Giá gạo tăng vọt, cổ phiếu gạo vẫn ‘bình chân như vại’ Giá gạo và sản lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ trong năm tháng đầu năm 2023, nhưng giá cổ phiếu của các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành này chưa thể hiện được sự bứt phá và thu hút dòng tiền. Kỳ vọng gì cho nhóm này trong thời gian tới?
Điểm sáng xuất khẩu gạo
Ngày 9-6-2023, giá hợp đồng tương lai lúa giao tháng 7-2023 đã có lúc đạt mức hơn 19,42 điểm. Tính đến phiên giao dịch đầu tuần này (12-6), giá hợp đồng trên vẫn đang giao dịch ở vùng giá cao trên 19 điểm, sau khi đã liên tiếp thiết lập những kỷ lục gần đây, hiện đã vượt qua đỉnh cao của giai đoạn đầu dịch Covid-19 vào năm 2020 và leo lên mức cao nhất kể từ năm 2008.
Tính riêng từ đầu tháng 6 đến nay, giá hợp đồng tương lai lúa đã tăng gần 13%, đánh dấu chuỗi tăng mạnh nhất trong nhiều năm trở lại đây. Xu hướng tăng mạnh của giá lúa kéo theo giá gạo thế giới cũng liên tục đi lên từ đầu năm đến nay, trong bối cảnh nhiều quốc gia tăng cường dự trữ lương thực do những bất ổn về chính trị và kinh tế cùng với xung đột chưa được giải quyết giữa Nga và Ukraine.
Việt Nam đang được hưởng lợi lớn từ xu hướng trên. Số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, xuất khẩu gạo tháng 5-2023 ước đạt 1 triệu tấn, trị giá 489 triệu đô la Mỹ, đưa tổng khối lượng xuất khẩu gạo năm tháng đầu năm 2023 đạt gần 3,9 triệu tấn, trị giá 2,02 tỉ đô la Mỹ, tăng 40,8% về khối lượng và tăng 49% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Đây cũng là mức tăng trưởng mạnh nhất cùng kỳ các năm từ năm 2013 đến nay. Tính chung trên cả nước, giá gạo xuất khẩu bình quân năm tháng ước đạt 517 đô la Mỹ/tấn, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, hiện giá nhiều loại gạo của Việt Nam vẫn duy trì mức cao hơn Thái Lan, Ấn Độ. Cụ thể, giá gạo 5% tấm của Việt Nam những tuần đầu tháng 6-2023 đạt khoảng 498 đô la/tấn, trong khi giá gạo của Thái Lan và Ấn Độ lần lượt là 492 đô la/tấn và 453 đô la/tấn. Gạo 25% tấm của Việt Nam ghi nhận mức giá 478 đô la/tấn, cao hơn Thái Lan khoảng 10 đô la/tấn, cao hơn Ấn Độ khoảng 50 đô la/tấn, nhờ chất lượng, uy tín hạt gạo Việt Nam đang được khẳng định ngày càng rõ nét ở nhiều phân khúc hàng hóa khác nhau.
Không chỉ được lợi về giá tăng, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam cũng hưởng lợi khi các đối thủ xuất khẩu gạo chính giảm sản lượng. Trong khi Ấn Độ chưa có kế hoạch dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo tấm hay bỏ áp thuế 20% xuất khẩu gạo trắng trong năm 2023. Vừa qua, Trung tâm Nghiên cứu Kasikorn (KRC, Thái Lan) cảnh báo sản lượng lúa gạo của Thái Lan trong vụ canh tác chính năm nay có thể giảm khoảng 6% xuống còn từ 25,1-25,6 triệu tấn do tác động của hiện tượng thời tiết El Nino.
Nếu so với đỉnh cao trên 18.000 đồng/cổ phiếu đạt được vào tháng 4-2022 và mức giá 18.900 đồng/cổ phiếu mà SCIC thoái vốn hồi đầu năm 2021, mức giá dưới 10.000 đồng/cổ phiếu của AFX hiện nay cùng với lượng đất đai khổng lồ mà AFX đang nắm giữ khiến không ít nhà đầu tư phải đặt dấu hỏi. |
Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu vẫn đang ảnh hưởng đến nguồn cung gạo tại nhiều quốc gia, đặc biệt là Philippines (bão lũ) hay Trung Quốc (hạn hán). Năm 2023, do ảnh hưởng của hạn hán, sản lượng gạo của Trung Quốc được dự báo giảm hơn 3 triệu tấn so với năm 2022, xuống còn khoảng 145,5 triệu tấn. Đây là cơ hội cho các nước xuất khẩu gạo, trong đó có Việt Nam.
Hiện các doanh nghiệp đang chủ động nắm bắt xu thế để điều chỉnh sản xuất phù hợp với tín hiệu thị trường, gắn với đa dạng hóa thị trường thông qua xúc tiến thương mại. Mục tiêu là tăng tỷ lệ gạo xuất khẩu trực tiếp vào các hệ thống phân phối lên 60%, trong đó 25% gạo mang nhãn hiệu Việt Nam.
