Thứ Sáu, 07/07/2023 13:32

Chứng khoán tháng 7 – chờ mùa báo cáo tài chính bán niên

Dù thị trường chung có thể chững lại trong tháng 7, nhưng giữa các nhóm ngành sẽ có sự phân hóa, khi dòng tiền sẽ tiếp tục luân chuyển linh hoạt tìm đến những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh khởi sắc.

Những số liệu về du lịch cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ so với cùng kỳ, giúp kết quả kinh doanh của ngành khởi sắc hơn. Trong ảnh: Du khách tại khu du lịch Eo Gió, Bình Định. Ảnh: N.K

Kỳ vọng gì ở tháng 7?

Với việc chính sách tiền tệ của Việt Nam nới lỏng trở lại, cộng thêm việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tạm ngừng tăng lãi suất, chỉ số VN-Index tiếp tục có tháng thứ 2 liên tiếp đi lên với mức tăng 4,2% trong tháng 6 vừa qua. Cùng với điểm số tăng mạnh, thanh khoản cũng cải thiện tích cực với giá trị giao dịch trên cả ba sàn bình quân mỗi phiên đạt 19.000 tỉ đồng, tăng 38% so với tháng trước. Trong đó, khối lượng giao dịch trên sàn HOSE đạt mức cao nhất kể từ tháng 3-2022 đến nay.

Tuy nhiên, sau chuỗi tăng mạnh trên, thị trường đã đối mặt với áp lực chốt lời ngày càng gia tăng, thể hiện qua những phiên điều chỉnh cuối tháng 6, đặc biệt sau khi xuất hiện một số thông tin về việc tiếp tục khởi tố, điều tra các vụ án thao túng giá cổ phiếu tại một số doanh nghiệp, hay nỗi lo ngại về khả năng Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất cơ bản trong nửa cuối năm nay.

Yếu tố hỗ trợ mạnh mẽ nhất cho thị trường trong tháng 7 có lẽ là mùa báo cáo kết quả kinh doanh quí 2 và sáu tháng đầu năm đang bước vào giai đoạn cao điểm công bố thông tin. Dù thị trường chung có thể chững lại nhưng giữa các nhóm ngành sẽ có sự phân hóa…

Trong lần chia sẻ mới đây, Chủ tịch Fed Jerome Powell phát tín hiệu có thể sẽ nâng lãi suất trong tháng 7 này và lần họp kế tiếp vào tháng 9 tới. Đây rõ ràng là một tin tức không mấy vui vẻ với những nhà đầu tư chứng khoán. Việc Fed tăng lãi suất trở lại sẽ phần nào cản trở động lực tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ của nhà điều hành, nhất là sau một số nhận định gần đây cho rằng sự khác biệt và ngược chiều trong xu hướng chính sách tiền tệ của Việt Nam so với nhiều nước khác có thể tạo áp lực về tỷ giá và dòng vốn.

Các chỉ báo kỹ thuật đang phát tín hiệu tiêu cực, cho thấy xác suất khả năng điều chỉnh lớn hơn.

Nhận định của hầu hết các công ty chứng khoán cũng cho rằng diễn biến của thị trường trong tháng 6 đã phản ánh rất nhiều kỳ vọng về nền kinh tế, do đó có thể bước vào giai đoạn trầm lắng và thiên về hướng tích lũy hơn trong quí 3 này. Một trong những điểm tiêu cực hiện nay là tăng trưởng kinh tế vẫn chưa thể lấy lại đà tăng tốc, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn khó khăn, trong khi các chính sách hỗ trợ được ban hành nhưng nền kinh tế chưa hấp thụ được.

Ngoài ra, báo cáo của Công ty Chứng khoán MBS đánh giá “VN-Index sẽ khó có sự bùng nổ về điểm số nếu như các nút thắt về trái phiếu doanh nghiệp vẫn chưa được tháo gỡ cũng như lạm phát vẫn chưa hạ nhiệt đủ ở mức ngân hàng trung ương các nước mạnh tay đảo ngược chính sách tiền tệ”.

Thống kê lịch sử giao dịch thị trường chứng khoán Việt Nam trong tháng 7 của 23 năm qua, VN-Index có 11 năm tăng điểm và 12 năm giảm điểm. Tuy nhiên, trong 10 năm gần đây nhất, chỉ số này có đến bảy lần tăng điểm, đặc biệt là chuỗi năm năm tăng liên tiếp trong tháng 7 từ 2013-2017, giai đoạn thị trường đang ở trong một xu hướng giá lên mạnh mẽ. Gần nhất, năm 2022, chỉ số đã ngược dòng tăng trở lại sau hai năm giảm sâu 2020-2021.

Mùa báo cáo bán niên

Yếu tố hỗ trợ mạnh mẽ nhất cho thị trường trong tháng 7 có lẽ là mùa báo cáo kết quả kinh doanh quí 2 và sáu tháng đầu năm đang bước vào giai đoạn cao điểm công bố thông tin. Theo quy định hiện hành, ngày 30-7 là hạn cuối công bố báo cáo tài chính quí 2-2023 của các doanh nghiệp, kế đó ngày 14-8 là hạn cuối công bố báo cáo tài chính soát xét bán niên 2023. Do đó, dù thị trường chung có thể chững lại nhưng giữa các nhóm ngành sẽ có sự phân hóa, khi dòng tiền sẽ tiếp tục luân chuyển linh hoạt tìm đến những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh khởi sắc.

Dựa trên bối cảnh kinh tế thời gian qua, một số dự báo cho rằng các nhóm có kết quả kinh doanh khởi sắc trong quí 2 gồm vận tải, nhờ giá nhiên liệu đầu vào là xăng dầu giảm mạnh trong thời gian qua, các hoạt động du lịch, vận chuyển phục hồi. Ngoài ra, những số liệu về hàng không, du lịch cũng như lưu trú, ăn uống cho thấy sự tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ, cũng có thể giúp kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp hàng không, dịch vụ du lịch, lưu trú khởi sắc hơn.

Nhóm doanh nghiệp liên quan đến đầu tư công như xây lắp hạ tầng, đá xây dựng và xây dựng hạ tầng dầu khí được kỳ vọng sẽ ghi nhận kết quả kinh doanh quí 2 tiếp tục khởi sắc, khi nhìn vào tín hiệu cải thiện từ tỷ lệ giải ngân đầu tư công và các dự án giao thông trọng điểm đang được triển khai. Dù vậy, giá cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp trong số này đã chạy khá mạnh trong hai tháng qua, do đó kỳ vọng có lẽ đã phần nào được phản ánh vào giá cổ phiếu.

Các doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp cũng nằm trong nhóm được dự báo lợi nhuận sẽ khả quan hơn trong quí 2 vừa qua cũng như giai đoạn nửa cuối năm nay. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tuy tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20-6-2023 đạt 13,43 tỉ đô la Mỹ và giảm 4,3% so với cùng kỳ năm trước, nhưng nếu xét riêng vốn đăng ký cấp mới thì có 1.293 dự án được cấp phép với số vốn 6,49 tỉ đô la, tăng mạnh 71,9% về số dự án và tăng 31,3% về số vốn so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, dòng vốn FDI cũng có khía cạnh tích cực. Điều này có thể sẽ phản ánh vào kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp.

Đơn cử như Tổng công ty Viglacera – CTCP (VGC) dự kiến doanh thu thuần hợp nhất ước đạt gần 7.000 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế ước đạt 913 tỉ đồng, hoàn thành 75% lợi nhuận cả năm 2023, riêng công ty mẹ gần về đích với lợi nhuận ước đạt 1.210 tỉ đồng, hoàn thành 92% kế hoạch năm. Trong đó, đóng góp chính đến từ lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp với lợi nhuận từ mảng này ước đạt 950 tỉ đồng, hoàn thành 90% kế hoạch, nhờ 12 khu bất động sản công nghiệp đang sở hữu và vận hành.

Với xu hướng lãi suất giảm trở lại trong thời gian qua, các ngân hàng cũng có thể hưởng lợi. Vì vậy, lợi nhuận các ngân hàng được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng trong quí 2 này, bất chấp tăng trưởng tín dụng trong sáu tháng đầu năm nay vẫn chưa đạt được kết quả như mục tiêu đề ra.

Cuối cùng, trước triển vọng thị trường chứng khoán đang hấp dẫn trở lại, khối lượng giao dịch tăng mạnh trong những tháng gần đây, cộng thêm xu hướng lãi suất giảm không chỉ khuyến khích dòng vốn chuyển dịch từ kênh tiết kiệm sang, mà còn thúc đẩy hoạt động cho vay ký quỹ của các công ty chứng khoán, nên nhóm chứng khoán cũng có thể sẽ đón nhận một mùa báo cáo lợi nhuận quí 2 tăng trưởng mạnh mẽ.

Triêu Dương

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Dòng tiền thận trọng do các chỉ số kinh tế kém tích cực! (06/07/2023)

>   Cảnh báo việc giả mạo giấy phép của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (04/07/2023)

>   Khơi thông nguồn vốn lớn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa: Phương thức phát hành huy động vốn đích danh (30/06/2023)

>   Cổ phiếu nhóm đầu tư công ‘dậy sóng’! (30/06/2023)

>   Chờ dòng tiền bứt phá hơn nữa! (29/06/2023)

>   Bản chất của kế hoạch về hưu sớm (28/06/2023)

>   Giá gạo tăng vọt, cổ phiếu gạo vẫn ‘bình chân như vại’ (27/06/2023)

>   Khởi tố vụ án thao túng thị trường chứng khoán đối với cổ phiếu API, IDJ và APS (24/06/2023)

>   Cơ hội nào cho doanh nghiệp trở lại tìm vốn trên thị trường chứng khoán? (24/06/2023)

>   Cổ phiếu dầu khí – đến thời thuận lợi! (23/06/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật