Lâm Đồng yêu cầu chủ khách sạn Merperle Dalat Hotel triển khai dự án đúng tiến độ
Ngày 26/06, UBND tỉnh Lâm Đồng có văn bản nêu ý kiến về việc đầu tư xây dựng dự án Merperle Dalat Hotel của Công ty Khải Vy.
Theo văn bản, UBND tỉnh Lâm Đồng thống nhất với báo cáo, kiến nghị của Sở Xây dựng kết quả kiểm tra việc chấp hành pháp luật về đầu tư xây dựng tại dự án khách sạn Merperle Dalat Hotel, số 1 Hùng Vương, phường 10, TP. Đà Lạt do CTCP Khải Vy làm chủ đầu tư.
UBND tỉnh yêu cầu chủ đầu tư triển khai thi công dự án theo đúng tiến độ được gia hạn, giấy phép xây dựng và hồ sơ thiết kế được phê duyệt.
Vào tháng 3, UBND tỉnh Lâm Đồng cho phép điều chỉnh thời gian đưa đất vào sử dụng và tiến độ thực hiện dự án. Tỉnh thống nhất gia hạn đưa đất vào sử dụng của Khải Vy đến hết tháng 12/2023, đồng thời điều chỉnh tiến độ dự án phù hợp với thời gian gia hạn đưa đất vào sử dụng đã điều chỉnh.
Được biết, dự án khách sạn Merperle Dalat Hotel trên tổng diện tích đất 11,759 m2; quy mô xây dựng khách sạn tiêu chuẩn quốc tế 5 sao, gồm 402 phòng lưu trú và dịch vụ đi kèm.
Phối cảnh khách sạn Merperle Dalat Hotel
|
Dự án trước đây có tên là khách sạn Sài Gòn mới. Năm 2009, dự án được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Thương mại Sài Gòn, mục tiêu dự án là xây dựng khách sạn đạt tiêu chuẩn quốc tế 5 sao. Đến tháng 10/2018, UBND tỉnh Lâm Đồng đồng ý chủ trương điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư chấp thuận cho CTCP Tập đoàn Khải Vy thực hiện dự án và đổi tên thành Merperle Dalat Hotel. Mục tiêu của dự án vẫn giữ nguyên là công trình khách sạn đạt tiêu chuẩn quốc tế 4 - 5 sao, gồm 10 tầng (không tính 2 tầng hầm), chiều cao không quá 43 m; tổng vốn đầu tư của dự án là 1,000 tỷ đồng.
Vào tháng 07/2021, UBND tỉnh cho phép CTCP Tập đoàn Khải Vy (nay đổi tên thành CTCP Khải Vy) chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất thương mại, dịch vụ để thực hiện dự án Merperle Dalat Hotel với diện tích đất chuyển mục đích là 1,455 m2. Thời hạn sử dụng đất đến hết ngày 30/03/2059, hình thức thuê đất trả tiền hàng năm.
Hồi tháng 07/2021, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam – Chi nhánh Phú Tài (BIDV Phú Tài) thông báo đấu khoản nợ của CTCP Tập đoàn Khải Vy với tổng dư nợ là hơn 1,035 tỷ đồng; trong đó dư nợ gốc 409.2 tỷ và dư nợ lãi là 626.3 tỷ đồng. Giá đấu khởi điểm là gần 754.9 tỷ đồng.
Tài sản bảo đảm của khoản nợ là quyền sử dụng đất và công trình trên đất (tòa nhà Crystal Palace) tại Lô C17-1-2, phường Tân Phú, quận 7, TPHCM (địa chỉ mới: số 13 đường Nguyễn Lương Bằng, phường Tân Phú, quận 7, TPHCM). Diện tích lô đất là 2,675 m2, là đất thương mại dịch vụ, có thời hạn sử dụng đến ngày 16/06/2058.
Ngoài ra, số nợ trên còn được bảo đảm bằng một số tài sản khác như 266.2 ha cây keo lai và 100.8 ha cây cao su tại rừng trồng tại tiểu khu 1694, 1695, 1696 - Lâm trường Đắk Hà thuộc địa giới hành chính xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông; 6 xe ô tô các loại; gần 8.7 triệu cổ phần do CTCP Hòn Tằm biển Nha Trang phát hành; các khoản phải thu với tổng giá trị hơn 51 tỷ đồng (tại thời điểm nhận thế chấp 04/07/2014) của CTCP Tập Đoàn Khải Vy tại CTCP Hòn Tằm biển Nha Trang; các máy móc thiết bị sản xuất đồ gỗ của CTCP Tập Đoàn Khải Vy.
Bên cạnh đó còn có tài sản bảo đảm khác gồm công trình xây dựng trên đất, máy móc thiết bị sản xuất gỗ của Công ty TNHH TM SX Duyên Hải tại KCN Long Mỹ, xã Phước Mỹ, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định; hơn 10 ha đất tại thửa đất số 238, 11 và lô A6-A7-A8 khu công nghiệp Long Mỹ, xã Phước Mỹ, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định – đây là thuê đất của CTCP Đầu tư và Xây dựng Bình Định. Công trình xây dựng trên đất, máy móc thiết bị sản xuất đồ gỗ của Công ty TNHH TM SX Khải Vy Quy Nhơn tại KCN Long Mỹ; Thửa đất số 240, 11 và lô AI-11 và lô AI-12, KCN Long Mỹ với diện tích đất hơn 7.6 ha với thời hạn sử dụng đến 31/12/2048. Cuối cùng là các máy móc thiết bị sản xuất đồ gỗ của CTCP Đầu tư và Phát triển Khải Vy.
Khải Vy là ai?
CTCP Khải Vy được thành lập 2000 với tên gọi ban đầu là CTCP Tập đoàn Khải Vy (tiền thân là Nhà máy Chế biến gỗ Duyên Hải); trụ sở tại số 30 lô K Hoàng Quốc Việt nối dài, phường Phú Mỹ, quận 7, TPHCM. Các cổ đông sáng lập gồm ông Đoàn Văn Trang (giữ chức Chủ tịch HĐQT), bà Mai Thị Mai (vợ ông Trang), và ông Nguyễn Quốc Bảo. Vào tháng 01/2018, Công ty đăng ký thay đổi vốn điều lệ từ 713 tỷ xuống còn 173 tỷ đồng. Tháng 03/2019, tăng vốn lệ gần 359 tỷ đồng. Tháng 10/2019, ông Nguyễn Quốc Bảo làm Chủ tịch HĐQT thay bà Trang.
Ông Đoàn Văn Trang
|
Tháng 10/2021, tức thời điểm sau “lùm xùm” BIDV đấu giá khoản nợ xấu hơn ngàn tỷ, Công ty đổi tên thành Khải Vy như hiện nay. Sau đó, Công ty có nhiều lần tăng và giảm vốn điều lệ, đến nay công ty chuyển trụ sở về tầng 4 tòa nhà Crystal Palace số 13 Nguyễn Lương Bằng, quận 7, vốn điều lệ còn 176 tỷ đồng và ông Bảo làm Tổng Giám đốc.
Năm 2007, Khải Vy thành lập CTCP Hòn Tằm Nha Trang để thực hiện khu du lịch Merperle Hòn Tằm Resort 114 ha, tổng vốn đầu tư 42 triệu USD. Không lâu sau, tập đoàn này chi thêm 580 tỷ đồng xây dựng Trung tâm hội nghị tiệc cưới Crystal Palace (khu đô thị Phú Mỹ Hưng, quận 7, TPHCM) và trở thành chủ đầu tư dự án khu dân cư, thương mại Khải Vy (quận 7, TPHCM), tổng vốn 8,231 tỷ đồng.
Thu Minh
FILI
|