Thứ Năm, 31/08/2023 14:57

Cổ phiếu nhóm chứng khoán – kỳ vọng tích cực cuối năm

Trong bối cảnh thị trường lại rơi vào giai đoạn trống vắng thông tin như hiện nay, những nhận định và dự báo về mặt điểm số chưa có gì chắc chắn, nhưng điểm tích cực có thể thấy rõ là thanh khoản thị trường đã và đang gia tăng mạnh mẽ. Điều này cho thấy dòng tiền đang luân chuyển mạnh và ngày càng bị thu hút trở lại vào kênh đầu tư chứng khoán.

VN-Index đã lấy lại được mốc 1.200 điểm, có thể nói thị trường vẫn đang trong giai đoạn khó khăn. Ảnh: LÊ VŨ

Sức ép điều chỉnh

Thị trường chứng khoán (TTCK) vẫn đang chịu không ít áp lực điều chỉnh trong thời gian gần đây, trong bối cảnh các nhà đầu tư lo ngại việc tỷ giá nóng trở lại có thể tác động tiêu cực lên chính sách tiền tệ, cũng như ảnh hưởng thông tin từ thị trường bất động sản Trung Quốc khi hãng China Evergrande nộp đơn bảo hộ phá sản tại Mỹ.

Phiên giao dịch ngày 18-8-2023, chỉ số VN-Index giảm đến 55 điểm với hơn 1,58 tỉ cổ phiếu được sang tay tính riêng trên sàn HOSE, tiếp đó phiên ngày 22-8 có lúc mất hơn 30 điểm, rớt về dưới mốc 1.150 điểm, trước khi tìm được sự cân bằng và bật trở lại.

Phiên giao dịch đầu tuần này (28-8), VN-Index đã lấy lại được mốc 1.200 điểm, nhưng có thể nói thị trường vẫn đang trong giai đoạn khó khăn. Đây là điều không quá bất ngờ, khi nhiều dự báo trước đó tin rằng chứng khoán có thể rơi vào giai đoạn điều chỉnh từ nửa cuối tháng 8, và những gì đang diễn ra đúng là như thế. Dù vậy, các chuyên gia phân tích cũng cho rằng sự điều chỉnh chỉ mang tính chất ngắn hạn, còn xu hướng trung và dài hạn của thị trường vẫn được đánh giá lạc quan.

Dragon Capital gần đây dự đoán nhịp điều chỉnh sẽ sớm kết thúc và lịch sử những đợt sụt giảm tương tự cho thấy, nếu rời bỏ thị trường thường phải quay lại với mức giá cao hơn. Quỹ này cho rằng thông điệp từ Ngân hàng Nhà nước cũng như Chính phủ về chính sách tiền tệ đã rất rõ ràng: lãi suất phải tiếp tục giảm và cung tín dụng phải tăng. Do đó, những biến động nhẹ và ngắn hạn về tỷ giá sẽ khó có khả năng ảnh hưởng lên xu hướng của chính sách tiền tệ.

Xu hướng lãi suất giảm mạnh trong thời gian qua không chỉ kích thích dòng tiền gửi chuyển dịch sang chứng khoán, mà còn tạo điều kiện cho các CTCK tiếp cận các nguồn vốn với chi phí thấp hơn, từ đó có thêm nguồn vốn dồi dào hơn và cũng có dư địa giảm lãi suất cho vay margin, kích thích giao dịch nhiều hơn.

Quỹ đầu tư đến từ Phần Lan Pyn Elite Fund nhận định các khoản tiền gửi lãi suất 12 tháng được thực hiện vào cuối năm 2022 sẽ đáo hạn vào cuối mùa thu năm 2023, dòng tiền này sẽ được chuyển sang các kênh đầu tư có lợi nhuận cao hơn, chẳng hạn như cổ phiếu.

Quỹ này kỳ vọng chỉ số chứng khoán Việt Nam sẽ tiếp tục phục hồi trong mùa thu này và năm 2024 sẽ lại là năm tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường Việt Nam. Với con số tăng trưởng doanh thu dự báo cho năm 2024, tỷ lệ P/S (giá thị trường của một cổ phiếu trên doanh số trên mỗi cổ phiếu) giảm xuống dưới 1,2 và điều này khiến TTCK được định giá rất hấp dẫn ở thời điểm hiện tại.

Dù vậy, trong bối cảnh thị trường lại rơi vào giai đoạn trống vắng thông tin như hiện nay, những nhận định và dự báo về mặt điểm số chưa có gì chắc chắn, nhưng điểm tích cực có thể thấy rõ là thanh khoản thị trường đã và đang gia tăng mạnh mẽ. Điều này cho thấy dòng tiền đang luân chuyển mạnh và ngày càng bị thu hút trở lại vào kênh đầu tư chứng khoán. Với xu hướng lãi suất tiền gửi ngân hàng tiếp tục đi xuống trong thời gian qua và các khoản tiền gửi đang đáo hạn dần, rõ ràng những đợt điều chỉnh sắp tới nếu tiếp tục diễn ra sẽ là cơ hội cho dòng tiền đang chờ đợi này.

Triển vọng nhóm chứng khoán

Trước tình hình này, nhóm cổ phiếu chứng khoán được cho là sẽ hưởng lợi và kết quả kinh doanh trong nửa cuối năm nay có thể chứng kiến sự cải thiện tích cực. Rõ ràng với khối lượng giao dịch tính riêng trên sàn HOSE bình quân chỉ từ 500-600 triệu cổ phiếu/phiên trong những tháng trước, hiện lên mức 750-850 triệu cổ phiếu/phiên, cá biệt có những phiên lên đến 1 tỉ cổ phiếu, phí giao dịch các công ty chứng khoán (CTCK) thu được đang tăng mạnh mẽ.

Xu hướng lãi suất giảm mạnh trong thời gian qua không chỉ kích thích dòng tiền gửi chuyển dịch sang chứng khoán như đã nói, mà còn tạo điều kiện cho các CTCK tiếp cận các nguồn vốn với chi phí thấp hơn, từ đó có thêm nguồn vốn dồi dào hơn và cũng có dư địa giảm lãi suất cho vay margin, giúp hoạt động cho vay ký quỹ của các CTCK sôi động hơn so với giai đoạn trước và kích thích giao dịch nhiều hơn.

Theo báo cáo phân tích của CTCK VNDirect, kỳ vọng tổng cho vay ký quỹ toàn thị trường có thể đạt 155.000-180.000 tỉ đồng trong nửa cuối năm 2023, tăng 10-30% so với mức 140.000 tỉ đồng vào cuối quí 2-2023. Với tổng vốn chủ sở hữu của 30 CTCK đạt xấp xỉ 183.000 tỉ đồng vào cuối quí 2-2023, con số này cho thấy tỷ lệ cho vay margin/vốn chủ sở hữu toàn ngành sẽ vào khoảng 0,85-1 lần.

Về trung và dài hạn, với chính sách tài khóa lẫn tiền tệ vẫn theo đuổi định hướng mở rộng để hỗ trợ nền kinh tế, TTCK vẫn sẽ hưởng lợi. Một chất xúc tác quan trọng khác đối với nhóm CTCK là hệ thống giao dịch mới KRX sắp được đưa vào triển khai cũng có thể giúp các giao dịch sôi động và mạnh mẽ hơn.

Theo kế hoạch của nhà thầu KRX, phía Việt Nam sẽ tổ chức kiểm thử đợt kiểm thử cuối cùng (FAT) trong tháng 11-2023 và dự kiến KRX hoàn thành công tác chuẩn bị hệ thống vào cuối tháng 12-2023 để sẵn sàng triển khai. Hệ thống KRX được kỳ vọng sẽ giúp TTCK Việt Nam nâng cao năng lực với thanh khoản cao hơn (lên đến 4 tỉ đô la Mỹ mỗi phiên), giảm thời gian thanh toán từ T+2,5 hiện nay, từ đó có thể thúc đẩy tỷ lệ quay vòng vốn và giải quyết các vấn đề cần thiết để được nâng cấp lên thị trường mới nổi.

Cũng theo VNDirect, thời gian qua các nhà đầu tư e ngại cổ phiếu các CTCK, khiến định giá ngành chứng khoán đang giao dịch ở mức P/B (giá của một cổ phiếu trên giá trị sổ sách của cổ phiếu đó) là 1,6 lần, thấp hơn nhiều so với mức trung bình của ngành trong ba năm gần đây. Do đó, giờ đây, lĩnh vực chứng khoán là đại diện tốt nhất cho sự hồi sinh của TTCK, trong đó các công ty môi giới với lợi thế nhà đầu tư nhỏ lẻ và mức độ số hóa cao sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ dòng vốn chảy mạnh vào TTCK bao gồm: SSI, VND, MBS.

Thực tế nhóm cổ phiếu CTCK cũng đã sớm phản ứng trong những phiên gần đây. Sau phiên sụt giảm mạnh ngày 18-8, cổ phiếu các CTCK là một trong những nhóm chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ nhất từ đó đến nay. Cụ thể, chỉ số giá của nhóm cổ phiếu CTCK đã phục hồi 10% chỉ trong vòng năm phiên tính từ ngày 22 đến 28-8.

Triêu Dương

TBKTSG

Các tin tức khác

>   VN-Index phục hồi, nhưng nhà đầu tư nước ngoài vẫn bán ròng (31/08/2023)

>   Phía sau khoản lợi nhuận ‘khủng’ của các công ty chứng khoán (27/08/2023)

>   Tìm điểm cân bằng trong ‘cơn say’ của dòng tiền trên sàn chứng khoán (26/08/2023)

>   Nỗi lo về thị trường bất động sản chưa sớm kết thúc (25/08/2023)

>   VNG công bố nộp hồ sơ đăng ký IPO tại sàn chứng khoán NASDAQ (24/08/2023)

>   Tuần ‘lao dốc’ bất ngờ của VN-Index! (24/08/2023)

>   Gần 5.800 tỉ đồng được giao dịch tại thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ (23/08/2023)

>   HoSE sẽ vận hành hệ thống công nghệ KRX vào cuối năm 2023 (22/08/2023)

>   HNX cho hủy hơn 7,1 triệu cổ phiếu VNZ của ‘kỳ lân’ công nghệ VNG từ 22-8 (22/08/2023)

>   Cổ phiếu ngành gạo hưởng lợi từ cú ‘sốc cung’ trên thị trường thế giới! (17/08/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật