Vua tôm giống có gì?
Trên sàn chứng khoán một thời từng có “vua cá tra” Hùng Vương, hiện nay có “vua tôm” Minh Phú, “nữ hoàng cá tra” Vĩnh Hoàn, và sắp tới thị trường sẽ đón thêm “vua tôm giống” Việt Úc - doanh nghiệp có thị phần tôm giống hàng đầu Việt Nam.
Các cột mốc lịch sử
Tiền thân của CTCP Thủy sản Việt Úc là Công ty TNHH Việt Úc, thành lập vào tháng 07/2001 tại tỉnh Bình Thuận, ngành nghề kinh doanh chính là nuôi trồng thủy sản. Tháng 05/2015, Việt Úc chuyển sang mô hình CTCP, sau đó trở thành công ty đại chúng vào tháng 03/2019.
Các sự kiện quan trọng trong quá trình phát triển của Tập đoàn
Nguồn: BCTN năm 2020
|
Trung tâm Di truyền và Chọn giống tôm bố mẹ thẻ Việt Úc - Phước Dinh (Ninh Thuận)
|
Việt Úc được mệnh danh là ông “vua tôm giống” với thị phần hơn 30% cả nước, nhiều trang trại quy mô lớn ở các tỉnh, thành, công suất lên đến 50 tỷ con/năm, đáp ứng 25% thị trường tôm giống cả nước.
Việt Úc có 18 công ty thành viên; 3 trung tâm di truyền và chọn giống tôm bố mẹ (trung tâm hạt nhân là Việt Úc - Phước Dinh, Ninh Thuận); 9 khu phức hợp sản xuất tôm giống công nghệ cao tại Quảng Ninh, Nghệ An, Bình Định, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bến Tre, Sóc Trăng, Cà Mau và Bạc Liêu. Ngoài ra, Công ty còn có 3 khu phức hợp nuôi tôm thương phẩm công nghệ cao tại Nhà Mát, Hòa Bình (Bạc Liêu) và huyện Phù Mỹ (Bình Định) với tổng diện tích nuôi hơn 1,000ha; 1 khu phức hợp sản xuất cá tra giống công nghệ cao tại An Giang là Việt Úc - An Giang; 1 trung tâm nghiên cứu mô hình nuôi tôm và chuyển giao công nghệ tại Cà Mau mang tên Việt Úc - Ngọc Hiển (năm 2019).
Công ty còn hoạt động trong mảng thức ăn chăn nuôi thủy sản thông qua tận dụng cơ sở khách hàng mua tôm giống và mạng lưới phân phối tôm giống. Công ty có 1 nhà máy chế biến thủy sản Việt Úc - Bạc Liêu và 1 Liên doanh nhà máy sản xuất thức ăn Thủy sản - Biomar Việt Úc với công suất 50 ngàn tấn/dây chuyền/năm tại Bến Tre; nhà máy trực thuộc pháp nhân là Công ty TNHH Việt Úc Thức ăn Thủy sản. Trước kia, nhà máy do Việt Úc kiểm soát hoàn toàn, nhưng sau đó đã chuyển một phần vốn góp cho một Tập đoàn của Đan Mạch.
Tháng 03/2021, số vốn đầu tư vào Công ty này là gần 164 tỷ đồng (sau khi góp thêm 8.5 tỷ đồng). Đến tháng 04/2021, Việt Úc đã chuyển nhượng 67.5% vốn đầu tư, tương đương hơn 149 tỷ đồng cho Công ty Biomar Group (A/S) (Biomar) và trở thành Công ty liên kết, với số vốn góp là 53.2 tỷ đồng. Trong tháng 9 và 12/2021, Công ty đã góp thêm hơn 15 tỷ đồng để tăng vốn đầu tư vào công ty liên kết.
Liên doanh Biomar Việt Úc - Nhà máy chế biến thủy sản Việt Úc (Bến Tre)
|
Kết quả kinh doanh qua các năm
Giai đoạn 2017 - 2022, doanh thu Việt Úc tăng trưởng trung bình 9%/năm (tính luôn cả mức sụt giảm doanh thu 5% của 2020 - năm xảy ra dịch COVID-19), riêng giai đoạn trước dịch (2017 - 2019), tốc độ doanh thu tăng 15%/năm.
Lợi nhuận cũng có sự biến động từ khi dịch COVID-19 bùng phát. Giai đoạn 2017 - 2019, lãi sau thuế tăng trung bình 4%/năm, sau đó giảm 37% vào năm 2020, còn hơn 300 tỷ đồng, rồi tăng 17%, lên 361 tỷ đồng năm 2021, trước khi quay đầu giảm 39% vào năm 2022.
Năm 2022, doanh thu của Việt Úc đạt 1,733 tỷ đồng, tăng khoảng 4% so với năm 2021. Cơ cấu bán hàng của Công ty bao gồm tôm giống, tôm thương phẩm, thức ăn thủy sản và cá tra. Trong đó, doanh thu bán hàng tôm giống chiếm tỷ trọng lớn nhất, kế đến là từ bán hàng tôm thương phẩm.
Theo BCTC hợp nhất năm 2021 của Công ty, doanh thu bán hàng tôm giống đạt 1,320 tỷ đồng, chiếm 79%; tôm thương phẩm đạt 342 tỷ đồng, tương đương 21%; còn lại doanh thu từ bán thức ăn chăn nuôi và cá tra với tỷ lệ nhỏ.
Năm 2023, Công ty đặt mục tiêu doanh thu thuần 1,937 tỷ đồng và lãi sau thuế trước thưởng là 395 tỷ đồng, tăng lần lượt 12% và 79% so với năm 2022.
Nếu so sánh với một số doanh nghiệp niêm yết khác trong ngành tôm như Camimex Group (HOSE: CMX), Thực phẩm Sao Ta (HOSE: FMC), Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (UPCoM: MPC) thì quy mô doanh thu của Việt Úc là khá khiêm tốn, ngang ngửa so với doanh thu CMX và kém so với FMC, MPC.
Tuy vậy, biên lãi gộp của Việt Úc lại rất cao so với các doanh nghiệp ngành tôm niêm yết khác, dao động từ 52 - 71% trong giai đoạn 2018 - 2021, khi các doanh nghiệp tôm khác chỉ đạt từ 10 - 20%. Khả năng khép kín quy trình sản xuất từ con giống, thức ăn cho đến hoạt động nuôi trồng là điều rất quan trọng đối với hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp thủy sản, bên cạnh đó là khả năng tự chủ nguồn nguyên liệu.
Mặt khác, Việt Úc cũng có một cơ cấu tài chính lành mạnh với phần lớn từ vốn chủ sở hữu, nợ phải trả chiếm tỷ trọng rất nhỏ. Hệ số D/E duy trì ở mức rất thấp, từ 0.1 - 0.22 qua các năm.
Tính tới cuối năm 2022, quy mô tài sản của Công ty xấp xỉ 2,627 tỷ đồng, không có sự thay đổi đáng kể so với đầu năm. Trong đó, tài sản dài hạn là 70% tăng 14% so với đầu năm; còn lại là tài sản ngắn hạn, đạt 754 tỷ đồng, giảm 23% so với đầu năm. Vốn chủ sở hữu 2,149 tỷ đồng, giảm 11% so với đầu năm.
Ban lãnh đạo công ty
HĐQT của Việt Úc
Nguồn: Website Công ty
|
Việt Úc do ông Lương Thanh Văn (sinh năm 1963) sáng lập và giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc. Ông Văn sang Úc từ năm 1982 lúc 19 tuổi. 2 năm sau, ông khởi nghiệp kinh doanh từ một cửa hàng may đo và sau đó phát triển thành doanh nghiệp sản xuất, gia công hàng may mặc với đội ngũ hơn 300 công nhân. Đến năm 1988, ông đầu tư vào lĩnh vực rửa hình, xuất phát điểm từ cửa hàng rửa hình trong 1 giờ đầu tiên tại bang Victoria (Úc) và nhanh chóng trở thành 1 trong 3 doanh nghiệp tráng rửa phim lớn nhất nước Úc. Năm 2000, hãng nắm 50% thị phần và 3 năm sau tiếp tục mua lại một trong những đối thủ lớn nhất của mình trước đó là doanh nghiệp xử lý ảnh Kodak. Năm 2004, ông Văn đã có trong tay doanh nghiệp gia công xử lý ảnh với doanh thu 50 triệu USD/năm, với khoảng 6,000 đại lý khắp nước Úc.
Còn ông Trần Quốc Tuấn (sinh năm 1975), từ năm 2013 là Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc tài chính Việt Úc. Trước đó, ông từng là Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Thiên Việt và trưởng phòng quản lý danh mục tại Sandelman Partners LLC.
Ông Mã Tùng (quốc tịch Úc, sinh năm 1966) là Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc phát triển công nghệ của Việt Úc. Ông Tùng từng là Giám đốc kỹ thuật và thành viên Ban Tổng Giám đốc của QFL Photographics and Quality Corporation; Giám đốc kỹ thuật và sản xuất và thành viên Ban Tổng Giám đốc của CCC Catconverter PL.
Tương tự, ông Nigel Philip Preston (quốc tịch Úc, sinh năm 1950) là Thành viên HĐQT. Ông từng là Giám đốc tại Mtoni Ltd, Kenya đồng thời là tư vấn kỹ thuật tại Genics Pty Ltd, Úc; Chủ tịch, Ban chỉ đạo độc lập tại WorldFish FISH Cooperative Research Program; giáo sư danh dự tại School of Biological Sciences, Đại học Queensland.
