Việt Nam có thể hưởng lợi từ lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ?
Ấn Độ đã cấm xuất khẩu các loại gạo trắng phi basmati từ ngày 20/07. Đây là nỗ lực mới nhất của Chính phủ Ấn Độ nhằm kìm hãm đà tăng của giá lương thực.
Bộ Các vấn đề người tiêu dùng Ấn Độ cho biết lệnh cấm sẽ giúp đảm bảo nguồn cung trong nước, đồng thời giúp ghìm cương giá cả nội địa.
Ấn Độ là quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới (chiếm hơn 40% thương mại gạo thế giới) và cũng là nhà sản xuất gạo lớn thứ hai thế giới (sau Trung Quốc).
Các chuyên viên phân tích đánh giá lệnh cấm có thể khiến giá gạo vốn đã cao nay còn cao hơn. Trước đó, Ấn Độ cũng cấm xuất khẩu gạo tấm trong tháng 9/2022.
“Nguồn cung gạo trên toàn cầu sẽ bị thắt chặt đáng kể vì Ấn Độ là quốc gia sản xuất gạo thứ hai thế giới”, Eve Barre, Chuyên gia kinh tế về ASEAN tại công ty bảo hiểm tín dụng thương mại Coface, cho hay.
Các nước nhập khẩu gạo có thể chuyển hướng sang Việt Nam và Thái Lan?
Ấn Độ xuất khẩu gạo sang hơn 140 nước. Những khách hàng lớn mua gạo phi basmati của Ấn Độ gồm Benin, Bangladesh, Angola, Cameroon, Djibouti, Guinea, Bờ Biển Ngà, Kenya và Nepal. Còn Iran, Iraq và Saudi Arabia chủ yếu mua gạo basmati cao cấp của Ấn Độ.
Ông Barre chia sẻ Bangladesh và Nepal sẽ bị tác động nặng nề nhất bởi lệnh cấm từ Ấn Độ, vì cả hai quốc gia này đều nằm trong top nhập khẩu gạo từ Ấn Độ.
Trong một báo cáo công bố gần đây, công ty phân tích nông nghiệp Gro Intelligence dự báo lệnh cấm của Ấn Độ càng làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực đối với các quốc gia phụ thuộc nhiều vào gạo.
“Các điểm đến hàng đầu của gạo Ấn Độ bao gồm Bangladesh, Trung Quốc, Benin, và Nepal. Các quốc gia châu Phi khác cũng nhập khẩu lượng lớn gạo từ Ấn Độ”, các chuyên viên phân tích tại Gro Intelligence nhận định.
Theo Bộ Các vấn đề người tiêu dùng Ấn Độ, gạo trắng phi basmati chiếm khoảng 25% lượng gạo xuất khẩu của Ấn Độ.
Radhika Rao, Chuyên gia kinh tế cấp cao tại DBS Bank, nhận định các quốc gia bị tác động có thể chuyển sang các nhà cung ứng khác trong khu vực như Thái Lan và Việt Nam.
B.V. Krishna Rao, Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ, nói với Reuters: “Ấn Độ sẽ làm đứt gãy thị trường gạo toàn cầu với tốc độ nhanh hơn nhiều so với tác động của cuộc chiến Nga-Ukraine đối với thị trường lúa mì”.
Gạo là lương thực chính của hơn 3 tỷ người và gần 90% lúa gạo được sản xuất ở châu Á, nơi mô hình thời tiết El Nino thường gây khô hạn, làm giảm sản lượng gạo.
“Lệnh cấm xuất khẩu đột ngột của Ấn Độ sẽ gây tổn thương lớn cho các nước nhập khẩu vì họ không thể tìm kiếm các lô hàng gạo thay thế từ bất kỳ nước nào khác”, Rao nói.
Ông cho rằng lượng gạo dự trữ của Việt Nam và Thái Lan sẽ không đủ để lấp khoảng trống nguồn cung ở Ấn Độ. Một thương nhân châu Âu cho biết khách hàng có thể chuyển sang mua gạo từ Thái Lan và Việt Nam, có thể đẩy giá gạo 5% tấm của hai nước này tăng lên mức 600 USD/tấn.
Giá gạo sẽ còn tăng?
“Bên cạnh việc giảm bớt nguồn cung gạo toàn cầu, các phản ứng hoảng loạn và đầu cơ trên thị trường gạo toàn cầu sẽ càng thúc giá lên cao hơn”, ông Barre chia sẻ.
Giá gạo vốn đang dao động quanh đỉnh 10 năm, một phần do nguồn cung thắt chặt. Điều này là vì gạo trở nên hấp dẫn hơn khi giá các loại ngũ cốc quan trọng khác đều tăng vọt sau cuộc chiến Nga-Ukraine.
Giá lúa mì tăng vọt trong tuần này sau khi Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen. Thỏa thuận này trước đó ra đời để ngăn chặn cuộc khủng hoảng thực phẩm trên toàn cầu bằng cách cho phép Ukraine tiếp tục xuất khẩu.
“Lạm phát gạo đã tăng tốc, từ mức trung bình 6% trong năm 2022 lên gần 12% trong tháng 6/2023”, DBS cho biết.
Thời gian qua, quốc gia Nam Á đang vật lộn với đà tăng giá của rau quả và ngũ cốc. Giá cà chua ở Ấn Độ đã tăng hơn 300% trong vài tuần qua vì thời tiết bất lợi. Theo cuộc khảo sát của Reuters, các chuyên gia dự báo lạm phát của Ấn Độ có thể chạm mức 4.58% vì giá thực phẩm tăng mạnh.
Oscar Tjakra, Chuyên viên phân tích tại Rabobank, dự báo giá gạo toàn cầu sẽ tiếp tục tăng vì Ấn Độ chiếm tỷ trọng quá lớn trên thị trường gạo.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FILI
|