Quỹ gia đình sẽ là nguồn vốn mới cho thị trường Việt Nam PENM Partners – quỹ cổ phần tư nhân tập trung vào Việt Nam có trụ sở tại Đan Mạch, đang tiếp cận các công ty quản lý tài sản của các gia đình và gia tộc kinh doanh lớn trên thế giới cho vòng huy động vốn thứ năm (PENM V). Sự chuyển hướng này diễn ra khi các quỹ hưu trí đang giảm phân bổ vốn ở các lĩnh vực đầu tư trước đây. Quỹ gia đình là đích ngắm mới!
Niềm tin vào sự phục hồi tăng trưởng trong nửa cuối năm 2023 của Việt Nam giúp các quỹ cổ phần tư nhân tích cực gọi vốn, hướng tiếp cận chính là các quỹ gia đình thay vì quỹ hưu trí như trước đây. Ảnh minh họa: LÊ VŨ |
Không chỉ các quỹ nước ngoài, các quỹ cổ phần tư nhân tại Việt Nam cũng tích cực tiếp cận các quỹ gia đình để gọi vốn.
Săn vốn từ quỹ gia đình
Hiện diện tại TPHCM từ năm 2006, PENM Partners đã chủ yếu huy động vốn từ các quỹ hưu trí ở Đan Mạch, Hà Lan, Đức và châu Mỹ. Sau đó, PENM Partners đầu tư vào các công ty tư nhân tại Việt Nam trên các lĩnh vực sản xuất, nông nghiệp, thực phẩm, bán lẻ và dịch vụ, đồng thời tiếp tục giữ cổ phần cho đến khi các công ty này lên sàn chứng khoán.
Tuy nhiên, việc gây quỹ thông qua kênh quỹ hưu trí đã trở nên “khó khăn hơn một chút so với trước đây” vì các tổ chức này đang thận trọng trong bối cảnh lãi suất tăng và những bất ổn địa chính trị – theo lời Hans Christian Jacobsen, đối tác quản lý tại PENM Partners.
Giờ đây, PENM Partners đang tập trung vào nguồn vốn mới từ các quỹ gia đình.
Theo định nghĩa của Forbes, văn phòng gia đình (family office) hay quỹ gia đình là một công ty quản lý tài sản tư nhân được thành lập bởi một gia đình hay gia tộc kinh doanh lớn. Quỹ cung cấp một loạt giải pháp được cá nhân hóa hay chuyên biệt hóa cho gia đình hay gia tộc đó, gồm quản lý đầu tư, lập kế hoạch tài chính, lập kế hoạch thuế và bất động sản, đầu tư phục vụ mục đích từ thiện, dịch vụ tư vấn nhà đầu tư…
Trên thế giới, theo CNBC, có khoảng 10.000 quỹ gia đình quản lý nguồn quỹ hơn 6.000 tỉ đô la Mỹ. Phần lớn các quỹ có tài sản trị giá hơn 200 tỉ đô la Mỹ.
Trong khi đó, hãng tư vấn vốn cổ phần tư nhân Toptal nói chi phí điều hành các quỹ gia đình này thường tối thiểu là 1 triệu đô la mỗi năm. Vì thế vốn tối thiểu của các quỹ cũng phải từ 50-100 triệu đô la. Quỹ gia đình ngày càng trở nên phổ biến và nổi bật trong giới đầu tư. “Sự gia tăng các quỹ gia đình là do các điều kiện kinh tế đang thay đổi và sự linh hoạt cũng như khả năng kiểm soát ngày càng tăng mà các gia đình hay gia tộc kinh doanh muốn sử dụng vốn của mình”, Toptal nhấn mạnh.
“Các yếu tố cơ bản của nền kinh tế Việt Nam vẫn rất hứa hẹn. Đây là nơi thích hợp để đầu tư nếu bạn muốn hiện diện ở châu Á”, Jacobsen nói |
Jacobsen đồng ý với nhận xét đó. Ông nói rằng các quỹ gia đình thường có xu hướng chấp nhận rủi ro cao hơn. Ông nhấn mạnh rằng ông đang nhắm đến các quỹ gia đình “hiểu được các cơ hội ở Việt Nam và đang tìm kiếm sự đa dạng hóa, thoát khỏi phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc”.
Năm ngoái, Jacobsen cho biết công ty của ông đã nối lại quy trình gây quỹ cho PENM V, với mục tiêu huy động được khoảng 150-200 triệu đô la trong nửa đầu năm 2023. Mặc dù PENM V vẫn giữ nguyên mục tiêu gây quỹ, nhưng DealStreetAsia nói rằng “thời gian chốt sổ có thể được kéo dài”, tức vẫn tiếp tục kéo dài trong tháng 7 này và sau đó.
“Các yếu tố cơ bản của nền kinh tế Việt Nam vẫn rất hứa hẹn. Đây là nơi thích hợp để đầu tư nếu bạn muốn hiện diện ở châu Á”, Jacobsen nói. Ông kỳ vọng nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi trong nửa cuối năm nay.
Quỹ nội cũng tiếp cận nguồn quỹ mới
Các quỹ cổ phần tư nhân thành lập sớm ở Việt Nam vào những năm cuối thập niên 1990 – khi Việt Nam bắt đầu mở cửa hoàn toàn từ năm 1994, mang lại nhiều cơ hội của “chiến trường biến thành thị trường” – như lời của cố Thủ tướng Thái Lan Chatchai Choonhavan.
Thành lập từ năm 2001 tại TPHCM, Mekong Capital là một trong những quỹ đầu tư lâu đời nhất Việt Nam với các thương vụ đầu tư “xôm tụ” như Thế giới Di động, Pizza4P, Pharmacity, F88, Nhat Tin Logistics và Maison Marou… Mekong Capital hiện chuẩn bị huy động ít nhất 150 triệu đô la và tối đa 200 triệu đô la cho quỹ mới về tái tạo rừng và phát triển bền vững ở Đông Dương và Thái Lan. Chris Freund, nhà sáng lập và đối tác quỹ, nói rằng sớm nhất quỹ sẽ hoạt động từ đầu năm 2024 sắp tới.
Thành lập năm 2003, cuối năm ngoái VinaCapital cho biết sẽ gọi vốn đến 100 triệu đô la cho quỹ VinaCapital Venture II trong năm 2023. Ông Hoàng Đức Trung, Phó giám đốc điều hành VinaCapital Ventures nói quỹ sẽ xem xét hơn 300 hồ sơ các doanh nghiệp và startup trong năm nay. Từ đầu năm đến nay, quỹ này đã rót 1 triệu đô la cho nền tảng công nghệ nông nghiệp Koina, 38 triệu đô la cho nền tảng quảng cáo điện tử trong thang máy Chicilon Media…
Hiện chưa có các thông tin về việc tiếp cận quỹ gia đình của hai quỹ tư nhân lớn tại Việt Nam là Mekong Capital và VinaCapital. Nhưng với các quỹ nhỏ hơn và thành lập sau này thì chắc chắn có.
Thành lập từ năm 2013, ABB là đơn vị tư vấn nhiều thương vụ thâu tóm và sáp nhập (M&A) nhỏ hơn. Trong số hàng chục thương vụ M&A và đầu tư của ABB có những thương vụ không kém phần đình đám, như Toenec (hãng xây dựng, phát triển hạ tầng cơ điện và năng lượng Nhật Bản) thâu tóm Hawee Mechanical & Electrical; Noritz mua lại Kangaroo; Bảo hiểm FWD mua GINET Việt Nam; hay Advantage Partners đầu tư vào chuỗi thời trang bán lẻ Elise…
ABB Merchant Banking – thành viên của Asia Business Builder (ABB), đang tiếp cận các quỹ gia đình, các tổ chức tài chính phát triển (DFI) và các nhà đầu tư khác để gọi 100 triệu đô la trong nửa đầu năm 2023. Đây là lần huy động quỹ thứ hai, sau đợt gọi 20 triệu đô la vào năm 2018.
Có thể kể tên vài quỹ có tuổi đời hơn và ở phân khúc tầm trung, cũng đang tiếp cận quỹ gia đình: Vietnam Investment Group (VI Group) thành lập năm 2006, SSIAM (thành viên của Công ty Chứng khoán SSI) hình thành năm 2007, và Excelsior Capital Vietnam Partners (thành viên của Excelsior Capital Asia) thành lập năm 1998.
Hướng tiếp cận quỹ gia đình của Excelsior “có tuổi” cũng nói lên rằng hai ông lớn Mekong Capital và VinaCapital sẽ không thể không hiện diện trên đường đua này.
Bao giờ có quỹ gia đình tại Việt Nam?
Các tập đoàn gia đình hay gia tộc kinh doanh lớn của Việt Nam đã thành lập quỹ quản lý tài sản riêng kiểu family office hay không vẫn là câu hỏi.
Tháng 12-2018, Vingroup Ventures thành lập với số vốn điều lệ 70 tỉ đồng, trong đó Vingroup góp 70% và số còn lại là hai cổ đông cá nhân khác. Quỹ mạo hiểm này đặt mục tiêu gọi được 100 triệu đô la để đầu tư vào các startup giai đoạn tăng trưởng và tiềm năng ảnh hưởng rộng như trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ tài chính (FinTech), dữ liệu lớn (big data) và Internet vạn vật (IoT) với 5-10 triệu đô la/dự án. Chưa tròn hai tuổi, tháng 3-2020 quỹ này “không còn mạo hiểm nữa”, đổi tên và chuyển sang đầu tư vào bất động sản công nghiệp.
Như vậy xét theo quy mô vốn 50-100 triệu đô la của Forbes và chi phí hoạt động mỗi năm theo Toptal, có thể nói rằng các tập đoàn hay gia tộc kinh doanh tại Việt Nam chưa thành lập được hay đủ sức điều hành quỹ gia đình đúng nghĩa.
Nhưng dòng vốn gia tộc vẫn chảy mạnh.
Hầu hết các quỹ cổ phần tư nhân tại Việt Nam đã huy động nhiều vốn từ các định chế tài chính phát triển (DFI) như Công ty Tài chính Quốc tế (IFC), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Phát triển Doanh nghiệp Hà Lan (FMO), Norfund có trụ sở tại Na Uy và các tổ chức khác.
Thương vụ Sơn Kim Retail và IFC cùng đầu tư 20 triệu đô la cho chuỗi cửa hàng tiện lợi GS25 hôm 15-6 có thể giúp hiểu phần nào cách thức tiếp cận các DFI để gọi thêm vốn có lãi suất nhẹ hơn của các doanh nghiệp sở hữu gia đình tại Việt Nam. Sơn Kim Retail là một phần trong tập đoàn đa ngành Sơn Kim Group thuộc gia đình nữ doanh nhân Nguyễn Thị Sơn. Trong liên doanh điều hành chuỗi GS25, Sơn Kim Retail góp 70% vốn.
Các hãng quản lý tài sản gia đình hay gia tộc rồi sẽ sớm hình thành tại Việt Nam – một chuyên gia về vốn mạo hiểm và sáp nhập (M&A) nói với Kinh tế Sài Gòn. Bởi các gia tộc kinh doanh đang chuẩn bị các kế hoạch chuyển giao quyền lực và quyền điều hành kinh doanh cho thế hệ thứ hai hay thứ ba. Nhiều trong số đội ngũ kế thừa là những người được đào tạo bài bản trong và ngoài nước, có chuyên môn và từng làm việc tại các quỹ đầu tư mạo hiểm lớn.
Theo dòng chảy xu hướng
Các quỹ gia đình châu Á đang được các quỹ mạo hiểm săn đón trong bối cảnh startup toàn cầu đang trải qua “mùa đông băng giá” trong gọi vốn, nhất là sau sự sụp đổ hồi tháng 3 của Silicon Valley Bank (SVB) – ngân hàng chuyên biệt cho giới đầu tư, quỹ mạo hiểm và startup ở Mỹ.
Theo DealStreetAsia, Raffles Family Office có trụ sở tại Hồng Kông và Singapore đang tăng gấp đôi các giao dịch cổ phần tư nhân ở Đông Nam Á như một phần trong chiến lược đa dạng hóa danh mục đầu tư của mình. Kín tiếng hơn gia đình Raffles là quỹ CrimsoNox Capital ở Singapore chuyên quản lý tài sản cho một gia tộc ở Đông Nam Á.
Đặt trụ sở tại Hồng Kông, Tập đoàn Tsangs đã thành lập văn phòng tại Singapore, cũng đang mở rộng đầu tư sang các nước như Ấn Độ, Indonesia, Việt Nam và Philippines.
Tại Thái Lan, gia đình tỉ phú Chaleo Yoovidhya (chiếm 51% cổ phần trong hãng nước giải khát Red Bul GmbH) cũng thành lập công ty quản lý tài sản riêng.
“Châu Á đang trở nên hấp dẫn hơn đối với một thế hệ mới các nhà đầu tư Mỹ và châu Âu từ các quỹ gia đình với tầm nhìn quốc tế”, Agnes Chen, giám đốc quản lý dịch vụ quỹ có trụ sở tại Singapore của hãng giải pháp kinh doanh CSC, viết trong báo cáo đầu tháng 6-2023.
Bà nói thêm rằng những cá nhân siêu giàu ở châu Á cũng hình thành “khẩu vị rủi ro khác”: “Họ nhận thấy sự đa dạng về tính an toàn ngoài các tài sản truyền thống và yêu cầu tiếp xúc nhiều hơn với các khoản đầu tư thay thế”.
Các quỹ gia đình ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang lạc quan, cho rằng vốn cổ phần tư nhân là “loại tài sản tốt nhất trong thập niên tới”, theo báo cáo của hãng dữ liệu đầu tư tư nhân Preqin có trụ sở tại London.
Hồ Nguyên Thảo TBKTSG
|