Cổ phiếu gạo vẫn bình lặng
Dù vậy, các cổ phiếu trong lĩnh vực lúa gạo của Việt Nam thời gian qua vẫn khá bình lặng và chưa có một tín hiệu bứt phá nào mạnh mẽ.
Như cổ phiếu LTG của CTCP Tập đoàn Lộc Trời – doanh nghiệp dẫn đầu ngành thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng và gạo có thương hiệu, sau chuỗi tăng tích cực từ cuối tháng 3 đến cuối tháng 4, đã điều chỉnh trở lại ở đầu tháng 5 và hiện đang nỗ lực phục hồi nhưng khá chậm.
Nguyên nhân chính là do quí 1-2023 Lộc Trời chứng kiến mức lỗ hơn 80 tỉ đồng, trái ngược hẳn mức lãi hơn 183 tỉ đồng của cùng kỳ năm 2022. Đây cũng là khoản lỗ hàng quí lớn nhất trong lịch sử hoạt động của Lộc Trời. Ban lãnh đạo doanh nghiệp cho biết chi phí lãi vay tăng mạnh (gấp gần 3 lần) là nguyên nhân chính dẫn đến thua lỗ.
Diễn biến tương tự cũng xảy ra tại Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood II), khi trong quí 1 doanh thu dù đã tăng 59% nhưng các khoản chi phí tăng mạnh đã xói mòn lợi nhuận, khiến doanh nghiệp này báo lỗ 7,2 tỉ đồng, tăng so với mức lỗ 5,6 tỉ đồng của cùng kỳ năm 2022.
Có thể kể thêm những cái tên có kết quả kinh doanh không thuận lợi, như Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (HOSE: TAR) chỉ có lợi nhuận gần 8 tỉ đồng, thấp hơn 9% so với cùng kỳ, do chi phí lãi vay lớn, tăng gần 59%. Hay tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (HOSE: NSC) cũng không khá hơn khi lợi nhuận quí 1 bốc hơi hơn một nửa, còn 35 tỉ đồng.
Như vậy, tuy bức tranh xuất khẩu gạo những tháng đầu năm 2023 có nhiều điểm sáng khi đơn hàng cũng như giá bán đều tăng mạnh, nhưng khá nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo lại chứng kiến kết quả kinh doanh tuột dốc vì nhiều yếu tố. Hệ quả là giá các cổ phiếu này gần như chỉ đi ngang trong giai đoạn vừa qua, bất chấp xu hướng đi lên mạnh mẽ của thị trường chung và nhiều nhóm ngành khác.
Tuy nhiên, cũng có những doanh nghiệp trong ngành này chứng kiến kết quả kinh doanh tiếp tục có sự cải thiện. Như CTCP Xuất nhập khẩu Nông sản Thực phẩm An Giang (UpCom: AFX) lại báo lãi ròng gấp gần 5 lần cùng kỳ, đạt gần 5 tỉ đồng. Kể từ sau khi Nhà nước thoái vốn, AFX đã có những bước tái cơ cấu mạnh mẽ trong hoạt động kinh doanh và đầu tư, bên cạnh phát triển mở rộng thị trường và lấn sang các lĩnh vực khác. Gần đây AFX có kế hoạch huy động 30 triệu đô la từ nước ngoài để bổ sung vốn cho chiến lược phát triển kế tiếp. Mới đây nhất AFX đã nộp hồ sơ chuyển niêm yết sang sàn HOSE.
Thông tin này đã thu hút dòng tiền, giúp kéo giá cổ phiếu AFX có những phiên đi lên gần đây cùng với khối lượng giao dịch gia tăng mạnh mẽ. Dù vậy, nếu so với đỉnh cao trên 18.000 đồng/cổ phiếu đạt được vào tháng 4 năm ngoái và mức giá 18.900 đồng/cổ phiếu mà SCIC thoái vốn hồi đầu năm 2021, mức giá dưới 10.000 đồng/cổ phiếu của AFX hiện nay cùng với lượng đất đai khổng lồ mà AFX đang nắm giữ khiến không ít nhà đầu tư phải đặt dấu hỏi.
Trong khi đó, tập đoàn PAN (HOSE: PAN) ghi nhận lợi nhuận ròng quí 1-2023 còn hơn 40 tỉ đồng, thấp hơn 48% so với cùng kỳ, nhưng chủ yếu do quí 1-2022 đơn vị có khoản lợi nhuận từ giao dịch chuyển nhượng tại nhà máy gần 74 tỉ đồng. Nếu loại trừ khoản thu nhập bất thường này ra, lợi nhuận quí 1 vừa qua của PAN tăng rất mạnh, nhưng giá cổ phiếu cũng chưa thể hiện sự bứt phá nhiều.
Với triển vọng kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam năm nay vẫn khả quan, giá gạo quốc tế tiếp tục duy trì ở mức cao, hoạt động của các doanh nghiệp nói trên được kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, nhất là khi áp lực về chi phí lãi vay hiện đã giảm xuống rất nhiều so với đỉnh điểm quí 1 năm nay. Chính vì vậy, có lý do để tin rằng nhóm cổ phiếu lúa gạo đang tích lũy và có thể bị đè gom để chờ đợi một con sóng lớn hơn.
Triêu Dương TBKTSG
|