Thứ Hai, 17/07/2023 07:30

Kỳ vọng thị trường cá tra khởi sắc

Giá cá tra thương phẩm không tăng khiến nhiều hộ nuôi "treo ao", dẫn đến giá cá giống cũng giảm mạnh. Người nuôi và doanh nghiệp kỳ vọng ngành cá tra sẽ phục hồi vào những tháng cuối năm

Nhiều doanh nghiệp (DN) ở ĐBSCL đang nỗ lực xuất khẩu cá tra và tăng sản lượng bán nội địa. Tuy nhiên, tình hình sản xuất và xuất khẩu cá tra đang gặp nhiều khó khăn.

Người nuôi thận trọng

Đồng Tháp là tỉnh có diện tích nuôi cá tra lớn nhất vùng ĐBSCL. Trong 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh thả nuôi hơn 1.857 ha, thu hoạch được 205.318 tấn. Trong khi đó, 22 DN chế biến cá tra xuất khẩu của Đồng Tháp đang gặp khó khăn do giảm sản lượng từ các thị trường chủ lực như: Trung Quốc, Mỹ, EU…, khiến giá thu mua tại ao nuôi cũng giảm theo.

Ông Võ Bé Hiền - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Đồng Tháp - cho hay giá cá tra thương phẩm tại ao đang ở mức khoảng 27.000 - 29.000 đồng/kg. "Thời điểm này, cá bán cũng chậm do DN giảm sản lượng xuất khẩu. Điều này dẫn đến việc giá cá tra giống giảm mạnh, hiện có nơi chỉ bán 18.000 đồng/kg" - ông dẫn chứng.

Theo ông N.V.M (ngụ TP Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp), gia đình ông có mấy ao cá tra đang trong giai đoạn phải xuất bán nhưng gặp một số khó khăn. "Các DN lớn chỉ lấy cá từ ao nuôi của họ hoặc vùng nuôi có ký hợp đồng chứ không mua từ các ao bên ngoài. Các DN nhỏ thì mua lắt nhắt, lại mua thiếu nên bây giờ tôi bán cá thì phải chịu lỗ" - ông băn khoăn.

Địa phương có diện tích nuôi cá tra lớn thứ hai vùng ĐBSCL là An Giang, từ đầu năm 2023 đến nay đã thả nuôi 1.082 ha và thu hoạch hơn 778 ha, với tổng sản lượng khoảng 308.984 tấn. Cá tra ở An Giang chủ yếu từ vùng nuôi của DN và DN liên kết với hộ dân. Hiện nay, người dân đang đắn đo trong việc thả nuôi trở lại vì chờ thị trường xuất khẩu khởi sắc.

"Tôi đã bán hết cá và "treo ao" suốt 2-3 tháng qua. Các hộ nuôi phải theo dõi tình hình xuất khẩu cá tra sắp tới thế nào thì mới thả giống. Nuôi cá tra bây giờ phải cẩn trọng chứ không làm theo cảm tính, ồ ạt như trước nữa" - ông L.C.T (ngụ TP Long Xuyên, tỉnh An Giang) bày tỏ.

Ông Trần Anh Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh An Giang, cho biết hiện nay, diện tích thả giống cá tra của các hộ nuôi và DN đang giảm. Nếu tình hình xuất khẩu khởi sắc trở lại thì diện tích thả nuôi sẽ tăng rất nhanh.

Ông Dũng nhận xét: "Cá giống giảm giá và số lượng cũng không tăng. Do đó, các hộ ương dưỡng con giống vẫn giữ giá dao động từ 26.000 - 35.000 đồng/kg. Nếu xuất khẩu cá tra tăng trở lại thì các hộ nuôi và DN sẽ đẩy nhanh tốc độ thả giống. Việc này không khó vì các hộ nuôi cá tra trên địa bàn đã có nhiều kinh nghiệm sau nhiều năm gắn bó với nghề này".


Giữa lúc xuất khẩu cá tra gặp khó khăn, nhiều doanh nghiệp đã chủ động phát triển thị trường nội địa

Tín hiệu tích cực

Giữa lúc xuất khẩu cá tra gặp khó khăn, nhiều DN đã chủ động phát triển thị trường nội địa. Tuy nhiên, thị trường này vẫn còn khá nhỏ lẻ.

Đơn cử, Tập đoàn Nam Việt (An Giang) đặt mục tiêu đưa ra thị trường nội địa 15% sản phẩm giá trị gia tăng từ cá tra. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, DN này chỉ đưa ra được khoảng 7%, do thiếu sức mua.

Một số DN đang mở hướng xuất khẩu cá tra sang Campuchia và một vài thị trường lân cận. Trong khi đó, thông tin về việc xuất khẩu cá tra sang Đức giữ được đà tăng trưởng dương đã làm "ấm" lại đôi chút thị trường xuất khẩu sản phẩm này. Tính đến giữa tháng 6-2023, cá tra Việt Nam xuất khẩu sang Đức đạt hơn 17 triệu USD, tăng 53% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 2,1% tổng giá trị xuất khẩu cá tra nước ta đi các thị trường.

Dẫu đây là tín hiệu nhỏ nhưng cũng rất đáng kỳ vọng về việc thị trường xuất khẩu cá tra nói chung và ngành cá tra ở khu vực ĐBSCL nói riêng sớm khởi sắc trở lại. Vì vậy, 2 địa phương có vùng nuôi cá tra lớn nhất miền Tây là Đồng Tháp và An Giang đã có những kế hoạch để sẵn sàng bắt nhịp khi thị trường xuất khẩu mặt hàng này tăng tốc.

Chi cục Thủy sản An Giang dự báo các tháng cuối năm 2023, tình hình kinh tế thế giới vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục, hoạt động chế biến, xuất khẩu cá tra chưa có dấu hiệu tăng, các DN lớn vẫn còn hoạt động cầm chừng, vì vậy kéo theo hoạt động nuôi và sản xuất con giống sẽ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, chi cục vẫn kỳ vọng quý III và quý IV/2023, sức mua trên thị trường tăng trở lại để ngành cá tra An Giang đạt sản lượng thu hoạch khoảng 254.000 tấn. 

Nâng cao chất lượng con giống

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp đề ra nhiệm vụ từ nay đến cuối năm 2023 tiếp tục phát triển ngành cá tra, xem đây là ngành hàng chủ lực trong nuôi thủy sản, là ngành kinh tế quan trọng của tỉnh; đồng thời phát triển đa dạng sản phẩm có thế mạnh để phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.

Đến nay, 377 cơ sở nuôi cá tra ở Đồng Tháp đã được cấp mã số nhận diện với khoảng 1.624 ha mặt nước. Để nâng cao chất lượng con giống, Đồng Tháp đã phối hợp với Tổng cục Thủy sản, nhờ hỗ trợ địa phương chọn giống theo hướng tăng trưởng nhanh và kháng bệnh.

Bài và ảnh: VĨNH KỲ

Người lao động

Các tin tức khác

>   Xuất khẩu rau quả Việt tăng tốc, sầu riêng đứng đầu (16/07/2023)

>   Nước lớn muốn cấm xuất khẩu, gạo Việt sẽ lợi lớn nhờ 'cú sốc giá'? (15/07/2023)

>   Trung Quốc tăng gần gấp đôi nhập khẩu tôm trong tháng 5, nhập khẩu từ Việt Nam cao nhất từ đầu năm (13/07/2023)

>   Cảnh báo tình trạng vi phạm hợp đồng thu mua sầu riêng (12/07/2023)

>   Giá gạo châu Á lên đỉnh 2 năm vì lo ngại về rủi ro từ El Nino (11/07/2023)

>   Chi hơn 5 tỷ USD nhập khẩu, một ngành hàng nông nghiệp top 1 nhập siêu (11/07/2023)

>   Giá phân ure có thể tăng trở lại nhưng không tái diễn “sốt nóng” (10/07/2023)

>   Vải thiều Việt Nam 'phủ' Trung tâm thương mại lớn của Thái Lan (09/07/2023)

>   Lực bán chiếm ưu thế trên thị trường hàng hóa (07/07/2023)

>   Ngành nông nghiệp dồn sức cho mục tiêu xuất khẩu 54-55 tỷ USD (06/07/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật