Chân dung Gamuda Land
Tại Việt Nam, Gamuda Land nổi tiếng với hai dự án bất động sản là Gamuda City tại TP Hà Nội và Celadon City tại TPHCM. Gần đây, Tập đoàn bất động sản này cũng vừa thâu tóm dự án Uni Galaxy tại Bình Dương với giá trị hàng ngàn tỷ đồng.
Gamuda Land thành lập vào năm 1995, là bộ phận phát triển bất động sản của Gamuda Berhad (thành lập 1976) - tập đoàn hàng đầu tại Malaysia với 40 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng, phát triển hạ tầng và bất động sản theo hình thức chìa khóa trao tay (turnkey) và xây dựng - vận hành - chuyển giao (Build - Operate - Transfer, BOT). Mạng lưới kinh doanh của Tập đoàn phủ sóng nhiều quốc gia trong khu vực châu Á và Vương quốc Anh.
Các lĩnh vực kinh doanh chính của Gamuda Berhad
Vào tháng 03/2023, Công ty xây dựng Gamuda Bhd đã mua lại trụ sở sắp bị bỏ trống của Deutsche Bank ở London với giá 257 triệu bảng Anh (315 triệu USD), trở thành một trong những vụ mua bán bất động sản lớn nhất của thành phố này trong năm nay.
Bộ phận phát triển bất động sản Gamuda Land hướng tới phát triển quỹ đất chiến lược tại Malaysia, Việt Nam, Singapore, Úc và Vương quốc Anh với việc phát triển các khu đô thị với quy mô lớn, bất động sản cao tầng và bất động sản thương mại.
Mạng lưới hoạt động của Gamuda Berhad trên thế giới
Theo báo cáo tổng hợp niên độ tài chính 2022, Gamuda Land đem về 2.7 tỷ MYR doanh thu (khoảng 594 triệu USD), tăng 111% so với niên độ trước; lãi thuần 74 triệu USD, gấp đôi so với năm trước đó. Doanh số bán hàng của của khối bất động sản tăng lên mức cao nhất lịch sử Tập đoàn với 4 tỷ MYR (880 triệu USD), giá trị doanh số các hợp đồng đặt trước (unbilled sales) là 6.2 tỷ MYR (khoảng 1.4 tỷ USD).
Tổng quỹ đất (bankland) lên đến 2,832 mẫu Anh (tương đương 1,146 ha), số dư tổng giá trị phát triển dự án (Gross Development Value - GDV) là 52 tỷ MYR, tương đương khoảng hơn 11 tỷ USD.
Doanh số bán hàng khối bất động sản qua các năm (Đvt: Triệu MYR)
Nguồn: Gamuda Berhad
Năm 2022, khối bất động sản (Gamuda Land) có tổng 58.5 triệu USD tồn kho bất động sản đã thanh toán; số dư bất động sản đã hoàn thành chưa mở bán là 138.6 triệu USD, trong đó 14% là đất liền và 86% là nhà cao tầng. Doanh số các hợp đồng đặt trước tại thị trường nội địa Malaysia chiếm phần đa, còn lại là từ nước ngoài.
Nguồn: Gamuda Berhad
Xét theo khu vực, năm 2022, doanh số bán hàng ở Việt Nam và Singapore vẫn duy trì tốt. Tập đoàn cho biết tại Việt Nam, dòng vốn đầu tư trực tiếp chảy vào mạnh, thị trường bất động sản được hưởng lợi nhờ thu nhập khả dụng của người dân cải thiện và triển vọng thu nhập trong tương lai. Song song đó, xu hướng đô thị hóa và sự trỗi dậy của tầng lớp trung lưu đã mang về kết quả tích cực cho hai dự án ở TPHCM và Hà Nội. Khoảng tháng 10/2021, tập đoàn cũng đã thâu tóm quỹ đất rộng 5.6 ha tại Thành phố mới Bình Dương từ CTCP Kinh doanh và Phát triển Bình Dương (Becamex TDC) để chuẩn bị cho việc phát triển một khu phức hợp sắp tới.
Tại Singapore, chung cư cao cấp OLA đã bán hết với tổng giá trị phát triển dự án (GDV) 660 triệu SGD (448 triệu USD). Còn ở Úc, sau khi hoàn thành tòa nhà căn hộ 30 tầng - 661 Chapel St khu vực trung tâm Melbourne, Tập đoàn tiếp tục thâu tóm thêm 2,600 m2 đất ở số 272 Normanby Road, Melbourne để phát triển một tòa tháp dân cư 20 tầng. Tại Anh, Gamuda Land sẽ phát triển các căn hộ tại một quận giàu có của London là West Hampstead.
“Hoạt động phát triển bất động sản của chúng tôi có kết quả tốt, nhất là ở Việt Nam, doanh số của dự án Celadon City tiếp tục được đẩy nhanh và đóng góp phần lớn vào lợi nhuận của chúng tôi”, Giám đốc Tập đoàn - ông Ybhg Dato’ Lin Yun Ling cho hay trong báo cáo tổng hợp 2022.
Ông Tan Sri Dato Setia Haji Ambrin bin Buang (74 tuổi), tham gia vào HĐQT của Gamuda Berhad vào ngày 28/09/2018 và được tái bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT Gamuda Bhd vào ngày 01/02/2023; ông đồng thời cũng là Giám đốc của Lingkaran Trans Kota Holdings Berhad và Yayasan Pelaburan Bumiputra. Ông có bằng Cử nhân Kinh tế của Đại học Malaysia và bằng Thạc sĩ Kinh doanh Quốc tế của Đại học South Carolina, Mỹ.
Từ 1971 - 1979, ông làm việc tại Bộ Công thương Malaysia, sau đó từ năm 1981 ông được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Giám đốc - Ban Công nghiệp Nhỏ rồi làm việc tại Ủy ban Công nghiệp Gỗ Malaysia từ năm 1982 - 1987. Năm 2006 - 2017, ông được bổ nhiệm làm Tổng Kiểm toán Nhà nước Malaysia. Ngoài ra, ông đã từng làm nhiều công việc khác quan trọng trong Chính phủ Malaysia.
Ban lãnh đạo của Gamuda Land
Ông Chu Wai Lune
Giám đốc điều hành hiện tại của Gamuda Land là ông Chu Wai Lune, 48 tuổi, tốt nghiệp ngành Kỹ thuật kết cấu công trình và Kỹ thuật xây dựng dân dụng (Civil and Structure Engineering), Đại học Kebangsaan Malaysia. Ông có bằng MBA Đại học Wawasan Open.
Ông bắt đầu sự nghiệp với Gamuda Engineering vào năm 2008, thông qua việc hoàn thành dự án đường đôi điện khí hóa (EDTP) trước khi chuyển đến Gamuda Land vào năm 2016 với tư cách là Giám đốc dự án. Ông giữ chức Giám đốc điều hành (General Manager) năm sau đó và chịu trách nhiệm quản lý Bandar Botanic, các khu đô thị mới của Gamuda Land - twentyfive7 và Gamuda Gardens. Năm 2021, ông làm Giám đốc dự án của Gamuda Land và sau làm Giám đốc vận hành (COO) của Gamuda Land. Tháng 01/2023, ông được bổ nhiệm làm CEO.
Cơ cấu cổ đông của Gamuda Berhad
Nguồn: Gamuda Berhad, tính tới ngày 31/05/2023
Cơ cấu cổ đông của Gamuda Berhad bao gồm cả tư nhân và Nhà nước. Trong top 10 cổ đông lớn nhất, nắm giữ 46.6% vốn của Gamuda Berhad; cổ đông lớn nhất nắm 16% là Permodalan Nasional Berhad (PNB) - một trong những công ty quản lý quỹ lớn nhất Malaysia, thành lập năm 1978.
Cổ đông lớn thứ hai là Emloyees Provident Fund Board (nắm 3%) - một trong những quỹ hưu trí lớn nhất và lâu đời nhất được thành lập vào năm 1951. Cổ đông lớn thứ ba nắm 5% là Kumpulan Wang Persaraan (Diperbadankan) - một quỹ hưu trí dịch vụ công của Malaysia, thành lập vào năm 2007.
Trong nửa đầu niên độ tài chính 2023, kết thúc ngày 31/01/2023, lãi thuần của Tập đoàn đạt 1.4 tỷ MYR (308 triệu USD), gấp hơn ba lần so với con số 329 triệu MYR (72 triệu USD) của cùng kỳ niên độ trước. Lợi nhuận được đóng góp phần lớn từ tiền thu một lần của việc thoái vốn 4 đường cao tốc. Nếu trừ đi khoảng này, lợi nhuận từ các hoạt động lõi (bất động sản và xây dựng) trong nửa đầu niên độ 2023 vào khoảng 385 triệu MYR (khoảng 85 triệu USD), tăng 17% so với cùng kỳ năm trước.
Lợi nhuận nước ngoài của Gamuda chủ yếu từ các dự án ở Việt Nam và Úc, đóng góp 36% trong tổng cơ cấu lợi nhuận ròng, so với mức chỉ 18% trước đó. Trong thời gian này, doanh thu Tập đoàn đạt 3.7 tỷ MYR (810 triệu USD), tăng 27% so với mức 2.9 tỷ MYR (680 triệu USD) cùng kỳ năm trước.
Tính riêng trong quý 2 (từ 11/2022 - 01/2023), doanh thu tăng 32%, lên 2.2 tỷ MYR (484 triệu USD); lãi ròng của Doanh nghiệp tăng 10%, lên 195 triệu MYR (43 triệu USD), trong đó lợi nhuận từ nước ngoài tăng gấp 3 lần.
Nửa đầu năm tài chính 2023, khối bất động sản (Gamuda Land) ghi nhận tổng doanh số 1 tỷ MYR (220 triệu USD), cùng kỳ năm trước đạt 1.9 tỷ MYR (418 triệu USD). Dự án OLA ở Singapore gần như bán hết vào năm trước và Celadon City ở TPHCM cũng gần bán xong. Trong tương lai, dự kiến doanh số sẽ cao hơn nhờ ra mắt dự án mới là Artisan Park ở Thành phố mới Bình Dương và Elysian Thủ Đức (TPHCM).
Tổng doanh số nước ngoài đạt 0.3 tỷ MYR (66 triệu USD) với dự án Artisan Park, Việt Nam và West Hampstead Central, Vương Quốc Anh là những nguồn thu đóng góp nhiều nhất khi bộ phận dự án Celadon City ở TPHCM gần như hoàn thành. Theo đó, triển vọng kinh tế đang rất tốt với đầu tư trực tiếp nước ngoài nhiều và tạo nhiều việc làm, sự cải thiện trong thu nhập khả dụng của dân cư. Một ví dụ điển hình là tại Thành phố mới Bình Dương - nơi có những yếu tố quyết định, bao gồm việc tập trung vào công nghệ và sản xuất tiên tiến; sự hợp tác chặt chẽ giữa các công ty đa quốc gia tạo nên công nghệ cao và các cụm liên kết sáng tạo; từ đó có được nguồn nhân lực chất lượng cao cùng với thu nhập khả dụng cao. Doanh thu ở Artisan Park do đó được hỗ trợ và Gamuda dự báo sẽ bán đầy đủ trong 6 tháng tới.
Tính tới ngày 31/01/2023, Tập đoàn có khối tài sản xấp xỉ 19 tỷ MYR (khoảng 4.2 tỷ USD), trong đó tổng nợ phải trả là 8.7 tỷ MYR (1.9 tỷ USD), còn lại là vốn chủ sở hữu. Đòn bẩy tài chính Công ty tương đối cao với tỷ lệ nợ 0.84 lần vốn chủ sở hữu.
Biến động giá cổ phiếu
Gamuda Berhad niêm yết trên Mainboard của Kuala Lumpur Stock Exchange (KLSE), nay là Bursa Malaysia, năm 1992
Cổ phiếu của Gamuda Berhad được niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Kuala Lumpur (nay là Bursa Malaysia) vào tháng 10/1992. Giá cổ phiếu Gamuada Bhd (Bursa Malaysia: 5398), tăng 13% từ đầu năm cho đến nay (01/06) và tăng 84% trong vòng 5 năm qua, giao dịch với giá 4.26 MYR/cp (tương đương gần 21,980 đồng/cp) trong phiên 02/06/2023. Tính tới ngày 08/06/2023, vốn hóa thị trường của Công ty đạt gần 11 tỷ MYR (khoảng 2.3 tỷ USD).
Từ năm 2007, Gamuda Land đã chọn Việt Nam là điểm đến đầu tiên cho hành trình vươn ra thế giới của mình. Năm 2022, tại Việt Nam, Gamuda Land đạt tổng doanh thu 290 triệu USD, vượt qua cả các thị trường lớn mạnh như Úc, Singapore, Đài Loan.
Tại Việt Nam, Gamuda Land có 4 pháp nhân gồm CTCP Gamuda Land (HCMC), Công ty TNHH Gamuda Land Việt Nam, Công ty TNHH Gamuda Land Bình Dương và Công ty TNHH Đầu tư Gamuda Land Nam Việt.
Công ty TNHH Gamuda Land Việt Nam (GLVN) được Tập đoàn Gamuda Berhad thành lập năm 2007 để thực hiện dự án Công viên Yên Sở theo hình thức BT (Build - Transfer, Xây dựng - Chuyển giao) và phát triển khu đô thị Gamuda City với quy mô 500ha, ước tính tổng giá trị phát triển dự án là 13.7 tỷ MYR (khoảng 2.95 tỷ USD). Tổng vốn đầu tư công bố 5 tỷ USD, với 5 phân khu chính gồm công viên Yên Sở, khu dân cư Gamuda Lakes và Gamuda Gardens, hai khu thương mại Gamuda Central và Gamuda Plaza.
Công viên Yên Sở tại Hà Nội
Khu đô thị Gamuda Gardens, tại quận Hoàng Mai, TP Hà Nội
Năm 2016, Công ty có vốn điều lệ 2,732.58 tỷ đồng. Sau đó, vốn điều lệ tăng lên 4,588 tỷ đồng vào tháng 11/2019, nhưng chỉ một tháng sau giảm xuống còn 3,818 tỷ đồng. Một năm sau đó, Công ty lại tiếp tục tăng vốn lên 6,240 tỷ đồng. Tính đến ngày 15/04, người đại diện pháp luật của Công ty là James Lai Siaw Pin (sinh năm 1987, quốc tịch Malaysia), đồng niên với người tiền nhiệm là ông Liew Bing Fooi (quốc tịch Malaysia).
Ông James Lai Siaw Pin - Tổng Giám đốc GLVN
Năm 2009, Gamuda Land (HCMC) Sdn Bhd cùng với CTCP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín thành lập CTCP Đầu tư Bất động sản Sài Gòn Thương Tín Tân Thắng - tiền thân của CTCP Gamuda Land (HCMC) với vốn điều lệ 1,070 tỷ đồng. Trong đó, CTCP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín nắm 30%, Gamuda Land (HCMC) Sdn Bhd 60% và bà Châu Kim Yến 10%. Lúc này, ông Fooh Choon Hee (sinh năm 1959) làm Tổng Giám đốc. Theo cập nhật thay đổi mới nhất, vốn điều lệ Công ty đã tăng lên 1,268 tỷ đồng, trong đó Gamuda Land (HCMC) sở hữu 98%, Tổng Giám đốc là ông Liew Bing Fooi.
Ông Liew Bing Fooi - Tổng Giám đốc Gamuda Land (TPHCM)
Tại TPHCM, Gamuda Land có dự án Celadon City có quy mô 82.6 ha, công viên sinh thái rộng 16.4 ha; nằm tại cửa ngõ giao thông huyết mạch kết nối với nhiều tuyến đường trọng điểm như Lê Trọng Tấn, Tân Kỳ Tân Quý, Cộng Hòa, Trường Chinh. Tổng giá trị phát triển dự án ước tính ở mức 5.6 tỷ MYR (1.2 tỷ USD).
Các phân khu của dự án, bao gồm khu Ruby, khu Emerral và các khu của Diamond (Diamond Brilliant, Diamond Centery, Diamond Alnata Plus, Diamond Alnata).
Ông Liew Bing Fooi cũng là đại diện pháp luật của Công ty TNHH Gamuda Land Bình Dương. Công ty thành lập vào tháng 01/2022 với số vốn điều lệ ban đầu là 1,250 tỷ đồng; nhưng đến tháng 4/2022, vốn điều lệ của Công ty giảm xuống còn 460 tỷ đồng. Cùng thời điểm này, vào cuối tháng 4, Công ty TNHH Đầu tư Gamuda Land Nam Việt Nam (tiền thân của Công ty TNHH Đầu tư Gamuda Land Nam Việt) được thành lập, với số vốn điều lệ ban đầu là 2 tỷ đồng. Người đại diện pháp luật không ai khác chính là Tổng Giám đốc Liew Bing Fooi. Công ty này hoạt động chính là tư vấn, môi giới, đấu giá bất động sản, đấu giá quyền sử dụng đất; đến ngày 16/05/2022, ngành nghề chính đổi thành kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê.
Những năm gần đây, Gamuda Land liên tục thực hiện các thương vụ mua bán sáp nhập (M&A) để mở rộng quy mô tại Việt Nam. Năm 2022, Gamuda Land hoàn tất hai thương vụ lớn; trong đó có việc mua lại toàn bộ dự án khu nhà ở thương mại dãy phố Ngân Hà (Uni Galaxy) từ Becamex TDC với tổng giá trị chuyển nhượng gần 1,300 tỷ đồng (tương đương khoảng 54 triệu USD) thông qua Công ty TNHH Gamuda Land Bình Dương. Dự án này có diện tích hơn 56,000 m2, tại phường Hòa Phú, TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Chiếu theo giá trị chuyển nhượng, ước tính mỗi mét vuông đất dự án này là gần 23 triệu đồng.
Dự án khu nhà ở thương mại Uni Galaxy ở Bình Dương - Ảnh: Becamex
Chưa dừng lại ở đó, tháng 07/2022, Gamuda Land sáp nhập một doanh nghiệp nội địa, qua đó sở hữu dự án Elysian tại TP. Thủ Đức (TPHCM). Theo báo cáo từ Gamuda, dự án này có 1,390 căn hộ với tổng giá trị phát triển dự án (GDV) xấp xỉ 250 triệu USD.
M&A là một trong những phương thức chính để Gamuda mở rộng quy mô hoạt động tại Việt Nam. Tại một hội thảo kinh tế năm 2021, Tổng Giám đốc Gamuda Land (HCMC) - ông Liew Bing Fooi cho biết doanh nghiệp đã thông qua nhiều phương án đầu tư, sẵn sàn rót thêm hàng tỷ USD vào Việt Nam để mở rộng quỹ đất dưới nhiều phương thức như mua bán và sáp nhập, chuyển nhượng, đấu thầu… Mục tiêu trong 5 năm tới, Tập đoàn ra mắt từ 10 - 15 dự án mới. Mở rộng danh mục và đa dạng hóa các sản phẩm để đáp ứng nhu cầu bất động sản tại Việt Nam.
Kha Nguyễn
FILI
|