Chứng khoán xanh vỏ đỏ lòng – nhà đầu tư phân vân Thị trường lại chứng kiến hiện tượng xanh vỏ đỏ lòng, với diễn biến giảm trong buổi sáng nhưng về cuối phiên lại được kéo lên nhờ lực đẩy từ một số cổ phiếu vốn hóa lớn…
Cổ phiếu VCB đã trở lại mức cao nhất lịch sử, 105.000 đồng/cổ phiếu. |
Ý chí của nhà tạo lập?
Trong mức tăng 12 điểm của chỉ số VN-Index vào phiên giao dịch cuối tuần trước (7-7-2023), tốp 10 cổ phiếu ảnh hưởng đến chỉ số VN-Index đã đóng góp hơn 9,5 điểm. Trong đó, cổ phiếu VCB của Vietcombank đóng góp lớn nhất với hơn 5,2 điểm, khi tăng gần 4,3% để trở lại mức giá cao nhất lịch sử (giá đã điều chỉnh) tại 105.000 đồng/cổ phiếu, đưa vốn hóa Vietcombank đóng cửa tuần ở mức 496.914 tỉ đồng, cao hơn cả tổng vốn hóa của hai doanh nghiệp đứng kế sau là Vinhomes (235.136 tỉ đồng) và BIDV (224.093 tỉ đồng).
Diễn biến trong phiên giao dịch này cũng làm nhiều nhà đầu tư bất ngờ với cú lội ngược dòng mạnh mẽ, khi điểm số được kéo rất mạnh về cuối phiên với sự tham gia của một số cổ phiếu trụ, mà VCB là đầu tàu mạnh nhất như đã nói. Sự phân hóa thị trường cũng mở rộng, thể hiện qua điểm số VN-Index tăng mạnh nhưng số lượng mã đóng cửa trong sắc đỏ hoặc đứng giá cũng không ít.
Đây cũng là diễn biến quen thuộc trong những phiên gần đây, khi thị trường lại chứng kiến hiện tượng xanh vỏ đỏ lòng, với diễn biến giảm trong buổi sáng nhưng về cuối phiên lại được kéo lên nhờ lực đẩy từ một số cổ phiếu vốn hóa lớn. Việc tác động đến điểm số của thị trường chỉ qua một vài cổ phiếu trụ và lựa chọn thời điểm vào cuối phiên giúp nhà tạo lập thị trường tiết kiệm nguồn lực để dẫn dắt xu hướng thị trường theo mong muốn.
Thống kê cho thấy từ phiên giao dịch đầu tháng 7 cho đến đầu tuần này (10-7), trong mức tăng 29 điểm của chỉ số VN-Index, 10 cổ phiếu có ảnh hưởng lớn nhất đã đóng góp gần 21 điểm, tức chiếm đến 72% trong mức tăng điểm của chỉ số chung. Trong số này có bốn cái tên ngân hàng là BIDV, VCB, SSB và SHB, các mã còn lại dàn trải ở nhiều lĩnh vực, gồm HPG, GAS, GVR, MWG, PLX, MSN.
Với các đợt giảm lãi suất liên tiếp gần đây, cộng thêm một số ngân hàng có kế hoạch tăng vốn, chia cổ tức hoặc bán cổ phần cho cổ đông nước ngoài, dễ hiểu vì sao nhóm ngân hàng lại trở thành nhóm tác động mạnh đến chỉ số như vậy.
Dù ý chí của nhà tạo lập có phải đang muốn giữ điểm số cho thị trường, tránh để VN-Index rớt trở lại vùng giảm giá hay không, nhưng với hiện tượng xanh vỏ đỏ lòng như vậy và nếu tiếp tục kéo dài, rõ ràng ngược lại cũng gây ra lo ngại cho nhà đầu tư, với nghi ngờ thị trường đang ở giai đoạn phân phối và có thể sắp điều chỉnh |
Như Vietcombank đã thông báo 26-7 là ngày đăng ký cuối cùng hưởng quyền nhận cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2019, 2020, với tỷ lệ lên tới 18,1%. Hay như SHB được cho là đang đàm phán bán tới 20% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài với định giá ngân hàng có thể ở mức 2-2,2 tỉ đô la Mỹ. Một số nhà đầu tư từ Hàn Quốc và Nhật Bản đã tiếp cận SHB trong thương vụ này.
Trong khi đó, SSB đã thông qua phương án chào bán riêng lẻ gần 95 triệu cổ phiếu (tương ứng 4,63% cổ phần đang lưu hành và hơn 3,7% sau phát hành) cho Norwegian Investment Fund (Norfund) của Na Uy.
Dù ý chí của nhà tạo lập có phải đang muốn giữ điểm số cho thị trường, tránh để VN-Index rớt trở lại vùng giảm giá hay không, nhưng với hiện tượng xanh vỏ đỏ lòng như vậy và nếu tiếp tục kéo dài, rõ ràng ngược lại cũng gây ra lo ngại cho nhà đầu tư, với nghi ngờ thị trường đang ở giai đoạn phân phối và có thể sắp điều chỉnh, đặc biệt khi đang ở vùng nhạy cảm như hiện nay.
Những dự báo tích cực
Bất chấp những lo ngại và tín hiệu không mấy tích cực, giới phân tích tiếp tục có những dự báo lạc quan về xu hướng thị trường trong giai đoạn tới.
Theo Công ty Chứng khoán VDSC, thanh khoản có thể tiếp tục tăng trong nửa cuối năm nay, khi các khoản tiền gửi có kỳ hạn từ sáu tháng tới một năm từ thời điểm lãi suất tiền gửi đạt đỉnh hồi cuối năm 2022 sẽ dần đáo hạn và tìm kiếm các kênh đầu tư mới có lợi suất cao hơn như thị trường chứng khoán. Thống kê của VDSC cũng cho thấy tỷ lệ giao dịch của nhà đầu tư cá nhân đã liên tục tăng so với quí 1 năm nay.
Đáng lưu ý, theo số liệu từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), tổng số tài khoản chứng khoán trên thị trường Việt Nam tính tới cuối tháng 6-2023 đạt gần 7,3 triệu tài khoản, tăng mạnh 145.864 tài khoản so với đầu tháng. Như vậy, con số mở mới tài khoản trong tháng 6 đã tăng gần 40% so với tháng trước, đánh dấu tốc độ tăng cao nhất trong nhiều tháng trở lại đây.
Trong khi đó, SSI Research kỳ vọng chỉ số có thể chinh phục mục tiêu 1.150-1.156 điểm để tiến lên các mốc cao hơn tại vùng 1.170-1.180 điểm trong chu kỳ tăng trưởng tháng 7. Những yếu tố hỗ trợ gồm (i) chính sách tiền tệ nới lỏng hơn; (ii) đầu tư công được đẩy mạnh giải ngân nửa cuối năm; (iii) chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng có hiệu lực từ 1-7; (iv) chính sách nới lỏng thị thực hỗ trợ cho ngành du lịch.
Bên cạnh đó, thị trường thứ cấp cho trái phiếu phát hành riêng lẻ đang hoàn thiện và dự kiến đưa vào vận hành trong tháng 7, với kỳ vọng thông tin được minh bạch hóa sẽ giúp lấy lại niềm tin vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp và gián tiếp giảm nhẹ rủi ro trên thị trường chứng khoán.
Ngoài ra, hệ thống KRX với các nghiệp vụ mới như giao dịch T+0, bán khống, hợp đồng quyền chọn… hiện đang trong giai đoạn kết nối, chạy thử nghiệm và được kỳ vọng vận hành chính thức trong năm 2023.
Trong ngày đầu tuần này (10-7), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 cho các tổ chức tín dụng với mức giao toàn hệ thống khoảng 14%. Theo đó, nhiều ngân hàng đã được mở rộng hạn mức tăng trưởng tín dụng so với chỉ tiêu đã được giao trong quí 1. Đây là bước đi kế tiếp trong định hướng nới lỏng chính sách tiền tệ của nhà điều hành, cũng như hiện thực hóa yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ gần đây về việc thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt hơn, nới lỏng hơn, mở rộng hơn.
Ngược lại, cũng có những rủi ro có thể tác động tiêu cực đến thị trường. Đầu tiên là việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong năm nay để giảm lạm phát, từ đó có thể kéo nền kinh tế lớn nhất thế giới rơi vào giai đoạn suy thoái, ảnh hưởng lan tỏa lên kinh tế toàn cầu, đặc biệt là các đối tác thương mại lớn như Việt Nam. Có thể thấy việc cầu tiêu dùng tại các nước lớn suy yếu đã gây ra tình trạng thiếu hụt đơn hàng, khiến doanh nghiệp phải thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh từ quí 4 năm ngoái cho đến nay.
Đối với tình hình trong nước, rủi ro đến từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp với lượng trái phiếu đáo hạn lớn trong nửa cuối năm nay, đặc biệt là giai đoạn quí 3, trong khi không ít doanh nghiệp hiện nay vì tắc nghẽn dòng tiền nên đang mất khả năng thanh toán các trái phiếu đúng hạn, kéo theo rủi ro nợ xấu cho ngành ngân hàng, từ đó có thể tác động tiêu cực kiềm hãm đà hồi phục của thị trường chứng khoán.
Trong khi đó, giới phân tích cho rằng dư địa cho chính sách tiền tệ là không còn nhiều để tác động lên tăng trưởng. Một số ý kiến gần đây lo ngại về việc nới lỏng chính sách tiền tệ quá nhanh của nhà điều hành, mà có thể dẫn đến rủi ro đảo ngược dòng vốn quốc tế và gây áp lực lên tỷ giá, nhất là khi chênh lệch lãi suất tiền đồng và đô la Mỹ đang mở rộng quá nhanh trong gần một tháng qua.
Triêu Dương TBKTSG
|