây là đợt hạn hán tồi tệ nhất mà tôi từng thấy," Maryan buồn bã nói.

Trong trại tị nạn, Maryan và các con đang sống sót nhờ một bữa ăn mỗi ngày, nhưng điều đó là không đủ. Đứa con út của cô đang bị bệnh nặng.

Giống như hàng ngàn phụ nữ khác hiện đang sống trong các trại tạm bợ của Baidoa, Maryan làm công việc lao động bình thường để kiếm thu nhập và mua thêm thức ăn cho con cái.

“Đôi khi, tôi trở về mà không có thức ăn. Đó là khoảng thời gian khó khăn nhất với một người mẹ. Tôi đau lòng khi thấy chúng khóc đòi ăn mà lại chẳng có gì cho chúng ăn,” Maryan nghẹn ngào nói./.

Maryan và những đứa con của cô ấy. (Nguồn: NRC)

Lan Phương

Vietnamplus

Các tin tức khác

>   Hai nhà máy thủy điện của Trung Nam Krông Nô lại đối mặt mức phạt (07/08/2023)

>   FAO: Lần đầu tiên trong 9 tháng, giá lúa mỳ thế giới tăng (05/08/2023)

>   Quan chức Fed mừng khi thị trường việc làm hạ nhiệt, ủng hộ ngừng nâng lãi suất (05/08/2023)

>   FAO: Chỉ số giá lương thực thế giới tăng trở lại trong tháng 7 (05/08/2023)

>   Tăng trưởng việc làm của Mỹ yếu hơn dự báo trong tháng 7, tỷ lệ thất nghiệp xuống 3.5% (04/08/2023)

>   Bất động sản Trung Quốc yếu đến mức mua 1 tặng 1 cũng không có người mua (03/08/2023)

>   Sếp JPMorgan: Động thái hạ tín nhiệm của Fitch Ratings "thật nực cười và không đáng lo" (03/08/2023)

>   Thái Lan tăng lãi suất cơ bản lên mức cao nhất trong 9 năm (03/08/2023)

>   Bộ trưởng Tài chính Mỹ phản đối việc Fitch hạ mức tín nhiệm (03/08/2023)

>   Trung Quốc: Nhiều công ty lớn cảnh báo về doanh số bán hàng chậm lại (03/08/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật