Thứ Tư, 05/07/2023 09:41

Tăng giá trần vé bay: Gỡ khó khăn, bù đắp chi phí hãng hàng không

Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng tăng trần vé bay nội địa giúp giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp hàng không để đảm bảo cân đối chi phí, hoạt động hiệu quả.

Tăng trần giá vé máy bay giúp các doanh nghiệp vận tải hàng không tháo gỡ khó khăn, bù đắp chi phí, kinh doanh có hiệu quả. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Liên quan đến việc Bộ Giao thông Vận tải đã gửi công văn đến các đơn vị nhằm lấy ý kiến về việc tăng giá trần vé máy bay, đại diện hãng hàng không và chuyên gia kinh tế khẳng định đây là chủ trương đúng, là giải pháp ngắn hạn nhằm giúp các doanh nghiệp vận tải hàng không tháo gỡ khó khăn, bù đắp chi phí, kinh doanh có hiệu quả.

Trần giá vé vẫn đóng khung 8 năm

Nhìn nhận đây là một trong những đề xuất theo sát tình hình thực tế của ngành khi các chi phí đầu vào có nhiều sự biến động so với khung giá trần đã được ban hành tại thời điểm cách đây 8 năm (tháng 9/2015), phía Vietravel Airlines cho biết trung bình giá vé của các chặng bay do hãng khai thác những năm qua luôn dưới khung giá vé trần theo Thông tư 17 được ban hành từ năm 2015.

“Việc tăng khung giá trần sẽ cho phép các hãng có biên độ điều hành giá vé rộng hơn, giúp hãng chủ động hơn trong việc linh hoạt cân bằng giữa việc đảm bảo giá vé cạnh tranh nhưng vẫn đáp ứng các chi phí đầu vào biến động như thời gian qua,” đại diện Vietravel Airlines nói.

Mặt khác, vào giai đoạn đầu của cao điểm hè 2023, Vietravel Airlines ghi nhận giá vé máy bay kết nối từ Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội đến các thành phố du lịch lớn như Phú Quốc/Quy Nhơn/Đà Nẵng giảm hơn khoảng 18% so với cùng kỳ năm trước.

“Thông tin giá vé máy bay Hè đang cao được đưa ra từ một số đơn vị là chưa sát với tình hình thực tế của thị trường và không phải bức tranh chung của toàn bộ mạng đường bay,” đại diện Vietravel Airlines quả quyết.

Theo ông Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam (VABA), đến nay thị trường vận chuyển hàng không nội địa đã có tính cạnh tranh ngày càng cao, vì vậy, giá dịch vụ phải được điều chỉnh theo cơ chế thị trường. Ở thời điểm hiện tại, nước ta đã có 6 hãng hàng không đang khai thác với đủ các mô hình kinh doanh hàng không (dịch vụ đầy đủ và chi phí thấp) và các thành phần kinh tế khác nhau.

“Trên thị trường hoàn toàn không có đường bay nào khai thác độc quyền, khách hàng dễ dàng tiếp cận dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa với nhiều lựa chọn hãng hàng không. Các nước trên thế giới đều đang đi theo hướng nới lỏng và bỏ các quy định khung giá vé vận tải hàng không,” ông Nề nhấn mạnh.

Bày tỏ chính kiến trần giá vé vẫn đóng khung 8 năm là một sự bất hợp lý bởi mọi chi phí đầu vào hiện nay đã thay đổi, trong đó giá nhiên liệu bay, tỷ giá, lãi suất gần đây đều tăng mạnh, vị Phó Chủ tịch VABA cho rằng việc này gây ra tình trạng thua lỗ cho các hãng bay trong bối cảnh tình hình tài chính của các hãng hàng không kiệt quệ sau đại dịch COVID-19, có nguy cơ đe dọa không chỉ sự phát triển mà cả sự tồn tại trên thị trường.

Ông Nề cũng phân tích thêm, ngành hàng không có tính chất đặc thù theo mùa vụ, do trong giai đoạn cao điểm các đường bay thường khai thác lệch đầu nên nếu khống chế giá trần thì các hãng bay khó cân đối được hiệu quả khai thác 2 chiều của đường bay, dẫn đến hệ quả là thiếu động lực mở đường bay mới hoặc tăng tần suất để đáp ứng nhu cầu đi lại, thậm chí lựa chọn phương án giảm chất lượng dịch vụ để giảm chi phí khai thác.

“Do đó, việc nâng giá trần giá vé trên các đường bay nội địa là chủ trương đúng, là giải pháp ngắn hạn nhằm giúp các doanh nghiệp vận tải hàng không tháo gỡ khó khăn, bù đắp chi phí, kinh doanh có hiệu quả,” ông Nề khẳng định.

Lợi ích người tiêu dùng có bị ảnh hưởng?

