Cổ phiếu ngành gạo hưởng lợi từ cú ‘sốc cung’ trên thị trường thế giới! Yếu tố lớn nhất giúp nhóm cổ phiếu lúa gạo tăng giá mạnh trong thời gian qua là những tin tức xoay quanh tình hình thời tiết có thể ảnh hưởng đến sản lượng lương thực thế giới. Nhiều nước đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo, điển hình là Ấn Độ, khiến giá lương thực tăng vọt.
Chỉ trong vòng hơn ba tuần, cổ phiếu ngành gạo đã tăng hàng chục phần trăm nhờ những phiên tăng kịch trần liên tiếp. Ảnh: H.P |
Nhiều cổ phiếu “nổi sóng”
Thời gian gần đây, nhóm cổ phiếu lương thực, đặc biệt là cổ phiếu ngành gạo có diễn biến rất đáng chú ý, thu hút nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư. Chỉ trong vòng hơn ba tuần, thị giá của nhiều cổ phiếu như VSF, AGM, LTG, TAR… đã tăng hàng chục phần trăm nhờ những phiên tăng kịch trần liên tiếp.
Điển hình như cổ phiếu của Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood II – VSF) thời gian qua đã có 11 phiên mang sắc tím, giúp thị giá tăng từ mức quanh 8.000 đồng/cổ phiếu lên mức cao nhất trên 40.000 đồng/cổ phiếu – mức cao nhất lịch sử niêm yết của doanh nghiệp này.
Hay như cổ phiếu AGM của Công ty cổ phần (CTCP) Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex) mặc dù đang bị hạn chế giao dịch nhưng cũng đã có chuỗi 12 phiên tăng trần liên tiếp từ ngày 24-7 đến ngày 8-8-2023. Một mã khác là TAR của CTCP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An tăng hơn 40% kể từ đầu tháng 7-2023 hay LTG của Tập đoàn Lộc Trời tích lũy thêm 32% và trở về mặt bằng thị giá của tháng 6-2022. Một số mã khác như PAN, SSC cũng phục hồi về vùng giá vào quí 3-2022 – thời điểm giá gạo xuất khẩu tăng cao.
Trước đà tăng nóng như trên, nhiều công ty trong ngành này đã phải giải trình. Theo đó, trong văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, ban lãnh đạo Vinafood II và Angimex đều khẳng định không tác động gây ảnh hưởng đến giá giao dịch trên thị trường.
Theo các đơn vị này, giá cổ phiếu do cung – cầu trên thị trường quyết định và nằm ngoài tầm kiểm soát của doanh nghiệp. Nhưng giá tăng nhanh thì rủi ro giá giảm mạnh trở lại cũng rất lớn! Bằng chứng là trong khoảng một tuần trở lại đây, giá nhóm cổ phiếu gạo đã hạ nhiệt đáng kể khi liên tiếp có những phiên lao dốc về mức giá sàn.
Mặc dù bối cảnh chung tương đối thuận lợi nhưng nhà đầu tư cũng cần lưu ý đà tăng của nhóm cổ phiếu gạo đôi lúc mang tính chất đầu cơ và có tính ngắn hạn. |
Một điểm khác cũng cần lưu ý là cổ phiếu nhóm gạo “nổi sóng” trong bối cảnh kết quả kinh doanh quí 2 của những doanh nghiệp nhóm này không mấy khả quan.
Điển hình như Trung An báo lỗ sau thuế gần 8 tỉ đồng, giảm mạnh so với mức lãi gần 24 tỉ đồng cùng kỳ năm 2022. Đây cũng là lần đầu tiên doanh nghiệp này báo lỗ từ khi lên sàn UpCom hồi đầu năm 2019.
Theo giải trình, Trung An kinh doanh thua lỗ chủ yếu là do chi phí lãi vay kỳ này cao hơn so với cùng kỳ năm trước và công ty phải thanh lý một số hàng hóa hư hỏng giao tại cảng cho khách hàng nước ngoài. Lũy kế nửa đầu năm 2023, dù doanh thu thuần của Trung An tăng 46%, đạt 2.513 tỉ đồng nhưng lãi sau thuế chỉ đạt vỏn vẹn 605 triệu đồng, giảm tới gần 99% so với cùng kỳ năm trước.
Với Angimex, doanh thu thuần hợp nhất của công ty này trong quí 2 vừa qua giảm tới 88%, về còn 162 tỉ đồng còn lỗ sau thuế ở mức 33 tỉ đồng. Kết quả kém tích cực này đẩy số lỗ ròng của Angimex sau sáu tháng đầu năm nay lên gần 57 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ 6 tỉ đồng.
Với Vinafood II, mặc dù doanh thu thuần trong quí 2 ghi nhận 6.867 tỉ đồng, tăng 125% song chỉ lãi vỏn vẹn 9 tỉ đồng do giá vốn cao và chi phí bào mòn.
Tương tự, lợi nhuận trong quí 2 của CTCP Xuất nhập khẩu Nông sản Thực phẩm An Giang (mã AFX) chỉ ở mức 5 tỉ đồng, giảm 70% so với cùng kỳ năm trước.
Điểm sáng nổi bật nhất của ngành thuộc về Lộc Trời khi ghi nhận doanh thu thuần quí 2 đạt 3.678 tỉ đồng – tăng 4% so với cùng kỳ năm trước. Nhờ khoản lãi trong công ty liên doanh, liên hết gần 327 tỉ đồng, Lộc Trời đã lãi sau thuế gần 425 tỉ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lỗ hơn 44 tỉ đồng. Đây cũng là mức lãi kỷ lục theo quí trong lịch sử niêm yết của doanh nghiệp này.
Lũy kế sáu tháng đầu năm, tổng doanh thu của Lộc Trời đạt 6.231 tỉ đồng, tăng 4%. Trong đó, doanh thu từ lương thực là lúa, gạo vẫn chiếm phần lớn với 67%, tương đương 4.219 tỉ đồng (tăng 24% so với nửa đầu năm 2022). Còn mảng thuốc bảo vệ thực vật, hạt giống, bao bì ghi nhận doanh thu giảm sút.
Hưởng lợi từ cú “sốc cung”
Yếu tố lớn nhất giúp nhóm cổ phiếu lúa gạo tăng giá mạnh trong thời gian qua là những tin tức xoay quanh tình hình thời tiết có thể ảnh hưởng đến sản lượng lương thực thế giới. Trong bối cảnh lo ngại El Nino xuất hiện và có khả năng kéo dài sang năm 2024, nhiều nước đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo, khiến giá lương thực tăng vọt.
Điển hình nhất là vào ngày 20-7 vừa qua, Chính phủ Ấn Độ đã đột ngột cấm xuất khẩu gạo tẻ (vốn chiếm đến 80% tổng lượng gạo xuất khẩu của nước này) với lý do đảm bảo nguồn cung cho thị trường nội địa. Với vị thế chiếm hơn 40% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn cầu, động thái này của Ấn Độ đã tạo ra một cú “sốc cung” cho thị trường lương thực thế giới.
Hiện giá gạo xuất khẩu của Thái Lan và Việt Nam, hai quốc gia xuất khẩu gạo lớn thứ hai và thứ ba thế giới, đều ở mức cao nhất 15 năm trở lại đây. Cụ thể hơn, so với thời điểm Ấn Độ chính thức cấm xuất khẩu gạo, chỉ trong vòng nửa tháng qua, giá gạo 5% tấm và 25% tấm của Việt Nam đã tăng mạnh khoảng 85 đô la Mỹ/tấn. Đối với các dòng gạo thơm, giá xuất khẩu trung bình gạo Jasmine Việt Nam ghi nhận ở mức 690 đô la/tấn, tăng khoảng 80 đô la so với tháng trước.
Ở góc độ vĩ mô, số liệu cho thấy triển vọng tương đối khả quan của ngành gạo. Theo thống kê của Bộ Công Thương, tính đến cuối tháng 7-2023, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 4,8 triệu tấn gạo, trị giá gần 2,6 tỉ đô la, tăng khoảng 19% về lượng và gần 30% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.
Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết từ nay đến cuối năm, nếu không có diễn biến bất thường của thời tiết, sản lượng lúa thu hoạch sẽ đảm bảo nhu cầu trong nước và đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Lượng lúa dành cho xuất khẩu sẽ khoảng trên 15 triệu tấn (tương đương 7-7,5 triệu tấn gạo).
Mặc dù bối cảnh chung tương đối thuận lợi nhưng nhà đầu tư cũng cần lưu ý đà tăng của nhóm cổ phiếu gạo đôi lúc mang tính chất đầu cơ và có tính ngắn hạn vì giá gạo thường cũng chỉ mang tính chu kỳ trong thời gian ngắn.
Bên cạnh đó, lúa gạo là ngành kinh doanh nhiều rủi ro, khó đoán trước vì phụ thuộc nhiều vào tình hình thời tiết. Mức độ hưởng lợi của các doanh nghiệp trong ngành cũng rất khác nhau (giữa nhóm sản xuất-xuất khẩu và nhóm làm thương mại). Do đó, nhà đầu tư nên có sự sàng lọc kỹ ở từng doanh nghiệp trước khi ra quyết định rót vốn.
Đăng Linh TBKTSG
|