Hà Nội chính thức tăng giá nước sạch theo 2 lộ trình
UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định 3541/QĐ-UBND (ngày 7-7-2023) phê duyệt phương án điều chỉnh giá nước sạch sinh hoạt trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Hà Nội tăng giá nước sạch từ 1/7/2023
|
Tăng giá nước sạch theo 2 lộ trình
UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định 3541/QĐ-UBND (ngày 7/7/2023) phê duyệt phương án điều chỉnh giá nước sạch sinh hoạt trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Theo đó, giá bán lẻ nước sạch sinh hoạt điều chỉnh tăng theo 2 lộ trình là: 6 tháng cuối năm 2023 và năm 2024.
Phương án điều chỉnh giá bán lẻ nước sạch sinh hoạt xây dựng với từng nhóm khách hàng sử dụng nước khác nhau.
Cụ thể, với nhóm hộ dân cư, trong 6 tháng cuối năm 2023, mức giá đối với 10m3 đầu tiên (hộ/tháng) được điều chỉnh từ 5,973 đồng/m3 tăng lên 7,500 đồng/m3; từ trên 10-20m3 là 8,800 đồng; từ trên 20-30m3 là 12,000 đồng; từ trên 30m3 là 24,000 đồng.
Từ năm 2024 sẽ là 8,500 đồng/m3 đối với 10m3 đầu tiên; từ trên 10-20m3 là 9,900 đồng; từ trên 20-30m3 là 16,000 đồng; từ trên 30m3 là 27,000 đồng.
Riêng đối với hộ dân thuộc diện gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo, mức giá nước sạch áp dụng tại mức sử dụng nước sạch 10m3 vẫn được giữ nguyên theo mức giá cũ (Quyết định 38/2013/QĐ-UBND) là 5,973 đồng/m3.
Đối với cơ quan hành chính sự nghiệp, đơn vị sự nghiệp, phục vụ công cộng: Trong 6 tháng cuối năm 2023, mức giá được điều chỉnh từ 9,955 đồng/m3 tăng lên thành 12,000 đồng/m3. Từ năm 2024 sẽ là 13,500 đồng/m3.
Đối với đơn vị hoạt động sản xuất vật chất: Trong 6 tháng cuối năm 2023, mức giá được điều chỉnh từ 11,615 đồng/m3 tăng lên thành 15,000 đồng/m3. Từ năm 2024 sẽ là 16,000 đồng/m3.
Đối với đơn vị kinh doanh dịch vụ: Trong 6 tháng cuối năm 2023, mức giá được điều chỉnh từ 22,068 đồng/m3 tăng lên thành 27,000 đồng/m3; từ năm 2024 sẽ là 29,000 đồng/m3.
Giá bán lẻ nước sạch sinh hoạt chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng và phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt.
UBND thành phố giao các đơn vị cấp nước chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc cung cấp nước sạch sinh hoạt bảo đảm chất lượng theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt QCVN 01-1:2018/BYT; tổ chức thực hiện phương án giá nước sạch sinh hoạt được UBND thành phố phê duyệt.
Hằng năm, chủ động rà soát việc thực hiện phương án giá nước sạch sinh hoạt theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 44/2021/TT-BTC ngày 18/6/2021 của Bộ Tài chính quy định về khung giá, nguyên tắc, phương pháp xác định giá nước sạch sinh hoạt.
Phương án điều chỉnh giá bán lẻ nước sạch sinh hoạt:
Tăng giá nước sạch tác động thế nào đến đời sống, thu nhập người dân?
Theo Sở Tài chính Hà Nội, so với giá nước sạch của các tỉnh, thành phố khác, phương án giá điều chỉnh của thành phố Hà Nội tương đương hoặc thấp hơn.
Trong đó, giá nước cho mục đích sinh hoạt mức 1 của hộ gia đình sử dụng đến 10m3/tháng của Hà Nội là 75,000 đồng/hộ; Bình Dương là 101,500 đồng/hộ; Quảng Ninh là 82,000 đồng/hộ; Điện Biên là 80,000 đồng/hộ...
Ngoài ra, phương án điều chỉnh giá nước mới cơ bản không tác động nhiều đến đời sống và thu nhập của người dân.
Cụ thể, trong tổng thu nhập và chi tiêu của một hộ gia đình tại khu vực thành thị trong 1 tháng, tiền nước chỉ chiếm 0.72% (Theo kết quả khảo sát mức sống dân cư năm 2022 do Tổng cục Thống kê công bố, số nhân khẩu bình quân một hộ khu vực thành thị là 3.5 người; khu vực nông thôn là 3.7 người. Mức thu nhập bình quân của người lao động 9 tháng năm 2022 là 6.6 triệu đồng/người; 22.4 triệu đồng/hộ).
Đối với hộ gia đình, theo nhu cầu tiêu dùng nước thực tế tại Hà Nội ở khu vực nội thành (10-16m3/hộ/tháng), số tiền phải chi thêm là 15,000 - 26,000 đồng/tháng; khu vực nông thôn (6-8m3/hộ/tháng), số tiền phải chi thêm 10,000 - 13,000 đồng/tháng.
Đặc biệt, theo tính toán của tổ công tác thẩm định phương án giá nước sạch, phương án điều chỉnh giá nước tác động làm tăng chỉ số giá tiêu dùng khoảng 0.17%, không ảnh hưởng lớn đến giá các loại hàng hóa, dịch vụ có liên quan.
Đánh giá về phương án điều chỉnh giá nước sạch của Hà Nội, Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam Nguyễn Ngọc Điệp cho rằng, nếu tính về cơ cấu chi tiêu, chi tiêu cho nước sạch chiếm rất ít so với tiền điện, điện thoại...
Với nhu cầu sử dụng thực tế hiện nay, giá nước sau khi điều chỉnh có tăng nhưng cũng rất hợp lý. Mức tiền chi tăng thêm này không quá lớn so với chi tiêu tăng thêm của gia đình.
Nhật Quang
FILI
|