Sếp JPMorgan: Động thái hạ tín nhiệm của Fitch Ratings "thật nực cười và không đáng lo"
Ông Jamie Dimon, CEO JPMorgan, cho biết việc Fitch Ratings hạ xếp hạng tín nhiệm dài hạn của Mỹ không phải vấn đề đáng lo ngại.
“Thật sự thì động thái đó thực sự không quan trọng tới mức đó” bởi vì chính thị trường, chứ không phải các cơ quan xếp hạng, quyết định chi phí đi vay của chính phủ Mỹ, ông Dimon chia sẻ.
Dù vậy, ông vẫn cho rằng “thật nực cười” khi các quốc gia khác có xếp hạng cao hơn Mỹ trong khi họ đang phụ thuộc vào sự ổn định do Mỹ và quân đội của siêu cường này tạo ra.
“Thật nực cười khi biết nước được xếp hạng AAA không phải Mỹ. Mỹ vẫn là quốc gia thịnh vượng nhất hành tinh, là quốc gia an toàn nhất thế giới”, ông trùm ngân hàng nhận định.
Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cũng phản bác quyết định của Fitch Ratings, cho rằng cơ quan xếp hạng tín nhiệm đã dựa trên những dữ liệu đã cũ và không phản ánh những cải thiện về quản trị mà chính phủ Mỹ đã thực hiện trong 2 năm rưỡi qua.
Jamie Dimon, CEO JPMorgan
|
Hôm 01/08, Fitch Ratings đã hạ xếp hạng tín nhiệm của Mỹ từ bậc AAA xuống AA+ vì tình hình tài khóa ngày càng tệ đi đến từ việc quản trị yếu kém trong hai thập kỷ qua. Trước đó, Mỹ lâm vào cảnh bế tắc về trần nợ và phải chờ đến phút chót mới có thể tiến tới thỏa thuận. Theo Fitch Ratings, điều này làm dấy lên nguy cơ vỡ nợ thực sự.
* Mỹ bị hạ bậc xếp hạng tín nhiệm
Chia sẻ với CNBC, ông Dimon nói: “Chúng ta nên bỏ trần nợ công”. Theo vị CEO, trần nợ đang “bị cả hai đảng” sử dụng theo những cách có thể gây bất ổn cho thị trường.
Fed, AI và Ukraine
Trong cuộc trao đổi, ông Dimon cũng đề cập đến các chủ đề khác như trí tuệ nhân tạo (AI), nền kinh tế Mỹ, hệ thống quy định đối với ngành ngân hàng và tình hình địa chính trị.
Ông gọi các công nghệ AI như ChatGPT là “công cụ làm thay đổi cuộc chơi”, có khả năng giúp các thế hệ tương lai sống thọ hơn và tốt hơn. “AI cần phải được sử dụng đúng cách. Tôi lo lắng vì những kẻ xấu cũng sẽ sử dụng công nghệ này”, ông nói thêm.
CEO của JPMorgan cho biết nền kinh tế Mỹ đang được tiếp sức từ người tiêu dùng và doanh nghiệp, tỷ lệ thất nghiệp thấp và bảng cân đối kế toán lành mạnh.
“Tình hình khá tốt, ngay cả khi chúng ta rơi vào suy thoái”, Dimon nhận định. “Tuy nhiên, mây đen vẫn còn”.
Điều khiến ông Dimon lo lắng nhất là những rủi ro địa chính trị từ cuộc chiến tại Ukraine cũng như tác động từ việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thu hẹp bảng cân đối kế toán (hay thắt chặt định lượng).
Tác động tới người tiêu dùng
Tuần trước, các cơ quan điều hành đưa ra đề xuất siết quy định với các ngân hàng Mỹ. Ông Dimon phản bác đề xuất này, cho rằng đây là điều “gây thất vọng cực kỳ”. Có một thời điểm, ông chia sẻ một biểu đồ cho thấy các ngân hàng phải hoạt động dưới sự kiểm soát của quá nhiều cơ quan.
Theo đề xuất, các ngân hàng bị buộc phải giữ thêm vốn để phòng ngừa trước nhiều rủi ro. Theo ông Dimon, điều này sẽ ảnh hưởng tới người tiêu dùng vì ngân hàng sẽ phải nhường lại "đất diễn" cho các tay chơi phi ngân hàng.
Ông dẫn chứng điều này đã xảy ra với thị trường vay mua nhà của Mỹ, vốn đang bị chi phối bởi các tổ chức phi ngân hàng như Rocket Mortgage.
Một phần của đề xuất bao gồm cả việc các ngân hàng từ bỏ các mô hình quản trị rủi ro nội bộ để chuyển sang các phiên bản chuẩn hóa hơn từ Fed.
"Nếu tôi là Fed, tôi sẽ cẩn thận khi nói rằng các mô hình của họ là hoàn hảo,” Dimon nói. “Hãy nhớ rằng, các mô hình của họ không cho thấy lạm phát và không cho thấy lãi suất 5%”.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FILI
|