Thứ Ba, 25/07/2023 14:02

Xu hướng truyền thông giáo dục về đầu tư

Việc mở ti vi hay YouTube vào buổi tối và lắng nghe các chuyên gia tài chính hay chứng khoán chia sẻ về xu hướng của thị trường chứng khoán hoặc các cơ hội đầu tư đã không còn xa lạ với nhiều người. Trong khi chỉ hai năm trước loại thông tin này chưa mấy được quan tâm.

Thông qua các định hướng từ những người hành nghề chuyên nghiệp từ các chương trình sẽ giúp nhà đầu tư bình tĩnh hơn và rút ra được nhiều bài học hơn trong những giai đoạn biến động của thị trường. Ảnh: LÊ VŨ

Với làn sóng nhà đầu tư cá nhân ồ ạt tham gia vào thị trường chứng khoán trong những năm qua, việc phát triển những kênh thông tin đầu tư trở thành một xu hướng tất yếu, thu hút sự quan tâm và đầu tư của các định chế tài chính trong lĩnh vực chứng khoán và quản lý quỹ. Các từ khóa như quản lý tài chính cá nhân, phân bổ tài sản đầu tư chứng khoán, đầu tư các chứng chỉ quỹ… không còn là những cụm từ xa lạ đối với nhiều người.

Biểu đồ 1 thể hiện chỉ số mức độ phổ biến của từ khóa “Tài chính cá nhân” và “Đầu tư tài chính” khi các chương trình hướng đến giới tài chính xuất hiện. Có thể nhận thấy, các lượt tìm kiếm về các từ khóa liên quan thường tăng trưởng mạnh đồng hành cùng với việc ra đời các show truyền hình về đầu tư trong giai đoạn 2021-2022. Hai chương trình đình đám nhất xuất hiện vào cuối năm 2021 là “Tự do tài chính” và “Bí mật đồng tiền” đã thu hút một lượng lớn khán giả quan tâm và tạo một sức hút lớn về truyền thông liên quan đến vấn đề giáo dục đầu tư cho các nhà đầu tư cá nhân.

Sự bùng nổ của xu hướng giáo dục tài chính

Nếu như việc đầu tư tài chính trước đây chỉ dành cho người có chuyên môn và có kinh nghiệm thì hiện nay việc đầu tư tài chính đã lan tỏa sâu rộng vào đại chúng. Trong bối cảnh mạng xã hội phát triển, người dân cũng phải tiếp xúc với ngày càng nhiều các kênh truyền thông không chính thức, dẫn đến những hệ lụy gian lận và lừa đảo trở nên rất phổ biến. Khi đó, sự xuất hiện của các chương trình giáo dục tài chính có một ý nghĩa xã hội to lớn. Nhờ các chương trình giáo dục tài chính trên truyền hình và sự phổ biến của truyền thông, đại chúng dần tiếp cận và nhận thức tốt hơn về bản chất và các vấn đề cốt lõi của hoạt động đầu tư. Các công ty chứng khoán hàng đầu ở Việt Nam đều dùng YouTube như là kênh truyền thông và giáo dục đối với các nhà đầu tư của mình. Các chương trình truyền hình về tài chính cũng được mở rộng và hướng nhiều đến các bạn trẻ gen Z, không còn khô khan như trước.

Một trong những dấu hiệu rõ rệt của xu hướng này là sự bùng nổ về mức độ quan tâm của các chương trình thông qua lượt xem. Như biểu đồ 2, chỉ với 34-35 tập, hai chương trình đình đám nhất là “Tự do tài chính” hay còn gọi là Moneytalk và “Bí mật đồng tiền” thu hút trung bình hơn 44.000 lượt xem/tập. Mỗi tập là một sắc thái, nội dung rất đa dạng về hình thức trình bày, từ thơ, các câu nói theo xu hướng cho đến nhạc chế…, mục đích chính nhằm bình dân hóa các kiến thức tài chính để đại chúng có thể hàm thụ được.

Tiếp cận đa dạng các kiến thức tài chính cho nhà đầu tư

Đầu tư là một lĩnh vực rất rộng với rất nhiều chủ đề, cũng như có rất nhiều sản phẩm đầu tư và các trường phái đầu tư. Các chương trình truyền hình chọn các lát cắt khác nhau của kiến thức tài chính để tập trung tạo điểm nhấn.

Bảng 1 trình bày các định hướng về nội dung của các kênh giáo dục về kiến thức đầu tư hiện nay. Các chương trình này được tài trợ và hỗ trợ về chuyên môn của các định chế tài chính hàng đầu, do đó có sự đảm bảo về chuyên môn tốt. Các định chế tài chính khi cử nhân sự tham gia các chương trình này, không những có thể giúp phổ cập kiến thức cho thị trường, góp phần quảng bá hình ảnh của công ty mà còn có thể trực tiếp giúp các công ty gia tăng tiếp cận với các khách hàng và các nhà đầu tư tiềm năng thông qua nâng cao nhận thức về đầu tư và sản phẩm đầu tư tài chính cho đại chúng.

Nhờ sự phong phú và đa dạng của chương trình, người tham gia có thể tiếp cận thông tin từ nhiều góc độ khác nhau, giúp họ hiểu rõ hơn về cách tiếp cận và quản lý tài chính.

Thông thường sẽ có hai hướng tiếp cận chính cho các chương trình truyền hình trong việc chia sẻ kiến thức đầu tư cho đại chúng:

Cách thức truyền tải kiến thức chuyên môn: Đại diện cho cách thức này là chương trình “Tự do tài chính” hay “Moneytalk”. Đứng phía sau chương trình này là Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital. Tự do tài chính hướng đến hai nội dung chính: tài chính cá nhân và quản trị rủi ro. Theo đó, tập trung cung cấp các kiến thức chuyên môn trong đầu tư và khuyến khích các nhà đầu tư tìm hiểu, ứng dụng các phương pháp đầu tư giá trị; giúp cho nhà đầu tư có thêm kiến thức chuyên môn và đầu tư bền vững, an toàn thông qua việc rèn luyện thói quen nắm giữ các chứng chỉ quỹ trong dài hạn.

Cách thức cập nhật xu hướng thị trường: Đại diện cho cách thức này là chương trình “Bí mật đồng tiền”. Phía sau chương trình là Công ty Chứng khoán SSI. Bí mật đồng tiền chủ yếu cập nhật các tin tức thị trường mới nhất, phân tích cổ phiếu, ngành và chiến lược đầu tư. Chương trình cung cấp các đánh giá từ các chuyên gia cũng như người hành nghề về các sự kiện kinh tế diễn ra và những tác động đến hoạt động đầu tư chứng khoán, từ đó giúp nhà đầu tư cá nhân từng bước hiểu được sự vận hành của thị trường chứng khoán và việc đầu tư chứng khoán.

Việc truyền tải thông tin một cách rõ ràng và dễ hiểu, qua các kênh truyền thông tài chính, đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức và kiến thức tài chính của người dân nói chung và những người trẻ quan tâm đến hoạt động đầu tư nói riêng.

Vai trò của việc truyền thông tài chính đối với sự phát triển bền vững của thị trường

Xu hướng mở rộng truyền thông trong lĩnh vực tài chính không chỉ là nỗ lực của các tổ chức tài chính, mà còn phản ánh một động lực quan trọng trong việc tăng cường thông tin và giáo dục tài chính cho đại chúng. Việc truyền tải thông tin một cách rõ ràng và dễ hiểu, qua các kênh truyền thông tài chính, đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức và kiến thức tài chính của người dân nói chung và những người trẻ quan tâm đến hoạt động đầu tư nói riêng.

Thị trường tài chính vận hành dựa trên niềm tin của nhà đầu tư đối với thị trường. Để có niềm tin thì trước hết nhà đầu tư cần có hiểu biết về sự vận hành của thị trường. Những hiểu biết sâu hơn cũng như khả năng tiếp cận thông tin tốt hơn của các nhà đầu tư thông qua các định hướng từ những người hành nghề chuyên nghiệp từ các chương trình sẽ giúp nhà đầu tư bình tĩnh hơn và rút ra được nhiều bài học hơn trong những giai đoạn biến động vừa rồi của thị trường.

Cuối cùng, việc nâng cao nhận thức về tài chính của các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư mới, cũng sẽ đóng một vai trò chuẩn bị nền tảng cho mục tiêu nâng hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong giai đoạn sắp tới. Việc phổ cập kiến thức tài chính cho công chúng và nâng cao nhận thức tài chính trong cộng đồng là một phần quan trọng của mục tiêu này, nhằm phát triển bền vững thị trường chứng khoán trong dài hạn.

(*) CFA (**) HUB

Lê Hoài Ân Trần Thị Xuân Tiên (**)

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Lợi nhuận ngân hàng – sẽ phân hóa và giảm tốc? (25/07/2023)

>   Vì đâu cổ phiếu ngành bán lẻ bứt tốc? (24/07/2023)

>   Trái phiếu doanh nghiệp – tín hiệu khởi sắc trở lại? (22/07/2023)

>   Hơn 5 triệu trái phiếu được giao dịch trong ngày đầu khai trương hệ thống giao dịch (20/07/2023)

>   VN-Index tiếp đà thăng hoa! (20/07/2023)

>   Một số phân tích ban đầu về charter value của các ngân hàng Việt Nam (19/07/2023)

>   Hai cổ phiếu ngân hàng SHB, SSB vào rổ VN30 thay thế NVL và PDR (18/07/2023)

>   Quỹ gia đình sẽ là nguồn vốn mới cho thị trường Việt Nam (18/07/2023)

>   Tiền vào chứng khoán nhiều hơn kỳ vọng (16/07/2023)

>   Chứng khoán xanh vỏ đỏ lòng – nhà đầu tư phân vân (15/07/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật