Vì sao người giàu tranh mua nhà ở xã hội?
Theo HoREA, do tiêu chí điều kiện về nhà ở của đối tượng hưởng chính sách khó kiểm tra, chưa chặt chẽ và chưa sát với thực tế cuộc sống, lại có thể "lách" nên dẫn đến tình trạng "người giàu tranh mua nhà ở xã hội".
Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) tiếp tục có những góp ý bổ sung một số quy định về chính sách về nhà ở xã hội (NOXH) của Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).
Theo HoREA, nguyên nhân dẫn đến tình trạng "người giàu tranh suất mua NOXH" hoặc có "người giàu" là chủ sở hữu căn hộ chung cư NOXH là do các tiêu chí về điều kiện của các đối tượng hưởng chính sách về NOXH tưởng chừng "rất chặt chẽ" nhưng thực ra là "chưa chặt chẽ" và chưa sát với thực tế cuộc sống và có thể "lách".
Dự án NOXH của Công ty Bất động sản Lê Thành (Ảnh minh họa)
|
Nguyên nhân từ tiêu chí "điều kiện về nhà ở" của đối tượng hưởng chính sách NOXH.
Cụ thể, điểm a khoản 1 Điều 51 Luật Nhà ở 2014 và điểm a khoản 1 Điều 75 Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đều quy định đối tượng hưởng chính sách NOXH "phải chưa được hưởng chính sách hỗ trợ dưới mọi hình thức tại nơi ở và nơi làm việc". Quy định này rất khó kiểm tra trong nhiều năm qua, nhất là đối với người thay đổi nơi làm việc nhiều lần, do chỉ quy định kiểm tra tiêu chí này tại nơi ở và nơi làm việc.
Ngoài ra, tại Điểm a khoản 1 Điều 51 Luật Nhà ở 2014 và điểm a khoản 1 Điều 75 Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đều quy định đối tượng hưởng chính sách NOXH "phải chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình, chưa được mua hoặc thuê mua NOXH" hoặc “có nhà ở thuộc sở hữu của mình nhưng diện tích nhà ở bình quân đầu người trong hộ gia đình thấp hơn mức diện tích nhà tối thiểu".
Nếu một người nào đó muốn "lách" thì không khó khi họ để cho người thân khác đứng tên sở hữu nhà. Như vậy, "người đó" chứng minh được mình "chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình" hoặc "có nhà ở, nhưng ở chật".
Điểm a khoản 1 Điều 75 quy định điều kiện của đối tượng hưởng chính sách NOXH "phải chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình, chưa được mua hoặc thuê mua NOXH, chưa được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở dưới mọi hình thức tại nơi sinh sống, làm việc" nhưng một người cũng có thể chuyển đổi nơi sinh sống, làm việc nhiều lần, nên cần phải được quy định chặt chẽ hơn.
Tiếp theo là nguyên nhân từ tiêu chí "điều kiện về thu nhập" của đối tượng hưởng chính sách NOXH. Điểm b khoản 1 Điều 51 Luật Nhà ở 2014 và điểm b khoản 1 Điều 75 Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đều quy định đối tượng hưởng chính sách NOXH "phải thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập đối với các khoản thu nhập từ nhà tiền công, tiền lương theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân". Quy định này có các "lỗ hổng" và cũng là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng "người giàu tranh suất mua nhà ở xã hội" hoặc có "người giàu ở lẫn" trong các chung cư NOXH vừa qua.
Do vậy, Hiệp hội đề nghị điều chỉnh, sửa đổi nhiều nội dung quan trọng trong các quy định tại luật. Điển hình như: Sửa đổi Điều 4 Luật Thuế thu nhập cá nhân và khoản 1 Điều 75 Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Hiệp hội cũng nhất trí với Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) chỉ quy định các điều kiện để được mua, thuê mua NOXH và nới rộng điều kiện cho đối tượng được thuê NOXH để khuyến khích dịch chuyển lực lượng lao động và thu hút nhân tài…
Sơn Nhung
Người lao động
|