VN-Index phục hồi, nhưng nhà đầu tư nước ngoài vẫn bán ròng Sau một tuần lao dốc mạnh, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam trở lại trạng thái giao dịch với biên độ hẹp trong tuần qua. Kết thúc tuần (từ 21 đến 25-8-2023), chỉ số VN-Index đóng cửa tại mốc 1.183 điểm, tăng 5,38 điểm so với tuần trước đó, tương đương 0,46%.
Mặc dù tăng điểm nhẹ nhưng khối lượng giao dịch lại có xu hướng sụt giảm khi áp lực bán tháo vơi bớt cũng như tâm lý nhà đầu tư còn khá thận trọng trong việc bắt đáy. Bên cạnh đó, giao dịch khối ngoại tiếp tục là điểm trừ của thị trường khi khối này quay đầu bán ròng hơn ngàn tỉ đồng.
Cụ thể, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 1.770 tỉ đồng trên toàn thị trường, trong đó bán ròng 1.570 tỉ đồng qua kênh khớp lệnh và bán ròng 200 tỉ đồng qua kênh thỏa thuận.
Từ ngày 21 đến 25-8-2023, chỉ số VN-Index đóng cửa tại mốc 1.183 điểm, tăng 5,38 điểm so với tuần trước đó. Ảnh minh họa TL |
Trên thế giới, TTCK Mỹ tăng điểm khá tốt trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (25-8). Sự hứng khởi của nhà đầu tư đến từ bài phát biểu được chờ đợi của Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell tại Hội nghị ngân hàng trung ương thường niên ở khu nghỉ dưỡng Jackson Hole, bang Wyoming.
Trong bài phát biểu này, ông Powell đề cập đến lĩnh vực tiêu dùng “đặc biệt mạnh mẽ” của nền kinh tế Mỹ và những dấu hiệu sớm về một sự phục hồi trên thị trường nhà đất. Ông khẳng định cam kết của Fed trong việc kéo lạm phát về mục tiêu 2%.
Theo đó, lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones và S&P 500 cùng tăng 0,7% trong khi chỉ số Nasdaq tăng 0,9%. Với phiên tăng này, chỉ số S&P 500 và Nasdaq hoàn tất một tuần tăng điểm, chấm dứt chuỗi ba tuần giảm liên tiếp trước đó.
Tuy nhiên, chỉ số Dow Jones vẫn tiếp tục ghi nhận tuần mất điểm thứ hai liên tiếp. Đáng chú ý, cổ phiếu của VinFast (VFS) tiếp tục kéo dài đà tăng khi chốt phiên ngày 25-8 với mức giá cao nhất tại 68,7 đô la Mỹ/cổ phiếu, tăng 40,35%, với khối lượng giao dịch hơn 15 triệu cổ phiếu, gấp hơn 2,5 lần mức trung bình.
Về các thông tin trong nước, nổi bật trong tuần qua là việc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 10/2023/TT-NHNN nhằm ngưng hiệu lực thi hành khoản 8, khoản 9 và khoản 10, điều 8 của Thông tư 39/2016/TT-NHNN (đã được bổ sung theo khoản 2, điều 1 của Thông tư 06/2023/TT-NHNN).
Theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), khoản 8, khoản 9 và khoản 10, điều 8 của Thông tư 06 trước đây được ban hành với mục đích cao nhất là kiểm soát chất lượng tín dụng thông qua việc cố gắng kiểm soát mục đích sử dụng vốn của các khách hàng, nhằm đảm bảo an toàn cho hệ thống tổ chức tín dụng. Liên quan đến vấn đến này, thời gian qua, các hiệp hội, cơ quan liên quan tới ngành bất động sản đã có nhiều góp ý và đề xuất thay đổi.
Cụ thể, về khoản 8, xét trên góc độ các doanh nghiệp đi vay, nhu cầu góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng cổ phần là điều bình thường trong thực tiễn kinh doanh và dân sự. Đặc biệt, lĩnh vực bất động sản thường yêu cầu lượng vốn đầu tư lớn, quy trình thực hiện dài, vì vậy cấu trúc sở hữu các doanh nghiệp thực hiện dự án cũng rất phức tạp, trong đó nguồn vốn ngân hàng đang là nguồn tài trợ chính đối với lĩnh vực này.
Về khoản 9, xét trên góc độ thực hiện dự án bất động sản, việc quy định dự án cần đủ điều kiện kinh doanh theo pháp luật hiện tại khiến cho việc thực hiện dự án ngày càng khó khăn hơn. Cách thức còn lại là nhận chuyển nhượng dự án, tuy nhiên điều kiện để dự án được chuyển nhượng theo quy định hiện hành cũng rất khắt khe.
Về khoản 10, với các khoản cho vay bù đắp tài chính, việc chỉ được cho vay đối với các chi phí phát sinh dưới 12 tháng là điều kiện đang được xem là chưa phù hợp với thực tế kinh doanh của ngành nghề, khi các chi phí phát triển dự án thường kéo dài nhiều năm trước đó vẫn đang trong tình trạng ách tắc.
Về cơ bản, việc sửa đổi Thông tư 06/2023/TT-NHNN được đánh giá chỉ là bước đi tạm thời, có tính trì hoãn kéo dài để hỗ trợ cho quá trình tái cấu trúc của các doanh nghiệp bất động sản.
Xu hướng thị trường sắp tới, chỉ số VN-Index đang cho thấy những tín hiệu phục hồi trở lại trong ngắn hạn. Các cổ phiếu trụ thuộc VN-30 đang đóng vai trò “gánh vác” thị trường. Vùng cản phía trên của VN-Index nằm ở khu vực quanh 1.210 điểm – là nơi thử thách độ mạnh của lực cầu hiện tại.
Trên cơ sở đó, nhà đầu tư có tỷ trọng tiền mặt cao có thể mở vị thế mua mới tại những cổ phiếu thuộc nhóm ngành triển vọng đang ở vùng giá mua hấp dẫn. Còn với nhà đầu tư đang nắm giữ nhiều cổ phiếu thì vẫn nên ưu tiên hàng đầu cho mục tiêu quản trị rủi ro toàn danh mục.
Thanh Thủy TBKTSG
|