Thứ Tư, 19/07/2023 23:23

Xuất khẩu tôm tháng 6/2023: Điểm sáng từ thị trường Trung Quốc

Lũy kế 6 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm Việt Nam đạt 1.5 tỷ USD, giảm 32% so với cùng kỳ.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết: “Nhu cầu thị trường, giá tôm nguyên liệu và giá xuất khẩu đều đi xuống, lạm phát tăng, cạnh tranh mạnh với các nguồn cung đối thủ khiến xuất khẩu tôm của nước ta gặp nhiều khó khăn trong nửa đầu năm nay. Doanh nghiệp và bà con nuôi tôm vẫn đang kỳ vọng vào những tín hiệu tích cực hơn cho hoạt động sản xuất và xuất khẩu tôm trong nửa cuối năm nay”.

Tháng 6/2023, xuất khẩu tôm đạt 328 triệu USD, giảm 21% so với cùng kỳ năm 2022. Mức giảm 21% trong tháng 6 đã thấp hơn so với mức giảm của các tháng trước đó (tháng 3, 4 và 5 ghi nhận giảm từ 28-35%).

Điểm sáng từ Trung Quốc

Về thị trường tiêu thụ, tháng 6/2023, xuất khẩu tôm sang các thị trường chính như Mỹ, Nhật Bản, EU, Hàn Quốc tiếp tục giảm 2 con số. Đáng chú ý, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc & Hồng Kông đã lần đầu tiên ghi nhận tăng trưởng dương kể từ đầu năm nay. 

Trong tháng 6 này, xuất khẩu sang một số thị trường nhỏ hơn ghi nhận tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm ngoái như Australia tăng 9%; tăng trưởng dương 2 con số được nhìn thấy trong kim ngạch xuất khẩu sang Anh (tăng 23%), Đài Loan (tăng 20%), Thụy Sỹ (tăng 86%).

Thị trường EU trong 6 tháng đầu năm nay nhập khẩu 193 triệu USD tôm từ Việt Nam, giảm 49% so với cùng kỳ. xuất khẩu tôm sang EU trong từng tháng từ tháng 3 đến tháng 6 năm nay đều ghi nhận giảm trên 40% (giảm từ 41%-56%) và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

“Chiến tranh Nga-Ukraine, người tiêu dùng chi tiêu tiết kiệm, vật giá tăng, xăng dầu tăng, đồng EUR mất giá là những nguyên nhân khiến nhu cầu tiêu thụ tại thị trường này chậm. Người dân chọn thực phẩm giá rẻ, tôm cỡ nhỏ hơn, các nhà nhập khẩu hạn chế mua vào, cố gắng bán ra để giải phóng hàng tồn kho và hạn chế lỗ”, VASEP cho biết.

Trên thị trường EU, tôm Việt Nam cạnh tranh mạnh với Ecuador do nguồn cung nguyên liệu của Ecuador dồi dào (hàng tháng thu hoạch khoảng trăm ngàn tấn) với giá tốt. “Tôm Ecuador chiếm lĩnh thị trường EU ở khúc thị phần sản phẩm chế biến trung bình và khá. Trên thị trường này, tôm Việt Nam chỉ giữ được ưu thế ở phân khúc cao cấp”, VASEP đánh giá.

Thị trường Nhật Bản mua 236 triệu USD tôm từ Việt Nam trong 6 tháng đầu năm nay, giảm 29% so với cùng kỳ. xuất khẩu tôm Việt Nam sang Nhật Bản trong tháng 6/2023 giảm 35% - mức giảm sâu nhất kể từ tháng 3 năm nay.

Theo VASEP, ở thị trường Nhật Bản, tôm Việt cũng phải cạnh tranh “khốc liệt” với tôm Ấn Độ và Ecuador.

Theo số liệu của Trung tâm Thương mại Thế giới (ITC), 4 tháng đầu năm nay, trong khi tổng nhập khẩu tôm chung vào Nhật Bản giảm 10%, nhập khẩu từ nguồn cung lớn nhất Việt Nam cũng ghi nhận giảm thì Nhật Bản vẫn tăng mạnh nhập khẩu từ Ấn Độ và Ecuador, lần lượt là 44% và 49%. Số liệu từ Bộ Thương mại Ấn Độ cho thấy, 5 tháng đầu năm nay, Nhật Bản tăng mạnh nhập khẩu tôm sú từ Ấn Độ.

“Xuất khẩu tôm Việt Nam sang Nhật Bản những tháng đầu năm nay còn gặp khó khăn do đồng yên sụt giá mạnh. Đến đầu tháng 7/2023, đồng yên đã giảm quá mạnh, trên 145 yên cho mỗi USD, khiến việc tiêu thụ tôm vào thị trường này gặp khó khăn vì giá bán phải giảm theo đà giảm của đồng yên”, VASEP chia sẻ.

Thị trường Hàn Quốc, 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường này đạt 166 triệu USD, giảm 28% so với cùng kỳ. Tháng 6 năm nay, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Hàn Quốc giảm 21% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo VASEP, lạm phát cao, tiền mất giá, lãi suất tăng, người dân chi tiêu tiết kiệm, tồn kho nhiều là những nguyên nhân khiến xuất khẩu tôm sang thị trường này giảm. Nửa đầu năm nay, giá trị tôm xuất khẩu sang Hàn Quốc không có sự biến động tăng giảm nhiều như các thị trường khác (Mỹ, Trung Quốc..)

Theo ITC, 5 tháng đầu năm nay, nhập khẩu tôm của Hàn Quốc đạt trên 313 triệu USD, giảm 19% so với cùng kỳ. Việt Nam vẫn là nguồn cung lớn nhất, tiếp đó là Trung Quốc, Canada. Ấn Độ đứng thứ 8 về cung cấp tôm cho Hàn Quốc. 5 tháng đầu năm nay, Hàn Quốc tăng mạnh NK tôm từ Ấn Độ với mức tăng 143%.

Hàn Quốc tăng mạnh nhập khẩu tôm nước ấm chế biến đóng gói kín khí (mã HS 160529) trong 5 tháng đầu năm nay với mức tăng 1,780% đạt 959 nghìn USD.

Mỹ và Trung Quốc là "tia hy vọng" cho xuất khẩu tôm 6 tháng cuối năm

Với Mỹ và Trung Quốc, hai thị trường này có xu hướng tương tự nhau trong 6 tháng đầu năm nay là kim ngạch xuất khẩu tháng sau cao hơn tháng trước đó và mức sụt giảm trong từng tháng cũng nhẹ dần. “Hai thị trường này được coi là “tia hy vọng” cho xuất khẩu tôm nửa cuối năm nay”, VASEP nhận định.

Xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ 6 tháng đầu năm nay đạt 299 triệu USD, giảm 38%. Tháng 6 năm nay, xuất khẩu tôm sang Mỹ giảm 23%, mức giảm thấp nhất kể từ đầu năm. Giá trị xuất khẩu tôm Việt sang Mỹ trong tháng 6 đạt hơn 71 triệu USD, giá trị cao nhất kể từ đầu năm nay. Kỳ vọng giá tôm thấp tại Mỹ đã tạo đáy và mức tiêu thụ tôm cho dịp cuối năm tăng.

Theo số liệu của Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA), trong 5 tháng đầu năm 2023, Mỹ đã nhập khẩu 299,724 tấn tôm trị giá 2.5 tỷ USD, giảm 18% về khối lượng và 29% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Dự kiến xu hướng giảm nhập khẩu vẫn sẽ tiếp tục trong ít nhất 3 tháng tới. Giá trung bình nhập khẩu trong tháng 5 là 8.39 USD/kg, thấp hơn 12% so với cùng kỳ nhưng cao hơn 2% so với giá trung bình tháng 4.

Mỹ nhập khẩu tôm từ 35 quốc gia khác nhau, trong đó Ấn Độ, Ecuador và Indonesia vẫn là những nguồn cung tôm chính. Hầu hết nhập khẩu từ các nguồn cung đều giảm. Tuy nhiên, có 6 quốc gia Mỹ vẫn tăng nhập khẩu bao gồm, Ả Rập Xê Út (tăng 20% khối lượng), Honduras (tăng 37%), Tây Ban Nha (tăng 33%), New Caledonia (tăng 100%) và Nigeria (tăng 4.325%), Mexico (tăng 11%).

Trong khi đó, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc nửa đầu năm nay đạt 239 triệu USD, giảm 19% so với cùng kỳ. Tháng 6 là tháng đầu tiên kể từ đầu năm nay, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc ghi nhận tăng so với cùng kỳ năm ngoái, tăng 19% đạt 59 triệu USD. Tốc độ sụt giảm nhẹ dần kể từ tháng 3.

Theo số liệu của Hải quan Trung Quốc, lượng tôm nhập khẩu của nước này trong tháng 5 tăng mạnh 77% so với cùng kỳ năm ngoái lên 100,310 tấn. Giá trị nhập khẩu tăng 55% lên 579 triệu USD. Tính chung 5 tháng qua, lượng tôm nhập khẩu tăng 48% lên 415,305 tấn; kim ngạch cũng tăng 28% lên 2.3 tỷ USD.

Thiên Vân

FILI

Các tin tức khác

>   6 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc là khách hàng mua nông sản Việt nhiều nhất (19/07/2023)

>   Giá lúa mì tăng vọt sau khi Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc Ukraine (18/07/2023)

>   Việt Nam chiếm gần 9% khối lượng nhập khẩu thủy sản của Mỹ (17/07/2023)

>   Kỳ vọng thị trường cá tra khởi sắc (17/07/2023)

>   Xuất khẩu rau quả Việt tăng tốc, sầu riêng đứng đầu (16/07/2023)

>   Nước lớn muốn cấm xuất khẩu, gạo Việt sẽ lợi lớn nhờ 'cú sốc giá'? (15/07/2023)

>   Trung Quốc tăng gần gấp đôi nhập khẩu tôm trong tháng 5, nhập khẩu từ Việt Nam cao nhất từ đầu năm (13/07/2023)

>   Cảnh báo tình trạng vi phạm hợp đồng thu mua sầu riêng (12/07/2023)

>   Giá gạo châu Á lên đỉnh 2 năm vì lo ngại về rủi ro từ El Nino (11/07/2023)

>   Chi hơn 5 tỷ USD nhập khẩu, một ngành hàng nông nghiệp top 1 nhập siêu (11/07/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật