Không đi thì lỡ lời nguyền…
Nhiều người nói vui rằng: “Hành lang kinh tế Đông- Tây” có từ thời… Chợ Phiên Cam Lộ! Đó là ngôi chợ đưa người hai phía Đông- Tây của dãy Trường Sơn về hội ngộ bên dòng sông Hiếu, để “măng le đưa xuống, cá chuồn chở lên”. Chợ Phiên- ngôi chợ có bề dày năm thế kỷ, một trung tâm thương mại nổi tiếng ở Đàng Trong đã được nhà bác học Lê Quý Đôn miêu tả sinh động trong “Phủ biên tạp lục”. Tuy nhiên, điều độc đáo làm nên khác biệt của ngôi chợ này không chỉ sản vật giao thương, mà mỗi tháng chợ chỉ họp sáu phiên (mồng 3, 8 và 13, 18, 23, 28 âm lịch) như lời ca dao còn truyền tụng đến bây giờ: “Năm ngày một buổi chợ Phiên/ Không đi thì lỡ lời nguyền với em”.
Chợ Phiên nằm ở huyện lỵ Cam Lộ, sát bên bờ sông Hiếu, từ Cửa Việt lên đây chỉ hơn 10 ki-lô-mét. Chợ Phiên lại nằm trên trục Đường 9, từ đây lên Lao Bảo - cửa khẩu biên giới Việt-Lào chỉ hơn 70 km. Với vị trí thuận lợi, chợ Phiên Cam Lộ đã ra đời rất sớm, ngay từ thế kỷ XVI đã trở thành một trung tâm giao thương sầm uất ở xứ Đàng Trong, chỉ sau Hội An. Năm 1776, Lê Quý Đôn khi đi qua chợ Phiên Cam Lộ đã viết trong Phủ biên tạp lục: “Đến ngày phiên, người Lào về đông lắm, họ dùng voi thồ nếp, gạo, heo, bò, trâu, ngà voi, tê giác, sáp ong, nhựa thông, trầm hương, tốc hương, sa nhân, sợi móc làm nón...đến phiên chợ đổi, mua những hạng vật cần thiết. Sản phẩm mang về chủ yếu cá khô, muối, vải, dao, rựa, đồ sắt, lưỡi cuốc, nồi đồng...cùng nhiều loại hàng hóa khác. Người Man cũng có phiên chợ chuyên bán các loại hàng hóa và vật dụng xuống Cam Lộ để bán chác. Một con voi có thể chở được 30 gánh gạo, mỗi gánh chừng 20 bát gạo. Cũng có phiên chợ họ lùa tới 300 con trâu đến bán, mỗi con trâu trị giá không quá 10 quan tiền”. Điều đó khẳng định rằng chợ Phiên Cam Lộ là trung tâm buôn bán sầm uất nhất khu vực Bắc Trung Bộ vào thế kỷ XVII, XVIII. Ngày xưa, việc di chuyển, vận tải chủ yếu bằng đường thủy. Vì vậy, sông Hiếu trở nên quan trọng trong việc kết nối giữa miền xuôi và miền ngược. Vào ngày phiên chợ, thuyền bè từ Cửa Việt tấp nập lên xuống, kể cả ban đêm, tiếng hò rộn rã, xao động mặt sông. Chợ Phiên còn có mặt của người Hoa, họ buôn bán nhiều loại hàng hóa, tạo nên sự sầm uất của phố chợ. Dưới thời chúa Nguyễn, hàng năm có hơn 40 thuyền của người Trung Quốc, Nhật Bản, Bồ Đào Nha, Phi Luật Tân ra vào buôn bán.
Chợ Phiên Cam Lộ ngày nay
|
Hàng hóa ở các địa phương trong tỉnh Quảng Trị đưa đến chợ Phiên thường có, một lượng muối lớn (là mặt hàng đồng bào dân tộc, người Lào ưa thích); các loại mắm mòi, mắm chuồn, mắm nục; guốc gỗ nam nữ các loại, đường tán, đường đọi, đồ nữ trang bằng đồng, bạc. Hàng từ các tỉnh phía nam (Huế, Đà Nẵng) đưa ra và từ các tỉnh phía bắc (Vinh, Hà Nội) đưa vào thì còn có: vải vóc, bánh kẹo, kim chỉ đủ màu, đường, chiếu xứ Quảng... Chợ Phiên đông đúc, náo nhiệt bởi còn có sự góp mặt của người dân tộc thiểu số ở Đakrong, Hướng Hóa, Tà Ôi; họ ở trần, đóng khố, trên vai đeo gùi, bán lâm sản đủ loại: quế, sa nhân, ớt “mọi”, thuốc lá “nguồn”. Người Lào quấn sarong đặc trưng, đến chợ mua bán, chào hàng thủ công của dân tộc họ. Vào phiên chợ, hàng ngàn người chen chúc, trao đổi hàng miền xuôi, miền ngược, không thiếu thứ gì. Chợ đông suốt ngày, ồn ào náo nhiệt như ngày hội.
Cho đến ngày toàn quốc kháng chiến thì chợ Phiên tạm ngưng. Hòa bình lập lại, chợ Phiên mới hồi phục, nhóm họp trở lại.
Chợ Phiên ngày nay bị thu nhỏ rất nhiều, tọa lạc trên một vùng đất bằng phẳng, khoảng 4,000 mét vuông. Trước mặt chợ là đường Hồ Chí Minh nối liền với Quốc lộ 9. Bên cạnh đường thủy thì đường bộ đã phát triển nhanh chóng, giúp giao thông đi lại dễ dàng. Thế nhưng, sự sầm uất, nhộn nhịp của chợ Phiên không còn như xưa, một mặt do nguồn lâm thổ sản ngày càng cạn kiệt; mặt khác các chợ mới mọc lên, các trung tâm thương mại như Đông Hà, Lao Bảo đã thu hút dần khách thương và cả sự thay đổi về hàng hóa và thị hiếu mua sắm.
Tuy vậy, vào các phiên chính, chợ Phiên vẫn đông đúc. Ngày Tết thì chợ như một thế giới nông sản thu nhỏ. Chợ Phiên Cam Lộ là nơi bày bán các chủng loại hàng hóa của người dân địa phương: chuối, mít, cau, măng rừng, gà, vịt, những sản phẩm thủ công đan bằng tre, lá; rồi các đặc sản như: cao lá vằng, hồ tiêu. Bà Hồ Thị Chắt, người làng An Bình, 91 tuổi vẫn đi chợ Phiên, nhỏ nhẹ bảo tôi: “Từ nhỏ đến giờ, không biết bao lần già này đi chợ Phiên. Già đã ghiền mùi chợ rồi. Mà chợ Phiên ngày Tết thì nhất định phải đi. Mấy buồng chuối mật móc này, ngày Tết cũng được giá lắm, cháu à”. Chuối mật móc, một đặc sản của Quảng Trị, ngày tết nhà nào cũng đặt cúng nải chuối trên bàn thờ ông bà nên có tết “cháy” hàng, một nải chuối cả trăm ngàn đồng.
Một góc chợ Phiên.
|
Ngày cuối năm, trời se lạnh, mưa bụi lất phất. Loanh quanh chợ Phiên một hồi, chúng tôi sà vào quán nước ven chợ. Đặc sản chè lá vằng được đem ra. Lá vằng là thức uống có tác dụng kháng khuẩn, thông huyết, chống các bệnh thiếu máu, cảm hay vàng da. Nước lá vằng thoạt uống có vị đắng nhưng sau ngọt thanh nơi đầu lưỡi. Ngồi nhấm nháp nước chè lá vằng, thấy cô chủ quán xinh tươi, tôi lại lẩm nhẩm câu ca dao: “Ai lên Cam Lộ thì lên/ Sáu phiên một tháng không quên dạ người”. Không ngờ, cô chủ quán cũng đưa mắt cười, lém lỉnh đọc ngân nga: “Anh về hái đậu trồng cà/ Để em đi chợ kẻo mà lỡ phiên/ Lấy chồng phải gánh giang sơn/ Chợ Phiên còn lỡ, giang sơn còn gì?”. Chắc, đây là truyền nhân của ông Tiềm, làng Điếu Ngao, người hò hát nổi tiếng đã làm dậy sóng dòng Hiếu Giang trong những đêm trăng đi thuyền từ Cửa Việt lên chợ Phiên: “Dậy, dậy mà nghe o hò (tu hú) kêu, chèo bẻo kể/ Dậy, dậy mà nghe tiếng dế rền vang/ Dậy, dậy mà nghe chim chàng làng vỗ cánh/ Dậy, dậy bán cho tui cút rượu, kịp đến Chợ Phiên cho khỏi lỗi lời nguyền!”?
Nhà văn Nguyễn Linh Giang - Hội Nhà văn TP.Hồ Chí Minh
FILI
|