Nhiều ý kiến cũng bày tỏ lo ngại nếu nới giá trần thì người tiêu dùng sẽ phải mua vé máy bay cao và chịu nhiều thiệt thòi.

Tuy nhiên, theo Thạc sỹ Nghiêm Anh Thư, Khoa Tài chính Ngân hàng, Đại học Ngoại thương Hà Nội, cùng với sự tham gia của ngày càng nhiều các hãng hàng không tư nhân, thị trường vận chuyển nội địa đã có tính cạnh tranh rất cao về giá vé, với dải giá linh hoạt nhiều mức giá (khoảng 10-15 mức giá), tương ứng với các điều kiện dịch vụ và thời điểm mua khác nhau.

Bà Thư cho biết về nguyên tắc, việc điều chỉnh giá trần đối với giá vé máy bay không được vi phạm các quy định tại Luật Cạnh tranh và Luật Giá và phải dựa trên cơ sở phù hợp các điều kiện thực tế, người dân mới được hưởng quyền lợi.

Thị trường vận chuyển nội địa đã có tính cạnh tranh rất cao về giá vé, với khoảng 10-15 mức giá. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Dẫn chứng, khi một hãng hàng không cung cấp một dịch vụ đòi hỏi một chi phí cao hơn, cụ thể là thông số đầu vào cao hơn thì hoàn toàn có kiến nghị để điều chỉnh khung giá, qua đó sẽ tạo ra nhiều sản phẩm dịch vụ cung cấp cho người dân... Hành khách chọn bay giờ đẹp, loại máy bay hiện đại, với nhiều dịch vụ hơn thì phải chấp nhận giá vé cao hơn. Nếu chọn giờ bay thấp, loại máy bay ít hiện đại hơn thì giá sẽ mềm hơn.

“Vì thế, Chính phủ cũng nên rà soát lại toàn bộ các quy định trong quản lý ngành, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các hãng hàng không tại Việt Nam, khuyến khích và bảo đảm cạnh tranh lành mạnh không phải bằng cách phá giá, mà cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ, bằng sản phẩm ưu việt nhằm mang đến khách hàng sản phẩm dịch vụ tốt nhất...,” bà Thư góp ý.

Đồng tình quan điểm này, ông Nề cho hay trên thị trường có những nhóm khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ với chất lượng cao, có nhu cầu được phụ vụ tốt hơn, đòi hỏi phải có những khoản mục chi phí bổ sung. Việc đóng khung quy định giá trần (lại thống nhất cho tất cả các loại dịch vụ, không phụ thuộc cấu thành và chất lượng) đã hạn chế khả năng của các hãng hàng không cung cấp dịch vụ chất lượng cao hơn.

Đánh giá thị trường lành mạnh khi có sự cạnh tranh, ông Nề cho rằng, việc điều chỉnh tăng giá trần không những không ảnh hưởng đến người tiêu dùng mà còn giúp đa dạng chính sách giá, giúp các hãng hàng không có điều kiện nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ đến khách hàng.

“Việc điều chỉnh tăng trần vé bay nội địa chưa đạt được kỳ vọng nhưng ít nhất cũng giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp hàng không để đảm bảo cân đối chi phí, giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả”, Phó Chủ tịch VABA chia sẻ.

Khẳng định việc tăng giá trần như hiện nay chỉ là giải pháp ngắn hạn, theo ông Nề, về mặt lâu dài, việc bỏ quy định giá trần sẽ khiến thị trường hàng không trở nên hấp dẫn hơn đối với nhà đầu tư, khuyến khích thêm hãng bay mới, tạo điều kiện cho sự phát triển thị trường hàng không và du lịch của Việt Nam./.

Việt Hùng

Vietnamplus

Các tin tức khác

>   Nấm mối, lộc trời ban tặng (01/07/2023)

>   Thu nhập bình quân của người lao động quý 2/2023 là 7 triệu đồng/tháng (30/06/2023)

>   Mua 1 tấm vé bay trọn đời, người đàn ông khiến hãng hàng không lao đao (26/06/2023)

>   Vì sao Bộ Giao thông vận tải bác kiến nghị về giá vé máy bay? (23/06/2023)

>   Bây giờ cải đã lên ngồng (24/06/2023)

>   Quản lý thị trường TP.HCM chờ bán hàng tịch thu trị giá 102 tỷ (23/06/2023)

>   Top 10 thành phố đáng sống nhất trên thế giới năm 2023 (22/06/2023)

>   Chạy đua giảm giá, khuyến mãi (21/06/2023)

>   Vì sao thời gian dùng điều hòa như nhau nhưng trời nóng tốn điện hơn? (20/06/2023)

>   Bộ GTVT đề xuất tăng trần giá vé máy bay, Bộ Tài chính nói gì? (17/06/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật