Bảo lãnh thanh toán trái phiếu ngân hàng có khả thi? Tính khả thi và phù hợp của chính sách này cần được xem xét kỹ càng, nhất là khi nếu được thực hiện cũng có thể mang lại những hệ quả không mong muốn…
Vì sao cần bảo lãnh thanh toán?
Sau nhiều năm liên tục dẫn đầu về lượng trái phiếu phát hành, tỷ trọng giá trị trái phiếu phát hành của nhóm ngân hàng trong nửa đầu năm nay chỉ còn chiếm 6,8% trong tổng số 42.783 tỉ đồng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đã phát hành, tức chưa đến 3.000 tỉ đồng, theo báo cáo từ Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam. Nếu so với tỷ trọng 54,5% của nhóm bất động sản; 24,6% của nhóm hàng tiêu dùng, nhóm ngân hàng đã tuột lại khá xa, trong bối cảnh ngành ngân hàng cũng rơi vào tình trạng thừa vốn từ đầu năm đến nay.
Ngoài ra, không loại trừ khả năng việc phát hành trái phiếu gần đây của nhóm ngân hàng giảm do chịu ảnh hưởng lây lan sau những tai tiếng của thị trường TPDN. Việc một số nhân viên ngân hàng trước đây tư vấn khách hàng gửi tiết kiệm thành đầu tư TPDN do ngân hàng phân phối, khiến khách hàng sau này gánh chịu những hậu quả tiêu cực, đã khiến một bộ phận khách hàng trở nên ác cảm và đề phòng hơn khi nhắc đến sản phẩm trái phiếu.
Cũng cần nhắc lại rằng những năm qua hầu hết các ngân hàng đã tích cực phát hành trái phiếu dài hạn để được tính vào vốn tự có, nâng cao hệ số an toàn vốn (CAR) cũng như nâng cao tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn. Áp lực tiếp tục tăng vốn tự có hay tăng tỷ trọng nguồn vốn trung và dài hạn vẫn thường trực, khi yêu cầu đặt ra đối với các tổ chức tín dụng là tiếp tục nâng cao khả năng quản trị rủi ro và các hệ số an toàn theo chuẩn tiệm cận quốc tế. Vì vậy, nếu gặp khó khăn trong việc phát hành giấy tờ có giá dài hạn nói chung và trái phiếu nói riêng sẽ đẩy các ngân hàng đối mặt thêm thách thức.
Theo quy định hiện nay, trái phiếu được ưu tiên thanh toán sau tiền gửi ngân hàng và hạn mức bảo lãnh của tiền gửi tối đa cũng chỉ ở mức 125 triệu đồng. Nếu trái phiếu ngân hàng được Chính phủ bảo lãnh như đề xuất, chẳng lẽ trái phiếu sẽ được ưu tiên thanh toán trước tiền gửi và hạn mức chi trả là toàn bộ? Điều này liệu có hợp lý? |
Trước tình hình này, mới đây, Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI) đề xuất xây dựng loại trái phiếu do các ngân hàng kinh doanh hiệu quả, tình hình tài chính lành mạnh phát hành và được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bảo lãnh thanh toán. Theo đó, loại trái phiếu này sẽ phải có các đặc tính: 1) luôn hội đủ các điều kiện niêm yết trên sàn HOSE; 2) có tỷ suất lợi nhuận tương đối, tỷ lệ nợ xấu thấp và NHNN cần quy định tỷ lệ, khối lượng phát hành trái phiếu cho nhà đầu tư cá nhân.
Cơ sở để đưa ra đề xuất này, theo VAFI, là do từ trước đến nay, hệ thống ngân hàng thương mại luôn dễ dàng huy động tiền gửi ở các kỳ hạn ngắn, tuy nhiên, việc thu hút nguồn vốn tiết kiệm ở các kỳ hạn dài lại gặp không ít khó khăn, dù lãi suất cao hơn nhiều. Việc này chủ yếu do nhà đầu tư sợ rủi ro về tỷ giá, lạm phát, biến động kinh tế vĩ mô, thanh khoản thấp và nếu rút tiền trước hạn còn phải chấp nhận mất lãi tiết kiệm.
Do đó, theo VAFI, nếu Nhà nước bảo lãnh thanh toán, sẽ có lượng tiền khổng lồ đầu tư vào trái phiếu ngân hàng, vì người dân hiểu rằng đầu tư vào trái phiếu có mức lãi suất cao hơn tiền gửi ngắn hạn, trái phiếu niêm yết có tính thanh khoản cao và lại được Nhà nước bảo lãnh thanh toán.
Chính phủ mới đây đã giao Bộ Tài chính, NHNN nghiên cứu các đề xuất của VAFI về việc xây dựng các loại trái phiếu gần như tuyệt đối an toàn, trong đó có trái phiếu được bảo lãnh thanh toán như nói trên.
Cạnh tranh và công bằng ở đâu?
Về cơ bản, lượng vốn đầu vào có tính dài hạn của các ngân hàng hiện nay bao gồm: vốn điều lệ, lợi nhuận giữ lại, giấy tờ có giá bao gồm trái phiếu, vốn tài trợ thương mại, vay quốc tế và tiền gửi tiết kiệm dài hạn. Trong khi đó, cho vay trung và dài hạn chủ yếu là ở các dự án đầu tư, cho vay mua nhà, xe, cho vay tiêu dùng… Những năm gần đây, các ngân hàng đã bị khống chế bởi tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn theo lộ trình giảm dần, từ mức cao 60% trước đây xuống chỉ còn 34% như hiện tại và sẽ tiếp tục giảm về 30% từ đầu tháng 10-2023.
Mới đây, Chủ tịch Hiệp Hội Bất động sản TP.HCM (HoREA cho biết việc tiếp cận vốn dài hạn của các doanh nghiệp bất động sản đang rất khó khăn, do đó đề xuất nên lùi việc hạ tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của ngân hàng thêm một năm. Dù tỷ lệ tiền gửi tiết kiệm trung và dài hạn của các ngân hàng hiện nay chiếm xấp xỉ 30% hoặc hơn trong tổng huy động vốn, nhưng vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh doanh của các ngân hàng.
Vì vậy, trong bối cảnh các ngân hàng vẫn có nhu cầu huy động vốn trung và dài hạn, giải pháp Chính phủ (NHNN) bảo lãnh thanh toán trái phiếu ngân hàng phát hành nếu được thực hiện có thể giúp các ngân hàng huy động vốn trung và dài hạn dễ dàng hơn. Tuy nhiên tính khả thi và phù hợp của chính sách này cần được xem xét kỹ càng, nhất là khi nếu được thực hiện cũng có thể mang lại những hệ quả không mong muốn.
Đầu tiên, câu hỏi đặt ra: ngân hàng cũng là một tổ chức kinh doanh, lợi nhuận nếu có sẽ chia cho cổ đông ngân hàng, vậy tại sao Chính phủ phải có cơ chế bảo lãnh thanh toán cho trái phiếu ngân hàng phát hành? Nếu vì một lý do nào đó, Chính phủ phải đứng ra thanh toán trái phiếu theo cam kết bảo lãnh, ngân sách đã được sử dụng để đảm bảo mang lại hiệu quả kinh doanh cho cổ đông của các ngân hàng liệu có phù hợp?
Đó là chưa nói đến việc khi trái phiếu của ngân hàng được Chính phủ bảo lãnh thanh toán, tính an toàn có thể tương đương với trái phiếu do Bộ Tài chính phát hành hay các tổ chức nhà nước khác phát hành mà được Chính phủ bảo lãnh thanh toán.
Khi đó, nhà đầu tư dĩ nhiên sẽ lựa chọn trái phiếu ngân hàng vừa có độ an toàn tương đương lại vừa có lãi suất cao hơn, hệ quả là Chính phủ sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong công tác huy động vốn qua thị trường trái phiếu và có thể phải chấp nhận trả lãi suất cao hơn để thu hút nhà đầu tư, ảnh hưởng đến hiệu quả vay nợ của chính các cơ quan nhà nước.
Thứ hai, các ngân hàng phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh thanh toán sẽ có cơ hội phát hành trái phiếu với lãi suất thấp hơn những ngân hàng không được bảo lãnh. Như vậy, sự công bằng trong cạnh tranh giữa chính các tổ chức tín dụng có còn được đảm bảo? Cần lưu ý rằng theo đề xuất của VAFI, chỉ các ngân hàng kinh doanh hiệu quả cao mới có cơ hội được Chính phủ bảo lãnh thanh toán trái phiếu phát hành. Nhưng như vậy lại đặt ra tình huống là những ngân hàng hoạt động có hiệu quả thấp hơn, khả năng cạnh tranh đã yếu hơn ở kênh huy động tiền gửi giờ lại tiếp tục chịu bất lợi khi muốn huy động qua kênh trái phiếu.
Thứ ba, sự cạnh tranh công bằng giữa ngân hàng với doanh nghiệp cũng mất đi, khi một lượng tiền lẽ ra có thể đầu tư vào TPDN sẽ có khuynh hướng rót vào trái phiếu ngân hàng vì độ an toàn gần như tuyệt đối. Lượng vốn huy động qua kênh trái phiếu lại được các ngân hàng đem cho doanh nghiệp vay lại. Như vậy, các ngân hàng hưởng cơ chế trái phiếu được bảo lãnh thanh toán có thể ăn chênh lệch lãi suất cao, doanh nghiệp phải chịu lãi suất cao hơn từ kênh vay vốn thay vì trực tiếp phát hành trái phiếu.
Thứ tư, khi trái phiếu do ngân hàng phát hành được bảo lãnh thanh toán, không loại trừ khả năng dòng tiền gửi ngắn hạn của các ngân hàng sẽ chạy qua trái phiếu dài hạn. Rõ ràng với lượng cung tiền vẫn được kiểm soát, số dư tổng huy động vốn của toàn hệ thống chỉ tăng trưởng tương đối, nhưng lúc này sẽ có hai hướng dịch chuyển vốn xảy ra.
Đó là lượng tiền gửi tại các ngân hàng còn lại sẽ chạy vào trái phiếu của các ngân hàng được bảo lãnh thanh toán – điều này có thể gây ra những biến động lãi suất, trong khi cơ cấu vốn tại chính ngân hàng có trái phiếu được bảo lãnh thanh toán cũng có thể thay đổi với tỷ trọng vốn trung và dài hạn tăng lên cao hơn trong khi vốn ngắn hạn giảm xuống, theo đó chi phí vốn không loại trừ cũng có khả năng cao hơn.
VAFI đặt vấn đề từ trước tới nay Nhà nước luôn có chủ trương bảo đảm tiền gửi của khu vực dân cư trong mọi tình huống, kể cả tại các ngân hàng thua lỗ, yếu kém, lâm vào tình trạng giải thể, phá sản, vậy tại sao không bảo đảm tiền mua trái phiếu của các nhà đầu tư cá nhân khi đầu tư vào nhóm các ngân hàng được xếp hạng cực kỳ hiệu quả, lành mạnh.
Tuy nhiên, theo quy định hiện nay, trái phiếu được ưu tiên thanh toán sau tiền gửi ngân hàng và hạn mức bảo hiểm tiền gửi tối đa cũng chỉ 125 triệu đồng. Nếu trái phiếu ngân hàng được Chính phủ bảo lãnh thanh toán như đề xuất, chẳng lẽ trái phiếu sẽ được ưu tiên thanh toán trước tiền gửi và hạn mức chi trả là toàn bộ? Điều này liệu có hợp lý?
Tuệ Nhiên TBKTSG
|