Tổng Giám đốc hiện tại của Việt Úc là ông Tôn Thất Đề (sinh năm 1974), được bổ nhiệm vào tháng 09/2022. Ông có bằng MBA, Đại học Preston (Mỹ). Trước đó, ông từng là Tổng Giám đốc của Nova Consumer Group (07/2020 - 09/2022); 7 năm làm việc tại Coca-Cola Viet Nam (2013 - 2020) từ Giám đốc kinh doanh các hàng trọng điểm, Giám đốc thương mại toàn quốc, Giám đốc điều hành ngành hàng mới cho đến Giám đốc hoạch định chiến lược.
Ông Tôn Thất Đề - Tổng Giám đốc Việt Úc, phát biểu tại lễ nhậm chức
|
Cơ cấu cổ đông cô đặc
Tính đến tháng 09/2022, Việt Úc có vốn điều lệ gần 1,345 tỷ đồng. Cổ đông nước ngoài nắm 43.9%, còn lại là cổ đông trong nước. Theo số liệu này, sở hữu nước ngoài tại Việt Úc lớn hơn so với MPC (gần 39%), FMC (gần 31%) và CMX (gần 13%), theo thông tin sở hữu nước ngoài từ HNX và HOSE tại ngày 13/07/2023.
Tại Việt Úc, các quỹ ngoại như STIC Shariah Private Equity Fund III L.P sở hữu 0.71%, STIC Pan-Asia 4th Industry Growth Private Equity Fund sở hữu 4.85%, Daiwa-Ssiam Vietnam Growth Fund III L.P sở hữu 1.13% và STIC Private Equity Fund III L.P nắm giữ 4.15%, Lotus Asia Investment Limited sở hữu 7.59%.
Được biết, nhóm quỹ STIC Investment từ Hàn Quốc đã mua 9.8% vốn (hơn 1 triệu cp) của Việt Úc vào năm 2018 và thu hút được nhiều sự chú ý bởi giá chào bán lên đến 764,843 đồng/cp, tổng giá trị hơn 768 tỷ đồng. Vốn điều lệ Công ty tăng từ 102.4 tỷ đồng lên 112.5 tỷ đồng vào tháng 09/2018.
Nguồn: BCTC Công ty
|
Đáng chú ý là sau phát hành riêng lẻ quỹ Hàn, Công ty đã mua lại cổ phiếu quỹ từ ông Lương Thanh Văn với số lượng, giá mua ngang mức giao dịch với quỹ Hàn. Vốn điều lệ của Công ty lúc này giảm về 102.4 tỷ đồng (tính tới tháng 10/2018).
|
Hiện Chủ tịch Lương Thanh Văn nắm 13.4% vốn điều lệ Công ty; Viet Uc Hong Kong Limited, đơn vị do ông Văn sở hữu, nắm 11.39%.
Bà Nguyễn Kim Thùa, vợ ông Lương Thanh Văn, cũng là cố vấn cấp cao của Việt Úc, sở hữu 39% vốn. Trước đó, tỷ lệ sở hữu của bà Thùa là 54% (cuối năm 2021 bà đã chuyển nhượng 15% vốn nhưng không rõ bên nhận). Như vậy, tổng sở hữu của vợ chồng ông Văn khoảng 64%.
Ông Lương Thanh Văn (trái) - Chủ tịch HĐQT Công ty và vợ - bà Nguyễn Kim Thùa (phải)
|
Trước năm 2021, sở hữu của gia đình ông Văn còn lớn hơn. Trong một báo cáo giao dịch tháng 03/2021, Viet Uc Singapore Pte. Ltd. - Công ty do ông Văn sở hữu lúc này nắm 55.6% vốn của Việt Úc, sau đó chuyển giao toàn bộ số cổ phần cho bà Thùa. Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu của nhóm cổ đông có liên quan lên gần 80.5% vốn điều lệ, trong đó bà Thùa nắm 55.7% (sau đó bà Thùa tiếp tục chuyển nhượng thỏa thuận giảm sở hữu còn 54%).
|
Lỡ hẹn với sàn HOSE
Việt Úc từng có ý định niêm yết cổ phiếu lên Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE). Tại ĐHĐCĐ bất thường năm 2022 (lần 1) của Việt Úc đã thông qua kế hoạch chào bán tối đa 23.7 triệu cp ra công chúng với giá không thấp hơn 16,093 đồng/cp để tăng vốn điều lệ (lên 1,582 tỷ đồng) và đăng ký niêm yết trên HOSE trong năm 2022. Công ty dự kiến nguồn vốn thu được sẽ dùng để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh bao gồm, nhưng không giới hạn đầu tư, xây dựng nhà máy chế biến, phát triển mảng cá giống, mở rộng mảng nuôi tôm thương phẩm và bổ sung vốn lưu động.
Tuy nhiên đến nay, kế hoạch đã thay đổi. Sắp tới Thủy sản Việt Úc sẽ đăng ký giao dịch trên UPCoM. Ngày 21/06 mới đây, Công ty thông báo đã chốt xong danh sách cổ đông để thực hiện lưu ký chứng khoán trên Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD) và đăng ký giao dịch trên UPCoM.
Duy Khánh
FILI
|