Tìm điểm cân bằng trong ‘cơn say’ của dòng tiền trên sàn chứng khoán Lãi suất huy động và cho vay liên tục sụt giảm trong thời gian qua đã thiết lập nên một mặt bằng mới về lãi suất. Điều này góp phần tạo nên dòng tiền lưu chuyển trên thị trường chứng khoán. Tuy vậy, mức độ cân bằng của thị trường vẫn là điều mà nhiều nhà đầu tư tìm kiếm, khi hiện tượng đầu cơ đang đẩy giá các mã cổ phiếu tăng quá cao so với giá trị cơ bản của nó.
So với hầu hết các thị trường khác trong khu vực Đông Nam Á, VN-Index có hiệu suất vượt trội hơn hẳn khi đi qua tháng 7 tăng trưởng 9,2% về chỉ số. Đây là cơ sở để các công ty chứng khoán đưa ra báo cáo phân tích chiến lược đầu tư tháng 8 với cùng một thông điệp là “bữa tiệc giá tăng” thị trường chứng khoán đã trở lại.
Các diễn đàn sôi nổi hơn với những thông tin mua bán được cập nhật liên tục, số lượng tài khoản mới tăng mạnh và dòng tiền cũng trở nên “dễ tính” hơn khi các phiên giao dịch tỉ đô la xuất hiện nhiều hơn.
Những “bữa tiệc nhanh” trở lại với sàn chứng khoán
Những điều chỉnh tích cực từ chính sách đặc biệt là mặt bằng lãi suất được kéo xuống liên tục đang tạo trạng thái lý tưởng để dòng tiền trở lại với chứng khoán. Thậm chí có những báo cáo còn đánh giá rủi ro ngắn hạn tạm thời được đẩy lùi, nhà đầu tư có thể cân nhắc sử dụng đòn bẩy tài chính ở mức hợp lý để gia tăng hiệu quả cho danh mục đầu tư.
Theo nhóm nghiên cứu từ Công ty Chứng khoán VNDirect nhìn nhận, lực đỡ chính cho chỉ số là từ kỳ vọng lợi nhuận phục hồi kèm các chính sách hỗ trợ phát huy tác dụng rõ ràng là nền tảng cho thị trường duy trì xu hướng tăng. Thêm vào đó nhà đầu tư đã rút tiền từ ngân hàng để đầu tư vào chứng khoán, khi các khoản tiền gửi kỳ hạn 6 tháng đến thời điểm đáo hạn.
Đi vào chi tiết, sự phục hồi của VN-Index do giá cổ phiếu của hai nhóm chiếm tỷ trọng lớn là ngân hàng (chiếm 35%) và bất động sản (chiểm 18%) đã tăng gần 30% tính từ đầu năm đến nay và đóng góp hơn 2/3 tăng trưởng của VN-Index.
Trong hai tháng qua, thị trường chứng khoán đã trở lại với những “bữa tiệc” thanh khoản. Ảnh minh họa: LÊ VŨ |
Thống kê sơ bộ với các cổ phiếu trong rổ VNAllshares trên sàn HoSE, tuy VN-Index trong con sóng từ đầu tháng 5 đến nay chỉ tăng 16,5%, nhưng có tới 35% số cổ phiếu đạt mức tăng trên 30%. Nếu tính biên độ tăng lý thuyết tối đa (từ giá thấp nhất đến cao nhất cổ phiếu đạt được trong kỳ), thì tới 52% số cổ phiếu đạt mức tăng trên 30%.
Đó là tỷ lệ rất cao trong bất kỳ con sóng tăng nào trong thời gian 3 tháng. Đối chiếu với giai đoạn bùng nổ nhất của sóng tăng trong quí 4-2021, thì tỷ lệ cũng chỉ là 58% số cổ phiếu của rổ này tăng được quá 30%. Sự tương đồng này cho thấy từ tháng 5 đến nay thị trường chứng khoán đã thực sự “mở tiệc” bằng những phiên giao dịch có thanh khoản hàng tỉ đô la. Đó cũng là khoản tời gian VN-Index tiến lên chinh phục nhiều mốc quan trọng, duy trì sự sôi động và hứng khởi cho nhà đầu tư.
Tuy nhiên, trong suốt xu hướng tăng mạnh mẽ vừa qua, đã có những lo ngại về tình trạng đầu cơ nóng ở rất nhiều cổ phiếu đẩy chỉ số giá tăng cao bất chấp kết quả kinh doanh tiêu cực của doanh nghiệp. Diễn biến này đang có nét tương đồng với giai đoạn đầu năm 2022 khi dòng tiền cá nhân mạnh và “dễ tính” thường bỏ qua các cảnh báo về sự mất cân bằng của đà tăng giá cổ phiếu và nội tại của doanh nghiệp. Chưa kể đến những rủi ro từ, pháp lý, kinh tế thế giới có thể tác động bất ngờ khiến thị trường đảo chiều.
Hiện tượng thường thấy nhất là “cảnh báo” sẽ không được chú ý cho đến khi cảnh báo đó thành sự thực. Đơn cử như cú sập bất ngờ mất 55 điểm của phiên giao dịch cuối tuần trước, các nhà đầu tư đã nháo nhác hỏi nhau về vấn đề thực sự của thị trường là gì?
Tìm điểm cân bằng để tránh rủi ro
Diễn biến giao dịch vài tuần qua cho thấy, dòng tiền trên thị trường tiếp tục xoay vòng nhanh, thanh khoản duy trì tốt với trung bình trên 1 tỉ đô la/phiên. Nhưng cũng đã phát đi những tín hiệu về lập đỉnh ngắn hạn, như các phiên phân phối, áp lực bán gia tăng sau chuỗi tăng dài. Các phiên mà chỉ số VN-Index rơi tự do hàng chục điểm trong tuần trước có thể khiến nhà đầu tư có thể hụt hẫng và bắt đầu suy nghĩ về ngày “cuộc vui tàn”.
