Không thể giảm tuổi nghỉ hưu?
Quy định tuổi nghỉ hưu nam 62, nữ 60 khiến người lao động chân tay cảm thấy khó làm việc đến tuổi nghỉ hưu. Tuy nhiên, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, vấn đề tuổi nghỉ hưu đã được xem xét kỹ lưỡng, tổng thể các mặt liên quan.
Khó chờ đến tuổi nghỉ hưu
Chị Lê Thị Xuyên (40 tuổi, làm việc tại một công ty sản xuất giấy ở Bình Dương) chia sẻ, sau 18 năm làm việc chân tay, đến nay sức khoẻ của chị đã giảm sút đáng kể.
Nhiều lần chị tự động viên mình cố gắng làm đủ thời gian đóng BHXH để về hưu, nhưng nghĩ đến cảnh phải làm việc thêm 18 -19 năm nữa mới đủ tuổi hưu chị lại thấy “bất lực” vì biết công việc nặng nhọc chị không thể kham nổi.
“Những người làm nghề lao động chân tay như chúng tôi bước sang tuổi 45-50 thì mắt mờ, chân chậm, nhiều nơi ở tuổi này doanh nghiệp sẽ tìm cách sa thải do sức khoẻ không đáp ứng được công việc.
Khi mất việc chúng tôi thường nghĩ ngay đến việc rút BHXH một lần để trang trải cuộc sống, bởi thực tế việc phải chờ 15-20 năm nữa mới được hưởng lương hưu thì từng ấy năm chúng tôi biết lấy gì để sống.
Đối với người lao động chân tay nặng nhọc, Nhà nước cần nghiên cứu điều chỉnh quy định nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi được nghỉ hưu thì phù hợp hơn”, chị Xuyên nói.
Người lao động chân tay nặng nhọc sẽ rất khó làm việc đến năm 60 tuổi. (Ảnh: Hoàng Hà)
|
Chia sẻ của chị Xuyên cũng là nỗi niềm của không ít công nhân, người lao động làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Nhiều lao động, nhất là lao động nữ đến tuổi 40 đã bị doanh nghiệp chấm dứt hợp đồng, nhiều người sau khi mất việc rất khó tìm việc làm mới nên không thể tiếp tục tham gia BHXH cho đến tuổi về hưu.
Mới đây, Ban Dân nguyện Quốc hội cũng gửi tới Chính phủ kiến nghị của cử tri 10 tỉnh thành đề nghị xem xét giảm tuổi nghỉ hưu xuống 55 tuổi đối với nữ và 60 tuổi đối với nam cho công nhân lao động trực tiếp tại khu công nghiệp, người làm các công việc nặng nhọc, độc hại, giáo viên mầm non. Lý do là nhằm hạn chế rút BHXH một lần và người lao động có cơ hội nhận lương hưu khi về già.
Giữ nguyên quy định về tuổi nghỉ hưu
Về vấn đề tuổi nghỉ hưu, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, trong quá trình lấy ý kiến của người dân đối với Luật BHXH sửa đổi, ngoài ý kiến giảm tuổi nghỉ hưu còn đề nghị tuổi hưởng lương hưu với giáo viên mầm non thấp hơn tối đa 5 năm so với tuổi quy định.
Bổ sung quy định người lao động đóng BHXH 30 năm trở lên đối với nữ, 35 năm đối với nam mà có yêu cầu thì được hưởng lương hưu ở tuổi thấp hơn tối đa 5 tuổi so với tuổi quy định…
Bộ LĐ-TB&XH khẳng định giữ nguyên tuổi nghỉ hưu như dự thảo vì chế độ hưu trí nhằm đảm bảo nguồn thu nhập hằng tháng cho người lao động khi về già.
Vấn đề này Trung ương đã thảo luận kỹ trong đề án cải cách chính sách BHXH và thống nhất thông qua Nghị quyết 28/2018 về cải cách chính sách BHXH.
Trong quá trình nghiên cứu, xây dựng Bộ luật Lao động năm 2019, vấn đề tuổi nghỉ hưu được trao đổi, thảo luận và đánh giá một cách kỹ lưỡng, tổng thể các mặt có liên quan.
Chính vì vậy, Bộ luật Lao động năm 2019 quy định việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu hay điều kiện về tuổi hưởng lương hưu của người lao động không thực hiện tăng ngay lên 62 tuổi đối với nam và 60 tuổi đối với nữ mà theo lộ trình.
Quan điểm của Bộ LĐ-TB&XH trong lần sửa đổi Luật BHXH này là kế thừa từ quy định về tuổi nghỉ hưu của Bộ luật Lao động năm 2019 để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất…
Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Chính sách - Pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, theo Bộ luật Lao động mới sửa đổi và tinh thần Nghị quyết 28, đã có lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu nam đủ 62 tuổi, nữ 60 tuổi. Do vậy nếu đề xuất giảm tuổi hưu sẽ rất khó.
Tuy nhiên, theo ông Quảng, cơ quan soạn thảo Luật BHXH sửa đổi có thể đề xuất bổ sung tăng thêm các đối tượng được về hưu sớm hơn so với quy định hiện hành. Ngoài lao động nặng nhọc, độc hại, có thể đề xuất áp dụng với ngành nghề như: Giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học, lao động trực tiếp nặng nhọc… Những đối tượng này được về hưu trước và giữ nguyên chế độ hưởng tối đa 75% lương đóng BHXH.
Vũ Điệp
Vietnamnet
|