VN-Index bứt phá thành công khỏi vùng cản 1.080 điểm! Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam trải qua tuần giao dịch trước tương đối tích cực khi chỉ số VN-Index tăng mạnh với sắc xanh lan tỏa ở tất cả các nhóm ngành. Tuy nhiên, thị trường cũng ghi nhận áp lực bán nhất định sau khi tiếp cận khu vực 1.115 điểm, dẫn đến việc chỉ số chung có phần “hụt hơi” và đóng cửa phiên cuối tuần quanh khu vực 1.100 điểm.
Tính chung trong tuần qua, VN-Index tăng 16,7 điểm so với tuần trước đó, tương đương 1,53%, lên mức 1.107 điểm. Điểm nhấn trong tuần là sự cải thiện mạnh của thanh khoản khi giá trị giao dịch trên HOSE đạt 91.413 tỉ đồng, tăng 16,9%, trong đó riêng trong phiên ngày 8-6, thanh khoản tăng đột biến, đạt hơn 23.000 tỉ đồng – mức cao nhất kể từ đầu năm.
Trong tuần qua, VN-Index tăng 16,7 điểm so với tuần trước đó, tương đương 1,53%, lên mức 1.107 điểm. Ảnh minh họa: TL |
Trong bối cảnh thị trường có diễn biến khả quan và đóng cửa thành công trên ngưỡng 1.100 điểm, khối ngoại vẫn ghi nhận tuần bán ròng song giá trị đã thấp hơn đáng kể so với vài tuần trước.
Cụ thể, khối này bán ròng 569 tỉ đồng trong tuần, trong đó bán ròng 527 tỉ đồng trên kênh khớp lệnh và 42 tỉ đồng trên kênh thỏa thuận. Xét riêng theo từng mã cổ phiếu, VNM bị nhà đầu tư nước ngoài bán ròng mạnh nhất trong tuần này với giá trị vượt ngưỡng 600 tỉ đồng, chủ yếu là giao dịch khớp lệnh.
Bên cạnh đó, CTG, ST8, HCM hay chứng chỉ quỹ FUEVFVND cũng bị bán ròng hơn trăm tỉ đồng sau năm phiên giao dịch. Ở chiều ngược lại, dòng tiền ngoại ghi nhận giá trị giao dịch mua ròng mạnh nhất tại hai cổ phiếu nhóm chứng khoán là SSI và VND với giá trị đều trên 250 tỉ đồng.
Nhìn nhận về xu hướng hồi phục của VN-Index trong tuần qua có thể kể ra một số nguyên nhân chính. Thứ nhất là sự ủng hộ của bối cảnh khách quan khi TTCK Mỹ vẫn đang duy trì đà tăng điểm tốt.
Cụ thể, chỉ số S&P 500 tăng 0,39% trong tuần qua, đánh dấu bốn tuần leo dốc liên tiếp. Lần gần đây nhất chỉ số này làm được điều này là vào tháng 8-2022. Tương tự, chỉ số Nasdaq Composite cũng tăng tuần thứ 7 liên tiếp (+0,14%), đánh dấu chuỗi leo dốc dài nhất kể từ tháng 11-2019.
Hiện TTCK Mỹ đang hướng đến hai thông tin vô cùng quan trọng sẽ được công bố trong tuần này là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 và cuộc họp của Ủy ban Thị trường mở Liên bang Mỹ (FOMC). Các nhà đầu tư đang dự báo khả năng hơn 71% Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ tạm dừng nâng lãi suất trong cuộc họp tháng 6, theo công cụ CME FedWatch.
Thứ hai là lực cầu vào thị trường khá mạnh do nhiều nhà đầu tư kỳ vọng mua vào đón đầu xu hướng chuyển dịch dòng tiền gửi lãi suất cao đáo hạn sang chứng khoán. Với tâm lý sợ “lỡ tàu”, khi thị trường có nhịp điều chỉnh trở lại sau những phiên bứt phá, nhà đầu tư thường sẽ mua vào để gia tăng vị thế.
Sự chuyển biến tích cực về mặt thanh khoản diễn ra sau khi Ngân hàng Nhà nước liên tiếp giảm lãi suất điều hành. Lãi suất huy động giảm đã giúp TTCK dần trở nên hấp dẫn hơn một cách tương đối. Số lượng tài khoản chứng khoán mở mới của nhà đầu tư trong nước tăng vọt trong tháng 5 vừa qua, lên mức cao nhất trong chín tháng.
Theo một số nhận định, có một lượng tiền nhàn rỗi đang dịch chuyển từ kênh tiết kiệm sang chứng khoán dù con số có thể không quá lớn. Tuy nhiên, cần lưy ý là dòng tiền hiện tại chủ yếu mang tính xoay vòng và chỉ xuất hiện rõ nét tại một vài nhóm cổ phiếu, nổi bật là nhóm chứng khoán.
Nhiều kỳ vọng đang hướng tới nhóm chứng khoán khi điểm số và thanh khoản cải thiện sẽ giúp mảng môi giới, cho vay margin và mảng tự doanh của TTCK khởi sắc. Đặc biệt, nhóm cổ phiếu khoán thường có độ biến động cao, khi bứt phá sẽ lan tỏa mạnh đến thị trường chung.
Theo Công ty Chứng khoán SSI, các chính sách của Chính phủ sẽ tiếp tục nghiêng về hướng hỗ trợ và sẽ còn tác động tích cực lên TTCK bởi TTCK là thị trường của kỳ vọng.
Tuy nhiên, tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết trên thị trường vẫn sẽ còn chịu nhiều áp lực phía trước bởi sự phục hồi của nền kinh tế vào quí 2 và quí 3 vẫn còn nhiều thách thức và các vấn đề trên thị trường bất động sản và trái phiếu sẽ cần thêm thời gian để giải quyết.
Theo nhóm phân tích này, với các yếu tố tác động chưa đồng thuận, TTCK sẽ còn biến động ở cả hai chiều. Ở chiều điều chỉnh, mức độ biến động kỳ vọng không quá lớn do khó khăn của nền kinh tế cũng đã được TTCK phản ánh sớm vào phần lớn trong năm 2022 qua mức giảm gần 33% của chỉ số VN-Index.
Về xu hướng kỹ thuật, chỉ số VN-Index đã thoát khỏi xu hướng đi ngang trong biên hẹp 1.040-1.080 và bước vào chu kỳ tăng điểm với nhịp tăng vừa phải và mục tiêu trong tháng 6 hướng đến vùng 1.150-1.160 điểm. Do đang tiến gần vùng đỉnh cũ, những nhịp điều chỉnh và rung lắc có khả năng sẽ diễn ra với mốc hỗ trợ là 1.060 điểm của chỉ số. Cơ hội là mở rộng hơn khi thị trường dần bước vào chu kỳ tăng.
Thanh Thủy TBKTSG
|