Thời điểm này, các con số báo cáo kết quả kinh doanh của hầu hết các doanh nghiệp niêm yết được công bố và nhà đầu tư không thể giao dịch dựa trên kỳ vọng ngắn hạn. Khi đối chiếu kết quả kinh doanh đã có độ “vênh” với đà tăng giá của cổ phiếu của doanh nghiệp. Thậm chí doanh nghiệp lỗ giá vẫn tăng như thường.
Một ước tính của công ty chứng khoán VNDirect, số cổ phiếu chiếm 92% vốn hóa thị trường đã công bố lợi nhuận quí 2-2023 giảm 11,7% so với cùng kỳ. Một ước tính khác của FiinTrade với số cổ phiếu chiếm 87% vốn hóa thị trường, tổng lợi nhuận sau thuế giảm 18,6% so với cùng kỳ.
Nhưng kết quả này đã xác thực về kỳ vọng của nhà đầu tư có thể quá mức và họ cần một điểm cân bằng để bảo vệ thành quả trong hai tháng hứng phấn của thị trường. Khi mùa báo cáo kết quả kinh doanh qua đi sẽ là “vùng trũng” thông tin và đà tăng của thị trường có thể chững lại.
Trong đà hưng phấn nhà đầu tư cũng cần tìm điểm cân bằng khi các yếu tố rủi ro cũng bắt đầu xuất hiện. Ảnh minh họa: Lê Vũ |
Một trong những tín hiệu lo ngại là những phiên gần đây, sau khi có dấu hiệu bứt tốc trong giai đoạn đầu phiên, thị trường thường có dấu hiệu đuối sức về cuối phiên. Tuy nhiên điểm số trong phiên ATC (lệnh mua/bán giá đóng cửa) lại bất ngờ được kéo lên mạnh nhờ các nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn.
Thanh khoản tăng mạnh và duy trì cao hơn ở mức bình quân 20 phiên gần nhất cũng mang đến lo ngại thị trường đang trong giai đoạn phân phối. Theo đó không loại trừ khả năng các nhà đầu tư “cá mập” đang tìm cách kéo giữ chỉ số chung để thoát bớt hàng và chốt lợi nhuận.
Giám đốc môi giới một công ty chứng khoán thuộc Top 5 thị phần nhìn nhận, tín hiệu không mấy tích cực đã hiện rõ hơn, xác suất điều chỉnh kéo dài hơn. Xu hướng tăng điểm đã chững lại đáng kể và rủi ro đang lớn dần so với cơ hội tìm kiếm lợi nhuận. Vì vậy, nhà đầu tư cần duy trì quan điểm thận trọng, nhất quán với mục tiêu quan sát và chờ đợi tín hiệu tích cực rõ ràng.
Thị trường chứng khoán luôn có sức hấp dẫn, thú vị và không thể dự đoán chính xác xu hướng, bởi có người sợ hãi, có người bình tĩnh và có người ưa thích mạo hiểm. Hiện tại thị trường đang phần nào được thúc đẩy bởi dòng tiền mạnh và đà tâm lý hưng phấn của nhà đầu tư trong cơn say lợi nhuận. Khi dòng tiền hội đủ các yếu tố nhanh, mạnh và “dễ tính” sẽ điều hướng thị trường theo một kịch bản được xem như là hợp lý.
Tuy vậy, trong quá trình vận động này, các khoảng trống về điểm số hay giá cổ phiếu (gap) xuất hiện với tần suất cao hơn cũng cho thấy dấu hiệu rủi ro về mặt kỹ thuật. Khoảng trống giá thường đi kèm với khối lượng giao dịch lớn và nhà đầu tư đang phải đối diện với những phiên giao dịch có biên độ dao động 4-5% thường xuyên hơn.
Dù thị trường được dự báo tăng trở lại khi mặt bằng lãi suất được hạ xuống nhưng đà tăng vẫn tương đối mong manh và dễ bị chi phối bởi các yếu tố bên ngoài. Phiên VN-Index sập 55 điểm vì lo ngại biến động từ các thông tin tập đoàn bất động sản Evergrande (Trung Quốc) nộp đơn xin bảo hộ phá sản là một ví dụ.
Trong thời gian tới cũng có nhiều yếu tố rủi ro không thể loại trừ như mặt bằng định giá nhóm phi tài chính tăng cao, nhiều cổ phiếu có nguy cơ bị loại khỏi danh sách margin (vay ký quỹ) sau báo cáo soát xét bán niên. Bên cạnh đó là biến động đồng đô la Mỹ trên thị trường thế giới có thể sẽ ảnh hưởng tới tỷ giá VND, từ đó gián tiếp ảnh hưởng tới khả năng nới lỏng chính sách tiền tệ. Những vấn đề về nợ trái phiếu của doanh nghiệp vẫn tương đối “nhạy cảm” về cuối năm với khối lượng đáo hạn đang dồn lại ngày một lớn.
Theo SSI Research nhận định, thị trường sẽ cần thêm thời gian để lợi nhuận doanh nghiệp có thể bắt kịp với định giá. Do đó, nhà nên tiếp tục hướng sự tập trung và phân bổ tỷ trọng cân bằng hơn vào các ngành đã tăng chậm hơn mặt bằng chung trong nửa đầu năm, và có động lực dẫn dắt tăng trưởng lợi nhuận tích cực trong nửa cuối năm. Điều đó có thể giúp nhà đầu tư cảm thấy yên tâm hơn khi đối diện với những phiên rung lắc mạnh.
V.Dũng TBKTSG
|